Việt Nam Thời Báo

(VNTB)-Tránh bức cung, nhục hình, trại tạm giam không nên trong tay công an

VNTB: Một trong số lần hiếm hoi giới quan chức (chính xác là cựu quan chức) chịu lên tiếng về tình cảnh bức cung, nhục hình đang xảy ra tràn lan và bất nhẫn ở đất nước “không biết đến cuối cuối thế kỷ 21 có được chủ nghĩa xã hội hoàn thiện hay chưa?” của người đứng đầu đảng.

Chỉ tính từ năm 2012 đến nay đã có ít nhất 20 trường hợp “tự nguyện tự tử trong đồn công an” hoặc “bỗng dưng” lăn ra chết sau khi được công an “mời”.

Vụ án Nguyễn Thanh Chấn là một trong những trường hợp được xem là rất điển hình cho nạn bức cung nhục hình ngập ngụa ở Việt Nam. 10 năm tù giam là cái giá mà một công dân lương thiện phải cho một nền tư pháp độc tài muốn làm gì thì làm.

Nhưng nếu trại tạm giam không nằm trong “tay” ngành công an mà rất dễ bị các điều tra viên và quản giáo dữ dằn “ra tay” đối với người đang còn trong quá trình điều tra, loại hình trại này nên thuộc cơ quan nào?

Hiện nay, trên thế giới có hai phương thức quản lý nhà tù:
– Nhà tù do Bộ phụ trách cơ quan Công an, cảnh sát quản lý. Hình thức này có một số nước như: Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc…
– Nhà tù do Bộ Tư pháp quản lý. Gồm một số nước như: Hoa Kỳ, Anh…
Một khi ngành công an đã không thể hoặc không muốn quản lý các trại tạm giữ, tạm giam theo đúng quy chuẩn mà không để cấp dưới biến thành một thứ sân chơi bạo lực và tiền bạc, không thể khác hơn là loại hình trại này phải được chuyển sang ngành tư pháp – một cơ quan dù còn không ít quan liêu nhưng chưa đến nỗi khoác áo lực lượng vũ trang và “mặc sắc phục”.

Tránh bức cung, nhục hình, trại tạm giam không nên trong tay công an

Theo ông Vũ Đức Khiển, để việc lấy cung nghi can, bị can được khách quan thì nên chuyển đơn vị quản lý trại tạm giam sang cho Bộ Tư pháp.

Ngày 15/8 tới đây, ông Nguyễn Thanh Chấn, người bị ngồi tù oan 10 năm tại Bắc Giang sẽ được mời đến Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao để giải quyết việc bồi thường.

Ông Nguyễn Thanh Chấn mừng rơi nước mắt vì may mắn được trở về sau 10 năm đi tù oan.

Ông Chấn đi tù từ ngày tóc còn xanh, đến khi được minh oan trở về với cộng đồng thì tóc đã điểm bạc. Sau 10 năm trời, ông và gia đình gần như đã mất tất cả. Ngay đến tương lai, sự nghiệp của con cái ông cũng vì cái án oan đó mà tan thành mây khói.

Thế nhưng, nếu đem bi kịch của ông Chấn so sánh với số phận của 9 công dân bị truy tố, giam giữ oan tại Bắc Giang trong vụ trộm cổ vật năm 2001-2003 thì thấy ông Chấn có phần may mắn. Bởi ông Chấn tuy thời gian ngồi tù dài nhưng lúc ra trại ít ra ông cũng còn lành lặn.

Trong khi đó, 9 người kia, một người đã chết ở trong tù được cho là bị bệnh. Còn lại 8 người đến khi được minh oan thì hầu hết đều thân tàn ma dại. Cách đây 3 năm, thêm một người nữa đã ra đi vì hỏng hết nội tạng.

Có nên để công an quản lý trại tạm giữ, nhà tù nữa hay không?

Thời gian gần đây, Bắc Giang có lẽ là địa phương được nhắc đến nhiều về “thành tích” án oan. Tuy nhiên, không phải chỉ Bắc Giang mới có “đặc sản” đấy mà nó còn xảy ra ở nhiều tỉnh thành khác. Hậu quả của những vụ án oan để lại cho bản thân người bị oan và gia đình họ khốn khổ không kể sao cho xiết.

Làm thế nào để hạn chế án oan? Đó là câu hỏi đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Đức Khiển – Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, để xảy ra những vụ án oan, nguyên do lớn từ nạn bức cung, nhục hình. Và muốn hạn chế được điều này thì không nên để việc quản lý trại tạm giam ở ngành công an nữa. Việc ấy, giải quyết được mối nguy hại công an “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Ông Khiển cho hay, từ ngày ông còn làm việc tại Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, ông đã rất quan tâm và tán thành chủ trương này của Đảng, Nhà nước.

Ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: VIẾT CƯỜNG

“Từ lâu, nhiều cơ quan đã có kiến nghị và cấp có thẩm quyền cũng đã có chủ trương chuyển các nhà tạm giữ, trại tạm giam sang cho Bộ Tư pháp chứ không để công an đảm nhiệm nữa. Tuy nhiên, trước đề xuất đó, phía Công an bảo để chúng tôi tiếp tục làm vì công an còn phải khai thác, điều tra ở trong trại giam. Sau đó thì đã không thực hiện được việc này” – ông Khiến nói.

Cũng theo lời của nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thì Nghị quyết 08/2002 và Nghị quyết 49/2005 cũng đã nêu ra chủ trương trên. Nhưng sau đó, Bộ Chính trị và các đồng chí lãnh đạo quyết định không triển khai, tiếp tục để cho công an đảm nhiệm việc giam giữ nghi phạm, bị can.

Theo ông Khiển, nếu quan tâm tới vấn đề này, nên gặp, hỏi những đồng chí đang làm ở Ban chỉ đạo Trung ương cải cách tư pháp.

“Gặp được những vị đó chắc sẽ có thêm nhiều ý hay và lời nói của họ tới lãnh đạo cấp cao cũng có trọng lượng. Còn bản thân tôi, tôi rất ủng hộ chủ trương là không để công an quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam” – ông Vũ Đức Khiển nói.

Tuy nhiên, ông Khiển cũng đang băn khoăn rằng, nếu để cho Bộ Tư pháp quản lý các trại giam thay công an, khi có những đối tượng chống phá trại giam, nhà tù thì sẽ rất khó khăn.

Bị ép cung, ra tòa khai lại tòa lại bảo “không thành khẩn, chối tội, ngoan cố”.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Đức Khiển tỏ rõ thái độ quan ngại trước nạn ép cung, nhục hình ngày càng có xu hướng gia tăng ở Việt Nam.

Ông Khiển cho hay, có rất nhiều trường hợp khi ra tòa, bị cáo nói rằng bị ép cung cho nên buộc phải nhận tội để chờ ra tòa khai lại, nhưng tòa lại nói “không thành khẩn, chối tội, ngoan cố”.

“Vậy là đằng nào họ cũng không thoát. Bi hài là ở chỗ ấy! Thực tế, khi bị tạm giam thì chỉ có công an với bị can, làm gì thì không ai biết. Theo luật, sẽ có luật sư được chứng kiến, ngồi dự những lần hỏi cung bị can, nhưng thực tế việc này cũng rất ít khi được thực hiện. Vì thế, nếu bị can không nhận thì rất dễ bị ép cung” – ông Khiển nói.

Cũng theo ông Khiển, chúng ta cũng đã đi xem kinh nghiệm của các nước mãi rồi, nhưng chỉ xem thôi chứ không học. Cứ nhìn sang nước gần nhất là Thái Lan, nơi tạm giam bị can là phòng kính, đi lại nhìn thấy hết, không có gì là bí mật, không tù mù như ở ta là chỉ có mấy anh công an với bị can.

Ông Khiển dẫn chứng thêm, nhiều trường hợp khi bị can kiên quyết chối tội thì điều tra viên thường hỏi lại rằng: “Thế không phải ông thì là ai?”.

Theo ông Khiển, chuyện đó là vô cùng phổ biến trong quá trình lấy cung các nghi can, bị can ở Việt Nam. Làm vậy là cơ quan điều tra đang bắt bị can phải chứng minh ai là người phạm tội. Điều này là hết sức vô lí vì theo luật quy định thì bị can có quyền không phải chứng minh rằng mình phạm tội hay là người khác. Trách nhiệm chứng minh thuộc về cơ quan có thẩm quyền.

“Một bị can đang bị giam trong trại mà bắt người ta phải chứng minh “không phải ông thì là ai”, đó là một điều hết sức nực cười và vô lí” – ông Khiển đánh giá.

Viết Cường

Theo Giáo dục Việt nam

Tin bài liên quan:

3 năm kỷ niệm “khẩn trương ban hành Luật biểu tình” (*)

Phan Thanh Hung

VNTB – Kỳ lạ án giết người ở Tuyên Quang: Những tình tiết vô lý và bức cung, nhục hình

Phan Thanh Hung

Bị công an hỏi cung, nam sinh uống thuốc cỏ tự tử

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.