Phương Thảo
(VNTB) – Red Cloud, một người Da đỏ đã viết năm 1891 rằng “Họ đã hứa với chúng ta rất nhiều, nhiều hơn cả những gì tôi có thể hồi tưởng được – Họ không giữ một lời hứa nào trừ một lời hứa duy nhất; họ hứa sẽ chiếm lấy đất đai của chúng ta và họ đã thực hiện lời hứa đó!”
Ngay hôm Giáng sinh chúng tôi lên đường đến South Dakota. Đích đến là tượng đài Crazy Horse. Lái xe qua mấy trăm dặm đường dài qua những con đường vắng tanh và chỉ có tuyết phủ trắng các dãy đồi trọc hai bên đường. Nắng đẹp và trời trong xanh nhưng cái lạnh bên ngoài xuống đến -20C. Từ cách xa cả chục dặm đã nhìn thấy tượng Crazy Horse sừng sững trên nền trời xanh.
Tượng đài Crazy Horse được tạc vào dãy núi đá hoa cương với chiều dài 195 mét và chiều cao 172 mét. Khi hoàn thành thì đầu của Crazy Horse sẽ là tượng đầu người cao nhất thế giới với chiều cao 27 mét, cao hơn rất nhiều so với đầu của các tổng thống Mỹ ở Mount Rushmore và đồng thời cũng là tượng đài cao lớn nhất thế giới. Dù là một tượng đài lớn nhất thế giới, nhưng Crazy Horse lại không nổi tiếng như Mount Rushmore ở cách đó có 8 dặm đường vì tượng đài này vẫn chưa được hoàn thành sau gần 70 năm và vẫn sẽ còn kéo dài khá lâu nữa cho đến khi hoàn tất.
Lời hứa duy nhất
Năm 1868, một hiệp ước giữa tổng thống Mỹ lúc bấy giờ và người Da Đỏ đã được ký kết, trong đó nêu rõ “ Chừng nào các con sông còn chảy, chừng nào cỏ còn mọc và chừng nào cây còn lá thì chừng đó vùng đất Paha Sapa – Black Hills Dakota sẽ vĩnh viễn là vùng đất linh thiêng của người Da Đỏ.” Tuy nhiên vùng đất link thiêng với rất nhiều quặng mỏ này đã không ngăn được bước chân của những người da trắng đổ xô đến trong cơn sốt tìm vàng. Người Da Đỏ bị đuổi ra khỏi chính quê hương của họ và buộc vào sống trong các khu bảo tồn. Crazy Horse, một chiến binh lẫy lừng đã từng chiến thắng rất nhiều các bộ lạc đối đầu khác, đã lãnh đạo người Da Đỏ đánh trả lại sự xâm lược của người da trắng.
Sau gần mười năm trời chiến đấu, để tránh cho dân tộc của mình không phải chịu thêm tổn thất do các cuộc chiến và sự thiếu thốn lương thực trong những mùa đông lạnh giá, năm 1877 Crazy Horse chấp nhận đầu hàng người da trắng và rút về Nebraska. Nhưng cuối cùng thì sự quả cảm và trái tim của Crazy Horse cũng không thể cứu vớt được người Da Đỏ và cả chính mạng sống của ông. Người da trắng không giữ đúng lời hứa cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm và sự an toàn cho người Da Đỏ trong các khu bảo tồn. Chính bản thân Crazy Horse cũng bị sát hại vì sự hiểu lầm khi lời nói của ông bị hiểu sai rằng ông sẽ “giết hết cho đến khi không còn người da trắng ở phía bắc.” Red Cloud, một người Da đỏ đã viết năm 1891 rằng “Họ đã hứa với chúng ta rất nhiều, nhiều hơn cả những gì tôi có thể hồi tưởng được – Họ không giữ một lời hứa nào trừ một lời hứa duy nhất; họ hứa sẽ chiếm lấy đất đai của chúng ta và họ đã thực hiện lời hứa đó!”
“Đất nào là đất của anh?”
Nhà điêu khắc Korczak Ziółkowski, vốn là một trong các điêu khắc gia tham gia tạc tượng các tổng thống ở núi Rushmore nhận được lời yêu cầu của thủ lĩnh Da đỏ Henry Standing Bear tạc tượng Crazy Horse. Mục đích làm bức tượng này theo như Standing Bear là là để cho “người da trắng biết rằng dân tộc Da Đỏ cũng có những anh hùng”. Người Da Đỏ chọn Crazy Horse bởi ông không chỉ là một anh hùng trong chiến trận mà còn là một con người chân chính, yêu thương tôn kính người trên, chăm sóc cho người ốm, góa phụ và trẻ em. Mục tiêu sống của Crazy Horse là cống hiến cả cuộc đời, dù ngắn ngủi, cho dân tộc và bảo tồn các giá trị văn hóa.
Nơi được chọn để tạc tượng là vùng đất thánh của người Da Đỏ nằm giữa hai thành phố Custer và Hill, núi Thunderhead. Tượng được bắt đầu thực hiện từ năm 1948 và do cả gia đình Ziółkowski đảm nhiệm. Khi đó đã 40 tuổi và trong túi chỉ có vỏn vẹn 174 đô la. Trong suốt quãng thời gian thực hiện việc điêu khắc, ông đã gặp phải vô vàn khó khăn về tài chính, bị phân biệt đối xử và cả bị thương tích. Sau khi Korczak Ziółkowski mất vào năm 1982, vợ ông Ruth Ziółkowski và 7 người con tiếp tục công việc điêu khắc này.
Dù chính phủ bang và liên bang đã ngỏ ý muốn tài trợ tài chính cho công trình vài lần nhưng Korczak Ziółkowski và những người kế nghiệp ông đều từ chối vì họ muốn tượng đài Crazy Horse được thực hiện bằng sự đóng góp của những người yêu mến Thủ lĩnh Da đỏ này chứ không phải từ tiền thuế của nhân dân. Việc điều hành công trình do một tổ chức phi lợi nhuận đảm nhiệm để vinh danh Ziółkowski trong nỗ lực nâng cao mục tiêu giáo dục và văn hóa cho người Da Đỏ. Tiền phí vào cửa hoặc tiền từ thiện là cách để du khách có thể đóng góp vào việc hoàn thành tượng đài Crazy Horse. (Người Da Đỏ, binh lính đang tại ngũ và cư dân trong vùng được tham quan miễn phí.)
Viện Bảo tàng người Da Đỏ Bắc Mỹ ở ngay chân núi được làm toàn bằng gỗ. Những bức ảnh, các tấm bản đồ bằng da, những bộ quần áo gắn lông chim, những chiếc lều Tipi… lần lượt kéo du khách quay trở về quá khứ, chìm đắm trong những tháng ngày hào hùng và cũng đầy máu và nước mắt của người Da Đỏ. Đứng trên mảnh đất này, trong cái lạnh cắt da để cảm nhận nỗi đau của một dân tộc bị mất đi vùng đất thiêng và đẩy vào chỗ gần như bị tận diệt, tưởng tượng đến ngón tay của Crazy Horse khi được hoàn thành, chỉ vào một nơi xa xăm khi được hỏi “Đất nào là đất của anh?” và nghe tiếng ông thì thầm trong gió: “Đó là nơi tôi được chôn cất khi tôi chết.”