VNTB – Vắc xin Trung Quốc – Hayat-Vax: rượu cũ bình mới

VNTB – Vắc xin Trung Quốc – Hayat-Vax:  rượu cũ bình mới

Trường Sơn

 

(VNTB) – Vắc xin Sputnik V của Nga, và vắc xin SARS-CoV-2 của Trung Quốc đều vừa cập cảng hàng không Nội Bài trong ngày 29-9-2021.

 

Vắc xin SARS-CoV-2 là tên gọi chính thức của vắc xin Hayat-Vax được nhà sản xuất vắc xin Vero Cell/ Sinopharm của Trung Quốc gia công đóng gói tại Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE). Đây là loại vắc xin chưa được sự phê chuẩn trong sử dụng khẩn cấp từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Vắc xin SARS-CoV-2, hay còn gọi vắc xin Hayat-Vax tuy vẫn là Vero Cell, nhưng lại được phía nhà nhập khẩu Việt Nam ra sức quảng bá với một số hợp đồng truyền thông trên báo chí, như sau (trích):

“Quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn quốc tế, được UAE (UAE nằm trong top 10 nước giàu nhất thế giới) bỏ một nguồn kinh phí không hề nhỏ, để thử nghiệm 4Humanity, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III đầu tiên trên thế giới.

Đây là một thử nghiệm quốc tế đa trung tâm, đa sắc tộc, một nghiên cứu ngẫu nhiên, mù đôi, thu hút 45.000 tình nguyện viên đến từ 125 quốc gia trên thế giới, được xác định bởi WHO và NIH (Viện y tế quốc gia Hoa Kỳ) là thử nghiệm lâm sàng được thực hiện trên các quần thể đa dạng nhất và được kiểm soát song song với giả dược để đánh giá hiệu quả bảo vệ, tính an toàn, khả năng sinh miễn dịch của vắc xin bất hoạt chống lại SARS-CoV2 (tế bào vero) ở đối tượng khỏe mạnh từ 18 tuổi trở lên;

Tiếp theo là quá trình theo dõi, đánh giá hiệu quả của vaccine Covid-19 ở mức độ nghiêm trọng và tử vong liên quan đến Covid-19, 14 ngày sau khi tiêm chủng 2 liều và cuối cùng là việc khám phá mức độ bảo vệ của kháng thể trung hòa kháng SARS-CoV-2 ở 14 ngày sau 2 liều tiêm chủng (tiêu chí thay thế miễn dịch).

Trong khi đó, các thử nghiệm lâm sàng của vắc-xin Sinovac, Oxford/ AstraZeneca, Moderna và Pfizer thiếu sự đa dạng về sắc tộc, điều này đã dấy lên sự nghi ngờ về khả năng ứng dụng toàn cầu của chúng”. (dừng trích)

Thực hư thông tin về hiệu quả của vắc xin có thể chưa rõ, nhưng tin chắc là nội dung trên mà Công ty cổ phần y dược phẩm Vimedimex đã soạn để các báo ‘hỗ trợ truyền thông’, là vi phạm pháp luật của Việt Nam. Đó là vấn đề về quảng cáo so sánh được quy định trong Luật Cạnh tranh có hiệu lực từ 2005 và Luật Quảng cáo có hiệu lực từ ngày 01-01- 2013.

Theo quy định của Luật Cạnh tranh, mọi hành vi so sánh trực tiếp hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp khác đều bị cấm. Hành vi này cũng được quy định tại Điều 8 của Luật Quảng cáo. Theo đó, một trong những hành vi bị cấm trong quảng cáo là “Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác”.

Trên thực tế thì lâu nay ở Việt Nam không doanh nghiệp nào dại gì mà dùng hình thức so sánh trực tiếp như Công ty cổ phần y dược phẩm Vimedimex. Họ chỉ dùng các hình thức so sánh mà ngôn ngữ thường dùng là “so với sản phẩm thường”. Không ai có thể xác định được “sản phẩm thường” ở đây là loại sản phẩm của nhãn hiệu nào?. Vì vậy, những quảng cáo này thường mang tính lập lờ với ngụ ý là sản phẩm được quảng cáo tốt hơn những sản phẩm cùng loại khác.

Tương tự với tình cảnh của vắc xin SARS-CoV-2, tức vắc xin Hayat-Vax, cho đến nay dù là vắc xin Covid-19 đầu tiên được cấp phép trên thế giới, Sputnik V vẫn chưa được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp. Trong khi các loại vắc xin khác do Trung Quốc, Mỹ và Anh sản xuất ‘đi sau’ lại ‘về trước’.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)