Nguỵ Hữu Tâm
Phần 1: TS Nguỵ Hữu Tâm: vài nét chấm phá từ cuộc đời tôi
Phần 2: TS Nguỵ Hữu Tâm: Đi làm chuyên gia ở Algeria
(VNTB) – Tôi chẳng ân hận gì về những năm tháng đã sống, nếu có được làm lại cuộc đời một lần nữa, dù không bao giờ xảy ra, thì tôi vẫn làm vậy.
5.
Đầu năm 1995, sau gần ba năm xa cách, lại đặt chân xuống sân bay Nội Bài. Chỉ còn mẹ già và cô em gái với cậu em rể ra đón, gia đình cô em cũng đã ly tán. Chú em út, sang Berlin từ 1989 cùng gia đình, đã yên vị bên Munich rồi. Tôi về lại Viện Vật Lý ( VVL), nay đã khác nhiều so với 7 năm trước, khi tôi tạm lánh. VVL đã tách thành 3, thêm VVL ứng dụng và thiết bị khoa học (đầu năm rồi lại quay về VVL, bài toán tách nhập muôn thuở ở nước Việt Nam này mà, bao giờ khá lên được, hỏi cũng là trả lời) và Viện Vật Liệu.
Tôi bỏ việc nghiên cứu tổng cộng cả 7 năm rồi nên trở lại việc này là bất khả thi, tôi đến cơ quan cho có mặt: “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, còn làm ngoài để tăng thêm thu nhập. Thế nhưng thời gian này vẫn đọng lại trong tôi ở những buổi sinh hoạt hàng tuần của Ban Chiến lược VKHVN do PGS Mai H., khi đó đang là giám đốc Trung tâm thông tin tư liệu Viện, tổ chức, bao gồm nhiều anh đã hoặc sắp về hưu, trong đó tôi quý nhất là các anh Trần Khiêm Thẩm, Đặng Mộng Lân (thầy giáo vật lý trường bổ túc ban đêm của tôi, mà tôi đánh giá là một trong những người am hiểu vật lý nhất lúc đó, cuối đời vẫn chăm viết bài cho Physics Letters, dẫu vướng lý lịch đến thực tập nước ngoài cũng chẳng được đi, và viết những cuốn sách vật lý hết sức hay, dễ hiểu, anh khóa 3 ĐHTH, vốn đỗ thủ khoa), anh Nguyễn Hữu Khôi, anh hơn tôi đến 17 tuổi, nên coi tôi như thằng em út – cũng vướng lý lịch nên cuối đời chỉ làm đến chức viện phó Viện Hóa Học các Hợp Chất Thiên Nhiên, mà lẽ ra phải làm viện trưởng VKHVN – không thèm chấp, dù cùng tôi dịch nhiều sách nhưng khi xuất bản sách, thậm chí cuốn “Tiểu sử Albert Einstein” dầy gần ngàn trang, ở lễ ra mắt sách có đại diện Sứ quán Đức dự mà anh cũng không chịu đến mà bảo: “Thôi cậu đi là đủ”, và anh An K., nguyên Cục trưởng Cục Phát minh Sáng chế. Anh ấy cứ gặp tôi là bảo: “Lứa Moritzburg chúng mày chỉ có thằng Phạm C. là giỏi”. Anh Phạm C. này, vốn dòng họ Phạm Gia mà, thì đa tài thật, nguyên giáo viên Hóa Lý ĐHBK rồi đi bảo vệ TS luật ở HUB hẳn hoi, rồi thậm chí còn hành nghề này vài năm, về hưu mánh mung và bốc thuốc thành thần, nhưng dân Nghệ Tĩnh ngang như cua, lại điên điên khùng khùng nữa, ăn mặc thì cứ như thằng vô gia cư, dù có nhà 6 tầng mặt đường cho hãng lớn thuê, con gửi học New Zealand.
Kỷ niệm đặc biệt với Ban Chiến lược này, như tôi cũng đã có lần nhắc tới trên báo mạng, là chúng tôi có viết kiến nghị lên TW Đảng: bước đầu nên thực hiện đa đảng bằng cách tách đôi đảng ra, chẳng hạn cho Mặt trận Tổ Quốc hay Hội Nông dân tách ra với cương lĩnh mới, nhưng chắc họ sợ đảng viên dồn hết sang đảng mới, hay chỉ do thói “kiêu ngạo cộng sản” của họ, mà bặt vô âm tín (nhưng đa đảng như Nga ngày nay mà trở về độc tài như Putin thì cũng chẳng có nghĩa gì cho bước phát triển của dân tộc). Cũng về vấn đề này, anh em chúng tôi ở VKHVN tự hào là có hai giáo sư tài giỏi, không chỉ nổi tiếng thế giới là Hoàng Tụy và Phan Đình Diệu, mà còn dũng cảm công khai phê phán sai trái của Đảng, để cuối cùng GS Phan Đình Diệu, thậm chí còn bị trù úm nữa. Kể về cái “kiêu ngạo cộng sản” sợ hết ngày!
Song song với dịch thuật, tôi còn làm, như nhiều anh em khác gọi là, đi tour, nôm na là làm tourguide khi có hãng du lịch gọi. Rồi hy vọng trở lại giảng dạy, đăng ký xin nhà nước công nhận chức danh PGS, nhưng 3 lần đều trượt cả. Với vốn liếng 4 ngoại ngữ, thậm chí đến tiếng Nga tôi cũng dùng tốt, nhớ khi qua Moscow thăm cô em, đi lùng đĩa than những bài nổi tiếng mà Nga có mà Đức chưa, cô em tôi hỏi, thì cô mậu dịch viên bảo: Ở đây hết rồi, đến cửa hàng X còn nhé, tôi hiểu và xăm xăm đi ra xuống metro khiến cậu em rể hết sức ngạc nhiên. Cho nên tôi vẫn hành nghề tour guide cho đến ngày hôm nay, chỉ vì cúm Tàu ngăn cản mà thôi. Nên nhớ, đầu tháng 3. 2019 tôi đang dẫn khách, chỉ vì KS khách ở có ông khách Anh nhiễm cúm Tàu mà toàn bộ KS phải phong tỏa khử trùng, tôi vẫn ghé khuyên khách nên kiên trì bỏ ngày đó đi tiếp, thế nhưng khách đủ tỉnh hủy chuyến trở về Đức, hóa ra khách đúng tôi sai. Đời có ai dám tin ở chữ ngờ. Tôi nghỉ tour từ đó đến nay và cứ theo tình hình này thì chắc còn phải nán chờ cho đến hè tới.
6.
Không chỉ đi Miền Bắc, tôi cũng có nhiều chuyến đi xuyên Việt, tôi vốn gốc Huế, nhà tổ ở Đường Bạch Đằng chỉ cách Cố đô bởi nhánh sông Hương, nên có nhiều người thân ở Huế mà. Nhắc lại đoạn trên nói đến Nha Trang, tôi hay qua đó và ở lại nhiều ngày với khách, thường phải tìm khách sạn bình dân ở, bởi vì còn phải nuôi cậu út sinh 1999 mà, năm 1995 về nước tôi lập gia đình ngay, “an cư lạc nghiệp” mà, bà xã cũng đã hơi quá lứa nên đến lần thứ ba mới đậu, nhớ hai lần đang trong SG mà anh bạn ngoài HN báo: “Anh Tâm về nhà ngay”, phải lập tức lấy vé để trở về.
Trong Nha Trang tôi có hai ông bạn cùng khoa Lý nay đã thành đạt, đều đi Nga về, một ông làm ở Viện Biển, một làm Phó Tư lệnh Sân bay, nhưng tôi lại hay về chỗ anh Ngân, bạn cùng cơ quan, anh hơn tôi 4 tuổi, cũng dân Nga về vì vốn đi học Nga từ nhỏ, thậm chí còn trước lúc bọn tôi đi Đức, từng làm việc nhiều năm ở Dubna nên nay làm đại diện cho VVL trong NT, kiêm chức phân viện trưởng phân Viện Vật Liệu NT. Anh có nhà công vụ là một căn nhà nhỏ nằm sát viện, nhưng là nhà cũ thời Tây nên có hành lang rất rộng, tối tối hết giờ tour tôi lại về chỗ anh chị (có duy nhất cô con gái thì đã lấy chồng ở ngoài HN) tán gẫu và nghỉ đêm tại đấy.
Anh Ngân dân Hóa nhưng vốn học cùng lớp với các anh Chu H. và T. X. Hoài ở Quế Lâm, là dân vật lý nên tôi cũng thân quen, lại cùng VVL cũ cả nên rất thân thiết, những đêm ở đó qua rất nhanh. Tôi nhớ có lần anh sầm mặt bảo tôi: “Lại một lần nữa tao phải báo với mày là mày lại trượt PGS rồi, cứ nhắc đến tên mày là sếp nhăn mặt thì bố thằng nào dám bỏ phiếu cho mày”. Ở Việt Nam có chuyện bầu GS nên mới kỳ vậy. Cứ để các trường đại học tự tuyển như các nước vẫn làm thì làm sao? Hay bây giờ đã loạn rồi thì thế sẽ loạn vô cùng cũng chẳng sao?
Hết thời hạn phân viện trưởng phân Viện Vật Liệu NT, vì là PGS, chuyên viên cao cấp, anh Ngân về làm cộng tác viên Viện Công nghệ Môi trường, cách VVL chỉ không đến trăm mét nên tuần nào chúng tôi cũng gặp nhau, không ở hội thảo thì cũng ở viện anh vì tôi còn một anh cũng vốn là quân của phòng QH của tôi cũ đang làm ở viện đó, hay ở quán cà-phê của viện (lớn là VHLKH&CNVN), hết sức tâm đầu ý hợp. Lại trở lại nói chữ ngờ. Bây giờ cúm Tàu, anh lại trên 80 rồi nên thôi không lên viện nữa. Nhưng có zalo hay viber cũng tiện, buôn dưa lê cả tiếng cũng được không sợ hết tiền, nhất là đang phong tỏa toàn phần như thế này. Thế nhưng những sự kiện gần đây đã làm sứt mẻ tình bạn của chúng tôi. Nay tôi tránh không gọi anh nữa mà máy anh cũng luôn bận.
Số là tôi chủ quan, cứ nghĩ sống, nói chuyện với nhau bao nhiêu năm, 82 tuổi, lại là trí thức xịn, PGS chuyên viên cao cấp, nguyên bạn học của các anh Chu H., T.X. Hoài đều đã ở phía bên kia, ít ra cũng không kiên định chủ nghĩa Mác-Lê đến thế. Tôi cứ tưởng vào giữa năm 2021 này, khi bộ mặt lang sói của họ Tập đã quá lộ rõ và chủ nghĩa cộng sản cũng vậy, thì anh Ngân nếu không nói là cùng phía với chúng tôi, thì cũng không đối lập, nhưng anh lại trở lại vấn đề giai cấp: “Chúng mày giai cấp khác, chúng tao giai cấp khác, bố tao đã ngồi tù Hỏa Lò cùng Đỗ Mười, chế độ này đã mang lại cuộc đời mới cho giai cấp cần lao, hơn trước rất nhiều, chúng tao phải kiên quyết ủng hộ”.
Viết đến đây tôi bỗng nghĩ, trong bao nhiêu cái sai trái của chủ nghĩa cộng sản, thì cái sai nhất, nguy hiểm nhất mà cho đến nay ai có lương tri vẫn sợ, có lẽ đó là quá đề cao vấn đề giai cấp và việc phải dùng bạo lực để tiêu diệt giai cấp “bóc lột”. Ngay ở một trí thức cao cấp đến như vậy mà não trạng cũng không hề thay đổi, bất chấp những thay đổi đến chóng mặt của thời đại công nghệ 4.0 này. Tôi cũng nghĩ đến anh Đại, bạn lâu năm của tôi, cũng đã từng làm viện trưởng VVL, khi bàn về chính trị, tôi có nói: “Càng về già, mình mới càng nhận thức ra rằng Cụ Diệm đúng, cụ Hồ sai”, thì anh bảo: “Cả hai Cụ đều đúng”, một dạng ba phải…
Nhưng Đại lại cũng là người đã tổ chức cho tôi ngay vào năm 1995 khi từ Paris về, đã được đi thăm Trung Quốc từ mặt khoa học. Số là khi đó anh đang làm việc bên Nhật nên có điều kiện kéo 3 người gồm anh Phạm L., vừa bảo vệ TS do anh hướng dẫn, anh Hoàng đang làm TS và tôi, đến tham gia 2 Hội nghị Laser Quốc tế tại Hàng Châu và Thượng Hải. Chúng tôi họp ở hai nơi đó tổng cộng chỉ một tuần, nhưng dành cả hai tuần đi tàu hỏa suốt dọc bờ biển Nam Trung Quốc từ Nam Ninh qua Phúc Kiến đến hai thành phố đó.
Biết thêm về Trung Quốc khi tôi đã ở đó từ 1951 đến đầu 1955 và đi bằng tàu hỏa 5 lần qua suốt từ Nam tới Bắc, lần cuối vào đầu năm 1978 khi Bắc Kinh còn ngổn ngang vì làm đường tàu điện ngầm nhưng theo phương pháp thủ công dùng sức người, đào đất lên xây đường ống rồi lấp lại. Lần này thấy Trung Quốc đã thay đổi hoàn toàn, nhưng không phải là không có điều gì đáng nói. Thành phố Thượng Hải to hơn Paris tôi vừa mới về, nhà cửa hiện đại hơn, nhưng vào đêm thì ga Thượng Hải la liệt nông dân từ thôn quê ra thành phố làm công nhân, ngủ lại.
Chúng tôi đến thăm Viện Laser Thượng Hải, được thấy những chiếc laser còn lớn hơn những cái tôi từng thấy ở đại học Paris-Sud hay École Polytechnique. Nhưng khi tôi đến nói chuyện với một đồng nghiệp trạc tuổi tôi thì anh này bảo: “Tâm ơi, về nước hãy tìm cách gửi giấy mời để tôi sang Việt Nam bởi vì tôi chưa từng đi nước ngoài nào”. Còn tệ hơn cả CHDC Đức và Việt Nam thời xưa, tuy cùng là nước cộng sản.
Còn về thói bạo ngược, trịnh thượng, coi thường nước ngoài của Trung Cộng thì chuyện đường sắt trên cao 13km Hà Đông-Hà Nội lại chỉ là một ví dụ nhỏ trong hàng ngàn, xin kể thêm, có thể bạn đọc thấy thú vị: chính anh B kể tôi, khi về thăm lại trường cũ ở Quế Lâm thì thấy trường được sửa lại khang trang, có biển long trọng đề Trường này từng đào tạo cán bộ nòng cốt cho Việt Nam, thế nhưng ngay phía sau lại đề Việt Nam là bọn vô ơn, cứ làm như họ tham gia (hay gây ra) hai cuộc chiến tranh chống Mỹ ở hai nước Việt Nam và Triều Tiên chỉ vì “tinh thần quốc tế vô sản”.
Còn chuyện này còn mới hơn, ghê hơn. Cậu em họ bà xã tôi làm ở Sứ quán ta tại Bắc Kinh, hết nhiệm kỳ vừa từ Trung Quốc về, kể rằng, vào dịp tàu thăm dò dầu khí Hải Dương của họ đậu ở bờ biển thuộc thềm lục địa ta thì cứ một giờ sáng là Bộ Ngoại Giao Trung Quốc lại gọi điện triệu đại sứ ta đến vì ta khiêu khích họ! Ngang ngược, hỗn hào kiểu nước lớn hết chỗ nói!
7.
Bài cũng dài, có lẽ nên kết thúc ở đây chăng? Tôi chỉ muốn kết luận rằng, tôi chẳng ân hận gì về những năm tháng đã sống, nếu có được làm lại cuộc đời một lần nữa, dù không bao giờ xảy ra, thì tôi vẫn làm vậy. Đúng thế, mọi người đều bảo, các nhà vật lý khi về già đều mê tín. Tôi thì tôi tin rằng, có một thế lực cao hơn chính cả Chúa mới có quyền quyết định, mà khoa học sẽ vĩnh viễn không nắm bắt nổi. Lại nhớ câu “Jedem das Seine” ở trước mỗi trại tập trung bên Đức (như chacun à son sort của Pháp, Chúa đã an bài vốn có nguồn gốc từ Thiên Chúa Giáo). Càng nhớ khi ở Pháp những năm 90, muốn ở lại lâu dài, có người thân khuyên nên viết một bài báo chống cộng là đủ để được hưởng quy chế tỵ nạn, ngay cho lúc đó ai cũng đã biết, các lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam đều chỉ nói cộng sản đầu lưỡi mà thôi. Đặng Tiểu Bình ngay khi đó đã thực hiện chủ nghĩa thực dụng khi nói “chủ nghĩa cộng sản hay tư bản không quan trọng, mèo trắng hay mèo đen, không quan trọng, miễn là bắt được chuột”. Và tôi hồi đó tôi đã không viết báo, nên bây giờ mới ở Việt Nam, viết báo nếu nói chống cộng cũng không đúng mà chính xác là “phản biện, theo lề trái của những người bất đồng chính kiến”.
Nay, dù không thoải mái mà rất khó khăn nữa kia, và dù cũng không đến nỗi phải ngồi tù, nhưng đã từng bị CA bắt một lần đưa về đồn hỏi tội cả buổi để cuối cùng liệt vào “danh sách đen” để nhiều lần bị nhắc nhở, bởi vì người nào khi cầm quyền cũng tìm mọi cách bảo vệ quyền đó vì quyền đi liền với quyền lợi mà, tuy ở phương Tây cũng vậy mà thôi, nhưng vì là những nước tự do, dân chủ nên khác biệt độc tài ghê gớm, mà hơn nữa lại là độc tài toàn trị thì ghê gớm tới mức thế nào, dân các nước, dù ngày nay hay trước kia là cộng sản, biết quá rõ. Khi nói tự do, dân chủ, vì dân, thì ai cũng phải nói vậy để mỵ dân mà, nhưng thể hiện thế nào thì phương Tây họ đến gần nhất rồi, ta chỉ theo họ không cũng đủ mệt.
Còn về sống ở Việt Nam thì tôi đã làm được như cha tôi, phục vụ đất nước tôi, nơi chôn nhau cắt rốn tôi, điều quan trọng nhất mà Frédéric Joliot-Curie, một người thầy, cộng sản nhưng mà tốt, từng khuyên cha tôi và tôi cũng sẽ kiên định mục tiêu đó cho đến phút chót, dù thời gian chẳng còn nhiều nữa. Và tôi bỗng nghĩ, khó khăn còn nhiều lắm, đến như Nga sau hơn 30 năm vẫn chưa có dân chủ, vẫn là một nhà nước độc tài dù không toàn trị. Và bài toán đúng nhất cho sự phát triển của một dân tộc có lẽ là nâng cao dân trí, mà việc này hết sức khó khăn và phải được đặt làm mục tiêu tối thượng, điều mà Cụ Phan Chu Trinh và các cụ có tư duy sáng nhất đất nước đã đề ra mà phải bỏ dở, tuy mãi mãi vẫn đúng.