VNTB – Tượng đài nghệ thuật hay chỉ là tuyên truyền chính trị?

VNTB – Tượng đài nghệ thuật hay chỉ là tuyên truyền chính trị?

Trần Dzạ Dzũng

 

(VNTB) – Tượng đồng Lenin ở Nghệ An là một điển hình cho việc dùng tượng đài để tuyên truyền chính trị.

 

Báo điện tử VTC New cho biết, “Tượng đài Lenin ở Nghệ An do tỉnh Ulyanovsk trao tặng hoàn toàn”. Theo đó, tượng đài Lenin là quà tặng của lãnh đạo và nhân dân tỉnh Ulyanovsk (Nga) gửi tặng nhân dân tỉnh kết nghĩa Nghệ An và nhân dân Việt Nam. Đây là quyết định của chính quyền tỉnh Ulyanovsk từ năm 2019.

Năm 2020, ông Nguyễn Xuân Sơn, khi ấy là Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, đã gọi việc đặt tượng Lenin ở tỉnh này “là địa chỉ đỏ tại thành phố Vinh”.

Theo đánh giá của các nhà mỹ học thì tượng các lãnh tụ cộng sản tiền bối như Lenin, hoặc các lãnh tụ sau này như Fidel Castro, được dựng lên tại Việt Nam nhằm nhấn mạnh vai trò của chủ nghĩa cộng sản và tình hữu nghị giữa các quốc gia chung ý thức hệ. Các bức đặt ở khu vực công cộng còn nhằm mục đích tạo nên ký ức cộng đồng về chủ nghĩa mà các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương dẫn dắt toàn dân theo đuổi.

Nói một cách khác thì các tượng này chủ yếu mang giá trị và yếu tố nhằm phục vụ chính trị.

Tượng đài vốn có giai đoạn phát triển mạnh để ca ngợi chủ nghĩa anh hùng, tuy nhiên thời kỳ đó đã chấm dứt khá lâu rồi. Khi kết thúc chiến tranh, nhiều quốc gia trên thế giới không còn tư duy làm tượng đài, kể cả những nước ở khía cạnh nào đó tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên người ta cũng ít làm tượng đài mới và đồ sộ ở không gian công cộng. Bởi lẽ khi đặt tượng đài ở không gian công cộng thì phải có sự đồng thuận của cộng đồng người dân tại đó, hoặc lớn hơn là xã hội, nếu không thì sẽ là khiên cưỡng.

Người ta xác định phát triển nghệ thuật công cộng chính là linh hồn của đô thị, vì vậy ở các không gian công cộng là những tác phẩm nghệ thuật và phù hợp với cảnh quan. Nghệ thuật công cộng sẽ giúp nâng cao thẩm mỹ cho người dân, khi đó nghệ thuật được tiếp cận một cách dễ dàng, miễn phí. Vậy nên đến thời điểm hiện tại mà vẫn dùng tư duy cũ, ngôn ngữ cũ, hay cách làm áp đặt sẽ bị coi là “lạc điệu” với bối cảnh phát triển không gian công cộng, trong xu thế hội nhập hiện đại.

Thập niên đầu 60 ở thế kỷ trước tại miền Bắc phong trào sáng tác tượng đài nở rộ với một số nhóm làm tượng của các giảng viên sinh viên hai trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội và Cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Họ xây dựng tượng đài “Nam Ngạn chiến thắng” ở Thanh Hoá, “Du kích làng Nguyễn” ở Thái Bình, hay tượng đài “Kép” ở Bắc Giang…đều được làm bằng bê tông. Giai đoạn này, các tác giả không phải là người chuyên làm tượng đài mà chỉ sáng tác thể nghiệm, các tượng đài có tác dụng cổ vũ nhân dân chống giặc trong thời chiến.

Sau năm 1975, nhu cầu xây dựng công trình tượng đài tại quảng trường, công viên, khu tưởng niệm lớn nhằm phản ánh lịch sử, ca ngợi chiến thắng, công tích cách mạng, danh nhân văn hóa, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ khiến điêu khắc tượng đài phát triển ồ ạt.

Theo quan sát của một khách du lịch thì, “trong bất cứ giai đoạn nào của lịch sử cũng xuất hiện những con người, hoặc những lớp người tích cực, họ tạo nên lịch sử. Và tại sao chúng ta không xây dựng hình tượng của họ?”. Theo đó, ở các nước, sự lựa chọn một nhân vật để dựng tượng cũng rất đa dạng. Đó có thể là một ngài thị trưởng, một người lính cứu hỏa. Bất kể ai nếu như họ có công lớn hoặc thể hiện được đức tính quý của con người.

“Tôi có dịp lang thang ở Stockholm một buổi chiều chạng vạng và giật mình khi suýt va vào một người công nhân môi trường đang đẩy nắp cống để đi lên. Thực ra đó là một bức tượng. Không những vậy, theo tôi nó có tính chất của một bức tượng đài (một bức tượng đài không có đài). Vì nó tôn vinh con người, ca ngợi một ngành nghề. Nó đã đẩy lùi khoảng cách giữa các tầng lớp xã hội. Đó, tượng đài nhiều khi chỉ đơn giản vậy thôi. Thậm chí có nơi họ dựng tượng cả động vật, những con vật cứu người như chó, ngựa…

Đi dọc tuyến đường Bắc Nam, cứ đến mỗi tỉnh lại có một cổng chào hay tượng đài chào đón quý khách. Những cổng chào chắp vá các biểu tượng dân tộc và chiến đấu, na ná giống nhau. Chúng ta quên mất văn hóa vùng miền mỗi nơi mỗi khác. Và tại sao lại không quảng bá văn hóa vùng đó. Ví dụ tỉnh Bắc Ninh nên xây dựng hình tượng liền anh liền chị Quan họ mời trầu quý khách. Như vậy tính đặc sắc của văn hóa vùng miền được khắc họa khá rõ và rất dễ gợi ý cho tính nghệ thuật ở bức tượng… Ở Việt Nam, tượng công nông binh quá nhiều song danh nhân văn hóa lại quá ít. Ngay cả các sự kiện lịch sử cũng chỉ biết tôn vinh chiến thắng…”, vị du khách này nhận xét.

Lưu ý, sau sự tan rã của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, tượng Lenin dần biến mất tại nhiều nơi. Tại những nước nơi người dân có ký ức kinh hoàng về Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản, như Ba Lan, Hungary, Lithuania, Latvia, Czech,… tượng Lenin đã bị giật sập và phá ủi hàng loạt.

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)