Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đại hội 13 đi về đâu? ( Phần I)

Phần I: Thước đo đánh giá cán bộ bị “bẻ cong”

Âu Dương Thệ

 

(VNTB) – Việt Nam đứng đội sổ thứ 176/180 nước về tự do báo chí, nhưng ông Tổng-Chủ vẫn cao ngạo:  “Dân chủ đến thế là cùng!”, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay!” 

 

Tình hình VN sau 45 năm “Giải phóng” và gần 34 năm sau “Đổi mới” đang biến hình đổi dạng như thế nào? Tốt lên hay xấu đi? Có phải như ông Tổng-Chủ Nguyễn Phú Trọng đã hồ hởi cao ngạo bảo là: “Dân chủ đến thế là cùng!”; “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.” ? 

Trước thềm Đại hội 13 tình hình thực sự của chế độ XHCN đã được chuyên viên xác nhận chính thức như sau: “ ... đã xuất hiện ngày càng nhiều “nhóm lợi ích” tiêu cực, đã và đang ảnh hưởng, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là ở những ngành, lĩnh vực quan trọng, liên quan trực tiếp đến cuộc sống của các tầng lớp nhân dân, như quản lý đất đai, tài chính – ngân hàng, đầu tư xây dựng cơ bản, khai thác tài nguyên. Thậm chí, “nhóm lợi ích” tiêu cực còn xuất hiện ở một số ngành, lĩnh vực vốn vẫn được coi là tôn nghiêm, liên quan đến an ninh quốc gia, như công tác tổ chức – cán bộ, phòng, chống tội phạm,… Một loạt vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian gần đây liên quan đến nhiều tổ chức đảng, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cao cấp cho thấy, “nhóm lợi ích” đã leo cao, luồn sâu vào trong bộ máy Đảng và Nhà nước, đe dọa đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.”

Nhận định trên đây thừa nhận rằng, chế độ XHCN do ĐCSVN thực hiện trên 70 năm để xây dựng “XÃ HỘI ĐỎ” nhưng nay đã biến dạng mọc lên các “NHÓM LỢI ÍCH” rất tồi tệ hoạt động theo cách “XÃ HỘI ĐEN”. Chuyên viên này còn liệt kê cách làm ăn của các Nhóm lợi ích theo kiểu cực kỳ gian dối, độc ác và tàn bạo, lũng đoạn trong mọi cấp trong đảng và nhà nước, từ trung ương tới địa phương, trong tất cả mọi lĩnh vực như thế nào:

„Cần khẳng định, “nhóm lợi ích” tiêu cực ở Việt Nam rất đa dạng, phức tạp, liên quan đến những người có chức, có quyền, nhất là liên quan đến cán bộ trong bộ máy công quyền. Đó có thể là những cán bộ ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, thậm chí còn nằm trong cả các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật, các doanh nghiệp,.. “Nhóm lợi ích” phần lớn nằm bên trong cơ cấu quyền lực, được tổ chức chặt chẽ, nên dễ tác động đến việc hoạch định và thực thi chính sách cũng như tạo nên những đặc quyền, đặc lợi. Thứ hai, “nhóm lợi ích” là sự cấu kết, móc ngoặc giữa cán bộ, đảng viên có chức, có quyền nhưng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với nhau, giữa cán bộ, đảng viên với doanh nghiệp. Thứ ba, “nhóm lợi ích” hoạt động rất tinh vi, được tổ chức chặt chẽ, nên rất khó phát hiện, nhận biết. Nếu có phát hiện, nhận biết được thì cũng rất khó điểm mặt, chỉ tên, vì không có bằng chứng hoặc nếu có bằng chứng thì cũng bị nhóm vô hiệu hóa bằng quyền lực, sử dụng mọi thủ đoạn để bịt đầu mối. Đặc biệt, những người có chức vụ, quyền hạn càng cao nằm trong “nhóm lợi ích” thì càng khó phát hiện, vì được che chắn rất tinh vi, được tổ chức chặt chẽ bởi quyền lực và gây ra tác động, hệ lụy cho xã hội lại càng lớn. Thứ tư, “nhóm lợi ích” luôn gắn chặt với hành vi tham nhũng. Tham nhũng liên quan đến “nhóm lợi ích” là dạng tham nhũng lớn, có tổ chức cao, nghiêm trọng nhất, tinh vi nhất, rất khó phát hiện so với “tham nhũng vặt”. Thứ năm, hình thức liên kết của “nhóm lợi ích” rất đa dạng, phong phú, có thể lâu dài, có thể tạm thời tùy theo từng cơ hội, bối cảnh, tình hình. Thành viên của nhóm không xuất đầu lộ diện, không công khai thừa nhận “tư cách thành viên” của mình. Sự liên kết giữa các thành viên chỉ bằng và thông qua thỏa thuận ngầm.

Những nhận định công khai trên đây không phải là của những „phần tử phá hoại hay phản động“-như cách chụp mũ và mạ lị của nhóm cầm đầu toàn trị đối với những ai tố cáo họ- , nhưng đã được phổ biến ngay trên báo điện tử Tạp chí Cộng sản, „cơ quan lý luận và chính trị của  Ban chấp hành Trung ương ĐCSVN“ dưới tựa đề „Kiểm soát, ngăn chặn “nhóm lợi ích” ở Việt Nam hiện nay“ của TS Nguyễn Văn Chung ngày 12.4.2020, đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm „Giải phóng“. 

 

I. Nguyên nhân: Thước đo đánh giá cán bộ bị “bẻ cong”

 

Nguyên nhân từ đâu đã dẫn tới chế độ XHCN đã biến dạng? Và nguyên nhân từ đâu những người lãnh đạo chế độ XHCN không phải là „tinh hoa của Đảng“  , như họ vẫn tự bốc cao, mà trong thực tế đã biến chất thành những phần tử cầm đầu các phe nhóm tranh đoạt quyền lực, giành giật tiền bạc và tham nhũng bất trị; giữa các „đồng chí“ coi nhau như kẻ thù, còn đối với nhân dân thì đàn áp trắng trợn? Câu hỏi trọng tâm này đã được giải thích khá cặn kẽ trong một loạt 3 bài ngay trên tờ Quân đội Nhân dân (QĐND), cơ quan của Tổng cục Chính trị và Quân ủy Trung ương cũng vào dịp kỉ niệm 45 năm „Giải phóng“. Nguyễn Phú Trọng đã từng rao giảng nhiều lần rằng, „Công tác cán bộ là then chốt của then chốt“. Tức là thành công hay thất bại nằm ở chỗ, có biết và dám sử dụng phương pháp khoa học và thích hợp để chọn lựa được những người vừa có tài vừa có đức để lãnh đạo chế độ hay không.

Chọn cán bộ đứng đầu các cơ quan từ địa phương tới trung ương, đặc biệt chọn „tứ trụ“ hay „tam trụ“ như hiện nay -về nguyên tắc- đều phải kinh qua những bước cơ bản: 

„Công tác cán bộ bao gồm nhiều khâu có liên hệ mật thiết, tác động lẫn nhau như: Đánh giá, quy hoạch, đào tạo-bồi dưỡng, luân chuyển-điều động, bố trí-sử dụng, quản lý, khen thưởng-kỷ luật, đãi ngộ… cán bộ. Trong đó, đánh giá cán bộ vừa là cơ sở, tiền đề quan trọng hàng đầu, vừa là mắt xích chính yếu để thực hiện các khâu khác. “Đầu có xuôi, đuôi mới lọt”. Có đánh giá chính xác cán bộ mới có thể quy hoạch đúng và bố trí, sử dụng vị trí phù hợp với năng lực, sở trường của cán bộ.“

Trong khi Nguyễn Phú Trọng vẫn công khai quả quyết là rất nghiêm túc thực hiện các bước trong việc tuyển chọn cán bộ Cấp chiến lược. Nhưng tại Đại hội (ĐH) 12 (1.2016) vẫn phải xác nhận: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ“. Tại “Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác giám sát, kiểm tra, thi hành kỷ luật của Đảng năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020” tổ chức ngày 10-1-2020 tại Hà Nội Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ chính trị (UVBCT), Thường trực Ban bí thư (BBT) và được Nguyễn Phú Trọng chuẩn bị cho kế nghiệp đã thừa nhận: “Điều quan trọng là chúng ta từng bước làm rõ được, tại sao số lượng tổ chức đảng, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm kéo dài qua nhiều năm không được phát hiện? Phải chăng hằng năm, từng nhiệm kỳ chúng ta đánh giá chưa chính xác chất lượng cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng?”. Hai năm trước khi tổng kết “20 năm thực hiện chiến lược cán bộ và những bài học quý giá cho chúng ta“ UVBCT, Trưởng ban Tổ chức Trung ương và Bí thư TWĐ Phạm Minh Chính -phụ trách công tác tuyển chọn và đào tạo cán bộ cao cấp đã nhìn nhận: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhưng chậm được khắc phục; chưa có cơ chế hiệu quả để đánh giá đúng cán bộ, sàng lọc chính xác”.

Nói tóm lại, những nhận định trên của các nhân vật cao nhất và trách nhiệm lớn nhất tới công tác cán bộ ở cấp cao đã phải thẳng thắn nhìn nhận là, suốt quá trình dài trên nửa thế kỷ qua việc đánh giá, tuyển chọn, bố trí và kỉ luật các cán bộ cấp chiến lược đã hoàn toàn thất bại. Sự thất bại này lại nằm ngay ở giai đoạn đầu tiên là công tác đánh giá cán bộ! Sự thực này có thể đối chiếu ngay trong giai đoạn Nguyễn Phú Trọng có quyền lực mạnh nhất, mặc dù chính ông đã từng bao nhiêu lần rao giảng đạo đức, dạy dỗ cán bộ, kể cả đốt lò chống tham quan! Suốt 5 năm làm Chủ tịch Quốc hội (QH) và gần hai nhiệm kỳ (10 năm) là Tổng bí thư (TBT) rồi vài năm nay lại kiêm cả Chủ tịch nước (CTN), cho nên đúng lý ra -nếu ông Trọng thực tình và có phương pháp hữu hiệu- thì tệ trạng  của các nhóm lợi ích phải được trị tận gốc để xã hội lành mạnh. Nhưng trong thực tế thì lại hoàn toàn trái lại, các nhóm lợi ích đã và đang sinh sôi nẩy nở trong mọi cơ quan Đảng và Nhà nước, ở mọi cấp từ trung ương tới địa phương, như các nhân vật trên đây đã xác nhận.

Trong bài thứ 2 trên tờ QĐND ngày 17.4, chỉ vài ngày trước khi mở Hội nghị Cán bộ Toàn quốc (HNCBTQ) chuẩn bị đề án nhân sự cấp cao cho ĐH13, Thiện  Văn đã liệt kê cách làm việc bè cánh, vô trách nhiệm của những người lãnh đạo cao nhất ngay trong công tác đầu tiên là “đánh giá cán bộ”. Ông đã nói thẳng về các mánh khóe, thủ đoạn “bẻ cong” của những người có quyền lực  khi đánh giá cán bộ để cất nhắc những người cùng vây cánh. Vì thế các nhóm lợi ích ngày càng bùng nổ:

Thực tiễn những năm qua cho thấy, trong số các khâu của công tác cán bộ, đánh giá cán bộ là khâu dễ bị “bẻ cong” nhất và được biểu hiện rất tinh vi, bị lèo lái bởi những người nắm giữ quyền lực chính trị ở các tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương và bởi nhóm lợi ích can thiệp, chi phối.“

Rất đáng chú ý là, tuy nêu đích danh Nguyễn Phú Trọng từng rất đề cao nguyên tắc „tập trung dân chủ“, coi đó như xương sống trong tổ chức sinh hoạt của ĐCS: “Cái hay của chúng ta là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Nhưng người đứng đầu mà độc đoán, chuyên quyền thì hỏi liệu có dân chủ được không?” Cùng lúc Thiện Văn lại chỉ trích  gay gắt, vì trong thực tế nguyên tắc này chẳng được ai thi hành cả, ngay cả Nguyễn Phú Trọng đã ép buộc các đồng liêu phải xếp cho mình vào „trường hợp đặc biệt“ để chiếm ghế TBT một nhiệm kỳ nữa tại ĐH 12 :

„Tuy nhiên, thời gian qua, ở một số cấp ủy đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ hoặc bị thực hiện hình thức, đưa ra cho có, nhắc lại cho đủ; hoặc chỉ là tấm bình phong che đậy những biểu hiện, động cơ thiếu lành mạnh của người đứng đầu cấp ủy. „

Thiện Văn còn kể lại kinh nghiệm của nguyên Phó vụ trưởng Vụ Nghiên cứu (Ủy ban Kiểm tra Trung ương), Hà Hữu Đức về vai trò „thượng phong“ của Bí thư cấp ủy (như TBT trong BCT, Bí thư tỉnh ủy ở cấp tỉnh, bí thư quận ủy ở cấp quận…) trong các hoạt động, đặc biệt trong việc cất nhắc cán bộ:

„Bí thư cấp ủy đồng thời là người chủ trì thường vụ, cấp ủy luôn ở vị thế “thượng phong” trong việc “trau chuốt, đánh bóng” hình ảnh nhân sự có lợi nhất cho mình. Bí thư cấp ủy có thể thiên biến vạn hóa trong vận động, thuyết phục, hướng lái các thành viên trong cấp ủy biểu quyết, bỏ phiếu cho trường hợp nhân sự do mình chủ động giới thiệu, đưa ra.  Thậm chí có trường hợp bí thư cấp ủy lợi dụng vị trí công tác, quyền hạn để áp đặt, lôi kéo nhằm tạo ra “áp lực mềm” khiến nhiều thành viên trong cấp ủy phải miễn cưỡng tuân theo.“

„Ngoài ra còn có tình trạng đánh giá cán bộ cả nể, dễ người, dễ ta. Thực chất đó là hành vi móc ngoặc, dàn xếp, chia chác quyền lực trong ban thường vụ, cấp ủy…. Chính sự thỏa thuận ngầm này thực chất là “bẻ cong” thước đo đánh giá cán bộ.“

Trong bài Thiên Văn còn nhắc lại lời cảnh cáo nghiêm khắc của PGS,TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) về những hậu quả cực kì nguy hiểm cho chế độ, nếu những người có quyền lực cứ tiếp tục bẻ cong để lôi kéo vây cánh lập các nhóm lợi ích:

„ Hệ lụy từ những vụ việc đánh giá cán bộ không đúng sẽ còn kéo dài nếu như chúng ta không chấn chỉnh khâu này một cách khẩn trương, nghiêm túc. Một khi khâu chính yếu đầu tiên, quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện các khâu khác trong công tác cán bộ mà bị coi nhẹ, buông lỏng, biến tướng sẽ dẫn đến có những cán bộ được xếp nhầm chỗ, thậm chí có cả đối tượng thoái hóa, cơ hội, sẵn sàng tìm mọi cách để “chui sâu, leo cao” vào bộ máy công quyền.“

Tin bài liên quan:

VNTB – Đảng cộng sản Việt Nam đang khủng hoảng nguồn nhân lực?

Phan Thanh Hung

VNTB – Nên công khai tài sản của Tổng bí thư

Do Van Tien

VNTB – Ủa tại sao Trọng chống tham nhũng?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo