Việt Nam Thời Báo

VNTB – Với thể chế độc đảng toàn trị thì “mất chế độ” cần được hiểu như thế nào?

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng công khai nói rằng, “không để tham nhũng, tiêu cực làm hỏng bộ máy, làm mất chế độ”.

 

Sáng 19-11-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội (QH) TP. Hà Nội tiếp xúc cử tri các quận: Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng (đơn vị bầu cử số 1) báo cáo kết quả kỳ họp 4 QH khóa 15.

Tổng Bí thư nhìn nhận việc phòng, chống tham nhũng phải kiên trì, bền bỉ, làm lâu dài vì xong vụ này lại xảy ra vụ khác. “Bây giờ có những người xảy ra cái là trốn đi nước ngoài. Trốn đi sang nước ngoài thì sang nước ngoài bắt về đây. Không bắt được thì luật pháp của ta cho phép xử vắng mặt. Trốn cũng không được, trốn đi rồi ta vẫn có quyền xử vắng mặt”, Tổng Bí thư nói, nhấn mạnh phải làm quyết liệt, không để tham nhũng, tiêu cực làm hỏng bộ máy, làm mất chế độ.

Người viết cho rằng nội hàm “mất chế độ” ở đây nếu đặt trong hiến định ở Điều 4, rằng Đảng Cộng sản Việt Nam là “độc tài toàn trị”, thì “mất chế độ” chỉ diễn ra khi có đảo chánh và phe nhóm thực hiện đảo chánh này tuyên bố “ly khai cộng sản” để lập một đảng mới cùng cạnh tranh bình đẳng theo đúng lá phiếu bầu dân chủ của cử tri.

Việc đảo chánh bằng vũ lực nếu có, xem ra chỉ có thể từ phe nhóm trong quân đội. Còn đảo chánh theo nghĩa “chiến tranh tâm lý – diễn biến hòa bình” để kích động tạo phe nhóm nhằm hạ bệ Tổng bí thư, thì khả thi hơn; và rất có thể ông Nguyễn Phú Trọng đang ngầm ý ám chỉ điều này cho cảnh báo “mất chế độ”.

Như vậy dù bằng cách nào thì “mất chế độ” cũng do chính những đảng viên cộng sản thực hiện, nôm na đó đúng như cảnh báo của ông Trần Quốc Vượng khi còn là Thường trực Ban Bí thư: “Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ thôi” tại “Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020” diễn ta tại Hà Nội ngày 25-12-2019.

“Cán bộ là vấn đề quyết định, là then chốt của then chốt. Do vậy, chúng ta phải đặc biệt chú ý. Đây là thực tiễn và thời sự. Thành bại là do cán bộ. Thành trì xã hội chủ nghĩa cả hệ thống Đông Âu như vậy ai cũng tưởng rằng không bao giờ đổ mà “cơ đồ đổ xuống biển sâu”. Có nhiều nguyên nhân nhưng cơ bản là nguyên nhân công tác cán bộ, là người đứng đầu”, ông Vượng nói.

Ông Vượng cho hay, khi sang châu Âu 10 năm sau Liên Xô sụp đổ, nghe các phương tiện thông tin đại chúng ở đây nói về sự kiện này như một ngày hội, ông đã rất đau xót. “Mình nghĩ lại làm sao để Đảng ta không bao giờ vướng vào chuyện như vậy”, ông nói.

Theo Thường trực Ban Bí thư, vấn đề thành hay bại chính là nằm ở công tác cán bộ, do đó, cần hết sức chú ý công tác nhân sự, nhất là nhân sự cho cấp ủy các cấp nhiệm kỳ tới.

“Đây là vấn đề quan trọng. Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi”, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.

Thời điểm mà ông Trần Quốc Vượng – người từng có thời gian dài giữ chức Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, có các phát biểu cảnh báo cụ thể như trên so với kiểu chung chung như hiện tại của ông Nguyễn Phú Trọng, không ít người đoạn chắc rằng ông Vượng sắp rời chính trường bởi khả năng “vạ miệng” của “trung ngôn thì nghịch nhĩ”.

Đến đầu tháng 2-2021, ông Trần Quốc Vượng rời chính trường khi không có tên trong danh sách của Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Tuy vậy, trước khi rời chính trường, ông Trần Quốc Vượng đã đưa ra hàng loạt cảnh báo mà có lẽ giờ đây ông Nguyễn Phú Trọng đang thực hiện: không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ;

Chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm” hay bản thân hoặc vợ (chồng), con vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước làm ảnh hưởng tới uy tín cơ quan, đơn vị, bản thân cán bộ…


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Tập Cận Bình nhắc nhở Nguyễn Phú Trọng tự giải quyết các tranh chấp trên biển

Phan Thanh Hung

VNTB – Quản trị quốc gia theo luật hay theo đạo đức cách mạng?

Phan Thanh Hung

VNTB – Liệu có khuất tất gì về ‘phân phối’ vắc xin?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo