Hồng Dân
(VNTB) – Thống kê năm 2021 của Tổng cục Hải quan, tổng lượng gạo nhập khẩu của Việt Nam là 999.750 tấn. Trong đó, nhập khẩu từ Ấn Độ lên mức 719.970 tấn (chiếm 72,02% tổng lượng nhập khẩu gạo của cả nước).
Chủng loại gạo nhập khẩu chủ yếu là gạo tấm (thuộc phân nhóm HS 100640), gạo trắng khác (thuộc phân nhóm HS 100630). Gạo nhập khẩu từ Ấn Độ chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước để làm bún, bánh, thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, rượu…
Trước đó, hồi giữa quý 3/2022, tại lễ công bố báo cáo kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long tổ chức ở thành phố Cần Thơ, ông Vũ Thành Tự Anh – giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright – nêu quan điểm: Nếu Việt Nam vẫn còn tự hào là nước xuất khẩu gạo thứ 2, thứ 3 thế giới thì “chừng đó chúng ta vẫn còn nghèo” vì người dân tiếp tục trồng lúa và vẫn nghèo. Cần thay đổi quan điểm về an ninh lương thực là khả năng tiếp cận với lương thực, “chứ không phải có lúa, có gạo là có an ninh lương thực”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết lần đầu tiên trong nghị quyết của Đảng đã ghi “3,5 triệu ha sử dụng linh hoạt đất lúa…”. Ông Hoan đồng tình bỏ tư duy sản lượng nhất nhì thế giới mà phải tiếp cận cách khác, với giá trị khác. “Chứ chạy theo sản lượng, đánh đổi thế này sẽ tạo ra liên lụy mà chưa lường trước được hết”, ông Hoan nói.
Theo báo cáo kinh tế thường niên năm 2022, tác động của đại dịch Covid-19 đối với đồng bằng sông Cửu Long cao hơn nhiều so với mặt bằng chung cả nước. Lần đầu tiên trong 2 thập niên qua, đồng bằng sông Cửu Long có mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn bình quân cả nước, với mức tăng trưởng (GRDP) vùng giảm sâu -0,43% năm 2021, thấp nhất trong lịch sử.
Ở phương diện xã hội cũng đang có nhiều thách thức như thiếu việc làm ở nông thôn, tình trạng di cư lên các đô thị. Thu nhập bình quân đầu người của đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2019 là 3,9 triệu đồng/tháng, thấp hơn mức 4,2 triệu đồng/tháng của cả nước…
Trong khi đó, hạ tầng đường bộ đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 6,7% chiều dài đường cao tốc cả nước, chỉ cao hơn Tây Nguyên và thấp hơn rất nhiều so với tỉ trọng diện tích, dân số cũng như đóng góp GDP của đồng bằng sông Cửu Long cho cả nước.
Một vấn đề khác liên quan đến chất lượng lúa gạo, đó là thi thoảng lại có thông tin gạo và một số sản phẩm của Việt Nam bị Liên minh châu Âu (EU) trả về. Dù là nước xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới sau Ấn Độ, Thái Lan về sản lượng, nhưng gạo Việt có mặt ở các thị trường lớn vô cùng khiêm tốn.
Số liệu thống kê cho biết mỗi năm châu Âu nhập khẩu 2 triệu tấn gạo. Xuất khẩu gạo sang các nước châu Âu tuy khó nhưng lợi nhuận rất cao. Cùng gạo đó nhưng ở thị trường khác chỉ 460 – 470 USD/tấn; sang EU đến 650 USD/tấn gạo đạt tiêu chuẩn GAP, cao hơn 120 USD.
Còn gạo thơm ở thị trường EU, giá rất cao, từ 1.100 – 1.200 USD/tấn. Tuy nhiên mỗi năm Việt Nam mới xuất khẩu gạo sang thị trường khó tính này khoảng vài trăm ngàn tấn.
Trở lại vấn đề nhập khẩu gạo.
Nếu như Việt Nam mua gạo của Ấn Độ thì lại chọn việc nhập khẩu lúa từ Campuchia.
Theo Bộ Nông – Lâm – Thủy sản Campuchia, năm 2021, bất chấp dịch bệnh, nước này vẫn xuất khẩu đến 617.069 tấn gạo, thu về hơn 527 triệu USD. Cơ quan này cho biết Campuchia chủ yếu xuất khẩu gạo sang Trung Quốc với lượng 155.773 tấn, tiếp đó là châu Âu với khoảng trên 63.165 tấn, các quốc gia ASEAN (88.422 tấn), trong đó, Campuchia xuất khẩu 3,52 triệu tấn lúa sang Việt Nam, tăng 61,16% so với năm trước.
Như vậy có thể thấy, Việt Nam nhập khẩu lượng lúa rất lớn từ Campuchia nếu xét trong tương quan với lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong cùng giai đoạn. Theo quan điểm của giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ, thì việc nhập khẩu lúa từ Campuchia vẫn diễn ra từ nhiều năm qua, nhưng năm 2021 sản lượng nhập tăng đột biến.
Giáo sư Võ Tòng Xuân chỉ lưu ý, việc nhập khẩu lúa từ Campuchia phục vụ nhu cầu tiêu dùng gạo thơm của một bộ phận người tiêu dùng. Ngoài ra, cũng có những doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo sang Campuchia thuê đất trồng lúa nên sẽ có lượng lúa lớn về Việt Nam phục vụ chế biến.
Một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gạo ở đồng bằng sông Cửu Long cho biết cứ 1,6 triệu tấn lúa nhập khẩu từ Campuchia về mang xay xát sẽ tương đương khoảng 1 triệu tấn gạo thành phẩm. Người dân gọi đây là gạo Miên, nấu cho cơm dẻo, thơm, ăn ngon miệng nên được ưa chuộng.
1 comment
Đừng biến đất thành dạng đặc biết,hảy trả lại sự bình thường cho đất,để người nông dân có nhiều đất trồng lúa,hoa màu,(nói chung sản xuất)để nền nông nghiệp VIỆT NAM phát truyển mà không cần phải nhập khẩu thứ mà chúng ta không thiếu.