Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ý kiến: Con đường đi đến chiến thắng của Ukraine đi qua đường phố Moscow

Anh Khoa

Nguồn: CNN

 

(VNTB) – Chính trị ở Washington, Brussels và Kyiv sẽ quyết định liệu Ukraine có giành được chiến thắng hay không.

 

Ghi chú của Biên tập viên: Matthew Schmidt giảng dạy hoạch định chiến lược tại Trường Nghiên cứu Quân sự Cao cấp của Quân đội Hoa Kỳ và là giám đốc chương trình Bang Giao Quốc tế tại Đại học New Haven.

Chuyến đi của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới Washington tuần trước đã nhấn mạnh một giai đoạn mới của cuộc chiến mà đất nước ông đang bước vào. Với tình hình giao tranh bế tắc trên chiến trường và với sự ủng hộ của phương Tây dành cho Kyiv đang dao động, cuộc tranh chấp tại Quốc hội Hoa Kỳ có thể là yếu tố quan trọng nhất trong cuộc xung đột này. Có thể thấy rõ ràng là Ukraine có thể giữ vững chiến tuyến quân sự khi đối đầu với quân Nga. Nhưng chúng ta không chắc liệu tổng thống Ukraine có thể thúc đẩy chiến tuyến chính trị đủ xa và đủ nhanh ở các thủ đô phương Tây để đẩy Nga ra khỏi đất Ukraine hay không.

Khi các vấn đề ngoại giao và chính trị đó diễn ra, ngày càng rõ ràng rằng chỉ có ba cách để cuộc chiến ở Ukraine có thể kết thúc. Đầu tiên, Nga có thể giành chiến thắng hoàn toàn bằng một thỏa thuận lâu dài trong đó Ukraine sẽ nhượng lãnh thổ cho Nga. Thứ hai, Ukraine có thể giành chiến thắng: Trong kịch bản đó, Ukraine sẽ cần lấy lại Crimea, trung tâm mà cuộc chiến đã xoay quanh kể từ năm 2014 khi nơi này bị Nga chiếm đóng. Thứ ba – kịch bản có khả năng xảy ra nhất – cuộc giao tranh có thể bị đóng băng và kéo theo một giải pháp chính trị sau nhiều năm kể từ bây giờ.

Hơn 600 ngày kể từ tháng 2 năm 2022 – và gần 3.600 ngày kể từ khi người Ukraine bắt đầu chiến đấu và hy sinh vào năm 2014 để đẩy lùi quân đội của Tổng thống Nga Vladimir Putin – lực lượng của Kyiv đã tìm cách ngăn chặn nỗ lực của Nga nhằm chiếm lấy toàn bộ Ukraine. Giờ đây, kỳ vọng chiến thắng của Nga có lẽ là Kyiv đưa ra những nhượng bộ cụ thể trên bàn đàm phán: yêu cầu hòa bình trong bối cảnh sự hỗ trợ của phương Tây bị đình trệ và từ bỏ các yêu sách về mặt pháp lý đối với Donbas, Crimea và các lãnh thổ khác mà Nga đã chiếm giữ.

Điều đó chắc chắn sẽ không hấp dẫn đối với người Ukraine. Một cuộc thăm dò vào mùa hè của Gallup cho thấy phần lớn dân Ukraine cương quyết tiếp tục cuộc chiến chống lại Nga, với những người muốn tiếp tục chiến đấu gần như nhất trí khi nói rằng chiến thắng phải bao gồm việc lấy lại toàn bộ lãnh thổ đã mất kể từ năm 2014. Đối với Zelensky, ý kiến này của công chúng khiến việc đàm phán rất khó khăn. Không rõ các nhà lãnh đạo phương Tây có thực sự đánh giá cao sự kiên định trong quan điểm này của những người dân Ukraine bình thường hay không, nhưng tại thời điểm này, người Ukraine dường như không muốn các nhà lãnh đạo của họ nhượng lại vĩnh viễn lãnh thổ mà không chỉ binh lính mà còn của toàn bộ người dân đã phải đấu tranh để giành lấy. Hai năm chiến đấu trước các loạt tên lửa, sự tàn phá các thành phố và những điều tồi tệ hơn nữa dưới bàn tay của quân đội xâm lược Nga.

Bỏ qua viễn cảnh phức tạp và đáng buồn về việc Ukraine nhường đất và nhượng bộ cho Nga, Kiev chỉ còn hai con đường để giành chiến thắng. Nếu Washington và Brussels có thể tìm cách vượt qua bế tắc chính trị và cung cấp một đợt viện trợ mới và có thể cả vũ khí tiên tiến hơn, Ukraine có thể tìm cách sử dụng nó trong một nỗ lực quyết liệt để chiếm Crimea. Hoặc, Kyiv có thể đi theo con đường dài hơn và có nhiều khả năng xảy hơn: theo đuổi không phải một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh cùng với việc nhượng lãnh thổ, mà là một lệnh ngừng bắn nhằm tạm dừng giao tranh trong khi vẫn bảo lưu các yêu sách hợp pháp của Ukraine đối với lãnh thổ của mình – với hy vọng một ngày nào đó họ có thể lấy lại được quyền kiểm soát chúng.

Đó là những khả năng duy nhất vì một lý do đơn giản: Dù thế nào đi nữa, cách cuối cùng để Kyiv giành chiến thắng trong cuộc chiến này – nếu thực sự là thắng – là trên đường phố Moscow.

Đó là bởi vì bất chấp mọi nỗ lực của Ukraine và phương Tây nhằm chống lại ước mơ đáng ghê sợ của Putin về một “thế giới Nga” lớn hơn, và bất chấp những khoản chi lớn cho vũ khí công nghệ cao cũng như công nghệ thấp được sử dụng trên chiến trường, bản chất cơ bản của chiến tranh vẫn không thay đổi. Chiến tranh vẫn là một trận chiến bằng vũ lực gây chết người với mục đích là giải quyết những gì trên thực tế là một vấn đề chính trị. Theo lời của “Carl quá cố” von Clausewitz vĩ đại, như các sinh viên quân sự của tôi gọi ông, chiến tranh là chính trị bằng “phương tiện khác”. Những gì xảy ra trên chiến trường cuối cùng phải chạm tới chính trị ở thủ đô của kẻ thù, nếu cuộc giao tranh nhằm thay đổi cục diện cuộc chiến.

Hãy tha thứ cho những lời nói có vẻ như của một giáo sư này, nhưng cần phải hiểu rằng cách nhìn cơ bản của Clausewitz về bản chất của chiến tranh có ảnh hưởng sâu sắc đến cách suy nghĩ của các sĩ quan quân đội trên khắp thế giới phương Tây: Khi nào thì chiến tranh giúp đạt được mục tiêu và khi nào nó chẳng giúp được gì. Để hiểu cách những sĩ quan này nhìn những điều mấu chốt đang diễn ra ở Ukraine hiện nay và cách nó có thể diễn ra trong năm quan trọng 2024, chúng ta cần phải hiểu quan điểm của Carl quá cố đối với chiến tranh và chính trị.

Đối với Clausewitz, một vị tướng người Phổ hồi thế kỷ 19 và là triết gia về chiến tranh hiện đại trong thời kỳ đầu, lực lượng quân sự là cách duy nhất để bảo vệ chống lại ý định của những kẻ thù có mục tiêu giống của Putin: áp đặt quyền kiểm soát chính trị đối với một quốc gia mục tiêu. Trong trận đấu vật có vũ khí gây chết người này giữa hai bên, cần phải có kỹ năng chuyên nghiệp và công nghệ – nhưng cũng cần lòng dũng cảm và sự quyết tâm. Các yếu tố quan trọng của chiến thắng, như Clausewitz đã thấy, là ý chí chính trị để tiếp tục cuộc chiến, bất chấp những tổn thất; ý chí chiến đấu của đàn ông (và ngày nay là cả phụ nữ); và ý chí của người dân trong việc ủng hộ, hoặc ít nhất là chấp nhận nỗ lực này. Bộ ba yếu tố chính trị, quân sự và dân chúng này là cái nhìn sâu sắc nhất trong tác phẩm của Clausewitz. Giáo dục quân sự chuyên nghiệp nhấn mạnh rằng những biến số này tạo thành bản chất thực sự của mọi cuộc chiến, dù ở La Mã cổ đại hay vùng đất máu Ukraine.

Để giành chiến thắng, một bên phải tác động đến ý chí chính trị của đối phương và thay đổi quyết định của họ về việc có nên chiến đấu tiếp hay không. Lực lượng sát thương và các biện pháp trừng phạt kinh tế phải đẩy kẻ thù đến điểm không thể tiếp tục, tác động đến dân chúng hoặc giới lãnh đạo chính trị và quân sự của kẻ thù đến mức các thủ lĩnh của kẻ thù kết luận rằng đầu hàng, ngừng bắn hoặc giải quyết bằng thương lượng là những lựa chọn tốt hơn là tiếp tục chiến đấu.

Cách mạng, đảo chính, bầu cử – đây là những cách mà quyết định tiến hành chiến tranh được thay đổi. Mỗi nhóm trong xã hội có thể ảnh hưởng đến những gì được quyết định về cuộc chiến, hoặc trong trường hợp cực đoan là ai sẽ đưa ra quyết định. Các chiến binh thực hiện những nỗ lực tương tự để thay đổi những người ra quyết định trong thời chiến của kẻ thù. Những nỗ lực của Nga nhằm ám sát Zelensky – và kế hoạch của Đồng minh nhằm tiêu diệt Hitler trong Thế chiến thứ hai – phản ánh quan sát của Clausewitz về mối quan hệ giữa chiến tranh và chính trị. Bản chất của chiến tranh là không đổi, ngay cả khi các công cụ và chiến lược tiến hành chúng thay đổi.

Vậy phân tích về chiến tranh của một triết gia người Phổ đã qua đời ở thế kỷ 19 nói gì về tình hình hiện tại trong cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ năm 1945?

Cho đến nay, nó cho thấy tại sao chiến thắng cuối cùng vẫn lẩn tránh Ukraine cho đến nay. Bất chấp tất cả những màn trình diễn đáng kinh ngạc trên chiến trường của Ukraine, chúng ta không rõ liệu có bất kỳ ảnh hưởng đáng kể nào đến chính trị ở Moscow hay không. Putin đã giết chết hoặc làm thương tật vĩnh viễn hơn 190.000 binh sĩ, theo ước tính cuối tháng 10 của Bộ Quốc phòng Anh – không bao gồm lính đánh thuê của nhóm Wagner, nhiều người nhập ngũ từ các nhà tù, những người đã chiến đấu và chết ở Bakhmut – nhưng người dân Nga chưa nổi loạn. Họ đã chìm ngập trong những tuyên truyền về chủ nghĩa dân tộc trong nhiều năm đến nỗi có một khoảng cách lớn giữa thực tế của cuộc chiến và nhận thức của công chúng về nó.

Có nhiều lý do. Việc tuyển quân ở các tỉnh xa xôi, trong các nhà tù và được cho là ở các nước khác đã cách ly tầng lớp trung lưu Nga có nhiều khả năng đe dọa sự cai trị của Putin. Khi có biểu tình, giới lãnh đạo chính trị Nga đã sử dụng lực lượng an ninh để bóp nghẹt chúng. Những gì diễn ra trên chiến trường cũng có liên quan đến điều đó: Mặc dù giới lãnh đạo quân sự đã phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác, nhưng họ đã thoát khỏi thất bại trên chiến trường nhờ lợi thế về quy mô tuyệt đối cũng như số lượng pháo và tên lửa mà họ có thể ném vào Ukraine. (Duy trì nguồn đạn pháo là lý do chính khiến Zelensky đích thân tìm kiếm sự giúp đỡ từ Washington trong tháng này. Số lượng có thể thắng chất lượng, dù là về quân số hay pháo binh.)

Kiev đã không thể giết được con gấu. Họ cũng không thể ảnh hưởng đến chính trị trên đường phố Moscow, càng không thể ảnh hưởng đến những kẻ ở bên trong các bức tường của Điện Kremlin. Chiến tranh vẫn chưa làm thay đổi ý chí của Putin, các tướng lĩnh của ông hay công chúng.

Nếu muốn thay đổi điều đó, Ukraine sẽ cần nhiều hơn nữa và phương Tây phải làm ba việc để giúp đỡ. Đầu tiên, họ phải trao cho Ukraine điều mà vị tướng hàng đầu của họ, Valerie Zaluzhny, gần đây đã yêu cầu trong một cuộc phỏng vấn được nhiều người đọc với tờ The Economist. Zaluzhny yêu cầu công nghệ quân sự cao hơn để khắc phục vấn đề số lượng và chất lượng đã khiến lực lượng của ông ta gặp nhiều khó khăn ngay từ đầu. Đó là những gì Biden đang yêu cầu Quốc hội cho phép và những gì đảng Cộng hòa đã trì hoãn bỏ phiếu.

Ở đây, Clausewitz đưa ra cái nhìn sâu sắc hơn về thách thức mà tổng thống Ukraine thời chiến phải đối mặt. Zelensky cần phá vỡ thế bế tắc chính trị của phương Tây. Ngoài ba yếu tố chính được Clausewitz đưa ra về kết quả của các cuộc chiến tranh – ý chí của các nhà lãnh đạo, binh lính và người dân – Kyiv còn phải đối mặt với một vấn đề nữa là giữ chân cử tri Mỹ và các thành viên Quốc hội trong cuộc chiến. Zelensky không kiểm soát được bối cảnh chính trị Mỹ trong năm bầu cử tổng thống và điều đó có thể hủy hoại hy vọng đẩy quân đội Nga ra khỏi đất nước của ông vào năm 2024.

Về việc làm thế nào Ukraine có thể giành chiến thắng, bằng cách sử dụng bất kỳ sự hỗ trợ nào của phương Tây mà họ có thể có được trong hiện tại và tương lai, có con đường ngắn và con đường dài.

Chỉ có một con đường duy nhất, tuy khó khăn, hướng tới chiến thắng nhanh chóng và quyết định. Nếu tính đến những quan sát của Clausewitz, việc chiếm lại Crimea là mục tiêu chiến trường duy nhất của Ukraine có thể ảnh hưởng đến vị thế của Putin ở Nga – và điều đó có thể nhanh chóng đảo ngược sự ủng hộ của Mỹ và châu Âu. Việc chiếm giữ Crimea là lý do ban đầu dẫn đến cuộc chiến của Putin, do Điện Kremlin khởi xướng từ năm 2014, và tổng thống Nga đã đầu tư cho bán đảo này một giá trị biểu tượng to lớn. Một thất bại quân sự kịch tính có thể làm đảo lộn cán cân chính trị ở Moscow. Mặc dù các nhà phân tích khác và tôi nghĩ rằng điều đó vẫn có thể xảy ra, nhưng rất khó do quân đội Ukraine đang kiệt sức và có nguy cơ Kyiv sẽ không nhận được vũ khí cần thiết kịp thời.

Lựa chọn thứ hai – ít phụ thuộc hơn vào việc cung cấp vũ khí công nghệ cao ngay lập tức, sau đó là thành công nhanh chóng và quyết liệt trên chiến trường – là Zelensky dừng giao tranh và thực hiện chiến lược dài hạn để lấy lại lãnh thổ của mình theo thời gian. Đây là kế hoạch dự phòng nếu kế hoạch đầu tiên không xảy ra hoặc không thành công. Người ta có thể gọi nó là “lựa chọn Berlin”. Trong khi những người gièm pha Ukraine có thể muốn Kyiv khởi kiện để đòi hòa bình, thì lựa chọn này sẽ liên quan đến một kiểu đàm phán khác, mục tiêu là đưa vị thế của đôi bên trong cuộc chiến vào tình trạng bế tắc. Theo một cách nào đó, nó cũng là đến một chiến thuật mà chính Nga đã sử dụng sau giai đoạn đầu của cuộc chiến này vào năm 2014.

Kyiv có thể tìm kiếm một lệnh ngừng bắn với Moscow, đồng thời cương quyết không từ bỏ ngay lập tức các quyền hợp pháp đối với các vùng đất do Nga chiếm đóng. Nước này có thể tham gia đàm phán với Moscow mà không có ý định nhanh chóng nhượng cho Nga vùng Donbas và Crimea. Sau năm 2014, bản thân Nga cũng đi theo con đường tương tự, đồng ý tạm hưu chiến và sau đó kéo dài các cuộc đàm phán về lãnh thổ phía Đông Ukraine trong các cuộc đàm phán đa phương với Kyiv, Paris và Berlin theo nghị định thư Minsk (thất bại). Zelensky có thể làm điều tương tự: tạm dừng cuộc chiến ngay bây giờ, nhưng không nhượng bộ hoàn toàn trên bàn đàm phán.

Ý tưởng là để ngỏ khả năng giành lại lãnh thổ đã mất sau này thông qua sự hồi sinh kinh tế và chính trị mất nhiều thời gian hơn. Hãy nghĩ về Đông và Tây Berlin. Sau Thế chiến thứ hai, quân Đồng minh đã chia cắt nước Đức – bao gồm cả Berlin – qua việc Anh, Pháp và Mỹ về cơ bản là chia cắt nước này với Liên Xô. Nhưng giải pháp này không phải là vĩnh viễn: Thành công lâu dài của Tây Đức, bao gồm cả sự tự do và thịnh vượng mà nền dân chủ tư bản được phương Tây hậu thuẫn mang lại, đã cho phép Tây Âu giành lại Berlin vào năm 1989.

Để Ukraine đi theo quỹ đạo như vậy, nhiều điều lớn lao phải xảy ra. Họ cần giành lại những lãnh thổ họ có thể tái chiếm trong 12 tháng tới – với sự trợ giúp của phương Tây nhiều nhất mà Zelensky có thể huy động được. Bất kể chiến tuyến ở đâu vào thời điểm đó, NATO sẽ cần đảm bảo an ninh cho Ukraine trước các cuộc tấn công trên bộ và tấn công trên không vào các thành phố.

Có lẽ điều quan trọng hơn là phương Tây phải cam kết thực hiện một chương trình tái thiết có thể tạo ra sức mạnh kinh tế cần thiết để đảm bảo an ninh lâu dài và bền vững hơn cho Ukraine. Giống như việc NATO phải đưa ra sự bảo vệ, Liên minh châu Âu phải chấp nhận tư cách thành viên của Ukraine trong năm tới, và số tiền do các nhà tài trợ hứa hẹn để xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị phá hủy của Ukraine phải sẵn sàng để chi tiêu. Nếu những điều này xảy ra, chắc chắn Ukraine có thể trở thành động lực tăng trưởng cho chính mình và các nước láng giềng EU. Quốc gia này có một thị trường có quy mô bằng California; Trong khi đó, triển vọng nâng cấp nền kinh tế có thể là cơ hội nghìn tỷ USD cho các nhà đầu tư.

Việc tái thiết nền kinh tế như vậy là rất quan trọng cho sự tồn tại lâu dài của Ukraine trước một nước Nga hung hãn. Tăng trưởng kinh tế, việc làm, nhà ở tốt hơn và các lựa chọn giáo dục sẽ thu hút nhiều người trong số 6,3 triệu người Ukraine đã rời bỏ đất nước kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào đầu năm ngoái. Những gia đình tị nạn đã hai năm nay sẽ đưa con cái đến trường, tìm việc làm và nhà ở và bắt đầu hòa nhập với cộng đồng mới của họ. Cho họ thấy rằng việc trở về quê hương hứa hẹn một chất lượng cuộc sống có thể sớm cạnh tranh với những gì họ có hiện nay ở nước ngoài là điều quan trọng để mang về nguồn nhân lực cần thiết để xây dựng lại đất nước.

Cuối cùng, về lâu dài, điều tương tự có thể xảy ra với những người dân ở những vùng bị chiếm đóng ở Donbas và Crimea. Theo thời gian, có lẽ sau khi Putin rời khỏi chính trường, sức hấp dẫn của một cuộc sống tốt đẹp hơn ngay bên kia biên giới có thể khơi dậy ý chí chính trị nhằm đấu tranh với Moscow để có cơ hội có một cuộc sống tốt hơn ở một Ukraine thuộc châu Âu thịnh vượng và an toàn.

Đó là một lý thuyết chiến thắng lâu dài, dựa trên sức mạnh chính trị và kinh tế, chứ không chỉ là những chiến thắng trên chiến trường. Mặc dù khó đạt được và phải mất nhiều năm, nhưng nhìn chung nó vẫn phù hợp với quan sát chính xác của Clausewitz về chiến tranh cũng như chính trị. Những hy sinh to lớn trong chiến hào của Ukraine chính là nguyên nhân tạo nên khả năng này. Nếu sự khôn ngoan và dũng cảm của người Ukraine cũng như ý chí chính trị của phương Tây ủng hộ họ, không ngăn chặn được đoàn quân xâm lược tiến vào Kyiv vào tháng 3 năm 2022, thì kết cục đã được định đoạt trên đường phố Kiev chứ không phải Moscow. Một mặt, một thất bại hạn chế hơn của Ukraine vẫn có thể xảy ra: Kiev có thể nhượng bộ Nga trên bàn đàm phán và từ bỏ vùng đất bị chiếm đóng mãi mãi. Mặt khác, triển vọng xây dựng lại nền kinh tế, gia nhập Liên minh châu Âu và sự bảo vệ chính thức hoặc không chính thức từ NATO – nói tóm lại, người Ukraine có được một quốc gia tiên tiến có thể phát triển mạnh theo kiểu phương Tây – vẫn là cách tốt nhất để Kyiv giành chiến thắng trong cuộc đối đầu chính trị lâu dài với Moscow.

Chiến tranh là khoảng thời gian của sự hỗn loạn và cơ hội. Nhưng nó cũng mở ra khả năng về một tương lai tốt đẹp hơn nhờ sự hy sinh của rất nhiều người. Carl quá cố dạy chúng ta rằng chính chính trị ở Washington, Brussels và Kyiv sẽ quyết định điều đó xảy ra hay không.

Tham khảo

https://www.cnn.com/2023/12/22/opinions/opinion-how-ukraine-wins-schmidt/index.html


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Nếu Nga thắng và rút lui, họ sẽ phải đền cho Ukraine bao nhiêu tiền?

Phan Thanh Hung

VNTB – Úc phát hiện 380 trại giam ở Tân Cương

Phan Thanh Hung

VNTB – Trung Quốc: cố xoá bỏ bản sắc của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương

Phan Thanh Hung

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 05.01.2024 2:02 at 02:02

Tương tự, chiến thắng của Nga phải đi qua Kyev

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.