Trâm Anh
Hoa Kỳ Du Ký Kỳ 7
Cảnh đẹp
Buổi sáng, sau khi điểm tâm bằng mì gói, trái cây, chúng tôi đưa thùng rác ra khỏi phòng – Theo cảnh báo của chủ khu nhà trọ, đây là khu vực có gấu sinh sống. Do đó, nếu để thùng rác ở ngoài vào ban đêm, gấu có thể sẽ đến tìm thức ăn và gây nguy hiểm cho người – trước khi lên đường đi thăm công viên Yellowstone.
Vì công viên quá lớn, đến 9.000 km2, mà chúng tôi chỉ thăm có một ngày nên không biết bắt đầu từ đâu. Tôi và một người bạn vào văn phòng thông tin để hỏi.
Nhân tiện, tôi cũng chia sẻ với bạn đọc khác biệt giữa cách một nhân viên công quyền đối xử với người đóng thuế, những người nuôi họ, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Lần đầu tiên khi đến một văn phòng quận làm giấy tờ khi mới nhập cư vào Mỹ cách đây nhiều năm. Điều đầu tiên tôi thấy là những khuôn mặt tươi vui, là thái độ niềm nở. Điều làm cho tôi sốc nhất là câu đầu tiên mà người nhân viên chính quyền nói với người dân đến làm giấy tờ tại văn phòng họ là: Good Afternoon! What can I do for you? (Xin chào! Tôi có thể giúp gì cho ông?). Điều này làm tôi nhớ đến những lần đi đến gặp một nhân viên tại bộ Y Tế Việt Nam tại Hà Nội cách đây nhiều năm. Tôi xin kể ra để bạn thấy được sự khác biệt.
Trước khi bay từ Sài Gòn ra Hà Nội để đến gặp người phụ trách việc đăng ký sản phẩm của công ty tôi, tôi đã gọi điện hẹn trước từ lâu. Gần đến ngày hẹn, tôi còn cẩn thận gửi email nhắc là sẽ ra thăm vào ngày đó, giờ đó. Tôi cũng không quên dặn rằng tôi sẽ có quà biếu chị ta. Giọng của vị nhân viên thì cũng rất ngọt ngào, chị chị em em. Sau khi bay từ Sài Gòn ra Hà Nội và đi taxi đến văn phòng Bộ, tôi đứng trước cửa văn phòng gọi cho chị nhân viên và nói: chào chị, em đang đứng trước cửa văn phòng chị đây. Bà cán bộ trả lời tôi tỉnh queo: em ơi, chị đang đi công tác ở Yên Bái. Bữa khác em đến gặp nhé.
Tôi sững người ra, không biết nói gì. Đứng một hồi rồi đi về khách sạn. Thế là mất luôn một chuyến đi và mấy ngày trời. Chẳng được gì.
Cuối cùng, công ty tôi phải nhờ tư vấn. Cũng cùng bộ hồ sơ đăng ký đó. Trả tiền cho tư vấn và sau đó nhận giấy chứng nhận đăng ký sản phẩm mà không phải làm gì.
Nghĩ lại, đó là cách họ dạy cho doanh nghiệp … hối lộ.
Quay trở lại với quầy thông tin ở Yellowstone, chị nhân viên niềm nở hỏi bạn tôi: các anh có bao nhiêu ngày tham quan ở đây. Anh bạn tôi trả lời: chúng tôi chỉ có một ngày thôi. Chị nhân viên nói một câu mà tôi cảm thấy nó thể hiện sự tôn trọng người dân mà tôi nghĩ cần kể cho bạn đọc.
Sau khi nghe anh bạn tôi nói chỉ có một ngày, cô nhân viên mở bản đồ ra, dùng bút đỏ khoanh tròn một số điểm trên bản đồ rồi nói: If I were you, I would … (tạm dịch: nếu tôi là anh, tôi sẽ …). Tôi thấy cũng khác cách nhân viên nhà nước ở Việt Nam nói chuyện với công dân đến làm việc. Ở đây, người ta nói với người dân không như người có thẩm quyền dù về mặt kiến thức về những nơi nên đi thăm trong công viên, cô ấy chắc phải hơn chúng tôi nhiều. Ngược lại có ấy nói “nếu tôi là anh …”. Câu nói thể hiện sự tôn trọng những cách nhìn khác nhau, những cách lựa chọn khác nhau cho cùng một câu hỏi: sử dụng một ngày tham quan ở Công viên Yellowstone như thế nào?
Sau đó, cô gấp tờ bản đồ lại đưa cho anh bạn tôi và không quên chúc chúng tôi có được một ngày đi chơi vui vẻ và an toàn.
Tất cả đều không phải trả tiền, từ quyền vào thăm công viên đến tờ bản đồ. Tất cả đều miễn phí.
Trên đường đi vào công viên, có nhiều cảnh đẹp, ở những chỗ như vậy, người ta làm những chỗ đậu xe bên đường để du khách có thể dừng xe, ngắm cảnh, và chụp hình.
Qua một đoạn đường đèo, chúng tôi đi vào một vùng đất bằng phẳng. Thấy có nhiều xe đậu lại dọc đường, chúng tôi cũng dừng lại. Nhìn vào đồng cỏ phía bên phải chúng tôi thấy một cặp bò rừng (bison), một con thì đang nằm nhai cỏ, có vẻ bình thản. Con còn lại thì to lớn và có vẻ giận dữ. Thỉnh thoảng nó lấy chân trước cào đất làm bụi bắn tung tóe ra xung quanh. Những lúc khác, no lại lăn lộn trên mặt đất, đưa bốn chân lên trời. Thỉnh thoảng lại gầm lên.
Ở xa xa là một con bò mộng khác, cũng to lớn không kém. Cũng có vẻ ở trong trạng thái kích động. Đuôi nó cong lên. Có vẻ như nó đang tiến gần đến cặp bò kia. Cuối cùng, hai con bò mộng xông vào nhau. Tôi đoán đây có lẽ là cuộc tranh giành con bò cái đang nằm gặm cỏ vì đây là mùa giao phối của bò rừng Mỹ.
Tại một điểm dừng chân khác, chúng tôi dừng chân trên một đoạn đường đèo quanh co, một bên là núi, một bên là một con suối. Chúng tôi xuống xem. Dòng suối trong suốt, không thấy cá, chỉ có rong rêu và nước mát lạnh. Có người còn lấy tay vục nước suối lên uống. Quay trở lại xe, chúng tôi nói đùa với nhau rằng đây là nước tiên. Uống vào sẽ trẻ lại. Trên xe, ai cũng là những người đã có tóc bạc, cười khoái chí. Nếu không có ai nhìn, có lẽ tôi cũng sẽ uống thử xem có phải là nước tiên thật hay không?
Sau đó, chúng tôi dừng chân tại một nhà hàng trong công viên, thưởng thức món bánh hamburger nhân thịt bò rừng trước khi ghé thăm mạch nước phun Old Faithful (tạm dịch: Chung Thủy).
Kỳ sau, tôi sẽ kể về một tai nạn mà tôi và anh bạn gặp trong công viên. Mong bạn đón đọc.
(*) Một cuộc đấu bò tương tự: https://www.youtube.com/watch?v=L4eOhuLDfeU
Đây là vài cảnh đẹp trong công viên, để biết nhiều hơn về các cảnh đẹp tại đây, bạn có thể … tự đến thăm.
Mạch nước Chung Thuỷ: About Old Faithful, Yellowstone’s Famous Geyser (yellowstonepark.com)
Mạch nước Chung Thuỷ đang phun tại đây (phun cao nhất ở giây thứ 60): https://www.youtube.com/watch?v=4mZY7uxb7Gc