Huỳnh Gia
(VNTB) – Cứ mỗi lần đại hội đảng cho nhiệm kỳ mới, người ta lại đoán già, đoán non việc những ai sẽ là vào ‘tứ trụ’, ai sẽ đăng quang chức Tổng bí thư. Tại sao đảng cộng sản Việt Nam không tổ chức những buổi đăng đàn tranh cử công khai?
Đọc báo điện tử, thấy đảng đang kêu gọi người dân góp ý kiến về Văn kiện mà đảng chuẩn bị cho kỳ đại hội nhiệm kỳ mới dự kiến tổ chức vào đầu năm 2021. Để đọc số tài liệu văn kiện này, người dân buộc phải tải toàn bộ tập tin văn bản về máy tính, sau đó đọc dần. Chỉ riêng chuyện thời gian tiêu tốn để đọc, có lẽ nếu không vì bắt buộc, chắc cũng hiếm ai chịu khó bỏ công để kéo rê chuột và chậm rãi đọc văn phong nặng nề chính trị tuyên giáo.
Khi đọc mà có thắc mắc, cũng không biết phải trao đổi liền với ai. Còn nếu để dòng cảm nghĩ này trôi qua, thì cũng chẳng mấy ai buồn nhớ lại để có thể dành một khoản thời gian để ngồi viết thư góp ý.
Ngược lại, nếu đảng chọn việc giới thiệu ra các gương mặt ứng viên cho nhiệm kỳ mới của đảng, và ứng viên này sẽ tương tự như mấy ông đại biểu hội đồng nhân dân, các ông sẽ lần lượt đăng đàn – có thể là trên kênh youtube chẳng hạn, để nói về những chiến lược, các quyết sách chung về nguyên tắc mà đảng hoạch định cho nhiệm kỳ mới, sau đó từ chuyên trách của cá nhân, từng đảng viên ứng thí ấy sẽ chi tiết về giải pháp thực thi một khi những ứng thí này nhận được lá phiếu bầu chọn của cử tri đảng viên.
Dân chúng tuy không có lá phiếu bầu, nhưng trong các trường hợp này, họ sẽ có những đánh giá về tầm nhìn của vị ứng viên, và sau đó sẽ kiểm chứng về độ tin cậy giữa lời nói và hành động của ứng viên khi đắc cử.
Một ví dụ, tại đại hội đảng cấp tỉnh, thành phố vẫn đang được tiếp tục hiện nay, người dân ai cũng thấy rất rõ rằng chuyện lá phiếu dân chủ ngay trong chính nội bộ đảng chỉ là một mỹ từ không có thật.
Người dân miệt ruộng vườn xứ Đồng Tháp chắc chắn không ai biết đến ông Lê Quốc Phong, người được Bộ Chính trị ‘phân công’ về Đồng Tháp ngồi vào chiếc ghế quan đầu tỉnh. Ông Lê Quốc Phong dẫu tài cán đến đâu chăng nữa, thì ông cũng phải mất thời gian làm quen với đường đi nước bước ‘rất đặc thù’ của miệt sông nước miền Tây.
Tương tự, thành phố Hồ Chí Minh – một đô thị được gọi là trung tâm tài chính của quốc gia, nơi có sự hiện diện của hầu hết các đoàn ngoại giao quốc tế,… Thế nhưng người vừa được Bộ Chính trị ‘điều về’ làm Bí thư Thành ủy, theo phát biểu của bà Chủ tịch Quốc hội, “Ông Nguyễn Văn Nên có khả năng quy tụ đoàn kết nội bộ” (*)
Theo bài tường thuật trên báo Thanh Niên, “Phát biểu tại buổi trao quyết định, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và cân nhắc nhiều mặt nên Bộ Chính trị quyết định chỉ định ông Nguyễn Văn Nên tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giới thiệu bầu Bí thư Thành ủy TP.HCM.
“Việc này diễn ra trước Đại hội Đảng bộ TP.HCM 5 ngày, có thể làm các đồng chí thấy cập rập và đồng chí Nên cũng chỉ mới biết cách đây vài ngày. Tuy nhiên, việc này Bộ Chính trị cân nhắc nhiều mặt nên mới đưa ra quyết định chứ không vội vàng, hời hợt”, bà Ngân nói.
Theo bà Ngân, Bộ Chính trị thấy quyết định này phù hợp thống nhất với nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân TP.HCM”.
Rõ ràng mẫu câu quen thuộc “Bộ Chính trị thấy quyết định này phù hợp thống nhất với nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân” cũng được dùng tương tự khi có các chỉ định kiểu như ông Lê Quốc Phong làm Bí thư Đồng Tháp, ông Lê Quang Mạnh làm Bí thư Cần Thơ…
Trở lại với trường hợp Bí thư Nguyễn Văn Nên, người dân Sài Gòn chỉ biết ông này là một công an cấp huyện đi dần lên, không thấy học hành khoa bảng chi cả, nên giờ thử tin bà Chủ tịch Quốc hội lần nữa coi tài cán ‘quy tụ’ sắp tới đây của ông tân Bí thư là ‘hiền tài’ hay những ‘ngụy quân tử’.
____________
Chú thích: