Nguyễn Tuấn (VNTB) Từ những công dân nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, chính sách của nhà nước, để rồi sau đó lại bị mất mát, thiệt thòi đã khiến hàng trăm hộ dân trong dự án khu 1Bis-1Kep đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, giờ đây trở thành những “dân oan” bất đắc dĩ trong suốt hơn hai thập niên khiếu nại, khiếu kiện.
Đại diện của 148 hộ dân đã chấp hành việc di dời ngay từ đầu ở dự án 1 bis-1 kép Nguyễn Đình Chiểu, trao đổi với nhóm phóng viên VNTB hôm 27-8-2016. |
Tháng 8 năm 1993, hơn 200 gia đình với gần 1.300 người tại khu nhà ở của cán bộ – nhân viên và nhân dân khu 1Bis-1Kep đường Nguyễn Đình Chiểu bị buộc phải di dời, dành khu đất này cho xây dựng khu nhà ở cao tầng, theo quy hoạch của thành phố (Quyết định số 1285/QĐ-UB ngày 26/3/1993 do Phó chủ tịch UBND TPHCM, Võ Viết Thanh ký ban hành).
Đơn giá đền bù theo quyết định này, ban đầu là 2,4 triệu đồng/m2 đất. Sau nhiều lần khiếu nại, thương lượng, con số này lần lượt tăng 3 triệu đồng, rồi 4 triệu đồng/m2.
Có ý thức, chấp hành sớm: Bị thiệt hại nặng nề!!
Với giá đất đền bù rẻ như bèo này, chắn chắc không đủ để mua 1 căn nhà để ổn định nơi ở mới trong thời kỳ cả Sài Gòn đang lên cơn sốt bất động sản. Thế nhưng 2/3 số hộ dân trong dự án vốn là cán bộ, công nhân viên đang làm việc tại công sở nhà nước, đã chấp hành chủ trương, đồng ý di dời với sự cam kết bằng văn bản cuả Chính Quyền và Ban đền bù giải toả: “Nếu sau này đơn giá đền bù tăng lên thì số hộ di dời trước sẽ được hưởng theo phần chênh lệch giá đó bằng với người đi sau cùng”. (Nội dung bản Hợp đồng di chuyển và Đền bù số 84 HĐ-ĐB ngày 29-5-1998 của UBND quận 1).
Theo trình bày của bà Ngô Thị Ngọc Sương, gia đình có đất bị giải tỏa trong dự án 1 Bis- 1 Kép, Nguyễn Đình Chiểu, dù có cam kết rõ ràng giữa từng hộ dân với chính quyền và chủ đầu tư dự án trong Biên bản thỏa thuận Hợp đồng di dời – bàn giao đất. Tuy nhiên, khi những hộ dân như bà Sương chấp hành, chịu di dời, thì hơn 70 hộ gia đình không đồng ý giá đền bù quá thấp nên bám trụ ở lại, buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh tăng giá đền bù.
Đại diện của 148 hộ dân đã chấp hành việc di dời ngay từ đầu ở dự án 1 bis-1 kép Nguyễn Đình Chiểu, trao đổi với nhóm phóng viên VNTB hôm 27-8-2016. |
Năm 2001, Ban đền bù giải tỏa tăng giá đền bù: 9 triệu đồng/m2. Năm 2005 UBND TP.HCM có QĐ 124/2005/QĐ-UBND, ngày 19/7/2005, nâng mức giá đất đền bù là 24 triệu đồng/m2.
Năm 2007, trên 70 hộ dân trong khu dự án vẫn không chịu di dời vì cho rằng đơn giá đất đền bù chưa hợp lý. Để giải quyết tình trạng này, UBND Quận 1 đã có công văn số 1572/ UBND, ngày 10/7/2007 gửi UBND TP đề nghị điều chỉnh đơn giá đền bù trong dự án 1 Bis-1 Kep Nguyễn Đình Chiểu là 48.000.000đ/m2 cho toàn khu vực, mức giá này áp dụng chung cho cả những trường hợp di dời trước đó. UBND TP đã có công văn số 5131/UB ngày 10/08/2007 chấp nhận đề nghị của UBND Quận 1.
Như vậy, theo tinh thần Công văn 5131/UB ngày 10/08/2007, giá đền bù là 48 triệu đồng/m2, không phân biệt người di dời trước hay di dời sau, không phân biệt nhà có “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, nhà ở” hay chưa. Tất cả các hộ dân bị giải tỏa đều được nhận 100% tiền đền bù và không phân biệt tái định cư hay không tái định cư.
Khi các “quan” lật lọng
Thế nhưng từ năm 2007 đến đến thời điểm hiện nay (8/2016), chỉ riêng những trường hợp di dời sau khi có công văn 5131/UB ngày 10/08/2007 mới được chi trả 48.000.000đ/m2 đất ở, bên cạnh đó còn được nhà đầu tư chi trả thêm 20.000.000đ/m2 đất ở, tổng cộng là 68.000.000đ/m2.
Trong khi trên 130 hộ dân đã di dời trước khi có công văn này thì chỉ nhận được sự im lặng, chưa được chi trả bổ sung, mặc dù được chủ tịch UBND Quận 1 nói rằng đã có văn bản chỉ đạo phải lập kế hoạch chi trả bổ sung cho người đã di dời trước đó.
Bất ngờ là đến ngày 10/12/2015, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín ký ban hành văn bản Xử lý đơn số 7714/ UBND-PCNC có nội dung: “Sửa đổi nội dung Công văn số 5131/UBND-ĐTMT ngày 10/8/2007, chỉ áp dụng mức giá đất bồi thường 48 triệu đồng/m2 cho 71 họ dân chưa di dời vào thời điểm năm 2007” (?!!)
Văn bản 7714/UBND-PCNC này của ông Nguyễn Hữu Tín đã đẩy 148 hộ dân di dời trước năm 2007 lên đỉnh điểm của sự bức xúc. Từ những công dân có ý thức chấp hành chủ trương, chính sách của nhà nước, nay lại tiếp tục bị mất mát, thiệt thòi. 148 gia đình chấp hành chủ trương giải tỏa, di dời sớm – trong đó có nhiều trường hợp đại diện như bà Ngô Thị Ngọc Sương, Dương Thị Đài, Lưu Thị Năm, Nguyễn Thị Kim Ngọc, ông Đỗ Đắc Chung, Nguyễn Văn Phú, Hồ Đình Quý… đều rơi vào hoàn cảnh khó khăn, bế tắc.
Chúng tôi yêu cầu
Trong văn bản gửi đến Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, yêu cầu lên tiếng trên công luận, đại diện cho 148 hộ dân đã chấp hành việc di dời ngay từ đầu ở dự án 1 bis-1 kép Nguyễn Đình Chiểu, yêu cầu ông chủ tịch UBND TP.HCM trả lời cho người dân ba vấn đề cụ thể sau:
Thứ nhất, vì sao QĐ86/2001-UBND TP.HCM ban hành từ năm 2001 mà đến 2013 mới được chi trả bổ sung cho các hộ di dời?, và cũng cần làm rõ vì lý do nào mà QĐ 124/2005-UBND TP.HCM ban hành từ năm 2005, thế nhưng đến năm 2012 mới được chi trả bổ sung cho các hộ di dời?.
Thứ hai, văn bản số 5131/2007 của UBND TP.HCM, đơn giá đất đền bù điều chỉnh lên 48.00.000đ/m2 cho toàn khu vực, nhưng chỉ mới chi trả cho 71 hộ, còn 148 hộ đã di dời cho đến thời điểm hiện nay vẫn chưa được thực hiện chi trả bổ sung tiền chênh lệch giá đất theo hợp đồng thoả thuận di chuyển tại thời điểm bàn giao mặt bằng. Cần cho biết căn cứ pháp lý nào cho việc từ chối chi trả này?
Thứ ba, một số hộ dân đã đăng ký tái định cư từ năm 1998 theo hợp đồng di dời, song cho đến nay vẫn chưa được giải quyết mua nhà tái định cư. Trong lúc đó thì chủ đầu tư báo cáo khống lên cấp trên, rằng các hộ dân này đã tự lo chỗ ở mới…