VNTB – Khuyến nghị của Liên Hợp Quốc về Bộ luật Hình sự 2015 của Việt Nam

VNTB – Khuyến nghị của Liên Hợp Quốc về Bộ luật Hình sự 2015 của Việt Nam

Lynn Huỳnh (lược ghi)

 

(VNTB) – Khuyến nghị của LHQ: Bỏ Điều 116, 117 và 331 của Bộ luật Hình sự.

 

Vụ án Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam sẽ được đưa ra xét xử phiên hình sự sơ thẩm ngày 5/1/2021, với cáo buộc về tội: “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo khoản 2 điều 117 Bộ luật Hình Sự năm 2015 (bổ sung, sửa đổi năm 2017).

Ba nhà báo của Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam, ông Phạm Chí Dũng, ông Nguyễn Tường Thuỵ và ông Lê Hữu Minh Tuấn bị Viện Kiểm Sát Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh truy tố về tội: “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo khoản 2 điều 117 Bộ luật Hình Sự năm 2015 (bổ sung, sửa đổi năm 2017).

Việc tranh tụng về cáo buộc quanh điều 117 là chuyện sắp tới của các luật sư với kiểm sát viên, thẩm phán và hội thẩm nhân dân tại phiên tòa hình sự sơ thẩm vào sáng ngày 5/1/2020.

Rộng đường công luận, xin trích ở đây về khuyến nghị của Liên Hợp Quốc về Bộ Luật hình sự.

Một số điều khoản của Bộ luật hình sự được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2015 hiện không phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người của Việt Nam theo Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) (Việt Nam tham gia Công ước này từ năm 1982) và Công ước chống Tra tấn (CAT) (Việt Nam phê chuẩn vào năm 2015).

Ngoài đề xuất cụ thể về một số điều khoản của Bộ luật trên, Liên Hợp Quốc (LHQ) có một khuyến nghị chung là nên xem xét lại Bộ luật hình sự nhằm đảm bảo sao cho các  tình tiết  tăng nặng và giảm nhẹ  trách nhiệm hình sự phải nằm trong số các tình tiết đã được tiêu chuẩn quốc tế công nhận và không có bất kỳ hình thức phân biệt đối xử nào.

Tội Xâm phạm An ninh Quốc gia và Xâm phạm Trật tự Quản lý Hành chính: các điều khoản quy định trong Bộ luật hình sự còn  rộng  và  mơ  hồ,  Chương  XIII  đề  cập  “Tội  Xâm  phạm  An  ninh Quốc gia” và Chương XXII đề cập “Tội Xâm phạm Trật tự Quản lý Hành chính”.

Điều 109 – Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Điều 116 – Tội phá hoại chính sách đoàn kết;  Điều 117 – Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước;  Điều 118 – Tội phá rối an ninh; Điều 331 – Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Các điều khoản trên còn mơ hồ và rộng, không nêu rõ hành động hoặc hoạt động nào bị cấm, đâu là yếu tố cấu thành hành vi cấm, và như vậy các cá nhân có thể không điều chỉnh được hành động và hành vi theo cách phù hợp, theo nguyên tắc rõ ràng và ổn định về pháp lý, đây chính là cốt lõi của pháp quyềnn quan nhóm tội danh về an ninh quốc gia.

Các điều khoản này không phân biệt giữa sử dụng bạo lực, cần bị cấm, với các hoạt động hoà bình, hợp pháp để phản đối, bày tỏ ý kiến, bao gồm cả phê phán chính sách và hành động của Chính phủ, hoặc ủng hộ bất  kỳ  sự  thay  đổi  nào, bao  gồm cả hệ thống chính  trị, là thuộc về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tôn giáo cũng như tham gia các hoạt động công cộng, và như vậy phải được đảm bảo và bảo vệ theo luật nhân quyền quốc tế (Điều 18, 19, 21 và 25 của Công ước ICCPR).

Các quốc gia thành viên công ước không được phép hạn chế quyền con người dựa vào lý do an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng mà không có cơ sở. Mặc dù luật quốc tế không có định nghĩa chính xác thế nào là “đe doạ an ninh quốc gia” song nên coi đây là tình huống trong đó có mối đe doạ thực tế và trực tiếp hoặc sử dụng lực lượng chống lại “sự tồn tại của quốc gia hoặc toàn vẹn lãnh thổ quốc gia hoặc độc lập chính trị” và không nên đưa vào các mối đe dọa giả định hoặc mối đe dọa cục bộ và tương đối cô lập hoặc vi phạm luật và trật tự.4 Quốc gia thành viên phải nêu rõ rằng có mối liên quan trực tiếp và tức thì giữa  việc thực hiện quyền tự do cơ bản bị cấm với mối đe dọa đó.

Khuyến nghị của LHQ: Bỏ Điều 116, 117 và 331 của Bộ luật Hình sự. Xem xét thông qua một điều khoản nêu rõ các hạn chế về thực hành tự  do  biểu  đạt  theo đúng qui định tại Điều 19 và 20 của Công  ước ICCPR, gồm cả về hình phạt, và lưu ý rằng không bao giờ nên quy định hành vi phỉ báng thành tội hình sự. Sửa đổi lại Điều 109 và 118 theo hướng bổ sung định nghĩa rõ ràng các hoạt động bị cấm và những hoạt động này chỉ nên là về các hành động bạo lực thực sự.

Luật sư Đặng Đình Mạnh bình luận: “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” thuộc Điều 88 Luật Hình sự cũ nay trở thành Điều 117 Luật Hình sự tu chính, bổ sung thêm Khoản 3: “Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm tù”.

Đối với “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” thuộc Điều 258 Luật Hình sự cũ, nay là Điều 331 luật hình sự tu chính, thay đổi quy định tại Khoản 2 từ “Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”, thành “Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.

Sự thay đổi khái niệm này vẫn tiếp tục giữ quan điểm điển chế (quy định) Điều 258 theo hướng định tính mơ hồ, bởi lẽ, thế nào là “gây ảnh hưởng xấu?”. Việc bổ sung thêm sự chế tài đối với cả trường hợp “chuẩn bị phạm tội” của các hành vi theo Điều 79, 88 Luật Hình sự cũ bị cho là có thể phương hại đến chế độ, một đàng cho thấy thái độ ngày càng khắt khe, quyết liệt hơn của chế độ, muốn dập tắt hành vi ngay từ trong trứng nước, đàng khác, cũng cho thấy một thực tế rằng các hành vi này ngày càng có vẻ phổ biến, phát triển hơn, “gây nguy hại” nhiều hơn!.

Tóm lại, thay vì thúc đẩy thay đổi xã hội theo hướng tích cực tiệm cận hơn với các chuẩn mực của thế giới văn minh xung quanh ta, thì việc tu chính pháp luật theo hướng khắt khe hơn không phải là giải pháp của vấn đề, nó tựa như một sự giải khát bằng nước pha muối vậy, lợi bất cập hại”.

_________________

Chú thích:

(*) https://vietnam.un.org/sites/default/files/2019-08/Vietnamese_version.pdf

____________________________________________________________________________________

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)