Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vì sao Việt Nam cần bãi bỏ án tử hình?

Thới Bình

(VNTB) – Một khi thi hành án tử hình oan – sai thì không cách gì khắc phục được.

 

Phái đoàn Liên minh châu Âu và các cơ quan đại diện ngoại giao một số nước phương Tây ở Hà Nội cũng như các luật sư trong nước vừa đưa ra lời kêu gọi tới chính phủ Việt Nam để dừng thi hành án tử hình ông Lê Văn Mạnh ngay trước thời hạn gia đình tử tù này được yêu cầu đăng ký nhận xác con mình.

Tất cả 27 cơ quan đại diện ngoại giao của các nước thành viên EU cùng các cơ quan đại diện ngoại giao của Canada, Na Uy và Vương Quốc Anh hôm 20/9 đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi Việt Nam ngừng thi hành bản án đối với ông Mạnh, người bị kết án tử hình vào năm 2005 vì tội “giết người” và “hiếp dâm trẻ em”.

“Chúng tôi cực lực phản đối việc sử dụng hình phạt tử hình vào mọi lúc, mọi hoàn cảnh, loại hình phạt tàn án, vô nhân đạo, hèn hạ và không bao giờ có thể biện minh được, đồng thời ủng hộ Việt Nam tạm dừng mọi hình thức hành quyết”, tuyên bố chung của EU và 3 nước kể trên viết (*).

Pháp luật hình sự ra đời có nhiệm vụ “bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm” (Điều 1 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Như vậy án oan, án sai dù ở tỷ lệ ra sao thì vẫn phải được coi là thực thi pháp luật hình sự ở Việt Nam chưa hoàn thành; và điều đó cũng đồng nghĩa hàng loạt yêu cầu “bảo vệ” nêu tại Điều 1 Bộ luật hình sự 2015 cũng chưa được tôn trọng. Trong thực tế đó, một khi thi hành án tử hình mà về sau cho thấy là… nhầm lẫn, oan – sai thì không cách gì khắc phục được.

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, một người bạn học chung thời còn trường đại học Tổng hợp TP.HCM với người viết bài này kể rằng trong vô số án oan mà ông đã nhận, ông vẫn còn ám ảnh tiếng khóc the thé của đứa trẻ vang lên trong trại tạm giam của Công an tỉnh Tây Ninh. Đó là tiếng khóc của đứa con trai chưa đầy năm tháng tuổi lần đầu tiên được biết mặt cha. Nguyễn Minh Hùng (sinh năm 1978 tại ấp Tân Tiến, Tân Lập, Tân Biên, Tây Ninh) dang hai tay qua song sắt ôm lấy đứa con thơ.

Cảnh tượng ấy đã làm rung động trái tim của luật sư Trịnh Vĩnh Phúc: “Tôi quyết định bào chữa (gần như miễn phí) cho Hùng. Tôi không đành lòng nhìn tình phụ tử chia lìa với hai bản án tử hình đã tuyên cho Nguyễn Minh Hùng”.

Vụ án được tóm tắt bằng niên biểu thời gian như sau: Tháng 6-2003, Nguyễn Minh Hùng bị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Tây Ninh khởi tố bắt tạm giam về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy.

Ngày 18-6- 2004, án sơ thẩm lần thứ nhất của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh tuyên Hùng tử hình. Tháng 7-2004, tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại do Hùng kháng cáo kêu oan đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy.

Đến năm 2006, án sơ thẩm lần hai của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh vẫn giữ nguyên án tử hình. Nhưng tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao lại tiếp tục hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại.

Do sau hơn 14 tháng điều tra lại vẫn không bổ sung được chứng cứ, ngày 11-6-2008 cơ quan điều tra Công an tỉnh Tây Ninh đã đình chỉ điều tra. Và ngày 13-6-2008 Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với Nguyễn Minh Hùng.

Nguyễn Minh Hùng được Công an Tây Ninh xin lỗi công khai vào ngày 19-11-2008 và bồi thường số tiền 130 triệu đồng.

Như vậy nếu tháng 7-2004 tòa phúc thẩm không tuyên hủy án, và nếu Chủ tịch nước không ký lệnh ân xá thì rất có thể Nguyễn Minh Hùng đã về bên kia thế giới với nỗi oan khuất. Khi ấy, nỗi đau của gia đình ông chắc chắn sẽ có kéo dài đến nhiều thế hệ về sau.

Một vụ oan án khác cũng được luật sư Trịnh Vĩnh Phúc đeo đuổi. Đó là vụ án ông Phạm Văn Thành, sinh năm 1946, ấp Ninh Hòa, xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.

Chuyện bắt đầu khi thằng Tuyền, đứa con khờ khạo của ông Thành, bỗng nhiên mất tích. Đang trong lúc bối rối, tìm con không được, chưa biết thằng nhỏ lành dữ ra sao thì công an tới nhà nói tin sét đánh. Họ tình nghi ông Thành đã tự tay giết chết đứa con ruột rồi chôn xác trong vườn.

Ông Thành bàng hoàng trước lời buộc tội vô căn cứ. Ông xin được đi tìm con với thời hạn một tuần. Thời gian cứ trôi qua mà thằng Tuyền con ông vẫn bặt vô âm tín. Thời hạn một tuần đã hết, ông Thành quay về nhà và bị bắt bởi tội vu khống, chống người thi hành công vụ và hủy hoại tài sản công dân.

“Tuy nhiên, đối với tất cả những người trong xóm, tôi đã bị bắt vì tội giết người” – ông Thành chua chát nói.

Ngày 7-6-2004 ông Thành được công nhận oan – sai theo quyết định số 622/QD-GQKN (7-6-2004) của giám đốc Công an Tiền Giang, vì trước đó đứa con của ông bất ngờ quay trở về nhà.

Có thể đơn cử một số vụ án oan nổi tiếng mà báo chí vẫn hay nhắc đến như vụ án oan đối với ông Nguyễn Thanh Chấn – người bị tù oan 10 năm về tội “Giết người”; Vụ “Người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, với hai lần bị kết án oan về tội “Giết người” và ông được minh oan sau hơn 17 năm ngồi tù; Vụ án oan đối với  ông Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh trong vụ án “Giết người, cướp của” xảy ra năm 1970 và 5 năm sau đó hung thủ thực sự của vụ án bị bắt trong một sự việc khác…

____________

Tham khảo

(*)https://www.eeas.europa.eu/joint-local-statement-mr-le-van-manh_en?s=184


Tin bài liên quan:

VNTB – Quyền cư trú chính trị

Phan Thanh Hung

VNTB – Cần tu chỉnh điều luật 117 của Bộ Luật Hình sự hiện hành

Phan Thanh Hung

VNTB – Hồ sơ: Tổng công ty Tín Nghĩa liên quan đến dàn cựu quan chức Đồng Nai vốn đã hồi hưu?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.