Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nghèo ở Việt Nam

Hiền Lương

(VNTB) – Năm hết, Tết đến, thử nhìn lại coi ở người nghèo ở Việt Nam ra sao qua những con số báo cáo.

Theo tin tức trên báo chí của nhà nước, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nói rằng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về thay đổi cách tính GDP, đã cho ra kết quả GDP đầu người theo cách tính GDP mới đã tăng lên khoảng 3.000 USD/năm, thay vì cách tính lâu nay đang áp dụng thì con số này chỉ là 2.590 USD/người/năm.

Báo chí nhà nước cũng đăng rằng, “Chúng tôi ngưỡng mộ mức tăng trưởng GDP của Việt Nam. Tôi đã thống nhất với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là chúng ta có thể tăng cường hợp tác để nâng mức kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỉ đô la. Việt Nam có một vị trí kép, vừa có thể là thị trường tiêu thụ cũng vừa có thể là đối tác sản xuất của các doanh nghiệp Ý trong bối cảnh công nghiệp 4.0” – trích lời của Thủ tướng Ý Giuseppe Conte, tại hội thảo xúc tiến và phát triển các cơ hội mới về giao thương, đầu tư và hợp tác công nghệ giữa Ý và Việt Nam, do Thương Vụ Ý (ITA) phối hợp với Đại sứ quán Ý tại Hà Nội đã tổ chức.

Quy đổi sang tiền Việt với tỷ giá ngày 16/1/2020 tại Vietcombank là 1 Mỹ kim được ngân hàng mua vào là 23.090 đồng Việt Nam, vị chi 3.000 Mỹ kim ước khoảng 69.270.000 đồng Việt Nam. Chia bình quân con số này cho cả năm, mỗi tháng sẽ là 5.772.500 đồng. Tiếp tục phép tính so sánh. Đồng hồ nợ công của Việt Nam ghi nhận đến trưa ngày 16/1/2020 về bình quân nợ công tính trên đầu người, tương đương 4.256 Mỹ kim, tức khoảng 98.271.040 đồng Việt Nam. (https://countrymeters.info/en/Vietnam/economy)

Như vậy xem ra khoảng cách chênh lệch giàu – nghèo ở Việt Nam là quá lớn.

“Hơn 12 triệu người Việt Nam đang sống trong cảnh nghèo khó” là tên một báo cáo của tổ chức Action on Poverty, văn phòng đặt tại Hà Nội. Báo cáo này nằm trong dự án “Sinh kế và biến đổi khí hậu”.

Mở đầu của báo cáo, viết: “Dù đạt được nhiều thành tựu kinh tế, Việt Nam vẫn đang phải đối diện với tình trạng nghèo khó. Trong những năm gần đây, khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày một gia tăng, với gần 90% tỉ lệ nghèo tập trung tại các vùng nông thôn. Do cách biệt về khoảng cách, người dân khu vực nông thôn thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, tiếp cận thị trường, dịch vụ công, và giáo dục. Đặc biệt, đối với những gia đình không có ruộng đất, hạn chế về mặt giáo dục và kĩ năng khiến họ có rất ít lựa chọn về sinh kế.

Nghèo đói ảnh hưởng trực tiếp đến những nhóm dân cư dễ bị tổn thương, đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Một nửa số người nghèo trên cả nước là người dân tộc thiểu số, trong khi họ chỉ chiếm 15% dân số.

Các hộ nông thôn và hộ nghèo là đối tượng bị tác động lớn nhất bởi các cú sốc kinh tế và biến đổi khí hậu. Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của các thảm hoạ tự nhiên, đặc biệt là bão lũ. Cường độ và tần suất của các thảm hoạ này đang có dấu hiệu gia tăng cùng với các tác động của biến đổi khí hậu. Tình trạng xâm ngập mặn xảy ra ngày một nghiêm trọng ở các tỉnh phía Nam khiến diện tích canh tác của nông dân càng bị co hẹp”.

Nội dung như ghi nhận của Action on Poverty tương đồng với ghi nhận của báo Thanh Niên qua loạt bài: “Người miền Tây ly hương tìm cơ hội thoát nghèo: Nhà khóa cửa, ruộng bỏ không” (https://thanhnien.vn/doi-song/nguoi-mien-tay-ly-huong-tim-co-hoi-thoat-ngheo-nha-khoa-cua-ruong-bo-khong-1103466.html); “Nước mắt ly hương người Quảng Ngãi: Đêm Sài Gòn nỗi buồn ‘giăng’ bên xe hủ tiếu” (https://thanhnien.vn/doi-song/nuoc-mat-ly-huong-nguoi-quang-ngai-dem-sai-gon-noi-buon-giang-ben-xe-hu-tieu-1111974.html); “Vùng đất ly hương: Bỏ quê vào Sài Gòn mưu sinh vì nắng hạn kéo dài” (https://thanhnien.vn/doi-song/vung-dat-ly-huong-bo-que-vao-sai-gon-muu-sinh-vi-nang-han-keo-dai-1097041.html).

 “Chúng ta hiện nay đang ở vị thế anh nhà nghèo. Nợ công mình phải trả liên tục tăng và đến năm 2020 này là cao nhất. Trước đây đã có những giai đoạn đe dọa vỡ nợ và có những cảnh báo rất nặng. Đó là những cảnh báo về một số khoản chậm trả, tỷ lệ nợ công trên GDP tăng rất lớn, tăng thường xuyên và tăng rất nhanh. Đây là cảnh báo kéo dài suốt từ hàng chục năm nay. Xin đừng để đời cha ăn mặn đời con khát nước” – ông Nguyễn Minh Phong, phó ban tuyên truyền lý luận của báo Nhân Dân, khuyến cáo.

Tin bài liên quan:

VNTB – Quyền tự do dân chủ của công dân: góp ý thẳng thừng dễ đối mặt tù tội?

Phan Thanh Hung

VNTB – Tết kém vui với người miền Tây

Phan Thanh Hung

VNTB – Đô thị dày đặc nhà cửa thì liệu có thể chữa cháy bằng trực thăng? 

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo