Quý Thường
(VNTB) – “Lều canh vịt” xây trên diện tích hàng nghìn m2 với tường gạch cao 3 mét bao quanh.
Ngay tại thủ đô Hà Nội, hàng loạt công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp bị phát hiện nhưng vẫn lừng lững hiên ngang thách thức dư luận và pháp luật. Nhiều công trình lớn như biệt phủ, lâu đài, được xây nổi bật giữa cánh đồng nhưng nhà chức trách không hay không biết, tới khi bị người dân tố cáo thì chỉ phạt 5 triệu đồng cho có lệ.
Lều canh vịt to như biệt thự, có camera an ninh
Mới đây nhất, hàng chục căn biệt thự được xây dựng với danh nghĩa là “lều canh vịt” mọc lên tràn lan trên đất nông nghiệp tại xã Quảng Bị huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Theo ghi nhận của báo chí nhà nước, có công trình xây trên diện tích hàng nghìn m2 với bên ngoài là tường gạch cao 3 mét.
“Cánh cổng dẫn vào ngôi nhà to lừng lững, luôn đóng kín, có camera giám sát. Bên trong là công trình nhà vườn xây kiên cố rộng hàng trăm mét vuông với hàng cây cảnh, sân bê tông. Căn nhà được thiết kế mái màu xanh kiểu nhà Nhật nên rất nổi bật. Theo tìm hiểu của phóng viên, căn nhà này là của ông Nguyễn Đình Lâm có diện tích gần 200m2 xây dựng trên khu đất nông nghiệp với tổng diện tích là gần 3.000m2”. Báo Tiền Phong mô tả.
Không chỉ căn biệt thự này, mà khi đi sâu vào trong khu vực cánh đồng tiếp giáp đường tỉnh 419, thì bắt gặp nhiều căn cũng hoành tráng không kém. Ví dụ khu nhà của gia đình ông Bùi Viết Thắng.
“Bên ngoài tường bao quanh được xây gạch không trát vữa cao khoảng 3m. Khu đất này được thiết kế 3 cổng ra vào với camera giám sát. Trong đó, 2 cổng được xây cầu bê tông bắc qua kênh thoát nước của cánh đồng”. Phóng viên Long Vân viết trên báo Tiền Phong.
Nhà chức trách địa phương cho biết phần đất của các hộ dân tại đây được phê duyệt “đề án chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đất trồng hoa và cây cảnh kết hợp nuôi trồng thủy sản và trồng cây lâu năm”. Trong đó, người dân được phép xây dựng “lều” bảo vệ, lán nuôi vịt.
Phạt 5 triệu rồi năn nỉ người dân tháo dỡ
Việc người dân xây biệt phủ, nhà thờ tự tại đây là sai quy định, UBND xã đã quyết định xử phạt mỗi hộ 5 triệu đồng. Chủ tịch xã này cho biết đang tích cực “tuyên truyền, vận động” người dân dỡ bỏ, trả lại hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên gặp nhiều khó khăn do người dân không đồng tình.
Đánh giá về việc này, chị P.T., một nhà hoạt động xã hội ở Sài Gòn cho rằng trong thời buổi kinh tế khó khăn mà người dân có tiền xây biệt thự, biệt phủ là đáng mừng. “Nhưng đã có hàng chục ngàn trường hợp là quan chức cộng sản mượn danh nghĩa người thân để xây biệt phủ trái phép trên đất nông nghiệp. Điển hình như vụ thiếu tướng Phạm Bá Hiền mượn danh mẹ già bán rau rồi xây lâu đài hàng trăm tỷ đồng trên 5000m2 đất ruộng ở Hà Tĩnh”, chị P.T. nói.
Chị bình luận rằng cách mà nhà chức trách tuyên truyền, vận động, năn nỉ người dân tháo bỏ biệt phủ, trả lại nguyên trạng cũng rất lạ. “Thông thường cơ quan chức năng sẽ không nhẹ nhàng với người dân như vậy mà họ sẽ cho xe cẩu vào đập phá tan nát như trường hợp vườn rau Lộc Hưng ở Sài Gòn”.
Trên mạng xã hội, nhiều người cũng nhận định rằng chỉ có quan chức, hoặc người nhà quan chức mới dám xây biệt phủ nguy nga tráng lệ bất hợp pháp trên đất nông nghiệp, chứ dân thường thì khó mà dám làm liều như vậy. Còn nếu thật sự là người dân xây biệt thự trái phép thì phải coi lại hệ thống cầm quyền tại địa phương.
“Tại sao có trường hợp xây cái nhà vệ sinh nhỏ xíu phía sau hè thì bị công an phát hiện ngay lập tức, ụp vào xử phạt, đập phá liền tại chỗ. Còn có những căn biệt phủ xây hàng tháng trời giữa thanh thiên bạch nhật thì không bị gì. Rất cần phải làm rõ là do nhà chức trách tại địa phương không đủ năng lực hay đã ăn nhiêu tiền để làm lơ như vậy”. Chị P.T nói với phóng viên Việt Nam Thời Báo.
*****
‘Lều’ canh vịt như biệt phủ lừng lững giữa cánh đồng ở ngoại thành Hà Nội
Theo phản ánh của người dân, thời gian qua nhiều công trình xây dựng mọc tràn lan trên đất nông nghiệp thuộc xã Quảng Bị huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Trong đó, nhiều công trình lớn xây như ‘biệt phủ’ với tường bao xây cao vút, bên trong là biệt thự, nhà thờ rất lớn.
Ghi nhận tại khu vực cánh đồng tiếp giáp đường tỉnh 419 đoạn từ cây xăng Hải Dương đến đường liên xã Quảng Bị – Thượng Vực cho thấy, có hàng chục công trình xây dựng bằng gạch kiên cố. Đáng chú ý nhất là công trình xây như biệt phủ nổi bật giữa cánh đồng.
Công trình xây trên diện tích hàng nghìn m2 với bên ngoài là tường gạch cao 3 mét. Cánh cổng dẫn vào ngôi nhà to lừng lững, luôn đóng kín, có camera giám sát. Bên trong là công trình nhà vườn xây kiên cố rộng hàng trăm m2 với hàng cây cảnh, sân bê tông. Căn nhà được thiết kế mái màu xanh kiểu nhà Nhật nên rất nổi bật. Theo tìm hiểu của PV, căn nhà này là của ông Nguyễn Đình Lâm có diện tích gần 200m2 xây dựng trên khu đất nông nghiệp với tổng diện tích là gần 3.000m2.
Đi sâu vào phía trong là khu nhà của gia đình ông Bùi Viết Thắng được xây dựng hoành tráng không kém. Bên ngoài tường bao quanh được xây gạch không trát vữa cao khoảng 3m. Khu đất này được thiết kế 3 cổng ra vào với camera giám sát. Trong đó, 2 cổng được xây cầu bê tông bắc qua kênh thoát nước của cánh đồng.
Bên trong khu đất này được trồng kín cây cảnh có giá trị. Tại đây có một công trình được xây dựng như một điện thờ với đá, tường gạch bê tông và được lợp ngói. Tại sân nhà có hàng chục chiếc xe ô tô đang đậu đỗ.
Được dựng lều canh vịt
Liên quan đến vấn đề trên, ông Vũ Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Quảng Bị cho biết, khu vực mà người dân phản ánh có khoảng 6, 7 hộ xây dựng các công trình xây dựng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Một số hộ ra làm kinh tế, đào ao thả cá, trồng hoa và cây cảnh. Đây là khu vực đã được phê duyệt quy hoạch, các hộ được phê duyệt đề án chuyển đổi nuôi trồng để phát triển kinh tế.
Theo Chủ tịch UBND xã Quảng Bị, công trình của gia đình ông Lâm có diện tích xây dựng khoảng 160m2. Diện tích đất này đã được phê duyệt đề án chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đất trồng hoa và cây cảnh kết hợp nuôi trồng thủy sản và trồng cây lâu năm. Trong phương án khu đất có được phê duyệt xây dựng “lều” bảo vệ, lán nuôi vịt.
Theo lãnh đạo xã Quảng Bị, các công trình thờ tự bên trong nhà ông Lâm là công trình nhà thờ của gia đình ông Thắng sinh sống ở Hà Nội xây dựng để tặng dòng họ Bùi. Đây là đất bãi được trồng bưởi xứ Gò Hạt thôn Liên Hợp được chia cho gia đình ông Thắng. Công trình này có diện tích xây dựng là khoảng 60m2 trên diện tích hơn 2.000m2.
“Người dân phản ánh là đúng, các công trình này xây dựng trái phép, UBND xã Quảng Bị đã lập biên bản ngăn chặn, đình chỉ và yêu cầu chủ đầu tư khắc phục hậu quả. Sau đó, UBND xã đã quyết định xử phạt mỗi hộ 5 triệu đồng. Tuy nhiên đến nay các hộ này vẫn chây ỳ, chưa khắc phục được. Chúng tôi vẫn đang tuyên truyền vận động để người dân tháo dỡ, trả lại nguyên trạng. Khi có điều kiện kinh tế, chúng tôi sẽ tổ chức cưỡng chế”, ông Mạnh cho hay.