VNTB – Trò chuyện cùng thị trưởng Mỹ gốc Việt Trương Minh Ẩn (Phần 1)

VNTB – Trò chuyện cùng thị trưởng Mỹ gốc Việt Trương Minh Ẩn (Phần  1)

Quang Nguyên

 

(VNTB) – Bằng tiến sĩ  của tôi không từ các trường nổi tiếng như Harvard,Yale, Cornail, nhưng cũng đủ cho tôi hãnh diện. 

 

Tôi may mắn được biết tiến sĩ Trương Minh Ẩn trong hai ngày bầu cử ban chấp hành nhiệm kỳ Cộng Đồng Người Việt Liên Bang Hoa Kỳ tại Georgia.

Ông từ thành phố Haltom thuộc tiểu bang Texas, nơi ông được bầu làm thị trưởng cùng vợ lái xe vượt hơn 780 miles đến với tư cách cá nhân, bạn bè ủng hộ cộng đồng người Mỹ gốc Việt. 

Kéo ông vào một góc của căn phòng họp rộng lớn, đông người, ồn ào, tôi đề nghị ông kể về chuyện mình như một điển hình về sự thành công của một người Mỹ gốc Việt, Với giọng Sài Gòn trầm ấm, từ tốn, khề khà dễ thương ông bắt đầu kể chuyện.

Tôi hãnh diện là người Việt Nam Cộng Hoà. Sau khi  được nhận vào không quân, tôi được cho sang Hoa Kỳ huấn luyện. Về nước lái khu trục, loại Sky Raider mà trung uý Phạm Phú Quốc đánh bom dinh  Độc Lập. Tôi trúng đạn, bị thương nhiều lần. Trong chiến tranh Việt Nam, tụi Mỹ cho mình toàn máy bay cũ, ngược lại, vũ khí của Việt Cộng được Liên Xô, Trung cộng viện trợ toàn loại tối tân. Ngày nay mấy anh em mình từng trong quân ngũ, từng đi tác chiến còn ngồi được ngồi ở đây cũng một phần nhờ may mắn, đạn nó tránh mình, phải không anh?

 

Ông Ẩn tại căn cứ không quân Homestead năm 1971

 

Hồi ở Việt Nam sau khi lấy bằng tú Tài 1, tôi nộp đơn vào cùng một lúc hai trường, không quân và Thủ Đức, nhưng trường Bộ binh Thủ Đức gọi tôi trước. Tôi  nhập ngũ, vào trung tâm huấn luyện Quang Trung, chưa được biết Thủ Đức là gì, chưa được bắn một viên đạn garant thì họ gọi tôi về không quân. Tôi mừng hết sức. Họ cho tôi đi học tiếng Anh để sang Mỹ học lái bay quân sự. Hồi còn ở trung học, tôi học sinh ngữ Pháp, một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết, vào trường sinh ngữ quân đội, bạn bè học 2 tháng, 3 tháng là đi học chuyên ngành, mình học 6 tháng mới đậu. Khám sức khỏe rồi đi sang Mỹ. Tưởng họ cho học trực thăng, ai dè họ cho học lái khu trục. Anh em lái trực thăng rất nguy hiểm, không như A1 có lớp bảo vệ dầy tới 1 inch, phi hành đoàn trực thăng như phơi mình, làm mục tiêu cho địch bắn. Chúng tôi đang lái A1, đến năm 1974 xăng dầu không còn dồi dào nữa, tất cả phải đổi qua A37, ít tốn xăng.

Khi Đà Nẵng mất, chúng tôi tăng phái cho CầnThơ cho đến ngày mất nước, nhận lệnh bay sang Thái Lan. Anh biết không, đau khổ cho tôi nhất là khi một sĩ quan Mỹ bảo trao vũ khí cá nhân của tôi cho ông ta và đã bật khóc khi nhìn quân kỳ trên chiếc máy bay của mình bị sơn phủ lên bằng quân kỳ Mỹ.

Anh ạ, Sang Mỹ tôi được một vị đại tá Mỹ bảo lãnh, ông từng chỉ huy các nhóm biệt kích Mỹ, từng làm thất điên bát đảo việt cộng, nhưng có lúc đơn vị vài chục người của ông bị thương vong gần hết. Ông tha thiết được bảo lãnh các quân nhân Việt Nam vì tình chiến hữu, vì ơn quân đội VNCH đã từng giúp đỡ  đơn vị của ông. Khi ông bị thương ngoài mặt trận, một đơn vị VNCH đã cứu ông. Đại Tá ….. lớn tuổi hơn tôi nhiều, coi tôi như con và tôi cũng coi ông như cha. Ông phúc hậu, hiền lành nhưng cử chỉ dáng vẻ đúng là một vị chỉ huy. Tôi hết sức kính trọng và biết ơn ông. Không có ông bà thì không có tôi ngày hôm nay [bùi ngùi]. Ông bà rất buồn khi tôi phải bỏ Pennsylvania về Texas, không chịu nổi lạnh anh ạ.

Tôi bắt đầu cuộc sống tự lập bằng cách làm tất cả những việc lương thiện để có thể kiếm tiền.Tôi đã từng phải đi hốt phân ngựa. Anh biết không, người Amit họ dùng ngựa để  đi lại, vận chuyển hàng hoá, ra đến thành phố, đến chợ, ngựa họ tháo ruột xuống đường, ông chủ gọi, mình đến hốt phân cho sạch  để lấy tiền.

Trong khu tôi có một vợ chồng Việt Nam, họ đánh nhau tối ngày, chồng đuổi vợ ra đường, lấy cây phang nhau, chọi nhau như sống ở Việt Nam. Cảnh sát nhờ tôi viết report cho hai vợ chồng. Có cô cảnh sát hỏi tôi sao không vô cảnh sát, Tôi hỏi có người Việt Nam làm cảnh sát không, cô bảo có chứ, Tôi nghe vậy cố học, thi, vậy mà past tới 100% câu hỏi. Vậy mà cô cảnh sát người Mễ phụ trách tôi kỳ thị tôi ghê lắm, cô hành hạ tôi suốt 3 tháng trời, ý muốn tôi rút lui khỏi ngành. Sau này tôi được bầu làm Thị Trưởng, cổ quay ra nịnh tôi dữ lắm. Hồi đó tiếng Anh tôi còn dở, mấy thằng cảnh sát khác chê tôi, “ Anh không thể nói tiếng Anh, You can’t read tiếng Anh, anh không biết làm report.” Tôi bảo họ, nếu tôi không nói tiếng Việt được mới xấu hổ. Thế là tôi đi học thêm tiếng Anh. Nhờ hồi ở trong quân đội, tôi học hàm thụ đến năm thứ 2 trường Luật, nhờ thế trường đại học TCU cho tôi 42 Credit đủ vào cảnh sát.  Lúc đó vào cảnh sát chỉ đòi 15 Credit trên college.    

Quyết tâm đi học lại, tôi bắt đầu từ các lớp ESL lấy căn bản cho việc học đường dài, cả lớp trực tiếp đến lớp, cả học hàm thụ, 6 năm mới lấy được cái BS, cử nhân, Khi  đứng trên sân khấu nhà trường lãnh bằng, tôi tự hỏi sao không lấy luôn cái Master, thế là tôi cắm đầu học cho xong cái Cao học. Rồi cũng xong cái cao học. Chưa bao giờ trong đời mình mơ tưởng sẽ có bằng cao học [mà lại cao học ở Mỹ] tôi mừng lắm, tưởng thế là có thể tự thoả mãn.  Nhưng  anh biết không, thời gian tôi làm cảnh sát, tôi còn là Liên Đoàn Trưởng của hơn 200 em thiếu nhi Phật Tử, có lần chúng hỏi tôi sao không học tiến sĩ, tôi buột miệng bảo: “Sao Không”. 

Anh biết đấy, học tiến sĩ khổ quá. Đi làm về nửa đêm còn trong thư viện vùi đầu vào sách vở. Còn sách phải mua thì dù có học bổng cho tiền mua, nhưng vẫn phải bỏ ra hàng 2 chục ngàn. Đêm có khi chỉ ngủ 2,3 tiếng.  Đuối lắm, nhưng vì giữ chữ tín với mấy em lại phải cố.  Làm việc xong là học, học mệt thì ngồi thiền. Ngồi thiền làm cho cái đầu mình trống rỗng rồi tiếp thu vào nữa, nhanh hơn nữa. Chỉ sợ rớt, sợ tốn tiền chính phủ cho học bổng, nhưng sợ hơn cả là mất mặt với các em.  

Thế rồi ngày trình luận án, trước 5 ông giáo sư hỏi vặn vẹo đủ thứ, có cả người dự thính từ Việt Nam gọi sang hỏi, rồi họ vào hội thảo trong phòng, mình ở ngoài hồi hộp. Họ ra. Tuyên bố mình đậu. Anh biết không bằng tiến sĩ  của tôi không từ các trường nổi tiếng như Harvard,Yale, Cornail, nhưng cũng đủ cho tôi hãnh diện. Tổng cộng hết 20 năm.

Vậy mà anh biết không. Hồi đó tôi nghèo lắm, mua được cái nhà rách nát, từ từ xây lên, dần dần thành cái nhà khang trang, cũng đồng thời xây được 4 cái chùa.

Cái thành công của người Việt tại Hoa Kỳ này nói chung có hai loại mà khi tôi ở cảnh sát biết, một là do cần cù chăm chỉ, hay thông minh làm nên, còn một số nhỏ do làm các sự bất lương, buôn cần sa ma tuý thẳng hạn. 

Mà dân Việt, cái loại bất lương này cũng khôn lắm, họ buôn bán ma tuý đến khi giầu có thì thôi, làm như sống lương thiện, làm ăn đàng hoàng. Một năm đầu tôi làm cảnh sát kiểm soát, sau đó là cảnh sát mật bắt tội phạm, bán ma tuý. Hồi đó chỉ có tôi là người Việt làm cảnh sát mật, bọn tội phạm chưa biết, tôi dễ thâm nhập vào các nơi buôn bán ma tuý. Tôi làm 10 năm trong vai trò này. 

Trương Minh Ẩn

Cảnh sát chìm tham gia điều tra ma tuý năm 1988

Mỗi năm đại hội thánh mẫu Missouri, tôi đều có mặt ở đó. Mỗi dịp đại hội mà mọi người về để tôn vinh Đức Mẹ, là một dịp để bọn tội phạm Việt có dịp tụ họp ở đó để bàn về kế hoạch của chúng dự định và cần hỗ trợ của nhau, chúng đem ma tuý đến bán, chúng lợi dụng  lúc giáo dân đi lễ, lẻn vào lều ăn trộm, ăn cắp. Có lần 15 thằng vây tôi ở nơi đài Đức Mẹ, đòi giết tôi, tôi bảo chúng nếu đâm tôi thì đâm cho chết, nếu không, chúng mày sẽ không có ngày ra tòa. 

Tôi đối diện với chúng, không sợ, thì chúng phải sợ tôi. Sao phải sợ? Trong chiến tranh cái chết kề bên còn không sợ. Đã săn cọp thì không sợ cọp, đối với tôi phi công  QLVNCH, tôi từng dám hy sinh cho an ninh dân chúng, thì trong sắc phục cảnh sát, tôi cũng dám đối đầu với nguy hiểm để giữ an toàn cho người dân Hoa Kỳ.

Kiên trì, liêm chính, giữ chữ tín với người khác và với chính mình là những yếu tố chính làm cho  ông Thị Trưởng Trương Minh Ẩn, thành phố Haltom, Texas thành công trong việc học và trong nghề cảnh sát. 

Lần sau chúng ta có dịp tìm hiểu con đường thành công trong chính trường Hoa Kỳ của ông.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)