Đoàn Viết Hoạt
(VNTB) – Danh tiếng nổi như cồn nhưng sao vất vả quá, bôn ba khắp nơi mà cuối đời lại sống như một đạo sĩ
Thầy tôi cũng tinh thông lý số. Ông tự học từ hồi còn trẻ. Thầy tôi kể rằng lúc còn được gặp cụ Lý, một hôm cụ đưa cho ông một lá số tử vi bảo xem thử. Ít lâu sau cụ trở lại hỏi Thầy tôi đoán thấy thế nào. Thầy tôi nói số rất lạ, danh tiếng nổi như cồn nhưng sao vất vả quá, bôn ba khắp nơi mà cuối đời lại sống như một đạo sĩ, rồi hỏi có phải số của Tiên sinh không. Cụ Lý không trả lời chỉ cười bảo coi thế cũng tạm được rồi đấy. Thầy tôi tin rằng đó là lá số của cụ Lý. Theo như Thầy tôi ghi lại trong sổ của ông thì cụ Lý sinh ngày 10 tháng 12 năm 1920, dương lịch, tức là ngày 01 (Nhâm Dần), tháng 11 (Mậu Tý), năm Canh Thân (1920), giờ Đinh Mùi (13:00-15:00) (*).
Thời gian này Thầy tôi bắt đầu đưa tôi đọc một số tài liệu của Lý Đông A. Ðó là các bài viết về văn, sử và vài bài thơ. Lúc này tôi đặc biệt chú ý đến hai tài liệu ngắn có tựa đề Việt Sử Thông Luận và Uyên Nguyên Việt (*). Qua hai tài liệu ngắn này cụ Lý đã đưa ra một nhãn quan lịch sử Việt mới lạ và độc đáo. Lịch sử Việt được nhìn như một giòng tiến hóa liên tục dù có thăng trầm và trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Hơn thế nữa theo Lý Đông A nguồn gốc dân tộc còn được kéo dài tới tận khoảng 5.000 năm trước đây, nguyên gốc chưa có tên là Việt, mà là Miêu tộc, chiếm lĩnh miền đồng bằng sông Hoàng Hà và núi Thái Sơn, giữa Sơn Đông và Sơn Tây, tại vùng Hoa Bắc, trước nòi Hán, nhưng sau bị Hoàng Ðế, cầm đầu Hán tộc, còn du mục, xuất phát từ sông Hán, đánh bại. Nền văn hóa cổ của Miêu tộc, với những khám phá về dịch học, và chữ khoa đẩu, đã bị Hán tộc chiếm đoạt, phát triển thành một học thuyết văn hóa chính trị, dùng làm vũ khí tinh thần, tự coi mình như trung tâm của thế giới, bành trướng thế lực và đồng hóa những dân tộc chung quanh. Hoàng Đế của Hán tộc chiếm lĩnh Thái Sơn đẩy Miêu tộc chạy xuống vùng Động Đình Hồ, đồng bằng sông Dương Tử và tiếp tục sinh tồn, sau đó lại bị Hán tộc tràn xuống lấn chiếm, phải chạy xuống phía Lưỡng Quảng và Bắc Việt hiện nay. Theo Lý Đông A thì mỗi dân tộc có một chu kỳ lịch sử dài ngắn khác nhau. Mỗi chu kỳ hưng thịnh của lịch sử dân tộc ta dài 500 năm. Lý Trần hưng thịnh 500 năm, từ Hậu Lê đến nay là thời kỳ suy thoái. Bắt đầu từ năm 2000 trở đi dân tộc ta sẽ vào thời kỳ hưng thịnh mới, 500 năm nữa. Tôi bị hấp dẫn bởi quan điểm lịch sử Việt mới lạ này.
Tuy thế lúc đầu tôi còn nhiều nghi hoặc về nhãn quan lịch sử này vì chưa có đủ dữ kiện. Cụ Lý lại viết quá cô đọng mang tính khẳng định hơn là minh chứng. Có thể cụ đã có cơ hội tham khảo một số sử sách cổ của Tầu và một số khám phá lịch sử và khảo cổ lúc bấy giờ của Viện Viễn Đông Bác Cổ, nhưng không thể viết dài vì hoàn cảnh hoạt động cách mạng đầy khó khăn nguy hiểm lúc đó. Sau này khi sang Mỹ học, có điều kiện nghiên cứu tài liệu, tôi mới thấy quan niệm lịch sử Việt của cụ Lý rất phù hợp với những khám phá mới của ngành nhân chủng, khảo cổ và sử học. Trong khoảng vài chục năm gần đây lại có thêm những khám phá khảo cổ và nhân chủng học mới càng cho thấy quan điểm lịch sử của Lý Tiên sinh rất đáng trân trọng (**).
Trong mùa hè năm 1965 tôi và Chánh hoạt động hăng say trong Chương Trình Hè. Riêng tôi bắt đầu được Thầy tôi trực tiếp nói chuyện nhiều về Duy Dân. Thầy tôi cho tôi biết, kể từ khi còn ở Hà Nội, sau khi nhận được chỉ thị giải tán Tổng Ðảng Bộ của cụ Lý, Thầy tôi chuyên tâm nghiên cứu về hệ tư tưởng của Lý Đông A. Ông kể rằng khi ông mới gặp và theo hoạt động với cụ Lý được cụ Lý dặn không cần phát triển nhiều người, chỉ cần “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Tuy nhiên thân sinh tôi và những đồng chí của ông quá nhiệt tình nên số người tham gia đảng Duy Dân ngày càng đông. Vài tháng sau, thân sinh tôi kể rằng, khi cụ Lý về thăm ông tại quê nhà, nghe ông báo cáo cụ Lý đập mạnh tay xuống bàn nói: “Sao tôi đã dặn tiên sinh không cần phát triển nhiều người mà”. Thân sinh tôi phải giải thích là tại mọi người đều nhiệt tình hăng say quá, cuối cùng cụ Lý chấp nhận cho thành lập Cán sự bộ 002 và cử thân sinh tôi làm Cán sự trưởng.
Thân sinh tôi hơn cụ Lý tới 20 tuổi nên cụ Lý nói để cho thuận tiện hai người gọi nhau là tiên sinh. Thân sinh tôi lúc đầu thành lập một tiểu tổ đầu tiên gồm 5 người lấy họ Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn, với năm tên theo thứ tự Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Thân sinh tôi đứng đầu là Đinh Nhân, với bí danh trong đảng là Thái Nhân. Thân sinh tôi cũng nói cụ Lý lấy bí danh là Thái Dịch, và giải thích là mọi đảng viên Duy Dân phải lấy bí danh Thái để nhớ lại sự tích tướng Xi Vưu của Miêu tộc thua Hoàng đế của Hán tộc tại núi Thái Sơn, nằm giữa hai tỉnh Sơn Đông và Sơn Tây. Từ đó Miêu tộc để mất các di sản văn hóa vào tay Hán tộc, mà cụ Lý gọi là lần thứ nhất thất bại văn hóa về tay Hán tộc. Các đảng viên Duy Dân phải lấy họ Thái để ghi nhớ sự tích này, cũng như tổ tiên ta đã ghi nhớ trong câu vè dân giã:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Vào Saigon, trong những năm đầu thân sinh tôi cũng cố gắng cùng một số đồng chí thuộc những cán sự bộ khác kết hợp để làm việc. Sau thấy gặp nhiều trở ngại vì nhiều lý do khác nhau nên Thầy tôi lại rút về chuyên chú về mặt tư tưởng để thực hiện hai lời căn dặn của cụ Lý mà Thầy tôi cho là quan trọng nhất và thường nhắc đi nhắc lại với những người thân cận. Ðó là: “Duy Dân không có thành công riêng. Duy Dân chỉ thành công trong thành công chung của dân tộc…”; và “Văn hóa thành công là cách mạng thành công” (Huấn Thoại, 1943).
Nhờ tập trung nghiên cứu, lại có căn bản hiểu biết sâu xa về Dịch học và Phật học, cộng thêm với những chỉ giáo quan trọng trong thời gian còn được tiếp xúc trực tiếp với cụ Lý, được cụ hướng dẫn thêm, nên tôi cho rằng thầy tôi đã hiểu được những điểm căn bản trong hệ thống tư tưởng của Lý Ðông A. Ðiểm yếu của thầy tôi là ông thiếu kiến thức khoa học. Và chính thầy tôi cũng nhận ra điều này nên nhiều lần ông nói với tôi đại ý như sau:
– Cụ Lý thường dặn thầy rằng chủ nghĩa Duy Dân có hai phần, thuần túy lý luận và thực tiễn lý luận. Muốn hiểu được phần lý luận thuần túy thì phải hiểu được những tinh chỉ của Dịch học và Phật học. Nhưng muốn hiểu được phần lý luận thực tiễn thì phải có khoa học. Thầy không biết nhiều về khoa học, nên phần thực tiễn luận thầy còn nhiều mơ hồ. Vậy con nên chú ý thu thập lấy các kiến thức mới của khoa học tây phương mới hy vọng đưa lý luận thuần túy vào hiện thực được.
Thầy tôi cũng nhắc tôi hãy luôn ghi nhớ câu nói sau đây của cụ Lý:
“Quốc dân không vì một chủ nghĩa, chế độ hay pháp luật mà sinh ra; trái lại, hết thảy các chủ nghĩa, chế độ hay pháp luật đều từ nơi quốc dân mà sinh ra mới thích hợp, mới đúng chắc và mới thiết thực giải quyết được những nhu yếu, hy vọng và lý tưởng của quốc dân.” (*)
Tôi không bao giờ quên những lời căn dặn đó. Và quả nhiên sau này khi có cơ hội tìm hiểu các ngành khoa học Âu Mỹ, cả tự nhiên, xã hội và nhân văn, nhất là xã hội, tôi càng hiểu thêm được phần lý luận thực tiễn, nhất là phần kiến thiết luận của cụ Lý. Và càng xác tín về triển vọng mà cả nhân loại cũng như riêng dân tộc Việt chúng ta có thể thực hiện được nền văn minh mới, văn minh Nhân chủ, và xã hội Tam Nhân (Nhân Chủ, Nhân Bản, Nhân Tính) trong thời đại 2000, như cụ Lý đã dự kiến. Tất nhiên ngay trong những năm trước khi đi du học ở Mỹ tôi vẫn chưa nhận rõ được điểm này và còn rất nhiều phân vân nghi hoặc. Và ngay về phần lý luận thuần túy, như triết học, biện chứng pháp, sử quan, tôi cũng phải mất nhiều năm, nhiều công sức, với rất nhiều cố gắng đọc thêm sách vở về đạo học Ðông phương, triết học và khoa học Tây phương mới thấy tư tưởng dần dần được sáng rõ và ổn định. Và càng “thấm” được tư tưởng của cụ Lý bao nhiêu tôi càng hiểu ra rằng, điều quan trọng không phải là “nắm” được tư tưởng đó trên giấy tờ, chữ nghĩa, mà là thể hiện nó ra được, “hiện thực hóa” nó ra được, bằng chính bản thân cuộc sống tròn đầy, sinh động, thực tiễn của mỗi người cũng như của toàn thể xã hội. Phải trả học thuyết Duy Dân trở về đúng nơi nó xuất phát, đó là thực tại đời sống của con người qua thời gian và trong không gian, đó là “dòng sinh mệnh” tròn đầy và sinh động. Trong cái nghĩa “tự nhiên, con người và xã hội thống nhất”, “cá nhân và xã hội đối lập thống nhất”; trong cái nghĩa “cùng sống giúp tiến” và “tri hành đồng tiến” – đồng tiến chứ không phải chỉ hợp nhất như quan điểm của Vương Dương Minh. “Tri hành đồng tiến” vì đó là một quan hệ hai chiều giữa tri và hành, động (đồng tiến) chứ không tĩnh (hợp nhất) và cùng biến chuyển, cùng tiến lên. Biết thêm thì làm được thêm, làm thêm thì biết được thêm nữa, cứ thế “đồng tiến” không ngừng. Nhờ đó loài người luôn tiến thêm. Và cũng chính vì tư tưởng Duy Dân thể hiện chính thực tế đời sống cá nhân và xã hội của loài người từ trước đến nay và mai sau mà phải nhìn vào những gì đã và đang diễn biến trên thế giới, trong mọi lãnh vực, từ kinh tế đến chính trị và văn hóa, tại những quốc gia tiến tiến nhất, mới hiểu và thấy được những quan điểm mang tính viễn kiến của Lý Ðông A đang được dần dần thực hiện. Lý Đông A không sáng chế ra mà chỉ nhận ra được, tập hợp lại và diễn tả lại, những gì do loài người khám phá ra, và thực hiện liên tục từ khi xuất hiện trên trái đất đến ngày nay và tới sau này, nhằm tạo dựng một xã hội phù hợp với con người, với đường sống người (nhân đạo), cho con người trong dòng sống của loài người, mà ông gọi là sử quan nhân đạo, khác với sử quan duy vật và duy tâm.