Việt Nam Thời Báo

VNTB – Việt Nam lại chuẩn bị cải tổ ngân hàng

Thới Bình

(VNTB) –  Ban chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng vừa được thành lập với người đứng đầu là Thủ tướng Phạm Minh Chính.

 

Phó thường trực của ban này là Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó trưởng ban là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.

Các thành viên trong ban gồm các lãnh đạo cấp thứ trưởng, phó trưởng ban, phó chủ tịch của nhiều bộ ban ngành như Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…

Nợ xấu tiếp tục nở nồi

Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn liền với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025” được ban hành giữa năm ngoái, với mục tiêu tạo bước chuyển rõ rệt, thực chất trong cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.

Nội dung đề án nêu những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể nhằm phấn đấu đến năm 2025 giảm số lượng các tổ chức tín dụng, xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém, không để phát sinh những ngân hàng yếu kém mới, hệ thống các tổ chức tín dụng lành mạnh và phát triển bền vững. Cùng với đó, sẽ đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; nâng cao năng lực tài chính của tổ chức tín dụng; ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng có liên quan.

Theo đề án, các tổ chức tín dụng cần phải có biện pháp bảo đảm số vốn điều lệ tối thiểu đến năm 2025. Cụ thể, đối với các tổ chức tín dụng đang hoạt động (không bao gồm ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính yếu, yếu kém/được kiểm soát đặc biệt thực hiện phương án cơ cấu lại do cấp có thẩm quyền phê duyệt):

Thứ nhất, với các ngân hàng thương mại, nhóm ngân hàng thương mại trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn có vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỷ đồng; nhóm ngân hàng thương mại trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ và trung bình, và ngân hàng thương mại có vốn nước ngoài có vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng.

Thứ hai, với các công ty tài chính, vốn điều lệ tối thiểu đạt 750 tỷ đồng.

Thứ ba, với các công ty cho thuê tài chính, vốn điều lệ tối thiểu đạt 450 tỷ đồng.

Riêng ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính yếu, yếu kém/được kiểm soát đặc biệt thực hiện phương án cơ cấu lại do cấp có thẩm quyền phê duyệt: phương án tăng vốn thực hiện theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Đề án đặt ra mục tiêu là phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức dưới 3% (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém).

Dắt dây nợ xấu từ thời chính phủ Nguyễn Tấn Dũng

Dưới thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tiến hành về đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020”.

Trong đó, giải pháp chung cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020 gồm: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng; nâng cao năng lực tài chính, chuyển đổi mô hình kinh doanh, quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng; tăng cường đổi mới công tác thanh tra, giám sát ngân hàng; các giải pháp hỗ trợ

Tăng cường đổi mới công tác thanh tra, giám sát ngân hàng. Cụ thể, nâng cao khả năng cảnh báo sớm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với những rủi ro tiềm ẩn mang tính hệ thống và ngăn ngừa nguy cơ vi phạm pháp luật ngành ngân hàng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Đổi mới công tác giám sát theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát an toàn vi mô và giám sát an toàn vĩ mô trên cơ sở triển khai các công cụ, phương pháp giám sát rủi ro mới, gắn liền với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Công tác giám sát phải gắn chặt với công tác thanh tra, cấp phép và ban hành chế độ, chính sách.

Đổi mới công tác thanh tra theo hướng tăng cường thanh tra toàn diện, pháp nhân tổ chức tín dụng, phù hợp với thực tiễn hoạt động của tổ chức tín dụng; kết hợp thanh tra, giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật với thanh tra, giám sát rủi ro trong hoạt động của đối tượng thanh tra ngân hàng, đối tượng giám sát ngân hàng, tiến tới áp dụng phương pháp thanh tra, giám sát dựa trên cơ sở rủi ro theo các thông lệ, chuẩn mực quốc tế.

Đồng thời, định hướng và giải pháp cơ cấu lại ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (không bao gồm các ngân hàng thương mại mua bắt buộc).

Theo đó, các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đóng vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, về thị phần, về khả năng điều tiết thị trường; đi đầu trong việc áp dụng công nghệ ngân hàng hiện đại, năng lực quản trị tiên tiến, hiệu quả kinh doanh cao, an toàn trong hoạt động, chủ động hội nhập quốc tế; tích cực tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; thực hiện kinh doanh theo cơ chế thị trường và tuân thủ quy định pháp luật.

Thời điểm thực hiện đề án trên thì Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là ông Lê Minh Hưng. Ông Hưng hiện nay là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.


Tin bài liên quan:

VNTB – Hàm lượng kháng nguyên trong vắc xin Trung Quốc có độ dao động lớn?

Phan Thanh Hung

VNTB – Quan chức vướng lao lý vì là… ‘đại diện chủ sở hữu’?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Cần cách chức bộ trưởng y tế Đào Hồng Lan

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo