Việt Nam Thời Báo

VNTB – Sân Golf Phan Thiết (Bài 5)

Sân golf Phan Thiết

Bài 5. Người trong cuộc chơi

 

Phan Bình Minh

 

(VNTB) – Sân Golf Phan Thiết đẳng cấp quốc tế biến thành khu đô thị – một dự án rút ruột tài nguyên đất đai, mà về “quy mô thiệt hại” cho lợi ích quốc gia vào năm 2014 tính bằng tiền là hơn 7.000 tỷ đồng, không thua kém gì vụ AVG mua Mobiphone. 

 

Bài 1: Thách thức lò ông Trọng…

Bài 2: Nhận diện nhóm lợi ích 

Bài 3: “Tỉnh Rạng Đông

Bài 4: Kế hoạch hoàn hảo

Như một canh bạc, và đúng là một ván bài, cũng đến lúc “Sân golf Phan Thiết” cần ngửa bài, lật tẩy sòng phẳng, định danh rõ những người trong cuộc chơi. Nếu không, phần nhô lên của tảng băng sẽ tan ra và chìm hẳn. Gần đây hàng trăm bài báo đưa tin “Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát lại việc chuyển đổi sân golf Phan Thiết” (tra Google) trong đó có nội dung Đặc biệt là kiểm tra có hay không việc lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Công ty Cổ phần Rạng Đông trong khu du lịch biển Phan Thiết ?[5.1] cho thấy đang có khả năng chỉ “cắt phần ngọn”. 

Vậy, những người trong cuộc là ai ?

I. Nguyễn Văn Đông

Được sắc phong Anh hùng lao động là Nguyễn Văn Đông có “kim bài miễn tử”, đồng thời sau một nhiệm kỳ 5 năm 2007-2011 làm Đại biểu quốc hội đại diện tối cao cho “ý chí và nguyện vọng” của nhân dân tỉnh Bình Thuận, cùng với quyền giám sát của cơ quan lập pháp, “người anh hùng” lại tiếp tục quan hệ với quan chức cấp cao tạo ra “chiếc áo giáp quyền lực mềm” bảo vệ chắc chắn để chống lại dư luận và luật pháp. Chính vì vậy mà Nguyễn Văn Đông mới tự tin cầm cái “ván bài” gần 20 triệu USD.

1. Mua sân golf không phải để chơi golf

Vừa kinh doanh Sân golf Phan Thiết được nửa tháng, Nguyễn Văn Đông thông báo lỗ và xin chuyển sang đất ở đô thị. Câu hỏi đặt ra là: Nguyễn Văn Đông đã biết lỗ trước khi mua sân golf chưa ?. Trả lời khẳng định luôn: đã biết lỗ, nhưng vẫn mua.

Thứ nhất. Đây là hợp đồng chuyển nhượng doanh nghiệp chủ sở hữu sân golf, nên tất cả các báo cáo tài chính hoạt động sản xuất kinh doanh; hồ sơ về đầu tư, xây dựng; .v.v… Nguyễn Văn Đông đã xem xét trước khi chuyển nhượng 100% vốn điều lệ doanh nghiệp.

Thứ hai. Rạng Đông cũng đang kinh doanh Sân golf Sea Links bên cạnh Sân golf Phan Thiết, nên có khả năng xác định doanh thu và hiệu quả kinh doanh Sân golf Phan Thiết.

Thứ ba. Các nhà đầu tư sơ cấp góp tiền ban đầu với Nguyễn Văn Đông cũng đã khẳng định Đông huy động vốn là mua Sân Golf là để phân lô bán nền.

Nguyễn Văn Đông “lanh mưu” ở chỗ: mua doanh nghiệp đang thu lỗ liên tục nhiều năm của nhà đầu tư trước đó, rồi thông tin lên là Công ty của mình bị lỗ nhiều năm trời, làm lý do đưa ra dư luận thông cảm, đồng thuận rồi cùng với tỉnh Bình Thuận nhất trí bỏ sân golf xây đô thị [5.2]. Xem trích văn bản số 204-BC/TH-RĐ ngày 24/12/2013 của Rạng Đông gửi các cơ quan chức năng trong tỉnh Bình Thuận (hình 5.1).

 

Sân golf Phan Thiết

2. Nếu kinh doanh sân golf cũng không thể lỗ

Tuy nhiên, cũng đặt câu hỏi: nếu Rạng Đông tiếp tục kinh doanh Sân golf Phan Thiết thì có lỗ không ?. Cũng trả lời luôn: không lỗ. Bởi lẽ:

Thứ nhất. các hội viên đã chấp nhận chi 200.000 USD cho Công ty cổ phần Rạng Đông mỗi năm để bù lỗ.

Thứ hai. Lúc này Rạng Đông độc quyền kinh doanh luôn cả hai sân golf Sea Links và Phan Thiết, không còn cạnh tranh khốc liệt như hai đối thủ nữa. Sự độc quyền tất yếu sẽ tạo ra gia tăng doanh thu cho cả hai sân golf.

Thứ ba. Các luật sư đại diện cho hội viên đề nghị: Nếu Công ty cổ phần Rạng Đông không có khả năng tiếp tục hoạt động sân golf, đề nghị công ty chuyển nhượng cho chủ đầu tư khác. Nhưng Nguyễn Văn Đông vẫn chọn phương án đóng cửa sân golf.

3. Hô biến sân golf biến thành khu đô thị là mục tiêu chung

Nêu ra lý do vì kinh doanh lỗ nên phải chuyển đổi sang đất ở đô thị là một sự dối trá, nói thẳng ra là Nguyễn Văn Đông không muốn để Sân golf Phan Thiết nữa. Phải xóa bỏ để phân lô bán nền, nên đã đơn phương quyết định chuyển 189 hội viên qua Sân golf Sea Links chơi với lời lẽ thách thức là: muốn thì cùng nhau ra tòa. Mà ra tòa, Nguyễn Văn Đông biết chắc không thua, bởi Đông nắm hành pháp và cả hệ thống tư pháp tỉnh Bình Thuận (hình 5.2), và cùng lắm thì trả lại tiền mua thẻ hội viên, vẫn lãi chán.

Chính vì vậy, cùng với sự hậu thuẫn của chính quyền tỉnh Bình Thuận, Nguyễn Văn Đông đã trả lời báo chí một cách ngạo mạn “một sản phẩm lỗ thì không ai mua làm gì.”.

Tuy nhiên, nếu hỏi ngược lại Nguyễn Văn Đông và chính quyền tỉnh Bình Thuận: 

Một. Đã biết Sân Golf lỗ rồi thì mua làm gì ?

Hai. Trước đó nửa tháng, tại sao trong Giấy phép chứng nhận đầu tư ghi rõ mục đích là: “Xây dựng và kinh doanh một sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế và các công trình phục vụ kèm theo”, khi tỉnh Bình Thuận cho Rạng Đông nhận chuyển nhượng Sân Golf.

Ba. Nếu Sân Golf thua lỗ, tại sao không chọn phương án chuyển nhượng lại cho nhà đầu tư khác ?Sân Golf Phan Thiết

Nói thêm, hình 5.2:

Đoàn đi Nga được ngân sách “tỉnh Rạng Đông” tài trợ từ ngày 02-09/9/2013. Ngay sau đó, Nguyễn Văn Đông thực hiện huy động vốn và xúc tiến mua 100% cổ phần chủ đầu tư sân golf. Đến ngày 15/11/2013, UBND tỉnh chuyển Sân golf Phan Thiết cho Rạng Đông. Và, ngày 02/12/2013, Rạng Đông làm văn bản xin chuyển sân golf thành đất ở đô thị.

Danh sách 6 quan chức tỉnh Bình Thuận từ trái qua phải (hình 5.2):

1) Hoàng Đình Nghĩa, Chánh văn phòng UBND tỉnh, Passport No.: S1050385

2) Hồ Dũng Nhật, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh, Passport No.: B5692642

3) Nguyễn Ngọc Phước, Phó viện KSND tinh, Passport No.: S1114073

4) Đào Ngọc Nghĩa, Phó giám đốc Công an tỉnh, Passport No.: S1125763

5) Huỳnh Thanh Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Passport No.: S1085396 (em ruột Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tý)

6) Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Passport No.: S1114073

Ghi chú: Những người như Đại tá Phạm Thật, PGĐ Công an tỉnh, thủ trưởng cơ quan điều tra; phu nhân Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Phương; … được “tỉnh Rạng Đông” bố trí đi Mỹ trong đoàn khác.

II. Tỉnh Bình Thuận

Nguyễn Văn Đông, dù cho có tráo trở, lật lọng của “anh hùng lừa đảo”, “lanh mưu” cỡ nào đi nữa, cũng không thể phân lô bán nền cả 62 ha đất sân golf được. Mà phải có sự đồng lõa, giúp sức tích cực từ một số quan chức cấp cao của tỉnh Bình Thuận làm việc cho “tỉnh Rạng Đông”. 

Dưới sức ép của dư luận, mạng xã hội, đặc biệt là sự kiên trì đeo đuổi làm rõ vụ việc của ông Đinh Trung, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phải yêu cầu Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát lại việc chuyển đổi sân golf Phan Thiết sang khu đô thị; kiểm tra việc lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại khu đô thị du lịch biển Phan Thiết. Tuy nhiên, những góc khuất quan hệ phía sau các văn bản hành chính thì cơ quan Thanh tra thường đồng cảm bỏ qua.

1. Quan hệ giữa lãnh đạo tỉnh và Nguyễn Văn Đông

Ông Đinh Trung, nguyên Ủy viên Trung ương, Bí thư tỉnh ủy Bình Thuận 1992-2000; trong đơn “Đơn phản ảnh và đề nghị” ngày 02/01/2019, ông đã viết (hình 5.3): 

“Đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Tổng Thanh tra Chính phủ thành lập đoàn thanh tra để thanh tra toàn diện dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết (việc xóa bỏ sân golf, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, đấu giá quyền sử dụng đất, định giá đất, đấu thầu xây dựng các công trình công cộng…). Đồng thời xem xét mối quan hệ giữa lãnh đạo tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh với Công ty cổ phần Rạng Đông, có kết luận công khai, minh bạch; nếu có vi phạm, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức và cá nhân có liên quan.”

Sân golf Phan thiết

Trong công cuộc chống tham nhũng của các nhóm lợi ích, thường nghe câu hỏi: chứng cứ đâu ?. Chẳng quốc gia nào như Việt Nam, chống tham nhũng như bắt ngoại tình, phải thấy tại trận “trai trên gái dưới cùng ở truồng” mới chịu là thông dâm.

Nói thẳng là quan chức có nhà đất nhiều, biệt thự to, đi du lịch, con đi học ở nước ngoài, đa số đều từ nguồn tiền tham nhũng. Tham nhũng trong các dự án, tham nhũng do mua bán ghế, tham nhũng từ rút ruột tài nguyên; còn cơ quan nội chính thì tham nhũng từ sự bảo kê cho tham nhũng, những đại gia phạm luật, . …

Khi quốc hội chưa quy định xử lý tài sản bất minh vào luật [5.3] thì quan chức tha hồ tham nhũng, móc ngoặc. “Ăn” xong chùi mép sạch sẽ, tài sản của chìm của nổi đó, chẳng ai làm gì được. Hơn 70% Đại biểu Quốc hội, hết thời gian họp rồi về làm việc lại ở địa phương, các bộ ngành thuộc hành pháp, tư pháp cũng hưởng đủ đặc quyền đặc lợi, “không ngu” mà họ lại biểu quyết xử lý tài sản bất minh trong đó có bản thân. Ông Nguyễn Hòa Bình là một ví dụ [5.4], đố ai dám làm gì ông này và còn nhiều ông (bà) khác nữa ?

Quan chức tỉnh Bình Thuận đối với dự án Sân golf Phan Thiết cũng vậy, có vẻ “ngây ngô” như không biết gì, giải quyết công việc theo hướng tạo ra chuyện đã rồi và xử lý vụ việc phát sinh. Không thể nói cán bộ, quan chức thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm mà là sự đồng lõa đã được tính toán lên kế hoạch thực hiện chi tiết. Có thể đưa ra dẫn chứng:

– Ngày 15/11/2013, tỉnh Bình Thuận đồng ý chuyển nhượng Sân golf Phan Thiết cho Rạng Đông; giấy chứng nhận đầu tư ghi rõ mục tiêu: “xây dựng và kinh doanh một sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế …”

– Ngày 02/12/2013 Rạng Đông đề nghị UBND tỉnh cho chuyển đổi đất sân golf sang đất ở đô thị. 

– Ngày 01/3/2014 Rạng Đông thông báo chấm dứt hoạt động sân golf từ ngày 01/4/2014 lãnh đạo tỉnh không có ý kiến gì.

– Ngày 05/3/2014 Chủ tịch UBND tỉnh có thông báo số 75/TB-UBND thống nhất với đề nghị của Rạng Đông.

Trước sự phản ứng của Hội viên sân golf, ngày 15/3/2014, ông Lê Tiến Phương, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận trả lời báo chí: “Việc chuyển đổi mới chỉ xin chủ trương từ UBND tỉnh, UBND tỉnh đề nghị Tỉnh ủy xem xét, rồi chuyển lên xin chủ trương Chính phủ. Cả UBND tỉnh, Tỉnh ủy đều không quyết định được. Khi chủ trương được thông qua thì mới đến các bước điều chỉnh quy hoạch, làm thủ tục chuyển đổi”[5.5].

Nếu phải “xin chủ trương Chính phủ” thì trong thời gian chờ trả lời của Chính phủ: tỉnh Bình Thuận phải có ý kiến không cho phép Rạng Đông đóng cửa sân golf để bảo đảm quyền lợi hội viên và môi trường đầu tư lành mạnh.

Trong khi chưa có ý kiến của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh đã phát hành Thông báo số 75/TB-UBND cho phép chuyển đổi mục đích sân golf Phan Thiết sang dự án khu đô thị. Thông báo được gửi đến tất cả Ban Thường vụ cấp ủy, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các ban của Tỉnh ủy, Báo Bình Thuận, Đài PTTH Bình Thuận… và “đề nghị Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh, các đoàn thể tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội, UBND thành phố Phan Thiết chỉ đạo tổ chức tuyên truyền cho nhân dân và đoàn viên, hội viên của đơn vị mình và địa phương biết để hiểu rõ, tạo sự đồng thuận trong xã hội về vấn đề trên”.

Thực tế đó chứng tỏ lãnh đạo tỉnh Bình Thuận ngay từ đầu đã câu kết, móc ngoặc, cùng đồng lõa với chủ đầu tư là Nguyễn Văn Đông nhằm xóa bỏ sân golf, để lấy đất kinh doanh bất động động sản. 

Giúp cho Nguyễn Văn Đông phân lô bán nền hơn 62 ha đất đô thị, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã cố tình lướt qua, xem nhẹ nhiều trình tự, thủ tục pháp lý dưới đây:

2. Thứ nhất là quy hoạch

Lãnh đạo Bình Thuận phá vỡ quy hoạch ngành – lĩnh vực sân golf, bỏ Sân golf Phan Thiết ra khỏi quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020. Thay đổi quy hoạch đô thị thành phố Phan Thiết với quy mô 62 ha để phù hợp với chiến lược “quả đấm thép của tỉnh Rạng Đông” trong khi vùng Trung tâm của thành phố Phan Thiết rất thiếu đất thể dục thể thao, công viên cây xanh.

3. Thứ hai là đất đai

Lãnh đạo Bình Thuận đã tự hủy bỏ quy hoạch 2010-2020, kế hoạch hoạch sử dụng đất 2010-2015 mà Hội đồng nhân dân, Chính phủ đã phê duyệt trước đó, khi đồng lõa chuyển đất sân golf thành khu đô thị.

Nhà nước giao đất cho dự án Sân golf Phan Thiết theo phương thức cho thuê đất 50 năm, trả tiền hàng năm với mục đích sử dụng là đất thể dục thể thao. Khi dự án đầu tư thay đổi mục đích sử dụng đất tức là đương nhiên mất quyền sử dụng đất đã thuê. Vì vậy Hội đồng nhân dân phải thực hiện thủ tục tiến hành thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Và giao đất theo phương thức đấu giá dự án / đấu giá quyền sử dụng đất. 

Một loạt các thủ tục: Chuyển mục đích sử dụng đất từ thể dục thể thao sang đất ở. Chuyển từ cho thuê đất trả tiền hàng năm sang giao đất có thu tiền sử dụng đất. Chuyển dự án Ocean Dunes Golf Clup thành Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết. Giao cho Công ty Golf và Câu lạc bộ Golf Phan Thiết là chủ đầu tư, mà Công ty Golf và Câu lạc bộ Golf Phan Thiết đổi tên thành Công ty TNHH Khu đô thị Du lịch biển Phan Thiết là của ông Nguyễn Văn Đông 97% thực hiện rất nhanh, không khai minh bạch.

Cho thấy lãnh đạo Bình Thuận, người đại diện là Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Phương đã bắt tay đồng lõa với Nguyễn Văn Đông phá bỏ quy hoạch, giao đất không qua đấu giá, định giá đất thấp cùng với quá nhiều cơ chế ưu đãi về đất đai, … điều này ảnh hưởng rất lớn tới môi trường đầu tư: gây bức xúc dư luận, bất bình đẳng giữa các nhà đầu tư, không tuân thủ quy luật kinh tế thị trường.

4. Thứ ba là tài chính

Nếu lượng hóa thành tiền các “ưu đãi đầu tư” của lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cho phi vụ hô biến 62 ha sân golf sang khu đô thị, thì sẽ thấy tỉnh Bình Thuận chuyển qua “tỉnh Rạng Đông” của Nguyễn Văn Đông số tiền cực khủng. Đó là:

1) Không đấu giá quyền sử dụng đất mà áp giá quá thấp

Ngày 25/11/2015 Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận có Quyết định số 3371/QĐ-UBND về phê duyệt giá đất để tính tiền sử dụng đất cho 363.523m2 với số tiền sử dụng đất là 936,8 tỷ đồng, tức thu tiền sử dụng đất là hơn 2,577 triệu đồng/ m2

Trong khi giá đất khu vực này từ 10 triệu đến 24 triệu đồng/m2, như vậy là nhà đầu tư đã thu lợi ít nhất là từ 2.698 tỷ đến 7.787,8 tỷ đồng.

Còn nếu chỉ tính giá nhà nước theo Quyết định số 59/2014/QĐ-UBND ngày 26/12/2014, bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Giá đất nhà nước khu vực này từ 7,2 triệu đến 14 triệu đồng/m2, như vậy là nhà nước đã mất từ 1.681 tỷ đến 4.152 tỷ đồng.

Thực tế là từ khi quy hoạch 1/500 được duyệt, phân lô bán nền với giá thấp 20-30 triệu đồng/m2, có vị trí 68-78 triệu đồng/m2, nếu tính thêm giá đất 7 block nhà cao tầng từ 20-40 tầng, sẽ tạo ra lợi nhuận gộp hàng chục ngàn tỉ đồng.

