Thăng Long
(VNTB) – Theo thỏa thuận của Chương trình COVAX, thì vắc xin mà COVAX viện trợ cho Việt Nam trong thời gian qua là nhằm ưu tiên chích ngừa cho người già, người có bệnh nền.
Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành kế hoạch chi tiết phân bổ gần 1 triệu liều vắc xin Sinopharm cho các quận huyện cũng như đối tượng tiêm.
Theo văn bản khẩn gửi các đơn vị, Sở Y tế Hà Nội cho biết đã được Bộ Y tế phân bổ 999.600 liều vắc xin Vero Cell của Sinopharm. Theo đó, Sở Y tế yêu cầu cơ sở y tế trên địa bàn (tư nhân, các bệnh viện trung ương, bộ ngành) triển khai kế hoạch đợt tiêm 13 của thành phố, tổ chức thêm các điểm lưu động, tổ chức các điểm tiêm đến gần dân nhất có thể như tại phường, xã, tổ dân phố, khu phố.
Không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng, giảm bớt thủ tục hành chính, bố trí nhân lực tham gia tiêm chủng làm việc toàn thời gian để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng ngay số vắc xin được phân bổ hoàn thành trong thời gian sớm nhất, đảm bảo an toàn nhất, hiệu quả, tăng tốc độ diện bao phủ.
Cụ thể, tại mỗi điểm tiêm chủng chỉ tiêm 1 loại vắc xin ở cùng 1 thời điểm để tránh thắc mắc, đảm bảo công bằng, minh bạch cho đối tượng được tiêm.
Đối với 999.600 liều Sinopharm để thực hiện tiêm mũi 1 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn thuộc nhóm các nhóm đối tượng ưu tiên chưa được tiêm chủng. Tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo quy định.
Các nhóm được tiêm lần lượt như sau: lực lượng tuyến đầu chống dịch theo Nghị quyết 21/NQ-CP; người mắc bệnh mãn tính (theo danh sách bệnh nhân mạn tính quản lý tại các bệnh viện, trung tâm y tế); phụ nữ đang mang thai trên 13 tuần sau khi được giải thích nguy cơ/ lợi ích nếu đồng ý tiêm chủng cần chuyển đến tiêm và theo dõi tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa; người trên 65 tuổi; người làm trong các chuỗi cung ứng dịch vụ thiết yếu: công nhân nhà tang lễ, cắt tóc, gội đầu, công nhân vệ sinh và người làm tại các chuỗi cung ứng; công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, điểm công nghiệp, người nước ngoài đang sinh sống trên địa bàn TP; người lao động của các đơn vị có đóng góp cho công tác phòng chống dịch; các đối tượng khác, căn cứ vào lượng vắc xin được phân bổ.
Xin được luận bàn về việc ưu tiên tiêm ngừa vắc xin Sinopharm đối với người trên 65 tuổi.
Trong bài viết phiên bản Việt ngữ của Tổ chức Y tế thế giới, “Những điều cần biết về vắc xin phòng Covid-19 của Sinopharm”, thì: “Số liệu về an toàn hiện tại chỉ giới hạn ở những đối tượng trên 60 tuổi (do số người tham gia thử nghiệm lâm sàng ít). Trong bối cảnh chúng ta không thể đoán trước sự khác biệt trong hồ sơ an toàn của vắc xin này ở người cao tuổi so với nhóm tuổi trẻ hơn, thì các quốc gia đang cân nhắc sử dụng vắc xin này ở người trên 60 tuổi cần duy trì việc theo dõi tính an toàn chủ động”.
Bài viết của WHO còn cho biết: “Một thử nghiệm Giai đoạn 3 đa quốc gia cho thấy, sau 14 ngày kể từ khi tiêm đủ hai liều (khoảng cách giữa hai liều là 21 ngày) vắc xin có hiệu quả 79% phòng lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 có triệu chứng. Hiệu quả trong việc phòng ngừa nhập viện là 79%.
Thử nghiệm này không được thiết kế và có hiệu lực để chứng minh hiệu quả phòng ngừa bệnh nặng ở những người có bệnh nền, những người trong thời kỳ mang thai, hay những người từ 60 tuổi trở lên. Có ít đối tượng là phụ nữ tham gia vào nghiên cứu. Thời gian theo dõi trung vị ở thời điểm đánh giá dữ liệu là 112 ngày.
Có hai thử nghiệm đánh giá hiệu lực của vắc xin đang được triển khai nhưng chưa có số liệu”.
Ghi nhận một tài liệu đăng công khai trên trang web của bệnh viện quận Tân Phú, TP.HCM, “Thông tin về vắc xin Covid-19 (Vero Cell) bất hoạt của Sinopharm”, đưa ra những khuyến cáo như sau:
“Nhóm người từ 60 tuổi trở lên: Hồ sơ hiệu quả và an toàn của vắc xin có thể không được đầy đủ vì chỉ có một số lượng nhỏ người trên 60 tuổi tham gia trong giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng.
Tuy nhiên, ở các nhóm tuổi lớn, tính sinh kháng thể sau tiêm vắc xin Covid-19 (Vero Cell) bất hoạt của Sinopharm là tương tự như ở người trẻ tuổi, trong khi hiệu giá kháng thể trung hòa là đáng kể mặc dù có thấp hơn ở các nhóm tuổi lớn. Cần cân nhắc việc sử dụng vắc xin này ở những người lớn tuổi và chủ động giám sát phản ứng sau tiêm chủng”.
Như vậy, tổng hợp từ hai bản tin nói trên cho thấy tuy không chống chỉ định, nhưng quyết định ưu tiên tiêm chủng vắc xin Vero Cell của Sinopharm đối với người trên 65 tuổi, là rất cần cân nhắc từ phía người dân.
Sở dĩ đặt vấn đề như trên vì theo thỏa thuận của Chương trình COVAX, thì vắc xin mà COVAX viện trợ cho Việt Nam ở thời gian qua là nhằm đến ưu tiên chích ngừa cho người già, người có bệnh nền.
Bản tin trên trang web của Unicef viết:
“Vắc xin Covid-19 là công cụ cứu sống con người, nhưng với nguồn cung hạn chế, biện pháp tốt nhất là ưu tiên những người dễ bị tổn thương nhất”, Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu. “Khi số lượng các ca nhiễm tăng cao, chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ và tăng cường nỗ lực tiêm vắc-xin cho nhân viên y tế, người già và những người có bệnh nền để bảo vệ họ khỏi bị bệnh nặng và tử vong”.
“Điều quan trọng là các nhóm ưu tiên, bao gồm nhân viên y tế, nhân viên công tác xã hội và giáo viên được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 để đảm bảo rằng trẻ em có thể trở lại trường học an toàn và được sử dụng các dịch vụ y tế dự phòng cần thiết”, bà Lesley Miller, Phó Đại diện Unicef cho biết.
Trong số 8.681.300 liều vắc xin do Cơ chế COVAX hỗ trợ Việt Nam, có 5.000.100 liều vắc xin Moderna do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ, và 3.681.200 liều AstraZeneca. Cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI) và Liên minh Vắc xin và Gavi đồng khởi xướng, UNICEF là đối tác thực hiện chính”.
1 comment
TS Nguyễn Hồng Vũ phát biểu:
Cả hai vaccine của Sinopharm và Sinovac đều được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt dùng trong trường hợp khẩn cấp
“Tất cả những sự phê duyệt hiện nay là phê duyệt để sử dụng khẩn cấp, chứ không phải là sự phê duyệt đầy đủ cho một loại vaccine hoặc thuốc khi người ta đã hoàn tất các thử nghiệm lâm sàng,”
Một trong những điểm yếu trong nghiên cứu giai đoạn lâm sàng của Trung Quốc là họ thường chọn người khỏe, trẻ để thử nghiệm: “Nhưng khi đưa ra thực tế thì quần thể người phức tạp hơn bao gồm: trẻ, già, có bệnh nền, nên sẽ có kết quả khác với nghiên cứu rất nhiều và điều này đã được thể hiện trong thời gian qua.” (Ví dụ: Chile, Seychelles và Mông Cổ)
Tiến sĩ phân tích, việc đánh giá một vaccine có hiệu quả, an toàn hay không phải dựa vào kết quả đánh giá suốt quá trình nghiên cứu và sản xuất, phải được kiểm tra khắt khe về tính an toàn và hiệu quả, quá trình sản xuất phải được kiểm tra kỹ lưỡng.
Bởi vì, nếu trong quy trình quản lý chất lượng sản xuất vaccine không kỹ, để sót những virus còn sống lại, thì những người tiêm vaccine này sẽ rất nguy hại.”
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ ví von: “Hãy hình dung vaccine Trung Quốc là một con đường mà phía trước đầy bóng tối, mình đi phải cẩn thận.
Đồng thời, ông Vũ cũng nhấn mạnh rằng do không đánh giá được tính an toàn, nên cần thực hiện việc tiêm vaccine này tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện cấp cứu sốc phản vệ, và sau khi tiêm thì nên theo dõi kỹ sự thay đổi của cơ thể.
Về lựa chọn cho cá nhân, ông chia sẻ: “Nếu lúc này tôi đang ở Việt Nam và chỉ có vaccine của Sinopharm, mà tôi thì không ra ngoài, không tiếp xúc với ai, luôn thực hiện 5K và thấy rằng nguy cơ nhiễm không cao, thì tôi sẽ hoãn việc tiêm vaccine này”.
WHO đã đưa vào danh sách hai vaccine là Sinopharm và Sinovac, nhưng các tổ chức của châu Âu như EMA và Mỹ như FDA thì vẫn chưa chấp nhận sử dụng các vaccine này ở nước họ,” ông chia sẻ.
P/s:
TS Nguyễn Hồng Vũ tốt nghiệp cử nhân ngành Công Nghệ Sinh Học tại ĐH KHTN TP HCM năm 2004. Ông tốt nghiệp Thạc Sĩ và Tiến Sĩ ngành Sinh Học Phân Tử trong Y Học tại ĐH Chonnam, Hàn Quốc năm 2008 và 2012. Hiện ông đang trong nhóm nghiên cứu về vaccine Covid-19 tại viện nghiên cứu City of Hope, USA.