VNTB- Xe bọc thép hai lúa: Làm màu hay khuyến khích lưu thông chất xám?

Mẫn Nhi

(VNTB) – Xe bọc thép “Hai lúa Việt Nam” dẫn đầu khối diễu binh của lữ đoàn tinh nhuệ số 1 Campuchia. Tuy nhiên, nhiều phản ứng ngược đều cho rằng, nó không “xứng” được tung hô.

Xe bọc thép “Hai lúa Việt Nam” dẫn đầu khối diễu binh của lữ đoàn tinh nhuệ số 1 Campuchia. 

Chiếc xe của “hai lúa” là xe bọc thép, nhưng việc dẫn đối khối diễu binh của lữ đoàn tinh nhuệ Campuchia được một số thành phần tự tôn dân tộc phản bác lại. Từ việc chê vẻ bề ngoài thô kệch của xe cho đến đề cập tính chất “kỹ thuật không đạt chuẩn” của sản phẩm. Trong đó có cả không đạt chuẩn thép CT3, không chịu nổi đạn AK hoặc súng đạn 12 ly7,… Thậm chí, chiếc xe “hai lúa” còn được so với xe bọc thép BRT-8x (ra đời vào thập niên 80 thuộc thế kỷ 20); xe chiến đấu bộ binh BMP-x (với các phiên bản từ Liên Xô),… để cho thấy rằng, toàn bộ sản phẩm xe hoàn toàn không có tác dụng về mặt quân sự, và diễu hành chủ yếu là Campuchia muốn làm màu. Ngoài ra, nhiều người Việt đặt câu hỏi về sự hữu dụng của “xe bọc thép hai lúa” ngay từ khâu công nghệ?

Tuy nhiên, đặt trong giả định “làm màu” của chính quyền Campuchia thì việc cho một xe tăng của một nước ngoại bang diễu hành đầu trong lữ đoàn tinh nhuệ số 1 Campuchia cũng là một điều lưu tâm.

Trong thực tế, chúng ta không thể đòi hỏi một người nông dân tự mày mò phải có sản phẩm ngang với nhóm nghiên cứu xe tăng, với hàng tá công nghệ đi kèm. Đặc biệt, trong thời đại mà cần phải có những bước “đi tắt đón đầu”, học tập công nghệ hoặc chuyển giao công nghệ là ưu tiên lớn trong lĩnh vực quốc phòng thay vì tự nghiên cứu thì việc đòi hỏi người nông dân có những phát kiến,mày mò đáp ứng nhu cầu quân sự là điều không thể.

Tuy nhiên, thái độ trân trọng sản phẩm từ sự mày mò, tìm hiểu trong lĩnh vực quân sự của một người Việt từ phía chính quyền Campuchia thực tâm chính là muốn thu hút nhân tài, mà chính xác hơn là thể hiện thái độ cầu thị về đãi ngộ nhân tài kỹ thuật. Đó hẳn là điều đáng khen ngợi.

Chính quyền Phnom Penh biết họ đang đứng ở đâu, vị trí nào bên cạnh Việt Nam về kinh tế và quân sự. Nhưng họ biết cách đào ra đường đi riêng cho quốc gia, dân tộc của họ trong bảo dưỡng sự sáng tạo và mày mò của người dân – tức khuyến khích người dân tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống. Càng đáng nể hơn nữa khi đất nước mà nhiều người Việt nhìn với ánh mắt khinh bỉ lại tôn vinh một sản phẩm của một người ngoại quốc – ở đây là Việt Nam. Nó là sự khuyến khích táo bạo, bởi nếu ở vị thế một nhà khoa học, khi nhìn vào cuộc diễu hành, họ sẽ thấy đó là một sự trân đãi đáng quý – một bước nhỏ nhưng thu hút được nhân tâm chất xám. Ngay cả nước Mỹ hùng mạnh ngày hôm nay, không phải đến từ một nước Mỹ được trời ban phát nền khoa học – công nghệ quân sự mạnh, mà đến từ chính việc họ luôn tìm cách thu hút nhân tài mọi lúc mọi nơi, từ học sinh cho đến chuyên gia nước ngoài.

Cách đây không lâu, cậu bé Ahmed Mohamed (14 tuổi), người Hồi giáo, người bị cảnh sát bang Texas (Mỹ) bắt giữ vì nhầm tưởng chiếc đồng hồ tự chế của cậu là một quả bom. Cấu trúc tự làm đó hẳn không quá phức tạp, tuy nhiên – ngay sau đó, Tổng thống Obama đã mời cậu đến Nhà Trắng và trong Twitter, ông Tổng thống đã cho biết: “Chiếc đồng hồ tuyệt vời đó Ahmed. Muốn mang tới Nhà Trắng không? Chúng ta nên truyền cảm hứng cho những đứa trẻ yêu thích khoa học. Đó là những gì làm nên một nước Mỹ vĩ đại”.

Cách đây 2 năm (2015), báo cáo của WEF cho thấy, dù tăng 12 bậc cho Việt Nam về khả năng cạnh tranh nhưng nhóm yếu tố sáng tạo của nền kinh tế lại bị tụt từ 98/144 xuống vị trí 115/140; Việt Nam thấp điểm hơn về hiệu quả của thị trường lao động và thị trường tài chính so với Campuchia. Điều này được lý giải là do Campuchia đã chịu khó sáng tạo và học hỏi cũng như có chính sách giải phóng năng lực sáng tạo của người dân và doanh nghiệp. Đó là lý do vì sao, Campuchia ra mắt được xe điện với giá 5.000 USD (trước đó Malaysia, Indonesia cũng phát triển loại xe này), thì Việt Nam lại mãi loay hoay với xe nội địa chạy xăng ở mức 7-10%.

Nhà nghiên cứu Đào Duy Anh từ thập niên 30 (thế kỷ 20) đã nhận xét: “Về tính chất tinh thần, người Việt Nam đại khái thông minh, sức ký ức thì phát đạt lắm, mà giàu trí tuệ hơn trí khoa học, giàu trực giác hơn luận lý.” Nay muốn vực dậy cái tinh thần khoa học – vốn nền tảng phát triển của nền kinh tế trí thức thì cần phải biết tận dụng đến thu vén con người thông qua khuyến khích – truyền cảm hứng khoa học.

Ở một khía cạnh khác, người viết bài rất tâm đắc với quan điểm của Tiến sĩ Bùi Trần Phượng – Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen trong một bài phỏng vấn với báo Phụ Nữ Tp. Hồ Chí Minh (ngày 4/01/2017), theo đó, “Nếu không muốn chảy máu chất xám thì phải khuyến khích sự lưu thông chất xám”. Sự khuyến khích lưu thông chất xám không phải hiểu một cách khô cứng bằng cách giới hạn “khuyến khích” ở các chuyên gia trong và ngoài nước, mà còn phải đến từ “khuyến khích” trong các hoạt động mày mò, sáng tạo ở các tầng lớp nhân dân, phải đưa bằng được chính sách thu hút nhân tài về đúng vị trí của nó trong thực tế dân dã – chứ không phải ngự mãi một điểm cao trong xã hội. Điều này có tác động không nhỏ đến việc, giúp “nhà nước kiến tạo” Việt Nam hạn chế kéo dài thời gian phấn đấu trở thành một nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Bởi chúng ta không thể kêu gào nhân tài đóng góp cho quốc gia được, khi người trong nước phải đem sản phẩm của họ ra nước láng giềng để được quan tâm và khuyến khích. Mọi sự thay đổi lớn trong xã hội (bất kỳ), bắt nguồn từ sự trân trọng yếu tố sáng tạo, nghiên cứu của chính quyền cao đến mức độ nào.

Như vậy, Campuchia rõ ràng đã đi trước Việt Nam trong bước thu vén tinh thần khoa học này.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)