Việt Nam Thời Báo

VNTB- Văn Miếu: không ai ầm ĩ chuyện “rong rêu”

Anh Văn

(VNTB) – Văn Miếu – Quốc Tử Giám gây ồn ào dư luận vào những ngày cuối năm, lý do, ban quản lý quét màu sơn mới.

Câu chuyện “quét vôi” được đặt tít lớn ở nhiều trang tin và báo lớn, đến nỗi báo Tuổi Trẻ phải thiết lập một diễn đàn để bạn đọc để thảo luận và trang Người đưa tin đăng tải bài với nội dung “Văn Miếu – Quốc Tử Giám ‘khoác áo’ mới: Có đáng ồn ào?”.

Nhiều ý kiến đều đồng thuận rằng, quét vôi Văn Miếu là chuyện thường tình, không đáng để ồn ào. PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Tổng Thư Ký Hội di sản văn hóa Việt Nam cũng khẳng định, không phải cứ rêu phong phủ lên mới là giá trị cổ kính của di tích. Mà cái cần hướng tới là “xem quy trình việc trùng tu như thế nào, phương pháp làm ra sao, thực thi trên thực địa có đúng quy trình không…”.



Thực tế, mọi sự ồn ào thời điểm qua chính là dư luận lo ngại “quy trình trùng tu” về mặt thực tế không đúng với cái quy trình trùng tu như mặt lý thuyết. Điều này, sẽ dẫn đến một nguy cơ là “hiện đại hóa di tích lịch sử”.

Đó không phải là lo lắng thừa thãi. Bởi Việt Nam ta, đội ngũ quản lý các di tích lịch sử thường rất kém trong khoản bảo vệ và trùng tu di tích, khiến nhiều di tích có niên đại hàng trăm năm bị bức tử đến mức người có tâm phải thổ huyết vì tức giận.

Gần đây nhất, Thành cổ Sơn Tây, một trong “4 tòa thành nổi tiếng, tiêu biểu, đẹp nhất miền Bắc đã đi vào lịch sử, được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia” đã được trùng tu một cách rất có tâm: bê tong hóa và nhốt di tích vào lồng sắt giả gỗ. Trước đó, theo báo Lao Động, thành cổ này đã từng bị bức tử 1 phần vào năm 1995 khi “người ta đã thay thế cổng Hậu dù nó vẫn còn giữ được nguyên thủy như những năm 1883, 1884 và có một cây đa đẹp nhất khu thành cổ, bằng một cái cổng xây mới không phù hợp với không gian cổ xưa.”
Năm 2010, thành nhà Mạc được trùng tu bằng cách “làm mới”, với 10 tỷ đồng cho dự án này, hai tòa cổng thành cổ kính 400 năm hơn đã được biến thành lò gạch 1 ngày tuổi;  toàn bộ cây cổ thụ rêu phong đã biến mất để thay bằng inox, cọc bê-tông. Một năm sau (2011), ô Quan Chưởng – cửa ô duy nhất còn lại trong 5 cửa ô của Hà Nội xưa sau khi trùng tu xong khiến cho mọi người ngỡ ngàng khi 74.500 USD được tài trợ từ Mỹ cho dự án chỉ đem lại một tòa thành được trát vữa mới toanh. Ngoài ra, Bia Quốc Học (Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong) tại Huế có từ năm 1920 cũng chịu chung số phận là sau trùng tu là sự biến mất của toàn bộ lớp vữa cũ cùng các hoa văn – họa tiết trang trí cũ và thay vào đó là mới hoàn toàn.

Trên chỉ là 3 trong hàng tá câu chuyện về ứng xử kém đối với di tích lịch sử. Do đó, không phải là người dân chỉ thích nhìn sự cũ kỹ và đổ nát, mà họ muốn sự trùng tu phải giữ được cái thần của di tích và cái rêu phong của thời gian, chứ không phải là một công trình “sạch sẽ” mà bị thay đổi hoàn toàn cấu kiện hoặc vật liệu bên trong. Nó chẳng khác gì việc xây mới 1 nhà vệ sinh với giá hàng tỷ đồng rồi gắn bảng “trùng tu di tích lịch sử” cả. Điều này, bản thân nó đã là một sự xúc phạm đối với các giá trị lịch sử hiện hữu rồi.

Văn Miếu, thực tế không ai ầm ĩ chuyện “rong rêu”, mà họ lo sợ với tư duy “làm nhanh, mạnh” kiểu các nhà trùng tu và quản lý di tích hiện nay thì di tích thực sự không còn là di tích nữa. Văn Miếu bản thân nó quan trọng, nó nằm trong tim của thủ đô, thà dân ầm ĩ để trùng tu tôn trọng; còn hơn phó mặc cho nhà quản lý để rồi đón nhận những di tích lịch sử mới kinh hoàng, sạch sẽ khủng khiếp như những di tích vừa qua.

Bởi không phải di tích nào người ta trùng tu cũng có tâm như cách mà nó được gắn vào cả (di tích quốc gia, di tích lịch sử được xếp hạng,…). Cũng như hiếm có di tích nào khi trùng tu người ta cẩn thận đến mức phối hợp các bên giữa bên Chánh tòa Đức Bà Sài Gòn với chính quyền các cấp ở Tp. Hồ Chí Minh như nhà thờ Đức Bà, đến nỗi “các viên gạch vẫn còn tốt sẽ không cần sửa chữa”; thậm chí những người có trách nhiệm đã phải đi qua Pháp và một số nước châu Âu để tìm kiếm loại gạch thẻ như của nhà thờ Đức Bà để phục vụ trùng tu.
Câu chuyện Văn Miếu, suy cho cùng, cũng là câu chuyện của mất lòng tin mà ra.

Tin bài liên quan:

VNTB – Đại sứ Mỹ Ted Osius đã bị ‘vệ binh đỏ’ đấu tố, lăng mạ như thế nào?

Phan Thanh Hung

VNTB – Làn sóng “nhạc sĩ Việt” phản ứng lại chế độ

Jerelo B. Ujiresugini

VNTB – Việt Nam khắc phục nợ công bằng cờ bạc và cá cược?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo