Trần Thành
(VNTB) – Tuy được người dân vỗ tay khen ngợi, nhưng thật ra ông Nguyễn Xuân Phúc đã vấp vết đổ của người tiền nhiệm, khi ông Nguyễn Tấn Dũng đã dùng quyền lực Thủ tướng để chỉ đạo cả Tòa án tối cao và Viện Kiểm sát tối cao trong vụ đất đai ở Tiên Lãng (vụ anh em nhà Đoàn Văn Vươn).
Trong khi họp báo của Công an TP.HCM đang diễn ra vào sáng ngày 21-4, và được nhiều tờ báo điện tử thiết lập đường truyền trực tiếp buổi họp báo này, thì tòa soạn các báo nhận được bản tin là cũng vào sáng 21-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, xem xét vụ việc chủ quán cà phê “Xin Chào”, ở thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh nằm đối diện trụ sở mới của Công an huyện Bình Chánh, TP HCM, do chậm đăng ký kinh doanh nên bị khởi tố hình sự.
“Thủ tướng cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm, đồng thời tiến hành kiểm điểm cá nhân, tập thể cơ quan chức năng liên quan trong vụ khởi tố vụ án hình sự quán phở. Nếu sai phạm lớn có thể tiến hành tạm đình chỉ công tác cán bộ”, báo chí đã dẫn lời của Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Sau khi thông tin này đưa ra, phiên họp báo nói trên của Công an TP.HCM, chuyển hướng sang ý “vụ việc nhỏ xíu như móng tay” – lời của ông Phó giám đốc Công an TP.HCM Phan Anh Minh, mặc dù trước đó nửa giờ, ông nói rằng “Chúng tôi có căn cứ để khởi tố hình sự, khởi tố bị can trong vụ án liên quan ông Tấn”.
Vẫn theo tướng Phan Anh Minh, “Có một nguyên tắc mà chúng ta phải tôn trọng, đó là tố tụng độc lập. Cơ quan nào phê duyệt phải chịu trách nhiệm của mình. Chúng ta phải dành quyền phán quyết cho tòa án nếu vụ án đưa ra xét xử. Nếu bản án có phủ nhận nội dung nào đó trong kết luận điều tra thì cơ quan công an sẽ xem xét xử lý sau”.
Khi cuộc họp báo của Công an TP.HCM kết thúc cũng là lúc báo chí nhận được tin Tòa án huyện Bình Chánh trả lại hồ sơ vụ việc chủ quán cà phê “Xin Chào” cho Công an huyện Bình Chánh để làm rõ một số vấn đề.
Ngay sau đó, tất cả các báo đều có bài phỏng vấn ông chủ quán cà phê “Xin Chào”, và ông này đã hết lời biết ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giúp ông tránh được “đáo tụng đình”.
Diễn biến như nói trên cho thấy tuy được người dân vỗ tay khen ngợi, nhưng thật ra ông Nguyễn Xuân Phúc đã vấp vết đổ của người tiền nhiệm, khi ông Nguyễn Tấn Dũng đã dùng quyền lực Thủ tướng để chỉ đạo cả Tòa án tối cao và Viện Kiểm sát tối cao trong vụ đất đai ở Tiên Lãng (vụ anh em nhà Đoàn Văn Vươn).
Khoản 1 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, tòa án hoạt động nhân danh công lý và bảo vệ công lý nên phải xét xử độc lập. Đã nhân danh công lý và dựa vào công lý thì tòa án phải xét xử như một người đứng giữa, trung lập, không phụ thuộc vào bên nào. Chỉ xét xử độc lập, tòa án mới tồn tại đúng với bản chất của mình là một cơ quan bảo vệ công lý.
Nếu các thẩm phán có thể bị Chính phủ hành pháp hay các cơ quan chính quyền khác can thiệp, thay đổi nhiệm vụ vào bất kỳ thời điểm nào thì tính độc lập của tòa án về mặt thể chế không thể đảm bảo. Với tư duy đó thì không thể cho phép Chính phủ có quyền “phán xét” về tính hợp pháp trong bản án, quyết định của tòa án.
Ở đây, cụ thể trường hợp của ông chủ quán cà phê “Xin Chào”, phía Công an TP.HCM đang cho rằng “Chúng tôi có căn cứ để khởi tố hình sự, khởi tố bị can trong vụ án liên quan ông Tấn”, thì từ Hà Nội, Thủ tướng lại yêu cầu đình chỉ vụ án, thậm chí còn có thể “tạm đình chỉ công tác cán bộ” (!?). Một câu hỏi đặt ra là, Thủ tướng căn cứ vào tiêu chí nào để xác định đúng, sai trong một vụ án, khi mà chức năng của Chính phủ là “hành pháp” chứ không phải là “tư pháp”?
Nói một cách khác, Tòa án hoạt động theo nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, không thể chấp nhận quy định Chính phủ có quyền “đề nghị xem xét lại bản án, quyết định” của Tòa án.
Cũng nói thêm, Khoản 1 Điều 107 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”. Thêm vào đó, Khoản 2 Điều 109 Hiến pháp năm 2013 thừa nhận “Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân”.
Kinh nghiệm cho thấy, nếu Viện kiểm sát không độc lập và chỉ tuân theo pháp luật thì việc thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp sẽ không được diễn ra một cách hiệu quả. Ở nhiều nước trên thế giới, cơ quan công tố thuộc về nhánh hành pháp, chức danh công tố do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm. Bộ trưởng Bộ Tư pháp có quyền ra chỉ thị cho Chưởng lý – người đứng đầu hệ thống công tố thực hiện. Từ đó, Công tố viên nhân danh nhà nước, nhưng thực chất là nhân danh hành pháp để truy tố tội phạm, vì thế, công việc truy tố khó giữ được tính độc lập. Ở một số quốc gia khác thì cơ quan công tố không nằm trong hệ thống hành pháp mà trực thuộc cơ quan lập pháp. Tuy nhiên, dù trực thuộc hành pháp hay lập pháp thì trên thế giới hiện nay, xu hướng chung vẫn là việc hành xử công tố quyền phải được độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, để các công tố viên hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách tự do mà không phải chịu bất cứ một sự can thiệp hoặc đe dọa nào.
Xin được kết vấn đề ở đây bằng chia sẻ của Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Bộ luật hình sự của Việt Nam (điều 8), cũng như của nhiều nước khác, đều có nguyên tắc này: “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”. Theo nguyên tắc đó, vi phạm của công dân Nguyễn Văn Tấn, qua phản ánh của báo chí và luật sư của ông, chắc chắn không đến mức phải xử lý hình sự.
Như vậy, chưa đi sâu vào tính hợp lý và đúng sai của những biện pháp khác của Công an Bình Chánh, việc cần làm là hủy bỏ quyết định khởi tố càng sớm càng có lợi cho tất cả các bên.