Việt Nam Thời Báo

VNTB – Việt Nam đến nay vẫn chưa có ‘bảo hiến’

Định Tường

(VNTB) – Việc thành lập một thiết chế bảo hiến theo đúng nghĩa ở Việt Nam là việc làm cấp thiết.

Bảo hiến để làm gì?

Từ vụ án “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” (*), cho thấy xây dựng một thiết chế bảo hiến còn là đòi hỏi mà trong các Văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam trong các khóa gần đây vẫn nhắc đến như một mệnh lệnh: “xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến và hợp pháp trong các hoạt động và các quyết định của các cơ quan công quyền”, và “xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp” như một trong những công việc quan trọng để góp phần “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.

Để tránh việc tác giả bài viết này bị chụp chiếc mũ hình sự hóa theo điều 117, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi 2017), xin được viện dẫn tiếp theo đây cho căn cứ của bài viết, đó là lý thuyết môn Luật Hiến pháp mà sinh viên trường luật được học.

Lý thuyết trên giảng đường đại học biện giải đại để như sau: Hiến pháp là “bản khế ước xã hội đặc biệt” hình thành từ các chủ thể nhân dân của mỗi quốc gia.

Các chủ thể nhân dân này trao quyền thực hiện khế ước của mình cho nhà nước, để nhà nước – với hệ thống những quyền hạn, nghĩa vụ phái sinh cũng do nhân dân ủy thác – trực tiếp thực hiện các nghĩa vụ từ khế ước chung của nhân dân, nhằm mang lại lợi ích chính cho chủ thể thụ hưởng là nhân dân.

Do đó suy ra rằng, nhóm chủ thể thực hiện hiến pháp không phải là bản thân nhân dân, mà là nhà nước – những cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận được, đó là hơn ai hết, nhà nước, với những đặc quyền vốn có của một tổ chức quyền lực công cộng đặc biệt, đại diện cho chủ quyền quốc gia, quản lý dân cư, có quyền ban hành pháp luật, tiến hành thu thuế, lại là chủ thể có khả năng vi phạm nhiều nhất việc thực hiện hiến pháp.

Nói như vậy nên khi chủ thể “càng cao bao nhiêu, càng có khả năng vi phạm hiến pháp bấy nhiêu”. Vi phạm hiến pháp từ phía các chủ thể thực hiện hiến pháp cũng là một hiện tượng mang tính quy luật.

Tính chất của vi phạm hiến pháp theo đó cũng có những điểm đặc biệt hơn, nó không chỉ dừng lại ở những hành vi trái với hiến pháp mà còn ở cả những hành vi trái với “tinh thần của hiến pháp”, không chỉ ở hành động mà còn ở cả sự thiếu vắng những hành động nhất định trong những hoàn cảnh, điều kiện cụ thể mà theo nguyên tắc, chủ thể có thẩm quyền cần thiết phải thực hiện để đảm bảo những lợi ích hợp hiến của nhân dân.

Làm gì để không còn cảnh ‘xài luật rừng’?

Một thực tế khách quan là, nếu không có cơ chế kiểm soát nhất định, thì vi phạm hiến pháp sẽ có xu hướng tăng lên và ngày càng phức tạp.

Câu nhận xét để đời của bà luật sư Ngô Bá Thành (1931 – 2004), “Ở Việt Nam ta đã có cả một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng!”, cho thấy mức độ vi phạm hiến pháp tại Việt Nam đến mức độ nào.

Tuy nhiên cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có “Hội đồng Hiến pháp” hay “Hội đồng Bảo hiến” và “Đảng và Nhà nước” trong nhiệm kỳ mới sắp tới đây, trong dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, chưa đặt vấn đề của hình thành Tòa án Hiến pháp.

Dự kiến phải đến cuối tháng 3-2021 mới tiến hành Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII. Dự thảo Văn kiện của Đại hội Đảng vẫn trong thời gian lấy ý kiến nhân dân. Như vậy, bài viết này mong muốn được góp thêm tiếng nói, để mai đây giảm thiểu cảnh những người tâm huyết với đất nước khi bỏ công sức ra phản biện chính sách như nhà báo Phạm Chí Dũng, Lê Hữu Minh Tuấn,… lại bị hình sự hóa theo nhóm tội “An ninh quốc gia”.

Đó là cần có “Hội đồng Bảo hiến”.

Cơ quan bảo hiến phải có vị trí độc lập với cả ba hệ thống cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Chỉ có ở vị trí độc lập mới có cái nhìn độc lập, đánh giá độc lập và phán quyết độc lập.

Hội đồng Bảo hiến có thể vẫn do Quốc hội – cơ quan đại diện cho ý chí của toàn dân bầu, tuy nhiên phải gồm các“nhà làm luật danh tiếng, những con người có uy tín cả về trí tuệ, đạo đức và chính trị” được lựa chọn công khai và lấy ý kiến rộng rãi. Dĩ nhiên là cũng nên có cơ chế ứng cử đối với các thành viên và các vị trí trong Hội đồng Hiến pháp, nhằm để có thể phát huy và tận dụng được cao nhất các yếu tố trí tuệ và trách nhiệm khi tham gia Hội đồng.

Tiếp nữa, cần quy định lại theo hướng tăng thẩm quyền, phạm vi hoạt động của cơ quan bảo hiến. Cơ quan bảo hiến Việt Nam phải có các thẩm quyền cụ thể sau: thẩm quyền phán quyết liên quan đến bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp trong hệ thống pháp luật quốc gia; bảo vệ Hiến pháp trước sự vi phạm của các “chức sắc nhà nước cao cấp, các đảng phái chính trị”; phán quyết tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật – trong đó quan trọng nhất là kiểm tra, phán quyết tính hợp hiến của các đạo luật do Quốc hội ban hành; các điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước; thẩm quyền liên quan đến việc đảm bảo sự phân công, phân nhiệm giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; các phán quyết liên quan đến việc bảo vệ các quyền và tự do hiến định của công dân; giải thích Hiến pháp.

Với tối thiểu những việc làm trên còn giúp Đảng Cộng sản Việt Nam tránh được điều tiếng về sự độc tài của thể chế toàn trị, của “Ở Việt Nam ta đã có cả một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng!”.

________________

Chú thích:

(*) https://vietnamthoibao.org/vntb-nen-co-toa-an-hien-phap-de-xet-xu-nhung-nguoi-doi-canh-tranh-chinh-tri/

Tin bài liên quan:

VNTB – Không có giới hạn nào dành cho Nguyễn Phú Trọng

Phan Thanh Hung

VNTB – Tỉnh ở miền Tây đầu tiên công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Phạm Chí Dũng chống hay bảo vệ nhà nước Việt Nam?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo