Đường ống nước sạch sông Đà đã 9 lần vỡ sau 3 năm sử dụng – Ảnh: TNO
Sau 9 lần vỡ đường ống cấp nước sạch Sông Đà – TP Hà Nội, Bộ Công an vừa công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Như vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã chính thức tiến hành điều tra làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan đến vụ việc.
Nguyên nhân dẫn đến sự cố đường ống là do vật liệu ống sử dụng cho công trình chưa phù hợp với điều kiện truyền tải nước.
|
Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế (C46, Bộ Công an) cho biết, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà để điều tra về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 229 Bộ luật Hình sự.
Dự án nước Sông Đà GĐ2 có tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ VNĐ. Hình thức đầu tư là BOO. DN sử dụng vốn tự có và vốn vay. Công suất 300.000 m3/ngđ. Dự án gồm 2 phần kì: Phân kỳ 1 (Đầu tư 29,2 km tuyến ống truyền tải từ QL21 đến vành đai 3) giá trị khoảng 1.200 tỷ VNĐ. Phân kỳ 2 (Đầu tư tuyến ống còn lại và nhà máy) với giá trị khoảng 2.800 tỷ VNĐ. (Ảnh công trình này đã được trao Cúp vàng chất lượng ngành xây dựng nhưng đã 9 lần bị vỡ từ năm 2012 đến nay tại những địa điểm gần nhau, cạnh Đại lộ Thăng Long, khiến hơn 70.000 hộ dân Hà Nội khốn khổ vì nhiều lần, liên tục thiếu nước sinh hoạt)
|
Nhiều tội danh sẽ được làm rõ
Đây mới chỉ là bước đầu cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ việc theo điều 229 Bộ luật Hình sự, tội “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Tiếp đó, cơ quan điều tra sẽ tiến hành làm rõ người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình… Từng cá nhân có thể sẽ bị truy cứu với các tội danh khác nhau như: tội “tham ô tài sản”, tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, tội “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng”… Mỗi tội danh, mỗi mức độ phạm tội đều có khung hình phạt khác nhau. Riêng đối với “Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại Điều 229, Bộ luật Hình sự như sau: Khoản 1 “Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 của Bộ luật này gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”. Khoản 2 “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Là người có chức vụ, quyền hạn; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng”. Khoản 3 “Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ tám năm đến hai mươi năm”. Khoản 4 “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
|
Loanh quanh chuyện trách nhiệm
Nhìn lại dự án nước sạch Sông Đà – Hà Nội, dự án bắt đầu khởi công từ ngày 24/4/2004. Đây là một dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có quy mô lớn và sản phẩm mang tính đặc thù phục vụ xã hội. Đến ngày 30/7/2008, đường nước sạch Sông Đà đã bắt đầu được đưa đến các hộ dân cư. Công trình này là một trong hai công trình mà Vinaconex được trao tặng “Cúp vàng chất lượng xây dựng Việt Nam” năm 2010. Sau 6 năm đi vào sử dụng, duy nhất chỉ có nhà máy nước Vinaconex hoạt động tốt, trong khi đường ống nước liên tục vỡ tới 9 lần. Dẫn giải thêm về trách nhiệm giám định chất lượng công trình, Cục trưởng Cục trưởng Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) ông Lê Quang Hùng nhận xét, tại thời điểm TCty Vinaconex làm đường ống dẫn nước này, công tác quản lý chất lượng chịu sự điều chỉnh của Nghị định 209. Theo quy định của Nghị định này, toàn bộ các giai đoạn từ khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu do chủ đầu tư tổ chức quản lý chất lượng.
Cũng theo ông Hùng, tại thời điểm đó, TCty Vinaconex không còn là đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng. TCty Vinaconex đã được cổ phần hóa và được chuyển về cho TCty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thuộc Bộ Tài chính quản lý phần vốn nhà nước của DN này. Hơn nữa, thời điểm khi đó, công trình không thuộc danh mục công trình được Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng kiểm tra hay nghiệm thu. Trách nhiệm chung về quản lý nhà nước các công trình xây dựng trên địa bàn, theo đó, thuộc chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng – phó chủ tịch UBND TP lại có cách giải thích khác. Theo ông Hùng, trách nhiệm để xảy ra tình trạng này trước tiên thuộc về nhà đầu tư là TCty Vinaconex. Đây là dự án của Vinaconex thực hiện nên quá trình thiết kế, thi công, thẩm định, nghiệm thu, các cơ quan của TP Hà Nội không tham gia.
|