Albert Wai (Today, ngày 28/5/2016)
Người dịch: Vũ Quốc Ngữ
(VNTB) – Các nhà phân tích chỉ ra rằng Việt Nam sẽ suy tính cẩn thận việc cho phép Mỹ tiếp cận vịnh Cam Ranh. Hà Nội muốn gửi một tín hiệu với Bắc Kinh rằng nước này không ngu, nhưng cũng muốn giảm thiểu nguy cơ xảy ra xung đột.
SINGAPORE – Giàn khoan Hải Dương 981
Để có được một sự hiểu biết rõ ràng hơn về những sự kiện đáng chú ý diễn ra tại Hà Nội vào đầu tuần này, các quan sát viên thường phải làm quen với tên đó.
Nó là một cú sốc Việt Nam đối mặt khi thức dậy trong tháng 5 năm 2014: giàn khoan khổng lồ Hải Dương 981 trị giá $1 USD của Trung Quốc đậu ngoài khơi của quốc gia này, trong vùng biển mà cả hai nước đều tuyên bố có chủ quyền.
Việt Nam đã cố gắng đuổi giàn khoan này bằng cách gửi một đội tàu ra đó nhưng đã bị đánh bật lại bởi phản ứng mạnh mẽ của đội tàu bảo vệ giàn khoan của Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc. Sự hỗn loạn tiếp theo đã gây ra một cuộc khủng hoảng quốc tế, và phản ứng bạo lực mang tính dân tộc chủ nghĩa ở Việt Nam.
Nhưng đó là sự im lặng chốc lát- khi Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã cố gắng liên lạc với Bắc Kinh để phản đối, nhưng nỗ lực của ông không được hồi âm. Hà Nội không bỏ phí thời gian trong việc quay sang Hoa Kỳ, vận động kẻ thù cũ của mình dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí để Việt Nam có thể mua vũ khí sát thương của Mỹ để tự vệ.
Phía Mỹ nới lỏng một phần lệnh cấm, cho phép mua các thiết bị không sát thương để phòng thủ bờ biển, và năm ngoái nồng nhiệt đón tiếp ông Trọng tại Nhà Trắng.
Lần viếng thăm đó tạo đà cho việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí trong tuần này, được công bố chính thức trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam.
Động thái này không chỉ kết thúc một trong những tàn tích cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam, nhưng quan trọng hơn, đánh dấu một sự điều chỉnh lại quan hệ Mỹ-Việt Nam cũng như mối quan hệ của Hà Nội với Bắc Kinh.
“Trong một nghĩa nào đó, bạn có thể xem xét phiên bản Việt Nam của “tái cân bằng” sau Chiến tranh Việt Nam”, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Singapore Bilahari Kausikan nói. Ông lưu ý rằng Hồ Chí Minh đã từng đề nghị hợp tác với Mỹ ngay sau Chiến tranh thế giới II và chỉ dứt khoát quay sang khối cộng sản sau khi ông bị từ chối.
“Người Việt Nam có tinh thần dân tộc rất cao” ông Kausikan thêm. Chương trình SR Nathan Fellow năm nay đưa ra một loạt các bài giảng về cách vấn đề Biển Đông đã trở thành một trong những nơi diễn ra sự cạnh tranh Trung-Mỹ và lợi ích của hai nước được xác định rõ ràng nhất và phản ứng của từng quốc gia ở Đông Nam Á về quyết tâm của Mỹ và ý định của Trung Quốc trong khu vực.
Trong khi ông Obama cho biết quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí không liên quan gì đến Trung Quốc, hầu hết các chuyên gia và các nhà phân tích tin rằng đó là phản ứng với sự bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Các nhà phân tích cho rằng, bù lại, Hà Nội có thể cho phép Mỹ tiếp cận cảng Cam Ranh – một cảng nước sâu chiến lược ở Biển Đông đang tranh chấp. Nếu điều này xảy ra, sẽ làm Trung Quốc khó chịu và đưa ra một loạt câu hỏi về ngoại giao và quân sự trong khu vực.
Tình hình trở nên phức tạp hơn vì tranh chấp quyền đánh bắt cá giữa Trung Quốc và một số nước trong khu vực ở Biển Đông. Malaysia tuần này bắt giữ ba ngư dân Philippines với cáo buộc đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng lãnh hải của mình. Indonesia đã thực hiện chiến dịch chống đánh cá bất hợp pháp nhằm vào ngư dân Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam ở vùng biển của mình, đánh chìm hơn 60 thuyền nước ngoài cho đến nay. Các ngư dân đã khẳng định họ đã đã đánh bắt cá trong ngư trường truyền thống của mình.
Trong bối cảnh căng thẳng và cạnh tranh, một số nước Đông Nam Á đã thay đổi mối quan hệ của họ với các cường quốc. Thái Lan, đồng minh lâu năm của Mỹ, đã tách rời khỏi Washington kể từ khi Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã phát động một cuộc đảo chính quân sự vào năm 2014. Chính phủ của ông Prayuth tăng cường mối quan hệ với Bắc Kinh.
Cũng có những dấu hiệu cho thấy Philippines, một nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông và là một đồng minh hiệp ước của Mỹ, có thể thay đổi lại mối quan hệ với Washington. Tổng thống mới đắc cử Rodrigo Duterte đã công khai đặt câu hỏi về cam kết của Mỹ đối với Philippines trong trường hợp có xung đột với Trung Quốc. Ông cũng cho dấu hiệu rằng có thể tiến hành đàm phán song phương với Bắc Kinh.
Chỉ có thời gian sẽ nói cho biết những thay đổi liên minh địa chính trị sẽ ảnh hưởng đến hòa bình khu vực và sự ổn định, đặc biệt là cho những bất ổn trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đối với Châu Á khi ông Obama đang đi gần hết nhiệm kỳ cuối của ông tại Nhà Trắng.
Một trang mới trong quan hệ Việt-Mỹ?
Chuyến thăm của ông Obama tới Việt Nam trong tuần này mang nhiều ý nghĩa. Cả hai bên đều nói về sự hợp tác mới 40 năm sau cuộc chiến khốc liệt đã cướp đi hơn 57.000 người Mỹ và giết chết hơn hai triệu người Việt Nam.
Tổng thống miêu tả việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí như là một phần của quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. “Sự thay đổi này sẽ đảm bảo rằng Việt Nam có quyền tiếp cận các thiết bị mà nó cần để tự bảo vệ mình,” ông Obama nói trong một cuộc họp báo với Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào thứ ba.
“Nó cũng nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Việt Nam, bao gồm cả quan hệ quốc phòng mật thiết,” ông Obama nói.
Ở mọi nơi đến, Obama đã được chào đón nồng ấm bởi người dân địa phương, tất cả tranh nhau để chộp được hình ảnh của nhà lãnh đạo hàng đầu của thế giới. Trong một động thái đặc biệt về ngoại giao công chúng, ông Obama ngồi ăn tối với người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng Anthony Bourdain tại một cửa hàng ăn khiêm tốn ở Hà Nội, đã chiếm được cảm tình của cư dân mạng và nhiều người Việt Nam.
Ông Obama cũng đã gặp mặt các nhà lãnh đạo trẻ Việt trong tòa thị chính tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông thúc giục họ làm nhiều hơn để đối phó với biến đổi khí hậu và giới thiệu các lợi ích của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
TPP là một hiệp định thương mại quan trọng của 12 quốc gia ở khu vực Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, và là một nền tảng cho chính sách tái cân bằng của ông Obama nhằm thiết lập mối quan hệ gần gũi hơn với châu Á.
Đối với Việt Nam, chuyến thăm của ông Obama đã không thể tốt hơn.
“Các thông điệp của tình hữu nghị và hợp tác cũng như những mong muốn tương lai đã được gửi và được đón nhận ở Việt Nam”, ông Trần Việt Thái, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược Nước ngoài trực thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam nói.
Phó Giáo sư Richard Heydarian, người dạy môn khoa học chính trị tại Đại học La Salle De tại Manila, lưu ý rằng chính quyền Obama đã “khai thác thành công nỗi lo lắng của Việt Nam để xây dựng một quan hệ đối tác an ninh mà dường như không tưởng ở thập kỷ trước”.
“Thông qua TPP và hợp tác phát triển hải quân với Mỹ, Việt Nam hy vọng sẽ giảm thiểu mối đe dọa từ người láng giềng khổng lồ,” ông nói thêm với ý nói về Trung Quốc.
Nền kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 10% nhờ có TPP trong thập kỷ tới.
Ngay từ cái nhìn đầu tiên, mối quan hệ giữa Hà Nội và Washington dường như sẽ tiến triển mạnh bởi việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí. Việt Nam cho đến giờ xem các lệnh cấm vận như một sự phân biệt đối xử và một tàn tích của chiến tranh lạnh, nhưng Washington đã coi nó như một con bài mặc cả để ép Hà Nội cải thiện tình trạng nhân quyền.
Do đó việc dỡ bỏ lệnh cấm là một tín hiệu ngoại giao quan trọng từ Mỹ rằng họ muốn tăng cường mối quan hệ với Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam hiện là nước xuất khẩu lớn nhất ở Đông Nam Á vào Mỹ.
“Việc loại bỏ lệnh cấm vận làm hai nước xích lại gần nhau hơn và mang lại mức độ cao hơn của sự tin tưởng giữa hai nước, làm cho hai nước cảm thấy thoải mái hơn và sẵn sàng hơn để theo đuổi sự hợp tác chặt chẽ hơn trong tương lai, đặc biệt là ở các lĩnh vực nhạy cảm như quốc phòng và an ninh”, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một nhà nghiên cứu tại Viện Ishak ISEAS-Yusof tại Singapore nói.
Việt Nam, đã thua trận trong hai cuộc chiến tranh hải quân ngắn với Trung Quốc vào năm 1974 và 1988 trong tranh chấp biển đảo với Trung Cộng ở Biển Đông, đã được cảnh báo bởi sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Quan hệ Trung Quốc-Việt Nam đã xấu đi một cách nghiêm trọng vào năm 2014 sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào biển Đông, dấy lên các cuộc biểu tình chống Trung Quốc khiến ít nhất 21 người chết và hàng chục người bị thương ở Việt Nam. Hàng ngàn người dân Trung Quốc đã được di tản khỏi Việt Nam. Mặc dù Bắc Kinh rút giàn khoan sau hai tháng, cuộc khủng hoảng đã thấy mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia sụt giảm tới mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Bằng việc thúc đẩy quan hệ với Washington, Hà Nội đã gửi một tín hiệu rõ ràng cho Bắc Kinh rằng nó có những người bạn đầy sức mạnh. Đồng thời, Việt Nam khó có thể rời bỏ quỹ đạo của Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất và đồng minh ý thức hệ.
“Việt Nam ý thức cảnh giác sâu sắc khi sống bên cạnh Trung Quốc như đã cảnh giác trong hai ngàn năm. Quốc gia này phải đồng thời đứng lên chống lại Trung Quốc và đi cùng với Trung Quốc. Điều đó sẽ không bao giờ thay đổi và họ sẽ không thoát khỏi dù bằng cách này hay cách khác, “ông Kausikan nói.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng mặc dù có thể hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam sẽ tiến về phía trước, sẽ không có những hợp đồng vũ khí lớn giữa hai nước.
Kể từ khi lệnh cấm vận vũ khí đã được dỡ bỏ một phần hai năm trước đây để cho phép Hà Nội mua các thiết bị như radar, thuyền, Việt Nam đã không có bất kỳ mua sắm lớn nào.
“Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ quân sự của Nga, và để thoát ra Hà Nội gặp vấn đề nghiêm trọng trong việc tích hợp vũ khí của Mỹ cho các lực lượng vũ trang hiện đang dựa vào vũ khí Nga”, Phó giáo sư Bernard Loo nói từ chương trình nghiên cứu quân sự của Viện Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam. Ông bổ sung thêm rằng ông hy vọng sẽ có nhiều tham vấn và trao đổi giữa hai bên trong tương lai.
Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia cho biết ông hy vọng Mỹ và Việt Nam đẩy mạnh hợp tác trong hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai cũng như đào tạo nhân sự giúp cho Việt Nam tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
“Việt Nam có thể sẽ cho phép Mỹ xây dựng các kho vật tư, thiết bị để đối phó với thiên tai trong khu vực. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ không tham gia tập trận quân sự với Mỹ nhằm chống lại Trung Quốc “, giáo sư Thayer, người đã nghiên cứu quân sự của Việt Nam từ những năm 1960 nói thêm.
Bình luận về triển vọng quan hệ Mỹ-Việt Nam, Tiến sĩ Denny Roy, một thành viên cao cấp của Trung tâm Đông-Tây ở Honolulu, cho biết mối quan hệ là khả năng nhìn thấy một sự cải thiện dần nhưng dài hạn.
“Cả hai bên sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích của họ. Ở một mức độ, điều này sẽ hạn chế tốc độ mà tại đó các mối quan hệ song phương phát triển. Tuy nhiên, mối quan hệ có thể phát triển bất chấp sự hiện diện của những bất đồng,”ông nói.
“Trong một nghĩa nào đó, đây là một lợi thế vì những kỳ vọng thấp hơn khi mọi người nhận ra hai quốc gia là hai cựu đối thủ với hệ thống chính trị có tính đối kháng.”
Bắc Kinh theo dõi
Chuyến thăm của ông Obama tới Việt Nam và sự phát triển quan hệ giữa hai nước sẽ được theo dõi chặt chẽ bởi Bắc Kinh.
