Việt Nam Thời Báo

VNTB – Xã hội Việt Nam: Từ xói mòn niềm tin đến xuống cấp đạo đức

Đào Đức Thông (VNTB) Cuộc sống của xã hội Việt Nam hiện đại đã tác động đến đời sống gia đình, ở một góc độ nào đó đã phá vỡ nền nếp gia phong đạo đức của gia đình truyền thống Việt Nam.

Nhìn chung đạo đức và văn hoá Việt Nam đã xuống cấp từ rất lâu. Nhà nước càng cải cách giáo dục thì đạo đức người dân Việt Nam, nhất là thanh thiếu niên mới lớn, càng đi xuống.

Xuống cấp văn hóa

Guồng quay của xã hội hiện đại và cơ chế Nhà nước đã làm ảnh hưởng phần nào các giá trị tốt đẹp trong văn hóa ứng xử gia đình. Không ít người làm cha làm mẹ không làm tròn bổn phận, trách nhiệm. Không chăm lo cho thế hệ tương lai, mải kiếm tiền và vun vén cho hạnh phúc ích kỷ của bản thân. Do thiếu giáo dục nền tảng đạo đức, thiếu tính làm gương của cha mẹ, không ít con cái trong gia đình không nghĩ đến tình phụ mẫu mà bất chấp làm mọi việc trái với luân thường đạo lý. Một thực tế đáng buồn là sự xuống cấp của những nguyên tắc, chuẩn mực văn hóa trong gia đình, sự vi phạm cũng như việc chấp nhận những sai lệch chuẩn mực xã hội trong gia đình đã diễn ra một cách dễ dàng và khá phổ biến trong xã hội Việt Nam.

Phẩm chất đạo đức và một số giá trị truyền thống tốt đẹp có phần bị mai một, lối sống thực dụng có xu hướng phát triển trong một bộ phận phụ nữ. Tình trạng nạo, phá thai trong nữ thành niên, vị thành niên và lây nhiễm HIV/AIDS trong phụ nữ, trẻ em ngày càng tăng. Bạo lực gia đình, tệ nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em, lấy chồng nước ngoài vì mục đích vụ lợi diễn biến phức tạp. Phân biệt đối xử với phụ nữ, trẻ em gái vẫn còn dưới nhiều hình thức.
   
Những giá trị đạo đức truyền thống đang bị xói mòn mạnh mẽ. Các nghiên cứu về gia đình đã chỉ ra được những thay đổi các giá trị đạo đức truyền thống, những giá trị vốn được xem là chuẩn mực đạo đức từ trước đến nay.

Trong học đường: học sinh hành hung nhau và không tôn trọng thầy cô giáo; các thầy cô giáo thì chỉ xem việc dạy học như một nghề để mưu sinh, vì suy nghĩ này nên người ta tận dụng nhiều thủ đoạn, phổ biến nhất là trong việc dạy thêm, để có thật nhiều tiền. Trong gia đình: cha mẹ không làm gương hoặc chỉ làm gương xấu cho con cái; con cái cũng không còn hiếu đễ đối với cha mẹ cũng như hòa thuận giữa anh em với nhau. Trong xã hội: người ta chỉ biết chạy theo quyền lợi, bất kể đạo lý, mất cả nhân nghĩa và lòng tự trọng; cái gọi là tình hàng xóm, tình đồng bào và tình người trở thành một cái gì hết sức hiếm hoi. Trong phạm vi quốc gia: giới quan chức, lãnh đạo chỉ chạy theo quyền lợi riêng, việc làm không đi đôi với lời nói, nạn tham nhũng tràn lan, sự dối trá lên ngôi.
Một xã hội mà cả người giàu lẫn người nghèo, cả người thống trị lẫn người bị trị, đều bất an, không có giá trị nào thực sự vững chắc cả. Nhiều người cho vấn đề trầm trọng nhất của xã hội Việt Nam hiện nay là sự loạn chuẩn, đúng hơn, sự biến mất của các chuẩn mực đạo đức. Ranh giới giữa cái tốt và cái xấu, cái cao thượng và cái thấp hèn, cái nên làm và cái không nên làm đều bị xoá nhoà. Khi mất ranh giới ấy, người ta cũng mất cả ý thức hướng thiện và, quan trọng hơn, mất cả sự hổ thẹn.

Khi sự hổ thẹn không còn, đạo đức cũng sẽ không còn. Đó chính là điều đáng lo lắng nhất cho xã hội Việt Nam hiện nay. Chế độ độc đảng, độc tài một lúc nào đó sẽ sụp đổ. Nhưng những con người không biết hổ thẹn và không có ý niệm đạo đức sẽ còn mãi. Đấy là một hiểm họa cho quốc gia và nhân loại…
Niềm tin xói mòn vào chính quyền
Chế độ độc đảng ở Việt Nam sinh ra quyền lực tuyệt đối cho đảng CS, từ quyền lực tuyệt đối đã sinh ra sự tha hóa tuyệt đối. Bởi vậy mà một số quan chức chính quyền từ trung ương đến địa phương mặc sức tham nhũng và vơ vét của cải, tài nguyên của đất nước. Tham nhũng trong lĩnh vực đất đai đã làm thiệt hại đến quyền lợi của hàng triệu người dân. Mỗi năm có hàng trăm nghìn vụ khiếu kiện tập thể trên cả nước. Người dân tập trung từ vài chục người đến vài nghìn người biểu tính trước các cơ quan công quyền. Nhiều nơi đã xảy ra bạo động như trong vụ án quan chức lạm quyền cưỡng chế đất đai trái phép ở Tiên Lãng vào năm 2012.

Những yếu kém của nhà nước trong điều hành đất nước về kinh tế, xã hội, chống tham nhũng, chống hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền quốc gia,… đang gây ra bất bình, mất niềm tin trong đa số nhân dân.

Tự do ngôn luận, quyền làm báo chí tư nhân, quyền tự do hội họp, quyền tự do lập hội, lập đảng, quyền biểu tình. Vấn đề này đang gây nên những bất công, bất bình đẳng trong xã hội. Những mâu thẫn này đang được tiếp tục dồn nén, chờ dịp bùng phát.

Trong lĩnh vực tôn giáo, nhà nước Việt Nam cũng có sự phân biệt đối xử giữa các tôn giáo với nhau. Tước đoạt tài sản, đất đai, cơ sở tôn giáo của các tôn giáo như Công Giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo, Phật Giáo VN Thống Nhất,…

Nhà nước Việt Nam duy trì được sự ổn định xã hội chỉ thông qua bằng sử dụng bạo lực và luật rừng để trấn áp nhân dân và giải quyết các bất ổn xã hội. Họ lừa dối nhân dân và tạo nên sự sợ hãi trong nhân dân. 

Kết

Nhà cầm quyền Việt Nam cần chú trọng xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, là niềm tin của nhân dân đối với chính quyền…
Chúng ta hãy so sánh về thước đo niềm tin của người dân đối với chính quyền ở các nước giàu phương Tây và các nước nghèo trên thế giới để thấy niềm tin, một khái niệm trừu tượng, đã được hệ thống hoá, cụ thể hoá thành những đại lượng cân đo, đong đếm được.

Niềm tin không trực tiếp mang đến quyền lực nhưng tiền bạc có thể mua được quyền lực. Quyền lực sản sinh được tiền bạc nhưng không thể cưỡng chế được niềm tin. Có thể nói, quyền lực là khắc sinh của cả tiền bạc lẫn niềm tin. Bạo phát bạo tàn là thành ngữ đúng nhất để diễn tả về quyền lực.

Nghiên cứu bài học lịch sử của Hoa Kỳ và các nước Tây Âu thấy rằng xã hội chỉ phát triển khi dùng niềm tin để sản sinh tiền bạc và từ đó tạo ra quyền lực thì quyền lực đó mới bền vững và phục vụ những mục đích cao đẹp, tối thượng hơn. Nếu đi ngược lại thì xã hội Việt Nam mà chúng ta đang sống hiện tại là thực tế điển hình nhất, một xã hội với nền kinh tế thị trường đầy bất ổn.
Cơ chế thị trường của nhà nước Việt Nam hiện nay là nền kinh tế thị trường hoang dã, kết hợp với nền chính trị độc đảng đã tạo ra những kẽ hở để cho một bộ phận lách cơ chế hoặc lợi dụng cơ chế để trục lợi, tham nhũng. Số người làm giàu dạng này thường không đóng góp bao nhiêu để chia sớt gánh nặng của nhà nước mà còn làm cho tiềm lực kinh tế đất nước ngày càng suy giảm. Vì thế, nếu không nhanh chóng hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế dân chủ, đa nguyên, đa đảng hướng tới một nhà nước pháp quyền, đồng thời xử lý nghiêm vấn đề lợi ích nhóm, sở hữu chéo, lạm dụng độc quyền.
Chế độ cai trị độc đảng, độc tài của nhà cầm quyền phía bắc Việt Nam đang gây ra những bất công, bất bình đẳng, mất niềm tin trong xã hội, trong mọi từng lớp nhân dân Việt Nam. Mâu thuẫn giữa các từng lớp người dân và chế độ độc tài, độc đảng ngày một lớn. Hàng ngày, hàng giờ những mâu thuẫn, sự phẫn nộ của các từng lớp nhân dân với chế độ đang được tích tụ, tích nạp. Trong một thời gian không lâu nữa, các mâu thuẫn, sự phẫn nộ của các từng lớp nhân dân sẽ bùng phát thành cuộc cách mạng xã hội để xóa bỏ vĩnh viễn chế độ độc đảng không chỉ riêng Việt Nam mà cả ở các nước XHCN độc đảng trên thế giới.

Tin bài liên quan:

VNTB- Con đường tơ lụa: Tham vọng bành trướng của Trung Quốc

Phan Thanh Hung

VNTB- Quyền tự do tại Việt Nam: Vẫn chỉ là một giấc mơ

Phan Thanh Hung

VNTB- Bọn tham nhũng dùng binh pháp ra sao?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo