Trong số các dự án này, điển hình nhất là dự án Giao thông đô thị TP Hà Nội với thời gian lọt vào danh sách đen là 60 tháng, số năm thực hiện là 7 năm và tỷ lệ giải ngân là 30%.
Tiếp theo là dự án Hiện đại hóa quản lý thuế với các chỉ tiêu lần lượt là 34 tháng, 6,8 năm và 2%.
Dự án Giao thông đô thị Hà Nội bị điểm danh vào danh sách đen của WB. Ảnh minh họa TL.
Dự án Phát triển năng lượng tái tạo có các chỉ tiêu là 27 tháng, 5,2 năm, và 29%. Các dự án còn lại được kể tên là Hệ thống hiện đại hóa khu vực tài chính và quản lý thông tin, Đại học Việt Đức; Hỗ trợ quản lý rác thải, Quản lý rác thải công nghiệp, và Hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị dự án.
“Số lượng các dự án trong danh sách đen tăng lên, và các dự án này càng ngày càng chậm có chuyển biến”, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư và thực hiện dự án của WB, ông Keiko Sato, nhận xét tại một buổi họp nội bộ của Ngân hàng này tổ chức ngày 9-2 tại Hà Nội.
Những vấn đề chung của các dự án trong danh sách đen, theo ông Sato là giai đoạn thực hiện dự án chưa chuẩn bị sẵn sàng, Báo cáo khả thi chưa hoàn thiện khi bắt đầu thực hiện, Sổ tay hoạt động chưa hoàn chỉnh, công tác thu hồi đất chưa sẵn sàng.
Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác làm cho các dự án bị chậm tiến độ, chẳng hạn như Các dự án chưa đạt được thống nhất về thiết kế và kết quả dự kiến; thiếu vốn hoặc chậm trễ phân bổ vốn đối ứng, đặc biệt là cho công tác thu hồi đất và tái định cư.
Thẩm quyền ra quyết định không rõ ràng cũng dẫn đến chậm đưa ra giải pháp khi dự án có vấn đề. “Những thay đổi rất nhỏ cũng đòi hỏi phải có lãnh đạo cấp cao phê duyệt”, ông Sato nhận xét.
Theo ông Sato, Việt Nam là đối tác vay lớn thứ 4 trên thế giới của WB sau Trung Quốc, Ấn Độ và châu Phi. Đến năm 2015, WB đang có 52 dự án triển khai tại Việt Nam với tổng mức cam kết 9,7 tỉ đô la Mỹ, và tỷ lệ giải ngân chung khoảng 18,6%.
Ngoài 8 dự án trong danh sách đen kể trên, trong số 52 dự án do WB tài trợ có tới 15,3% số dự án có rủi ro cao, 12,1% giá trị cam kết có rủi ro cao trong năm 2015. Tuy nhiên, WB không nêu tên các dự án này.
Tỷ lệ này đã giảm mạnh từ 19,6% trong năm 2012, theo WB.
Tuy nhiên, theo ông Sato, một số chỉ số về hiệu quả triển khai vốn ODA ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong mấy năm gần đây. Ví dụ, tỷ lệ chủ động quản lý danh mục đầu tư nhằm đạt kết quả tốt hơn (Proactivity) ở Việt Nam tăng từ 25% năm 2012 lên tới 80% năm 2015.
Thời gian từ khi trình lên Ban giám đốc WB cho đến khi dự án có hiệu lực rút ngắn từ 6 tháng năm 2012 xuống còn 3 tháng năm 2015.
Có tới 80% các dự án đã hoàn thành đạt kết quả tương đối tốt, cao hơn nhiều so với tỷ lệ ở các quốc gia khác như Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Pakistan.