“Đối với Trung Quốc, sự tham dự ngày càng tích cực của Việt Nam vào chiến lược tái cân bằng của Mỹ- từ việc tham gia vào TPP và mua lại các tàu tuần tra của Mỹ, sự tiếp đón nồng nhiệt của công chúng đối với Tổng thống Obama – là một trở ngại lớn đối với ảnh hưởng chiến lược của Bắc Kinh tại Đông Nam Á”, ông Ashley Townshend, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Sydney cho biết.
“Mặc dù mối quan hệ văn hóa lâu đời và quan hệ mật thiết giữa hai đảng, Trung Quốc đang mất Việt Nam vào tay Mỹ,” ông nói thêm.
Phản ứng chính thức của Trung Quốc với các kết quả của chuyến thăm của ông Obama là im lặng, với việc phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nói rằng Bắc Kinh hy vọng việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sẽ có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.
Tuy nhiên, tờ Hoàn cầu Thời bao, một tờ báo nhà nước có ảnh hưởng, công kích việc dỡ bỏ vũ khí, nói rằng động thái này nhằm vào Bắc Kinh. Nó nói thêm rằng động thái này của Mỹ sẽ làm trầm trọng thêm “đối kháng chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh” và cáo buộc Nhà Trắng “lợi dụng của Việt Nam để khuấy lên nhiều rắc rối ở Biển Đông”.
Quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ và Việt Nam đến ở một thời điểm khi Trung Quốc đang thách thức trên nhiều mặt trận về tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông, nơi vận chuyển qua lại hàng hóa có trị giá 5 tỷ USD hàng năm. Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Đài Loan có tuyên bố chủ quyền chồng chéo trong vùng biển tranh chấp này.
Xây đảo nhân tạo, xây dựng các cơ sở quân sự và đưa thiết bị quân sự tới các đảo tranh chấp và rặng đá đang kiểm soát bởi Bắc Kinh đã làm dấy lên những lo ngại về quân sự trong khu vực. Lầu Năm Góc đã tiến hành tuần tra lặp đi lặp lại gần quần đảo Trung Quốc kiểm soát, bề ngoài là để duy trì tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế.
Manila đã yêu cầu một tòa án trọng tài tại The Hague để công nhận chủ quyền của mình để khai thác vùng biển ở Biển Đông, nhưng Bắc Kinh đã khẳng định rằng tòa án không có thẩm quyền đối với trường hợp này.
Phán quyết về vụ việc dự kiến được đưa ra trong tuần tới. Nhưng trước đó, Trung Quốc đã đưa ra một danh sách của hơn 40 quốc gia – trong đó có nhiều nước nằm trong đất liền ở ngoài khu vực – tuyên bố ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh rằng vấn đề cần được giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp chứ không phải tòa án quốc tế.
Khi được hỏi liệu Trung Quốc ngày càng lo lắng hơn về sự phát triển ở Biển Đông, ông Kausikan trả lời rằng “ít nhất Bộ Ngoại giao Trung Quốc lo lắng”.
“Nếu không, tại sao lại đi thu thập cái gọi sự ủng hộ của các cường quốc hàng hải lớn như Sudan, Gambia và Belarus, trong số những nước khác? Nó không gây ấn tượng với ai cả mà chỉ làm quốc tế hóa vấn đề, trong khi Trung Quốc không muốn thế” ông Kausikan nói.
“Tôi nghĩ rằng đây là bởi vì đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ phải giải thích cho người dân của mình tại sao, nếu Đại Trẻ hóa (cụm từ được sử dụng bởi Tổng thống Tập Cận Binh) thực sự là tuyệt vời như vậy, và Trung Quốc dưới sự lãnh đạo ĐCSTQ đang phục hồi lãnh thổ bị mất khi Trung Quốc yếu kém, một tòa án quốc tế cho rằng những lãnh thổ này không thuộc Trung Quốc, “ông nói thêm.
“Vì vậy, họ phải cho thấy rằng không có sự đồng thuận quốc tế và nhiều quốc gia ủng hộ Trung Quốc, không bận tâm nếu hầu hết các nước này hoặc là không có thông tin gì về tranh chấp ở Biển Đông hoặc họ được nhét lời vào miệng.”
Ông Kausikan tin rằng đó là không cần thiết việc Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Wang Yi chia rẽ ASEAN bằng cách thuyết phục Lào, Campuchia và Brunei đồng ý với một cái gọi là sự đồng thuận bốn điểm về Biển Đông.
“ASEAN sẽ không có thể đồng ý về một quan điểm chung về quyết định của tòa án ngay cả khi Wang Yi không làm bất cứ điều gì. Nhưng Wang Yi lo lắng về sự nghiệp của mình như là bộ trưởng ngoại giao, sẽ bị buộc tội nếu nó không làm gì.”
Vịnh Cam Ranh chiến lược
Thêm vào sự lo lắng của Bắc Kinh là cách bức tranh quân sự trong Biển Đông có thể thay đổi nếu Việt Nam cho phép Hải quân Mỹ tiếp cận cảng thương mại quốc tế được khánh thành gần đây tại vịnh Cam Ranh, một căn cứ quân sự có thể phục vụ tàu chiến nước ngoài.
Nằm trên bờ biển phía đông nam của Việt Nam về phía bắc thành phố Hồ Chí Minh khoảng 290 km, vịnh Cam Ranh gần hơn với quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp tuyên bố của cả Bắc Kinh và Hà Nội so với căn cứ hải quân gần nhất của Trung Quốc ở đảo Hải Nam.
Vịnh cũng gần eo biển Malacca, giúp tăng ảnh hưởng của Mỹ trên các tuyến đường vận chuyển toàn cầu quan trọng. Đây là cảng nước sâu có thể tiếp nhận tàu sân bay và tàu ngầm.
Các lực lượng hải quân của Singapore, Nhật Bản và Pháp đã đến thăm Cảng quốc tế Cam Ranh kể từ khi nó được khai trương cách đây vài tháng. RSS Endurance của Singapore là tàu chiến nước ngoài đầu tiên đến cảng Cam Ranh vào ngày 17/3.
Mặc dù suy đoán rằng Hà Nội có thể sẵn sàng cho phép Hải quân Mỹ vào vịnh Cam Ranh, bản chất của sự việc tiếp cận – ghé cảng thường xuyên, triển khai luân phiên, hoặc sự hiện diện lâu dài – vẫn chưa được công bố.
Nếu Hải quân Mỹ được phép tới Vịnh Cam Ranh, nó sẽ mở ra một mặt trận mà Trung Quốc cần phải để mắt, ngoài các bãi cạn Scarborough ở phía đông của Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang đối mặt với Philippines được hỗ trợ bởi Mỹ và Nhật Bản.
“Nếu Hà Nội cho phép quân đội Mỹ tiếp cận sân bay và cảng tại Vịnh Cam Ranh, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với quân đội Mỹ ở các hướng phía tây, phía nam và phía đông của Biển Đông,” ông Townshend củaTrung tâm Nghiên cứu Mỹ nói.
Giáo sư Alexander Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương Inouye Daniel K ở Honolulu, nói rằng cho phép quân đội Mỹ được sử dụng vịnh Cam Ranh sẽ là một “di chuyển thông minh trong một trò chơi Weiqi”, một trò chơi cờ vua truyền thống của Trung Quốc dựa trên nguyên tắc của hành vi phản công gián tiếp.
“Nếu Hải quân Hoa Kỳ có quyền tiếp cận thường xuyên vịnh Cam Ranh, điều này có thể vô hiệu hóa một số lợi thế Trung Quốc mà những hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông mang lại,” ông nói.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng Việt Nam sẽ suy tính cẩn thận việc cho phép Mỹ tiếp cận vịnh Cam Ranh. Hà Nội muốn gửi một tín hiệu với Bắc Kinh rằng nước này không ngu, nhưng cũng muốn giảm thiểu nguy cơ xảy ra xung đột.
Giáo sư Thayer của Học viện Quốc phòng Úc nói rằng Việt Nam dường như không muốn cho Mỹ đặc quyền tiếp cận vịnh Cam Ranh. Ông cho biết Việt Nam cũng sẽ không cho phép bất kỳ sự hiện diện thường trú hoặc sự hiện diện luân phiên của Hải quân Mỹ ở đó.
“Việt Nam sẽ cẩn thận dàn xếp các chuyến thăm như vậy là để giảm thiểu những lo ngại của Trung Quốc,” Giáo sư Thayer nói.
Tiến sĩ Lê của Viện Iseas-Yusof Ishak nói thêm rằng, trong thời điểm này, Việt Nam có khả năng có một cách tiếp cận dần đến vấn đề này. “Việt Nam không muốn tạo ra sự nhận thức rằng nước này liên kết với Mỹ và các nước khác chống lại Trung Quốc”, ông lưu ý.
“Mỗi bước đi với Mỹ, Việt Nam sẽ phải nhìn lại để xem Trung Quốc phản ứng làm thế nào.”