Trần Dzạ Dzũng
(VNTB) – Khách hành hương núi Bà ở Châu Đốc hiện rất khó tìm chỗ để… đổ xăng.
Ngày 7-2-2022, nhiều cửa hàng xăng dầu ở các huyện Phú Tân, Châu Phú và thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang tạm đóng cửa hoặc treo bảng “hết xăng”. Khi hỏi thì các nhân viên bán xăng đều bảo đã hết mấy ngày nay, xăng chưa về…
Một số chủ cây xăng giải thích, lâu nay bán xăng có hoa hồng từ 200 – 1.000 đồng/lít xăng. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung khan hiếm nên không có đại lý nào bán xăng có lãi cả. Một số đầu mối phân phối thì “hoa hồng bằng không” nên các cửa hàng bán xăng đều thua lỗ từ 200 – 300 đồng/lít.
Nhiều cửa hàng bán xăng dầu họ nói bán không có lời nên không bán nữa. Một số khác họ nói Petrolimex An Giang chỉ cung cấp cho hệ thống của họ mà không bán cho bên ngoài, vì xăng đang khan hiếm.
Trong một diễn biến liên quan, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) nhìn nhận việc Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) có nguy cơ dừng hoạt động từ trung tuần tháng 2 này do thiếu dầu để sản xuất.
Tin tức cho biết, NSRP đã phải hủy nhập 2 tàu dầu thô trong tháng 1-2022, và đối diện với nguy cơ dừng hoạt động vào ngày 13-2-2022 do khó khăn nghiêm trọng về tài chính, bắt nguồn từ việc PVN chưa phê duyệt gia hạn thỏa thuận (RPA) và thanh toán sớm (EP) hợp đồng bao tiêu sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn và các phụ lục (FPOA).
Tuy nhiên PVN cho rằng việc NSRP tự ý hủy nhập 2 chuyến tàu dầu thô dẫn đến nguy cơ dừng hoạt động nhà máy hoàn toàn thuộc phạm vi trách nhiệm của ban điều hành NSRP, không liên quan tới việc phê duyệt gia hạn RPA và EP.
Hiện các vấn đề về RPA và EP là các nội dung nằm trong phương án tái cấu trúc tổng thể NSRP và đang trong quá trình đàm phán. Đồng thời, PVN khẳng định đang nỗ lực đàm phán, thuyết phục và thống nhất với các bên góp vốn nước ngoài về giải pháp tái cấu trúc tổng thể NSRP nhằm duy trì hoạt động an toàn, hiệu quả công ty cũng như đảm bảo quyền lợi của Petrovietnam và phía Việt Nam.
NSRP là công ty liên doanh được thành lập vào tháng 4-2008 do bốn thành viên góp vốn, bao gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPE), Công ty Idemisui Kosan Nhật Bản (IKC) và Công ty hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI), trong đó Petrovietnam góp vốn 25,1%.
Với vốn đầu tư 9 tỷ USD, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn nằm trong Khu kinh tế mở Nghi Sơn huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa có công suất giai đoạn 1 là 200.000 thùng dầu thô một ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm. Công suất này gần gấp đôi Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi).
Theo thoả thuận với nhà đầu tư, Lọc dầu Nghi Sơn được hưởng ưu đãi, trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 70 năm; được cấp bù (từ tiền của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVN) giai đoạn 2017-2027 nếu thuế suất áp dụng chung trên thị trường thấp hơn thuế ưu đãi; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm (chỉ phải nộp thuế suất bình quân 10% trong 70 năm sau đó).
PVN là đơn vị bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn trong 15 năm, với giá mua buôn tương đương nhập khẩu cùng thời điểm cộng với ưu đãi thuế nhập khẩu 3-7% tuỳ chủng loại mặt hàng. Theo các tính toán trước đây, tập đoàn này cho biết có thể phải bù lỗ 1,5-2 tỷ USD cho Nghi Sơn.
Với thị phần nguồn cung khoảng hơn 35%, Lọc hoá dầu Nghi Sơn giảm công suất, hoặc xấu hơn là có thể dừng sản xuất, sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung xăng, dầu trong nước.
Chính phủ tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng được cho đã có những sai lầm trong chuyện thu hút đầu tư bằng mọi giá.
Theo tính toán, sau khi bù trừ đi số tiền thuế, tiền phí, tiền thuê đất… thu được từ dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, thì số tiền mà quốc gia phải bỏ ra trả thêm cho nhà đầu tư trong 10 năm bắt đầu từ ngày nhà máy vận hành thương mại là 36.730 tỷ đồng nếu giá dầu là 50 USD/thùng, sẽ là 47.870 tỷ đồng nếu giá dầu là 60 USD/thùng, 64.580 tỷ đồng nếu giá dầu là 75 USD/thùng, 88.100 tỷ đồng nếu giá dầu là 100 USD/thùng.
Trong đó, tại thời điểm ký cam kết GGU (Government Guarantee – Bảo lãnh chính phủ) đã phát sinh 3 nội dung ưu đãi trái quy định gồm: Áp dụng thuế suất 10% thuế thu nhập doanh nghiệp trọn đời của dự án; cán bộ, công nhân viên làm việc trong Khu kinh tế Nghi Sơn sẽ được giảm 50% nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân; trong bất cứ tình hình thị trường quan hệ cung cầu ra sao thì Việt Nam vẫn phải chịu trách nhiệm tiêu thụ 100% lượng xăng, dầu do nhà máy sản xuất ra tại cổng nhà máy.
Với 3 cam kết như trên, đến nay chưa có cơ quan nào tính toán cụ thể số tiền thiệt hại thêm cho ngân sách quốc gia là bao nhiêu, nhưng chắc chắn không phải là nhỏ, nó phải là hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí là hàng chục nghìn tỷ đồng, cộng với số tiền phải thực hiện cam kết ưu đãi thuế nhập khẩu 3 năm 7% như nêu trên thì số tiền thiệt hại cho ngân sách quốc gia sẽ là rất lớn.
Có phải đây là vụ việc gây thiệt hại kinh tế cho quốc gia lớn nhất từ trước đến nay hay không?