Vi Tiểu Bảo
(VNTB) – Câu chuyện về chùa Kỳ Quang 2 lại tiếp tục đón nhận ý kiến từ nhiều phía. Dù ủng hộ hay phản đối, ai cũng có cái lý, lập luận riêng của mình. Lang thang một vòng trên mạng, tôi có bắt gặp một vài ý kiến cũng khá hay về vấn đề này, có thể nói nó tựa như là một góc nhìn khác về vấn đề.
Đầu tiên, ý kiến cho rằng: “Nuôi trẻ em mồ côi là việc tốt. Vứt lăn lóc rớt cả di ảnh của cốt người ta là việc sai. Hai chuyện không hề liên quan nhau”. Có thể nói đây là ý kiến chính xác. Ở một góc độ nào đó, nó khá tương đồng với vấn đề ăn chay trường, không nỡ giết con kiến vậy sao có hại người tiêu dùng như lời của ông chủ nhãn hàng pate Minh Chay.
Tuy nhiên, nếu soi xét kỹ, ta lại cảm thấy có cái gì đó kỳ kỳ ở đây. Bởi lẽ, dù là nuôi trẻ em hay việc vứt lăn lóc rớt cả di ảnh trên hũ cốt đều xuất phát là từ cái tâm. Có thể nói, nhiều việc làm hay hành động đều từ cái tâm mà ra. Nhận nuôi trẻ mồ côi thật sự là một người có cái tâm tốt. Còn việc hũ cốt một nơi, di ảnh một nẻo lại là hành động của tâm không tốt.
Cho nên, nếu nhìn sự việc, phán đoán bề ngoài, rồi cho rằng hành động đó chẳng liên quan gì đến hành đồng này thì xem ra hơi bị võ đoán, nhất là với những người đang tự tạo cho mình “sức ảnh hưởng” đến với người khác thì càng nguy hơn. Suy cho cùng, hai hành động nói trên cũng xuất phát từ trong cái tâm mà ra.
Có ý kiến cho rằng, những bức ảnh vị sư trụ trì chơi đùa, chăm sóc trẻ em là sự diễn xuất trước ống kính. Cũng có thể không sai, nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó. Vậy thì những lúc mấy em (nhất là những trẻ bị khuyết tật) không tự vệ sinh được, không tự mình ăn được như thế nào? Những việc làm đó liệu có xấu?
Nếu như vẫn cho rằng sư là một “ma tăng”, với một người có kinh nghiệm “diễn xuất” như vậy, làm sao lại để mắc phải sai lầm lớn đến thế, nhất là vào thời điểm tháng Vu Lan? Nếu cho rằng, có “anh hùng giấu mặt” như trong phim, thấy chuyện bất bình ra tay “tố giác”, vậy thì tại sao sau đó không có ai đứng ra chỉ chứng thêm tội trạng của sư Thiện Chiếu?
Một ý kiến nho nhỏ nữa cho rằng, trụ trì giống như giám đốc một công ty. Tôi là một đứa học hành chẳng bằng ai, nhưng tôi biết một điều rằng, để mở công ty, chí ít phải đi đến cái nơi gọi là Bộ (hoặc Sở) Kế hoạch đầu tư làm hồ sơ rồi khai một số thứ (giấy tờ, thuế…) rồi làm con dấu…, đúng là thủ tục bây giờ có giản gọn thật nhưng cũng phải đi tới đi lui mấy lần. Nói theo ý kiến trên, không lẽ chùa Kỳ Quang 2 cũng có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp? Xem ra, việc so sánh này có vẻ khập khiễng, tựa như một câu chuyện ngụ ngôn vậy.
Củng cố thêm, người nêu ý kiến ấy cho rằng: “Mọi hoạt động của công ty đều do GIÁM ĐỐC chịu trách nhiệm. Công ty ăn nên làm ra, đó là do giám đốc quản lý hiệu quả”. Như đã trình bày ở trên, chùa Kỳ Quang 2 không thể được so sánh như một công ty kinh doanh, cho nên ý kiến này nếu đúng, chỉ phù hợp ở vụ việc VTV mà thôi. Phát thanh viên, biên tập viên làm sai, trưởng đài phải chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, có thể nói đây là một kiểu nói dân gian cho vui, hễ mỗi khi có chuyện gì xảy ra là giám đốc phải bị này bị nọ. Vậy thì vai trò của người chịu trách nhiệm pháp luật khi khai trong hồ sơ công ty để làm gì?
Rồi cũng có ý kiến cho rằng, những luồng dư luận bênh vực sư Thiện Chiếu là lực lượng dư luận viên. Xin thưa rằng, đó chỉ là những suy luận vô căn cứ. Cũng có thể có dư luận viên, tuy nhiên, đó không phải là tất cả để khái quát lên rồi đưa ra tuyên bố. Thực tế cho thấy, có nhiều trí thức (đại học, thạc sỹ, giảng viên đại học…) cho đến người dân bình thường đều cảm nhận được có gì đó không ổn trong vấn đề chùa Kỳ Quang 2 nên lên tiếng bênh vực, đòi hỏi sự thật một cái rõ ràng, đầy đủ.
Một ý kiến cho rằng: “Người bênh vực mà bênh bậy thì cũng chẳng phải tích đức gì đâu”. Có thể nói, đây lại là một suy nghĩ duy ý chí, với những người có ăn có học, không có chuyện bênh vực bậy mà họ sẽ đưa ra nhiều lập luận khác nhau (tùy mỗi người mà mức độ lập luận vững chắc đến đâu). Đó là chưa kể đến việc bênh vực cho sư Thiện Chiếu, thiết nghĩ, chẳng ai nghĩ đến việc tích đức tích phúc gì cả. Chỉ là họ cảm thấy bất bình, bức xúc trước những lời không phải đến vị chân Sư mà thôi.
Dẫu vị Hòa thượng trụ trì chùa Kỳ Quang 2 có làm sai đi chăng nữa, sư vẫn đứng ra nhận hết mọi lỗi lầm. Điều này không phải ai cũng làm được. Tuy nhiên, nói đi cũng nói lại, hành động của sư Thiện Chiếu đúng là từ bi, song vô hình trung, khiến cho những con người đã gây ra tội lỗi lại không dám dũng cảm đứng ra nhận lỗi.
Tôi nhớ, trong những bộ phim thường hay lồng tiếng câu: “Phóng hạ đầu đao, lập địa thành Phật”. Liệu chăng rằng, cuối cùng, sẽ có ai nữa đứng ra nhận trách nhiệm? Ông Trần Bình Minh có đứng ra xin lỗi bà con buôn bán hàng rong hay không? Xem ra, câu trả lời vẫn là chờ đợi…