VNTB – Vì sao sinh viên Việt Nam ngày nay lười học?

Kiều Phong (VNTB) Lý luận về nguyên nhân vì sao sinh viên Việt Nam không tìm được niềm vui trong học tập thực khó. Bài này chỉ đưa ra một số lát cắt để mô tả cho bạn đọc nhìn thấy tiến trình của nền đại học Việt Nam, không kỳ vọng đưa ra giải pháp nào.

Sinh viên và gánh nặng tài chính.
Ở Việt Nam, trên mặt giấy tờ thì mọi sinh viên đều được hưởng chính sách hỗ trợ tài chính, bao nhất là những sinh viên hộ nghèo. Mọi sinh viên đều có quyền trình bản photo giấy báo nhập học và đem đi công chứng gửi về nhà là cha mẹ có quyền vay tiền để cho con học, mỗi địa phương đến nhận từ các ngân hàng chính sách xã hội. Tuy nhiên số tiền thì nhỏ và không đủ chi tiêu. Chẳng hạn, mỗi sinh viên được vay 700 000 đồng một tháng, nhưng đó chỉ đủ cho đóng học phí; ngoài ra còn có tiền phòng khoảng 500 000 đồng, tiền ăn khoảng 700 000 đồng…thì số tiền 700 000 đồng vay được của nhà nước chỉ đủ đáp ứng khoảng một phần ba nhu cầu để sống và học tập. Đó là tính toán có sai số, ước lượng.  Dù sao, với sự khắc khổ lo âu về tiền điện, tiền phòng, tiền ăn…như vậy, sinh viên khó lòng chuyên tâm vào học tập.
Blogger Nguyễn Anh Tuấn, một người thường xuyên viết những bài luận về chính trị và xã hội chia sẻ câu chuyện ở nước Úc. Tại đây, sinh viên được chính phủ bảo lãnh để vay tiền học đại học. Số tiền này bao gồm đủ trang trải cho học phí và sinh hoạt phí. Nghĩa là, từ tiền thuê nhà trọ, tiền thức ăn hàng tháng, tiền điện nước và cả tiền học phí mà sinh viên được vay đều đã được tính đủ, nên chi tiêu của sinh viên khá đầy đủ và thoải mái trong một chừng mực nhất định.  Sau khi tốt nghiệp, cử nhân mới ra trường không có nghĩa vụ phải trả số tiền này cho tới khi anh ta có việc làm và nộp thuế theo mã số thuế cá nhân. Hạn trả nợ học phí đối với sinh viên vay nợ từ chính phủ Úc là mười năm. Đó là theo nguyên tắc, thông thường thì chỉ sau bốn đến năm năm là sinh viên đã trả hết được số tiền này, bạn nào thất nghiệp thì thời gian đó được giãn ra. Cho nên sinh viên Úc đi học mà không lo nợ nần, tâm lý học tập hết sức thoải mái.
Biết vậy nhưng vẫn phải học, và để trang trải học hành thì sinh viên Việt Nam buộc phải làm thêm. Trừ một số ít sinh viên con nhà giàu không cần đi làm thêm hoặc một số ít đi làm thêm được đúng ngành, đa số còn lại sinh viên đi làm thêm trái ngành. Chưa kể, có em thì tìm được chủ bóc lột sức lao động, có em lại bị đặt vào tình huống để đi làm quá nhiều thời gian…dẫn đến vốn thời gian dành cho học hành bị co lại. Lâu ngày, ước mơ học giỏi trước lúc vào trường trôi đi, giờ chạy đua giữa học và làm thêm, dần dần đâm ra biếng học, học đối phó để thi qua môn. Tất nhiên, cũng có những sinh viên làm thêm tốt và học cũng tốt, thực tế đây không phải là số nhiều. 
Xã hội chủ nghĩa và lý tưởng.
Để có một nền học thuật tiến bộ, nhất thiết phải có lý tưởng. Chúng ta chứng kiến những nhà khoa học, các kỹ sư tài ba lấy bằng ngay trong những điều kiện thiếu thốn trăm bề. Vì sao vậy? Vào cao điểm xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc Việt Nam, những lứa thanh niên Việt Nam  đều say mê lý tưởng, tất thảy quyết chí ra sức học tập vì mục tiêu vĩ đại là xây dựng xã hội chủ nghĩa. Có động lực, những sinh viên kỹ thuật Việt Nam ăn bo bo, uống nước lã sống qua ngày mà ai nấy đều học giỏi, nhiều người nổi danh.
Thành thực mà nói, những lãnh tụ xã hội chủ nghĩa đời đầu trên đất An Nam đã quy tụ được năng lượng của cả một thế hệ thanh niên nửa cuối thế kỷ XX. Nói về thế hệ thanh niên nửa cuối thế kỷ XX, đây là thế hệ vàng, nước nào sử dụng được thì phát tài, nước nào  không biết sử dụng thì bị tụt hậu. Các nước như Anh-Đức-Mỹ tận dụng được thế hệ vàng nên bùng nổ khoa học kỹ thuật và dẫn đầu thế giới nhiều mặt. Việt Nam đã không sử dụng được năng lượng của thế hệ vàng này, trái lại đã sử dụng sai mục đích, cho nên thế hệ này quay ngược trở lại cày nát xã hội, để được một Việt Nam trên mọi phương diện đội sổ thế giới, thua cả Lào và Cam.
Tình hình chính trị-xã hội ở Việt Nam mỗi ngày càng thêm đảo điên. Chủ nghĩa xã hội là gì thì cứ nhìn vào thực tế ai nấy đều đã rõ, con đường xây dựng đất nước hiện nay càng xây càng đổ.  Ở trong một môi trường  mà ai nấy đều chỉ biết bon chen và vơ vét, rõ ràng sinh viên Việt Nam lấy đâu ra lý tưởng như những sinh viên thời Xô-Viết để có động lực học tập? Tư tưởng không thông, vác bình không cũng nặng. Cho nên, ngày nay đa số sinh viên Việt Nam lười học là dễ hiểu (bên cạnh một tỉ lệ nhỏ chăm chỉ tự học và học tốt nhưng tỉ lệ này là quá ít).
Lý luận về nguyên nhân vì sao sinh viên Việt Nam không tìm được niềm vui trong học tập thực khó. Bài này chỉ đưa ra một số lát cắt để mô tả cho bạn đọc nhìn thấy tiến trình của nền đại học Việt Nam, không kỳ vọng đưa ra giải pháp nào.
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)