Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vài suy nghĩ về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông 2017

Phạm Minh Hoàng (VNTB) Chiều 12/4, Bộ Giáo dục và Đào Tạo đã công bố Dự thảo Chương trình Giáo dục Phổ thông tổng thể để tham khảo và thu thập ý kiến. Chương trình mới bắt đầu được áp dụng từ năm học 2018-2019, dự kiến hoàn thiện vào năm 2022-2023. Phải nói đây là một biên soạn khá chi tiết, chi tiết cho đến từng học kỳ của 3 cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Có vài điểm mới là sẽ cho phép học sinh lựa chọn một số môn học chứ không bắt buộc toàn diện như bây giờ. Ngoài ra, việc công nhận tốt nghiệp THPT sẽ giao cho cơ sở giáo dục. 

Nhưng không cần phải là một chuyên gia giáo dục, mọi người đều nhận thấy Dự thảo quá nhiều tham vọng mà lại không giải quyết được những vấn đề cấp bách của giáo dục. Tham vọng trước tiên là Dự thảo đã đưa vào nhiều môn học mới như: Thế giới Công nghệ, Cuộc sống quanh ta, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, Giáo dục Kinh tế Pháp luật, Giáo dục An ninh quốc phòng, Chuyên đề học tập và Định hướng nghể nghiệp. Nhưng với số môn nhiều như vậy thì học sinh không lấy đâu sức lực và thời gian cho các môn định hướng nghề nghiệp cả. Có người nói khôi hài là đây không phải là định hướng, mà là định theo 8 hướng. 
Rất nhiều giáo viên khác thắc mắc với nhiều môn mới như vầy, đào đâu ra người dạy? Bên cạnh đó, việc cho phép học sinh lựa chọn môn học sẽ gây khó khăn cho các trường trong việc chuẩn bị nhân sự khi chương trình đi vào thực tế. TS Phan Thị Luyến, Hiệu trưởng Trường THPT Thực nghiệm (Hà Nội) băn khoăn :“Mỗi năm học sinh sẽ đăng ký khác nhau. Năm nay học sinh sẽ đăng ký nhiều môn Sử – Địa nhưng năm sau đăng ký nhiều Lý-Hoa-Sinh. Vậy năm trước vừa tuyển thêm giáo viên các môn Sử – Địa, đến năm sau học sinh không đăng ký nữa thì làm thế nào?” 
Ở một khía cạnh khác, PGS. Nguyễn Thị Minh Phương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục
hơi “giật mình” khi đặt môn Giáo dục An ninh quốc phòng lên vị trí đầu tiên. Theo thông lệ, người ta thường xếp các môn văn hóa lên trước, các môn mang tính chất hoạt động thì xếp xuống sau nhưng ở đây thì xếp ngược lại.
Đối với cá nhân tôi, tôi rất tâm đắc với nhận xét của GS Ngô Việt Trung (Hội Toán học Việt Nam) cho rằng “Dự thảo chương trình phổ thông bị ám ảnh bởi Nghị quyết, chính sách nên chương trình đặt ra quá tham vọng”. 
Trong lời mở đầu, Dự thảo đã nhắc lại “Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa XI) đã thông qua Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Dự thảo cũng khẳng định “việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông được thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục” mà tôi xin ghi ra đây vài điều quan trọng:
– Điều 2: Mục tiêu giáo dục: Đào tạo con người VN phát triển toàn diện, (…) trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
– Điều 3: Nền giáo dục VN là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng
– Điều 40: Nội dung giáo dục đại học phải có tính hiện đại (…) và các bộ môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”
GS Ngô Việt Trung (Hội Toán học Việt Nam)
Tôi không biết GS Ngô Việt Trung muốn nói gì khi dùng từ “ám ảnh bởi Nghị quyết” nhưng khi thấy Dự thảo đưa vào chưong trình những môn có màu sắc chính trị nhưng ngụy trang dưới những tên như : Giáo dục Kinh tế Pháp luật, An ninh quốc phòng… thì tôi thấy có cái gì đó không ổn. Pháp luật các em được học sẽ là pháp luật như các điều 2, 3, 40 (và còn nhiều nữa trong các Nghị quyết và Cương lĩnh) thì quả là đáng lo. Tất cà các khái niệm về pháp luật này được xây dựng trên nền tảng của một chủ nghĩa mà nhân loại đã đào thải cũng như trên những hệ tư tưởng lỗi thời thì trong tương lai các em sẽ xây dựng cho cái gì?
Theo Dự thảo, các em được dạy phải bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Tôi không muốn bàn về việc đánh đồng giữa hai khái niệm Tổ quốc và một chủ nghĩa, tôi tự hỏi các em sẽ thắc mắc gì khi đổ đồng cứ hai ba tuần lại có một tàu cá VN bị đâm chìm, hải phận VN bị liên tục xâm phạm?
Theo Dự thảo, các em được đào tạo để ý thức việc bảo vệ môi trường. Vậy cách hành xử của nhà nước về vụ Formosa thì phải cắt nghĩa như thế nào đây khi nhiều người thực thi điều này lại bị đánh đập, bắt giam ?
Theo Dự thảo, các em được đào tạo để “đương đầu giải quyết các vấn đề đạo đức, pháp luật, chính trị”, để “tham gia tranh luận, có niềm tin vào tính đúng đắn…”, có “năng lực tìm hiểu về xã hội”. Thế tại sao khi nhiều người tổ chức hội thảo về thời sự đất nước lại bị ngăn cản, bắt bớ, tịch thu các máy móc và liên tục thẩm vấn như những tên tội phạm ?
Tại nhiều nước trên thế giới, bộ Giáo dục đã dạy cho học sinh biết về Quyền Con Người ngay khi các em còn ở bậc tiểu học – dĩ nhiên là dưới những ngôn từ thích hợp với lứa tuổi các em và hoàn toàn không có sự áp đặt một chủ nghĩa hoặc một hệ tư tưởng nào cả. Tôi nghĩ rằng đây mới là cáì thứ “Luật” mà bộ Giáo dục phải dạy cho học sinh và để cho các em tự do và cái “Quyền” được đi tìm và hấp thu những cái hay cái đẹp chung quanh ta nhằm mục đích phục vụ cho xã hội ngày một tươi đẹp hơn.
Dự thảo này đã được đưa ra từ năm 2015 nhưng “lại thêm một lần thất vọng”. Đó là nhận xét thấy được trên các trang mạng. Tôi nghĩ ngày nào vẫn còn cái vòng kim cô chủ nghĩa xã hội trên đầu thì không chỉ riêng giáo dục, mà nói chung sẽ chẳng có một cải cách nào thực sự đem lại tốt đẹp cho người dân Việt Nam.

Tin bài liên quan:

VNTB – Quốc hội Đài Loan dậy sóng vì vụ kiện Formosa

Do Van Tien

Formosa: Khi con voi chui lọt lỗ kim!

Phan Thanh Hung

VNTB – Khu du lịch Thiên Cầm sạc nghiệp vì Formosa

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo