Việt Nam Thời Báo

VNTB- Xung đột Hà Lan – Thổ Nhĩ Kỳ: ‘Chó cứ sủa, đoàn người vẫn đi’

Phương Thảo

(VNTB) – Dù gì đi nữa, việc VVD và PVV nhận được nhiều phiếu bầu hơn vào ngày mai sẽ lại làm cho Erdogan càng điên tiết. Không hiểu rồi ông ta sẽ có những động thái nào tiếp theo, nhưng … chó cứ sủa, đoàn người vẫn đi.

Căng thẳng giữa 2 nước tăng cao sau khi 2 bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ không được cho phép vào Hà Lan để dự mít tinh. Reuters

Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ lại cần lá phiếu của Thổ Kiều?

Vào tháng 4 năm 2017, Thổ Nhĩ kỳ sẽ có một cuộc trưng cầu dân ý trong đó họ sẽ quyết định thay đổi hiến pháp. Một khi hiến pháp được thay đổi, tổng thống sẽ được trao thêm nhiều quyền lực và sẽ tiếp tục làm tổng thống cho đến tận năm 2029.

Theo một cuộc khảo sát gần đây, số người không đồng ý có nhỉnh hơn so với những người bỏ phiếu thuận. Chính vì vậy mà chính phủ Erdogan cần có thêm phiếu thuận của hàng triệu kiều dân Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang sinh sống ở Âu châu. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ được phép vận động ở Metz cũng như ở khuôn viên lãnh sự quán ở Đức. Với 250.000 người Hoà lan gốc Thổ có quyền bỏ phiếu, đây là một cơ hội để chính quyền Erdogan có được thêm sự đồng thuận.

Erdogan vốn đã được xem là một tổng thống độc tài kể từ khi nắm quyền năm 2014 sau khi mãn nhiệm kỳ thủ tướng. Quyền lực của ông ta đã được mở rộng thêm nhiều kể từ đó. Thay vì chỉ với quyền lực về nghi thức, ông đã chủ trì luôn các cuộc họp thường kỳ của chính phủ, dành luôn nhiệm vụ điều hành của thủ tướng.

Âu châu không lạ gì về thái độ ủng hộ ISIS của Erdogan, sau đó là những mối quan hệ thân thiết của Erdogan với Putin. Erdogan có tham vọng và ảo tưởng thiết lập quyền lực tổng thống tương tự như tổng thống Mỹ trong khi ông ta quên rằng nền dân chủ và sự phân chia quyền lực ở hai quốc gia này là hoàn toàn khác biệt. Có học giả mỉa mai rằng nên so sánh chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ với chính quyền Venezuela hay các quốc gia Trung đông thì có lẽ hợp lý hơn.

Vì vậy không có gì lạ khi Hoà lan, một quốc gia luôn đề cao giá trị dân chủ và nhân quyền phải cẩn thận cân nhắc yêu cầu được phát biểu kêu gọi kiều dân Thổ ở Hoà lan bỏ phiếu thuận cho một chế độ độc tài. Khi bị ngoại trưởng Cavusoglu cấm nhập cảnh vào Hoà lan bằng đường hàng không sau những thất bại trong đàm phán ngoại giao, bà Bộ trưởng Gia đình Kaya đã đi bằng đường bộ từ Đức vào Hoà lan nhưng không may là đã bị chận lại không vào được lãnh sự quán ở Rotterdam khi chỉ còn cách đó có vài chục mét và sau đó đã bị trục xuất trở lại Đức.

Xung đột ngoại giao

Erdogan đã bắt đầu chiến dịch bôi nhọ bằng cách ví Hoà lan là phát xít và Đức quốc xã trong một phát biểu trên truyền hình đồng thời đe doạ trục xuất các nhà ngoại giao Hoà lan và cấm các chuyến bay ngoại giao hạ cánh trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ nhằm trả đũa cho việc máy bay của Ngoại trưởng Cavusoglu bị cấm hạ cánh ở Hoà lan và Bộ trưởng Gia đình Kaya bị trục xuất.

Các hành động trên đã gây “tổn hại lớn” về mặt ngoại giao khi Erdogan đã lớn tiếng cáo buộc Hoà lan bằng những ngôn từ thiếu suy nghĩ và bốc đồng chỉ để chứng tỏ ông ta có quyền lực ảnh hưởng lớn đến những Thổ kiều trên khắp Âu châu như thế nào.

Hôm chủ nhật 11 tháng 3, Erdogan ví Hoà lan là một quốc gia “cộng hoà chuối” – bananarepublic đồng thời kêu gọi các tổ chức quốc tế áp dụng trừng phạt đối với Hoà lan vì “tội dám đe doạ các bộ trưởng”của ông ta và đe rằng Hoà lan sẽ phải trả giá cho việc gây ra sự tổn hại trong mối quan hệ giữa hai quốc gia sau khi nhắc nhở rằng Hoà lan cần phải học hỏi hành xử quan hệ ngoại giao quốc tế ra sao.

Chưa hết vì “ hành động vô nhân đạo và bất hợp pháp” đối với bà bộ trưởng Gia đình, chính quyền Erdogan còn muốn kiện chính phủ Hoà lan ra trước Toà án Nhân quyền Âu châu, Liên hiệp quốc, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu và Hội đồng châu Âu.

Erdogan cũng đã cấm Đại sứ Hoà lan quay trở lại Ankara và tuyến bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Hoà lan. Erdogan lại tiếp tục lên truyền hình cáo buộc Hoà lan đã nhúng tay vào cuộc diệt chủng hàng ngàn người Hồi giáo ở Bosnia năm 1995.

Trước thềm kỳ bầu cử Hạ viện vào ngày mai 15-03-2017, Erdogan cũng đã kêu gọi Thổ kiều không bỏ phiếu cho các đảng phái “ xem Thổ Nhĩ Kỳ là kẻ thù” mà ai cũng có thể hiểu được Erdogan ám chỉ đảng cầm quyền VVD của thủ tướng Rutte và đảng cực hữu PVV của Wilders.

Đáp lại những những cáo buộc vô căn cứ của Erdogan, thủ tướng Mark Rutte đã tuyên bố rằng Hoà lan là một trong những nhà đầu tư lớn nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ và có vẻ như Erdogan không cần họ nữa. Trục xuất Đại sứ Hoa lan ở Ankara ư? Ông ta đã về Hoà lan rồi. Phản ứng gần đây nhất của Thủ tướng về tuyên bố của Erdogan là “ ngôn từ của kẻ loạn trí” và “Hoà lan sẽ không hạ thấp mình xuống đến mức ấy” trước những lời đe doạ trừng phạt từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.

Đan mạch và thành phố Saarland ở Đức cũng đã bày tỏ bất bình bằng việc không cho phép các hoạt động chính trị cổ suý cho cuộc trưng cầu dân ý của Erdogan được diễn ra tại đây.

Tác động đến bầu cử Hạ viện

Ngày mai người dân Hoà lan sẽ đi bầu cử Hạ viện. Kể từ khi làn sóng người di dân ồ ạt vào Âu châu từ năm 2015, tiếp đến việc Trump trở thành tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, làn sóng dân tuý đã dâng cao ở nhiều quốc gia và Hoà lan không phải là một ngoại lệ.

Không ít người bày tỏ quan điểm ủng hộ đóng cửa biên giới, rút lui ra khỏi cộng đồng Âu châu và cả thái độ phân biệt chủng tộc đối với người nhập cư. Thêm vào đó thái độ của những Thổ kiều nhân sự kiện trục xuất bà Bộ trưởng Gia đình vừa qua đã làm cho người Hoà lan nghi ngờ lòng trung thành của Thổ kiều đối với tổ quốc nơi họ đang cư trú và Thủ tướng đương nhiệm bị chỉ trích là đã dung dưỡng cho con ngựa thành Troy.

Tuy nhiên xung đột ngoại giao giữa Hoà lan và Thổ Nhĩ Kỳ đã có tác động ít nhiều đến kết quả bầu cử Hạ Viện lần này khi người dân khi Thủ tướng xuất hiện với tần số cao trong những ngày vừa qua trên các phương tiện truyền thông trong ngoài nước và thể hiện ít nhiều sự cứng rắn đối với những hành động trả đũa của chính quyền Erdogan. Điều này chắc chắn giúp cho đảng VVD của Thủ tướng kiếm được nhiều phiếu bầu hơn vào ngày bầu cử.

Đảng cực hữu PVV – đảng được cho là có thành kiến nặng với người nhập cư đặc biệt là người Hồi giáo – nhân vụ cũng đột này cũng đã kiếm được khá nhiều sự ủng hộ khi người dân chứng kiến những Thổ kiều công khai bày tỏ sự ủng hộ chính quyền Ankara đồng thời biểu tình chống đối và chỉ trích chính quyền Hoà lan – chính quyền đang cưu mang họ.

7:30 ngày 15-03-2017, cử tri Hoà lan tự nguyện đi bầu cử để chọn ra Hạ viện và nội các mới. Kết quả ra sao không ai có thể đoán trước được, nhưng có lẽ VVD lại sẽ trở một trong số các đảng liên minh cầm quyền trong vòng bốn năm tới ở vùng đất thấp này. Liệu cuộc hôn phối trong vòng 4 năm giữa VVD và PVV lần này có thành hiện thực hay không có lẽ vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp rõ ràng.

Dù gì đi nữa, việc VVD và PVV nhận được nhiều phiếu bầu hơn vào ngày mai sẽ lại làm cho Erdogan càng điên tiết. Không hiểu rồi ông ta sẽ có những động thái nào tiếp theo, nhưng … chó cứ sủa, đoàn người vẫn đi.

Tin bài liên quan:

VNTB- Việt Nam: Đảng Cộng sản có thể Tiếp tục cải cách thị trường?

Phan Thanh Hung

CTV VNTB ở Paris: 3,7 triệu người tham gia tuần hành chống khủng bố

Phan Thanh Hung

VNTB- Cờ đỏ – Cờ vàng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo