VNTB – Vụ công an đánh thiếu niên chạy xe máy: cần tu chỉnh luật

VNTB – Vụ công an đánh thiếu niên chạy xe máy: cần tu chỉnh luật

 

Lê Tự Do

 

(VNTB) – Hành vi đánh người không chỉ vi phạm sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân mà còn vi phạm Hiến pháp, vi phạm quyền con người nghiêm trọng.

 

Trước mắt thì theo họp báo, sẽ tước quân tịch.

Trên mạng xuất hiện đoạn clip dài hơn 5 phút, trong đó có cảnh hai chiến sĩ “áo vàng” và “áo xanh” sau khi đuổi kịp hai thiếu niên đi xe máy đã nhảy xuống xe chuyên dụng, thay nhau dùng tay, chân, thậm chí dùng nón bảo hiểm đánh người cầm lái… Sau đó có thêm một xe chuyên dụng với hai cảnh sát đến.

Theo thông cáo báo chí của công an tỉnh Sóc Trăng thì: “Vào khoảng 15 giờ ngày 25-9-2022, khi đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Lễ Sene ĐolTa trên tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu (đoạn thuộc khóm Xẻo Me, phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu), Tổ tuần tra thuộc Đội Cảnh sát giao thông, trật tự, Công an thị xã Vĩnh Châu (gồm 05 đồng chí), phát hiện 01 thanh niên điều khiển xe mô tô nhãn hiệu Exciter 150 cm3 chở theo một thanh niên chạy ngược chiều, nghi vấn sử dụng rượu bia và chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện phân khối lớn tham gia giao thông nên Tổ công tác ra tín hiệu dừng phương tiện để kiểm tra.

Tuy nhiên, người điều khiển phương tiện không những không chấp hành mà còn tăng ga bỏ chạy với tốc độ cao, chèn ép xe của Tổ tuần tra, lạng lách, đánh võng trên đoạn đường gần 30km, qua các tuyến đường Nam Sông Hậu (Xẻo Me) – Lê Lai – Trưng Nhị – 30/4 – Huyện lộ 43 – Nam Sông Hậu (xã Vĩnh Hải). Khi đến địa bàn thuộc ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải mới dừng được phương tiện. Lúc này, một số đồng chí trong Tổ tuần tra không kiềm chế được nóng giận, đã có hành vi sử dụng bạo lực (dùng tay, chân, gậy nhựa điều khiển giao thông, mũ bảo hiểm đánh 02 thanh niên như trong video clip), sau đó, đưa người và phương tiện về trụ sở Công an thị xã.

Qua làm việc, người điều khiển xe đã thừa nhận các hành vi vi phạm gồm các lỗi: (1) Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người kiểm soát giao thông, (2) Không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông, (3) Điều khiển xe lạng lách trên đường bộ ngoài đô thị, (4) Không có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, (5) Người chưa đủ 18 tuổi nhưng điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh trên 100 cm3”.

“Anh không thể đổ thừa là tại này tại nọ rồi không kềm chế cảm xúc, nóng giận, có hành vi bạo lực với người dân được. Trước khi vào ngành, anh đã được học cái gì để rồi đụng chuyện anh đổ thừa như vậy? Và đặc biệt, tôi có một thắc mắc thế này, chẳng lẽ phương tiện của hai thanh niên gọi là điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh trên 100 cm3 kia mà hai chiến sỹ công an đuổi theo không kịp? Đến tận gần 30 km sau mới bắt kịp. Nhất là ở đây là đoạn đường quê, không đông đúc như ở thành phố”, một người dân quê ở miền tây bức xúc.

Bác Hồ đã từng dạy lực lượng Công an nhân dân 6 điều:

“Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.

Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ.

Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.

Đôi với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.

Đối với công việc, phải tận tụy.

Đối với địch, phải kiên quyết, khôn khéo”.

Điều 20 Luật Hiến pháp năm 2013 quy định:

“1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”

Bên cạnh đó, điều 22 Bộ luật hình sự 2015 quy định:

“Điều 22. Phòng vệ chính đáng

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”

Chỉ tính sơ sơ như vậy thôi về đạo đức, về luật pháp đã quy định rất rõ ràng về quyền con người của người dân. Tuy nhiên mặc dù Hiến pháp ghi như vậy, mặc dù có điều khoản về phòng vệ chính đáng, nhưng nếu như trường hợp cụ thể ở trên, hai thanh niên mà chống cự lại, liệu chăng sẽ bị “áp” vào trường hợp của chống người thi hành công vụ hay không?

“Hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao”.

Tóm lại, sự việc công an đánh thiếu niên chạy xe máy ở Sóc Trăng, nếu như chỉ xử phạt bằng hình thức kỷ luật thông thường hoặc có thể là cho ra khỏi ngành, xem ra dường chừng như vẫn chưa gọi là đủ.

Bởi hành vi đó không chỉ vi phạm sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân mà còn vi phạm nghiêm trọng đến Hiến pháp (luật cao nhất ở Việt Nam), vi phạm đến quyền con người. Nếu xét ở khía cạnh đạo đức, đó không khác gì hành vi của người côn đồ. Ngay cả khi “sắc phục” còn không thể kềm chế được cảm xúc, kiểm soát được hành động của mình thì làm sao có thể xử “đúng người, đúng tội” với những hành vi “chém người do nhìn đểu” hay đánh chết người do cản đường…?

Hơn hết, đó còn là câu chuyện của những người dân thấp cổ bé họng, bị chèn ép, bị đánh công khai giữa thanh thiên bạch nhật mà hoàn toàn không thể có khả năng phản kháng lại.

Cho dù là đối với địch đi chăng nữa, theo sáu điều Bác Hồ dạy người Công an nhân dân thì: “Đối với địch, phải kiên quyết, khôn khéo” chứ không phải thái độ hành xử như vậy. Quan trọng hơn cả, người dân Việt Nam máu đỏ da vàng, là nghĩa đồng bào, là điều đầu tiên trong 5 điều Bác Hồ dạy chứ không phải là địch, là giặc là các anh ạ.

Cần có sự tu chỉnh luật trong chống người thi hành công vụ để người dân có thể hưởng trọn quyền con người của mình…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Công Tâm 2 years

    Chỉnh luật thì dễ, nhưng luật ghi 1 đằng, các ông ấy làm một nẻo thì cũng như 0!