Lê Nguyễn
(VNTB) – Nếu thực sự có tự do, thực sự có dân chủ, cầm chắc chẳng ai phải nhọc lòng ‘lợi dụng’ để phải đi tù…
Điều 331 Bộ Luật Hình sự 2015 về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định:
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù 2 – 7 năm”.
Điều luật ở trên, giới dễ bị cho là phạm tội nhất, đó là các nhà báo.
Hiểu theo nghĩa cách hành văn theo ngữ pháp tiếng Việt, nếu đã gọi là “tự do báo chí”, thì không thể có chuyện tư nhân không được quyền thành lập các tòa báo tư nhân.
Nếu gọi là “tự do ngôn luận”, có nghĩa người dân được quyền công khai chất vấn ông Nguyễn Phú Trọng rằng trong Điều lệ Đảng hiện hành, có điều nào cho phép một đảng viên liên tiếp 3 nhiệm kỳ giữ ghế Tổng bí thư?
Người dân cũng có quyền bày tỏ sự bất bình trước việc Luật tổ chức Quốc hội 2014, đang bị Quốc hội khóa 14 ngang nhiên vi phạm, qua việc chưa diễn ra bầu cử khóa 15, người dân chưa thể hiện quyền của lá phiếu cử tri, thế nhưng dàn lãnh đạo ở Quốc hội khóa 15 cùng Chính phủ nhiệm kỳ mới tương ứng đã xong xuôi, với cả thủ tục đặt tay lên Hiến pháp để tuyên thệ của tân Chủ tịch Quốc hội, tân Chủ tịch nước.
Nếu người dân được quyền tự do tôn giáo, vậy thì vì sao đến nay Đảng và Nhà nước vẫn buộc các tôn giáo phải đồng thuận dưới quyền lãnh đạo của Đảng và Nhà nước? Thay vì các tôn giáo chỉ cần hoạt động theo đúng pháp luật dân sự và hình sự.
Cụ thể hơn, hiện tại tổ chức tôn giáo có tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất thành lập vào tháng 1 năm 1964, vì không đồng ý quy về một mối của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập tháng 11 năm 1981 – là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một tổ chức chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Chính trị, cho nên đến nay tổ chức này tạm gọi là vẫn “nằm ngoài vòng pháp luật”.
Nếu có quyền tự do lập hội, đơn giản thôi, chắc hẳn sẽ không có chuyện các nhà báo như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, Lê Anh Hùng, Trương Minh Đức,… đang phải ngồi tù.
Câu hỏi cần sòng phẳng trả lời ở đây, đó là các trường hợp đặt trong chữ “Nếu” ở trên, họ đã xâm phạm cụ thể những “lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” như thế nào?
Ví dụ, thắc mắc chuyện đảng viên giữ ghế suốt 3 nhiệm kỳ Tổng bí thư, vậy thì “lợi ích hợp pháp” nào bị xâm phạm?
Ví dụ tiếp theo, tân Chủ tịch Quốc hội khóa 15 Vương Đình Huệ, trên thực tế có lá phiếu cử tri nào chọn ông ấy hay chưa, khi mà ngày Chủ nhật 23-5 tới đây mới là ngày cả nước đi bỏ phiếu? Vậy thì “lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” nào bị xâm phạm?
Tôn giáo là vấn đề mang tính quyền riêng tư công dân. Vậy thì vì sao lại buộc tổ chức tôn giáo phải nằm trong tổ chức Mặt trận Tổ quốc, với việc “Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là tổ chức thành viên, vừa lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” như ghi tại Điều 4.4 “Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam?
Lằn ranh ở đây rất mong manh, vì trong hầu hết các trường hợp những nhà báo bị cáo buộc tội danh theo Điều 258 trước đây, nay là Điều 331 của Bộ luật Hình sự, cho thấy các quy kết từ công tố trái với Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10/12/1948 tại Paris, Cộng hòa Pháp, và Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên tham gia, công nhận.
Theo đó đã xác định rõ: “Người dân có quyền tự do ngôn luận được sử dụng các phương tiện báo chí, truyền thông mạng internet, các trang mạng xã hội không trái pháp luật”.
“Tự do dân chủ” là gì mà người ta phải “lợi dụng”? – Một thắc mắc xem ra khó thể có câu trả lời tử tế ở thời điểm hiện tại.