Nguyễn Huyền
(VNTB) – Về lý thuyết, lá phiếu cử tri vào Chủ nhật 23-5 tới đây sẽ quyết định những ai sẽ được người dân tín nhiệm để có thể là đại biểu Quốc hội.
Thế nhưng như những gì đã công khai trước quốc dân, và cả ‘trình báo’ với đảng cộng sản Trung Quốc, cho thấy bàn cờ chính trị đã đâu vào đó, bất chấp kết quả kiểm phiếu sau ngày 23 tháng 5 như thế nào.
Song trên thực tế thì vẫn còn đó những rủi ro bởi chính trị luôn là chuyện khó lường.
Trong tài liệu phục vụ tuyên truyền bầu cử có tên “Hỏi – Đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026”, cho biết, nguyên tắc bình đẳng trong bầu cử được thể hiện như sau: Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình cư trú; Mỗi người chỉ được ghi tên vào Danh sách những người ứng cử ở 01 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, hoặc 01 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thuộc 01 đơn vị hành chính ở cấp tương ứng; Mỗi cử tri chỉ được bỏ 01 phiếu bầu đại biểu Quốc hội và 01 phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân ở mỗi cấp; Giá trị phiếu bầu của mọi cử tri như nhau mà không có sự phân biệt.
Tương tự như hệ thống bầu cử Đại cử tri đoàn của Hoa Kỳ, tất cả công dân quốc tịch Việt Nam, từ 18 tuổi có quyền bầu cử để chọn các đại biểu Quốc hội, đến lượt những người được chọn là ‘đại biểu Quốc hội’ này lại bỏ phiếu bầu Chủ tịch Quốc hội. Sau đó, Chủ tịch Quốc hội sẽ đề xuất người sẽ là Chủ tịch nước. Đến lượt mình, Chủ tịch nước sẽ đề cử Thủ tướng chính phủ. Khi được các đại biểu Quốc hội bầu Thủ tướng xong, thì trách nhiệm của Thủ tướng là sẽ bổ nhiệm dàn nội các gồm các phó thủ tướng, các bộ trưởng.
Như vậy, ở Việt Nam, những chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng được bầu bởi đại biểu Quốc hội, thay vì bầu trực tiếp qua phổ thông đầu phiếu.
Liệu các đại biểu Quốc hội ‘đắc cử’ từ lá phiếu cử tri hôm Chủ nhật 23-5 tới đây, họ có đồng ý bỏ phiếu bầu ông Vương Đình Huệ làm Chủ tịch Quốc hội khóa XV, cũng như các chức danh khác như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính?
Câu trả lời ở thể khẳng định: vì hầu hết các đại biểu Quốc hội là đảng viên. Mà đảng viên bắt buộc phải thực hiện theo yêu cầu của Bộ Chính trị. Do đó, với những chức danh mà Bộ Chính trị đã cơ cấu, đảng viên chỉ được quyền chấp hành. Sẽ không thể có một ‘lật đổ’ nào ở đây.
Thế nhưng trong chính trị thì chuyện gì cũng có thể xảy ra, kể cả việc ai cũng ngỡ sẽ là không thể vì đó là Điều lệ Đảng.
Dẫn chứng: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng được dự kiến sẽ nghỉ hưu tại Đại hội 13 vừa qua do quy định về giới hạn nhiệm kỳ, tuổi cao và sức yếu. Tuy nhiên, ông đã được bầu ở lại nhiệm kỳ thứ ba, một điều chưa từng có tiền lệ, chủ yếu vì Đảng không thể thống nhất được về ứng cử viên phù hợp kế nhiệm ông.
Đến lượt mình, ông Nguyễn Phú Trọng và các đồng minh của ông có thể có một công cụ quan trọng để tác động đến việc bỏ phiếu cho người kế nhiệm theo hướng phù hợp với các tính toán lợi ích của nhóm đồng minh ấy trong Quốc hội và nội các Chính phủ – tân Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, là một trong những đơn cử cho góc nhìn này.