Hà Nguyên
(VNTB) – “Giấy triệu tập” được sử dụng khi đã có quyết định khởi tố vụ án rồi
“Tôi: Luật sư Phạm Văn Thọ chính thức lên tiếng PHÊ PHÁN kịch liệt những Thẩm phán sử dụng tiêu đề GIẤY TRIỆU TẬP và nội dung “Triệu tập Luật sư A, B, C… là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn…
Thực ra, đây chỉ đơn giản là văn bản thông báo để báo cho luật sư biết thời gian và địa điểm xét xử để luật sư sắp xếp thời gian tham gia phiên tòa do tòa án tổ chức!”.
Tra từ điển tiếng Việt, thì động từ “triệu tập” có nghĩa là gọi, mời mọi người đến tập trung tại một địa điểm (thường là để tiến hành hội nghị hoặc mở lớp học). Ví dụ như triệu tập cuộc họp, triệu tập các cổ đông, giấy triệu tập.
Thế nhưng trong tố tụng thì “triệu tập” và “giấy mời” lại có các hàm ý ngữ nghĩa khác đến độ mà khi nhận được giấy triệu tập từ cơ quan công an, người dân thường có tâm lý e ngại, áp lực hơn rất nhiều so với giấy mời thông thường.
“Giấy triệu tập” là biểu mẫu tố tụng hình sự được sử dụng trong hoạt động tố tụng hình sự. Do đó, chỉ Điều tra viên (cơ quan điều tra hoặc cơ quan khác trong công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra), Kiểm sát viên và Thẩm phán là có thẩm quyền ký và sử dụng giấy này.
Còn đối với “giấy mời”, được hiểu là loại giấy thông thường được sử dụng trong những trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hay Tòa án) nói chung mời những người có liên quan hoặc biết về vụ việc đến làm việc nhằm thu thập thông tin, làm rõ những nội dung có liên quan đến vụ việc. Tuy nhiên đây cũng chỉ là cách hiểu mang tính khái niệm, vì hiện nay chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về giấy mời.
Trong khi đó thì cơ sở pháp lý cho sử dụng “giấy triệu tập” được quy định rải rác trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015 tại các Điều: 60, 61, 62, 66,… Điều đó cho thấy “giấy triệu tập” được sử dụng khi đã có quyết định khởi tố vụ án rồi, vì một khi có quyết định khởi tố vụ án thì tư cách của những người tham gia tố tụng mới được xác định.
Chủ thể bị áp dụng “giấy triệu tập” khá rộng: Bị can, bị cáo; Người bị hại; Đương sự; Người có quyền và nghĩa vụ liên quan; Người tố giác, báo tin về tội phạm; người bị tố giác; Người bào chữa; Người làm chứng; Người giám định; Người định giá tài sản; Người phiên dịch; Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.
Có một lưu ý chung cho cả hai trường hợp “giấy mời”, “giấy triệu tập”, đó là theo quy định tại tiểu mục 1.4 phần 1 Thông tư 01/2006/ TT-BCA, thì giấy triệu tập và giấy mời có quy định một số điểm chung như sau:
Thứ nhất, pháp luật nghiêm cấm điều tra viên gọi điện thoại, hoặc thông qua người khác để yêu cầu người được triệu tập đến làm việc mà không có giấy triệu tập hoặc giấy mời. Trước khi triệu tập hoặc mời thì điều tra viên phải tính toán về thời gian; về việc đi lại của người được triệu tập để tránh gây phiền hà về thời gian hoặc đi lại nhiều lần của người được triệu tập hoặc được mời.
Thứ hai, nếu người được triệu tập hoặc được mời ở quá xa trụ sở của Cơ quan điều tra, thì có thể triệu tập hoặc mời họ đến trụ sở Công an nơi ở, hoặc nơi làm việc của họ để lấy lời khai, hoặc báo cáo đề xuất Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công chỉ đạo điều tra vụ án thực hiện việc ủy thác điều tra.
Trường hợp thứ hai, được áp dụng trong vụ án vừa qua ở Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.