Việt Nam Thời Báo

VNTB – Việt Nam: mô hình kinh tế kiểu mẫu cho Hoa Kỳ và EU?

Đoàn Hưng Quốc

 

(VNTB) – Mô hình Việt Nam phỏng theo Trung Quốc tức là kinh tế thị trường nhưng nhà nước toàn trị đặt trọng tâm vào phát triển kinh tế để tạo chính danh cho đảng Cộng Sản.

 

Trong những năm gần đây Việt Nam là điểm đến lý tưởng của đầu tư Tây Phương. Sang năm 2020 nhờ kiểm soát được dịch bệnh Vũ Hán nên tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đứng hàng đầu thế giới ở mức 3% (so với Hoa Kỳ và Âu Châu giảm 5-7%.) Các chuyên viên ngoại quốc mà gần đây nhất gồm Ruchir Sharma [1] và Marianna Mazzucato [2] không ngớt lời ca ngợi gọi đây là phép lạ kinh tế.

Nhận xét này trái nghịch với đánh giá của nhiều nhà quan sát Việt hay gốc Việt ở trong và ngoài nước rằng tương lai kinh tế vẫn còn mù mịt nếu không có cải tổ tận gốc. Điều khác biệt là các chuyên viên Tây Phương dù đúng hay sai nhưng mở miệng đến đâu thì tiền chạy theo đó, trong khi những nhà quan sát gốc Việt, trừ phi làm việc với nhà nước Việt Nam, thường không có ảnh hưởng gì đến thương mại và đầu tư.

Ruchir Sharma là một chiến lược gia của tập đoàn Morgan Stanley nằm trong số 10 đại ngân hàng ở Mỹ, cho nên đánh giá của ông này ảnh hưởng lên các quyết định về đầu tư vào Việt Nam. Một điểm cần lưu ý là thị trường đầu tư ở Mỹ rất lớn nên chỉ cần thêm bớt 0.5% chạy sang Việt Nam vẫn đủ để giá cổ phiếu Việt Nam nhảy vọt trong khi giới đầu tư lẻ ở Hoa Kỳ không hề nhận biết được (vì tỷ lệ quá nhỏ.)

Marianna Mazzucato là giáo sư kinh tế người Ý, tuy không làm việc trong chính quyền Mỹ nhưng có rất nhiều ảnh hưởng trong cánh tả của Bernie Sander. Bà Mazzucato đã gặp và bổ túc kiến thức kinh tế cho nữ dân biểu cánh tả AOC khi vừa nhậm chức lần đầu vào Hạ Nghị Viện Mỹ. Trong lần phỏng vấn trên đài CNN [3] bà Mazzucato đã ủng hộ sách lược kinh tế Build Back Better của Joe Biden, đồng thời nhiều lần gọi mô hình kinh tế của Việt Nam là kiểu mẫu cho Hoa Kỳ và EU.

Hai căn bản trong kế hoạch Build Back Better (BBB) của Joe Biden gồm (1) mở rộng vai trò của nhà nước trong kinh tế, và (2) tăng trưởng đồng đều đến mọi tầng lớp giàu nghèo – inclusive growth. Chương trình BBB được nữ nghị sĩ cánh tả Elizabeth Warren chủ động đóng góp. Một phần quan trọng trong BBB là khoảng đầu tư công nghệ xanh mà báo chí Mỹ nhận xét không thay đổi gì so với Green New Deal của Bernie Sander và AOC. Cho nên BBB sẽ là sách lược kinh tế chính thức cho Hoa Kỳ nếu Joe Biden thắng cử, cho dù là trung tả (Biden) hay cực tả (Sander-Warren-AOC). 

Bà Mazzucato kêu gọi Hoa Kỳ và EU tăng đầu tư của nhà nước giống như Việt Nam, nhưng không nhắc đến những khoảng đầu tư thất thoát và lãng phí. Bà Mazzucato nhấn mạnh đến tăng trưởng đồng đều để giảm bớt giàu nghèo ở Mỹ, nhưng không nhắc đến khoảng cách giàu nghèo tăng vọt ở Việt Nam. 

Trong khi đó Ruchir Sharma khen ngợi Việt Nam hội nhập kinh tế toàn cầu dù nhiều nước khép lại cánh cửa thương mại. Ông Sharma còn nêu lên việc nhà nước Việt Nam kiểm soát hữu hiệu dịch bệnh, đồng thời đầu tư vào hạ tầng (đường xá, trường học) để phát triển kinh tế thay vì chi tiêu cho các chương trình xã hội tốn kém. Việt Nam dù có nhiều khuyết tật nhưng tránh được các phí phạm và những khoảng nợ khổng lồ mà những quốc gia đang phát triển thường hay vấp phải, nhờ vậy kinh tế Việt Nam phát triển liên tục trong một thời gian dài so với những nước khác. 

Dù Trump hay Biden đắc cử thì Hoa Kỳ sẽ vẫn tiếp tục đầu tư và mua bán với Việt Nam giúp nền kinh tế nước này tăng trưởng nhanh chóng.

Mô hình Việt Nam phỏng theo Trung Quốc tức là kinh tế thị trường nhưng nhà nước toàn trị đặt trọng tâm vào phát triển kinh tế để tạo chính danh cho đảng Cộng Sản. Rất nhiều nhà quan sát từng đánh giá mô hình Trung Quốc sẽ sụp đổ nhưng dù khập khiễng họ vẫn tăng trưởng ngoạn mục trong 40 năm nay. Các chuyên gia Việt nhìn thấy bất cập (giàu nghèo, môi trường, bất công, thất thoát…) nhưng đối với giới đầu tư ngoại quốc thì cơ hội đầu tư lại đến từ những mất cân đối trong số này (giá lương thấp, hư hại môi trường,…) Cho nên dù hai kết luận khác nhau nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội cất cánh trong một thời gian dài.

Còn nếu Hoa Kỳ và EU muốn bắt chước Việt Nam (và Trung Quốc) thì nhà nước cần đầu tư vào hạ tầng (và không tăng thuế) để phát triển kinh tế tạo công ăn việc làm thay vì đổ tiền chi tiêu nhảy vọt trong các chương trình xã hội sinh ra lạm dụng và ỷ lại.

 

_________________

Ghi chú:

[1] Is Vietnam the Next ‘Asian Miracle’? by Ruchir Sharma. NYTimes 10/13/2020

[2] [3] Amanpour interviews Mariana Mazzucato. CNN Podcast 

 https://www.cnn.com/audio/podcasts/amanpour?episodeguid=8eeca953-bf1d-434f-a064-ac56014baf4e

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Tìm hiểu về kinh tế Trung Quốc – Chương 4: Tài chánh

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Mất cân bằng trong kinh tế toàn cầu: tại sao Mác vẫn chưa chết?

Phan Thanh Hung

VNTB – Facebook thành lập Ủy Ban Giám Sát độc lập để quyết định về các tài khoản bị đóng cửa

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo