Phạm Lê Đoan
(VNTB) – Vietnam Airlines và China Southern Airlines (Trung Quốc) vừa ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện từ tháng 9-2022.
“Hàng không quốc gia được đầu tư và xây dựng từ thuế của dân, nay làm ăn thua lỗ lại đem bán cho Tàu mà dân chả được ý kiến gì là sao?” – một ý kiến gay gắt và ngờ vực rằng đây có phải là lộ trình “bẫy nợ” của Trung Quốc, hay do quản lý yếu kém, tham nhũng làm mất vốn rồi tự đâm đầu vào bẫy?
Trong một thông cáo báo chí, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết: “Hợp tác giữa Vietnam Airlines và China Southern Airlines chắc chắn sẽ giúp mang đến nhiều hơn nữa lợi ích cho hành khách của đôi bên trên chặng bay giữa Trung Quốc – Việt Nam, cũng như các khu vực lân cận.
Hợp tác này còn góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Trung Quốc và Việt Nam”.
Còn phía đối tác Trung Quốc thì, “Việc hợp tác thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, cũng như mang tới thêm nhiều lựa chọn rộng mở và trải nghiệm du lịch vượt trội cho hành khách toàn cầu. Hợp tác của chúng tôi cũng sẽ góp phần kiến tạo nền tảng vững chắc cho Sân bay quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh phát triển, trở thành một trung tâm hàng không của thế giới” – ông Han Wensheng, Tổng giám đốc China Southern Airlines, nhận định.
China Southern Airlines, có trụ sở tại Quảng Châu, Trung Quốc, được thành lập năm 1995. Là hãng hàng không lớn nhất Trung Quốc đại lục, China Southern Airlines có 21 chi nhánh (bao gồm cả ở Đài Loan và Macau), gồm 21 văn phòng bán nội địa và 53 văn phòng bán quốc tế.
China Southern Airlines vận hành đội tàu bay hiện đại lớn nhất, mạng đường bay rộng nhất và vận chuyển lượng hành khách nhiều nhất ở Trung Quốc. Hoạt động trải dài từ vận tải hành khách, hàng hóa đến thư tín, hành lý trên cả phạm vi nội địa Trung Quốc và quốc tế.
Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) thông báo lưu ý đến khả năng hủy niêm yết bắt buộc đối với hơn 2,2 tỉ cổ phiếu HVN của Tổng Công ty cổ phần Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HVN) nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục lỗ ròng hoặc vốn chủ sở hữu là số âm. Hiện nay cổ phiếu HVN đang ở trong diện kiểm soát theo Quyết định số 359/QĐ-SGDHCM ngày 1-6-2022.
Để khắc phục điều kiện, đưa cổ phiếu thoát khỏi diện kiểm soát đối với HVN trong bối cảnh hiện nay được cho là khó, bởi trong báo cáo hợp nhất soát xét bán niên 2022, Vietnam Airlines lỗ ròng hơn 5.000 tỉ đồng. Trong khi lỗ lũy kế đến ngày 30-6-2022 là gần 29.000 tỉ đồng; đồng thời vốn chủ sở hữu âm gần 4.900 tỉ đồng. Do vậy việc ký thỏa thuận gọi là hợp tác toàn diện với China Southern Airlines được cho là một giải pháp tình thế để giải “bài toán” âm vốn chủ sở hữu trong năm 2022.
Chính phủ đã dành gói hỗ trợ 12.000 tỉ đồng, gồm vay tái cấp vốn 4.000 tỉ và phát hành cổ phiếu 8.000 tỉ cho Vietnam Airlines.
“Đây có phải là đặc quyền, ưu đãi đặc biệt với Vietnam Airlines không, thì cần phải nói rõ: Nhà nước là cổ đông chiếm tới 88% cổ phần của Vietnam Airlines. Do đó, gói 8.000 tỷ đồng là việc Nhà nước thực hiện trách nhiệm với Vietnam Airlines bằng tư cách là cổ đông tăng vốn để doanh nghiệp duy trì hoạt động. Còn gói 4.000 tỷ đồng là Vietnam Airlines vay, có trách nhiệm phải trả lãi suất.
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines đã kiến nghị Chính phủ, các Bộ ngành có chính sách hỗ trợ chung cho ngành hàng không, Chính phủ đã có những hỗ trợ chính sách miễn giảm thuế phí cất hạ cánh, thuế bảo vệ môi trường hay những chính sách liên quan” – ông Lê Hồng Hà biện giải.
Người viết bài này không phải trong chuyên ngành hàng không, nên chỉ thắc mắc một vấn đề thuần chính trị, Bởi, với đặc thù hoạt động như hiện nay, song hành với hoạt động kinh doanh cốt yếu, Vietnam Airlines còn thường xuyên thực hiện nhiệm vụ chính trị do Chính phủ giao phó. Vậy chuyện gọi là “hợp tác giữa Vietnam Airlines và China Southern Airlines”, phải chăng rồi đây Vietnam Airlines, hay China Southern Airlines cũng phải phục vụ theo yêu cầu chính trị của Bắc Kinh/ Hà Nội?
2 comments
Cát Linh – Hà Đông cũng nên học hỏi Vietnamairlines, mà bắt tay với ngành đường sắt China luôn đi cho rồi!
Ý kiến hay, người góp ý kiến trung thực & khách quan