VNTB – Trên nóng dưới lạnh

VNTB – Trên nóng dưới lạnh

Nguyễn Huỳnh

 

(VNTB) – Vấn đề “trên nóng dưới lạnh” phần nào được cho rằng bộ máy của Chính phủ là bộ máy hành pháp chứ không phải bộ máy lập pháp.

 

Sự cố thủ của một bộ phận cán bộ càng mạnh bấy nhiêu, làm tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” ngày càng bộc lộ rõ. Ghi nhận trong quá trình làm luật của Việt Nam hiện nay rõ ràng có bất cập cho nên phải có những kỳ họp bất thường liên tiếp từ đầu nhiệm kỳ. Vấn đề đặt ra cần cấp bách sửa đổi lại quy trình làm luật.

Ai từng theo dõi kỹ các hoạt động của Quốc hội có thể nhận thấy một hiện tượng khá thú vị: Có những chuyện được các đại biểu Quốc hội đào xới rất nhiều lần, nhưng lại theo cùng một góc tiếp cận, chứ không phải là nhiều lần rồi làm sáng tỏ được vấn đề, và lần cuối không khác lần đầu được bao nhiêu. Bộ luật dân sự sửa đổi được thông qua trong Quốc hội khoá XI là một ví dụ: trong gần một năm, qua bảy, tám lần thảo luận đi, tranh luận lại, cho đến ngay tận trước khi thông qua, các đại biểu vẫn băn khoăn với câu hỏi của lần thảo luận thứ nhất là có nên đưa các vấn đề hiến xác, thay đổi giới tính, quyền được chết… vào Bộ luật dân sự hay không. Những băn khoăn này là có thể hiểu được. Nhưng có một điều không thể hiểu được là sau nhiều lần thảo luận như vậy mà những câu hỏi đó vẫn chưa có lời giải.

Trong khi đó nhiều nước trên thế giới họ giải quyết vấn đề này từ trước khi soạn thảo luật. Quy trình làm luật ở các nước gồm các bước sau: phân tích từ góc độ chính sách đối với dự luật; phê duyệt về mặt chính sách đối với dự luật; soạn thảo dự luật; thẩm định hoặc thẩm tra dự luật; phê duyệt dự luật; tham vấn nhân dân (nếu cần thiết), xem xét và thông qua. Dù là dự luật của Chính phủ hay của cá nhân hoặc nhóm đại biểu Quốc hội đều phải trải qua quá trình này.

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến phải được Hội đồng Dân tộc, Ủy ban hữu quan của Quốc hội thẩm tra. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội.

Các quy định của pháp luật về vai trò của các ủy ban Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc thẩm tra các dự thảo luật trước khi trình Quốc hội về cơ bản được xem phù hợp với kinh nghiệm quốc tế trong yêu cầu nâng cao chất lượng của các dự thảo luật, pháp lệnh. Vấn đề hiện nay là cần phải chú trọng thực thi các quy định này một cách thực chất trên thực tế.

Để nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội trong hoạt động xây dựng luật, pháp lệnh, có ý kiến rằng Chính phủ cần coi trọng việc tham vấn Quốc hội, các bên liên quan và công chúng về dự luật. Chính phủ cần công khai đăng tải các đề xuất, ý tưởng và dự thảo luật trước khi trình quốc hội để tham vấn Quốc hội, các bên liên quan và công chúng. Việc công khai này một mặt giúp cho các ủy ban của Quốc hội có thể theo dõi, giám sát thường xuyên các dự luật của Chính phủ trong quá trình xây dựng, giúp cho các phiên thẩm tra trở nên hiệu quả hơn. Đồng thời, các ủy ban cũng như các đại biểu Quốc hội cũng có cơ hội để lắng nghe ý kiến của người dân, các tổ chức hữu quan để đóng góp cho dự thảo.

Có ý kiến khác cho rằng, trong nghiên cứu khoa học pháp lý cũng như trong thực tiễn xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay chưa có một chủ thuyết, một trường phái pháp luật nào thật sự rõ nét. Trong nghiên cứu pháp luật (khoa học pháp lý) gần như đang đứng trước ngã ba đường của các trường phái khoa học luật học.

Còn trong xây dựng pháp lý, Việt Nam cũng không đi theo một trường phái, một mô hình hệ thống pháp luật nào. Thời kỳ trước đổi mới, khoa học pháp lý cũng như tư duy pháp luật của Việt Nam gần như hoàn toàn chịu sự ảnh hưởng của trường phái pháp luật Xô viết. Đó là một mô hình nặng về nghiên cứu lý thuyết, coi trọng tính hàn lâm mà thiếu tính thực tiễn.

Luồng quan điểm trên cho rằng tư duy xây dựng pháp luật phải dựa trên cơ sở bằng chứng, đó chính là tư duy thực tiễn, thực tiễn có kiểm chứng. Qua đó sẽ góp phần tránh được sức ì của “trên nóng dưới lạnh”.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)