2) Không bố trí 20% quỹ đất nhà ở xã hội trong quy hoạch dự án

Đồng thuận với quan điểm Nguyễn Văn Đông, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận thực hiện “cách ly” người dân nghèo ra khỏi vùng dự án; đó là đã hoán đổi 20% (72.705 m2) quỹ đất ở của dự án để xây dựng nhà ở xã hội sang vị trí khác và tạo điều kiện để Nguyễn Văn Đông “mua lại”. Giá mua lại nếu tính theo giá nhà nước (giai đoạn 1/1/2015 đến 31/12/2019), sau khi hạ tầng hoàn chính:

– giá đất trục đường ven biển là 8,4 triệu đồng/m2: 610,72 tỷ đồng

– giá đất đường Nguyễn Tất Thành là 11 triệu đồng/m2: 799,75 tỷ đồng

– giá đất đường Tôn Đức Thắng là 14 triệu đồng/m2: 1.017,86 tỷ đồng

Còn nếu cho đấu giá theo giá thị trường bất động sản: không dưới 1.200 tỷ.

Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận chuyển cho “tỉnh Rạng Đông” mua lại với giá 187,36 tỉ đồng (2.577.000 đồng/m2) để kinh doanh thu lợi ít nhất từ 423,4 tỷ đến 830,5 tỷ đồng.

3) Đề xuất Bộ tài chính giãn nộp tiềp sử dụng đất

Trong khi với người dân chuyển mục đích sử dụng đất phải nộp thuế ngay mới được lấy sổ đỏ, thì lãnh đạo tỉnh Bình Thuận ngày 22/12/2015, có văn bản số 4677/UBND-ĐTQH gửi Bộ Tài chính đề nghị giãn nộp tiền sử dụng đất 24 tháng, đến hết năm 2017. 

Với số tiền sử dụng đất phải nộp là 936,8 tỷ đồng, tạm tính lãi suất vay đầu tư dự án bất động sản là 10,5%/năm thì Rạng Đông sẽ thu lợi nhờ không phải trả lãi vay hơn 98 tỷ đồng cho năm đầu tiên.

***

Tính nhẩm sơ sơ 3 khoản trên thì lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã vận dụng chính sách để biếu không cho “anh hùng” Nguyễn Văn Đông con số không dưới 6.000 tỷ đồng. Con số này chưa tính đến hiệu quả đầu tư và kinh doanh của dự án và phù hợp với khái toán để quyết định đầu tư sau chuyến đi Nga vào đầu tháng 9/2013 (hình 5.4). 

Số tiền này chính là tiền lãnh đạo tỉnh đã tạo điều kiện cho Nguyễn Văn Đông rút ruột từ tài nguyên đất đai của người dân tỉnh Bình Thuận.

Vì vậy báo Nhân Dân điện tử ngày 22/7/2014 viết “chủ đầu tư thu về khoảng 7.400 tỷ đồng. [5.6] là hoàn toàn có cơ sở.

Sân Golf Phan thiết

5. Tất cả vì “tỉnh Rạng Đông”

Cán bộ, quan chức tỉnh Bình Thuận, không phải là “ngu đần” đến mức Rạng Đông đề xuất sao là chấp nhận ngay. Mà ở đây “nhờ chính sách nhân sự của tỉnh Rạng Đông(xem lại Bài 3) mà lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã chỉ tạo điều kiện thuận lợi nhất về cơ chế chính sách, thủ tục nhanh chóng để Rạng Đông thực hiện dự án xẻ thịt Sân golf Phan Thiết nhanh nhất. Đến nỗi ông Đinh Trung trong Đơn phản ảnh và đề nghị” ngày 02/01/2019 đã viết: “Đây là cách làm không bình thường, là quy trình ngược, với mục đích, động cơ không trong sáng, lành mạnh.

Gái có công, chồng chẳng phụ…”, con số hơn 6.000 tỷ đồng mà lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện cho Nguyễn Văn Đông rút ruột từ tài nguyên đất đai của Bình Thuận được tưởng thưởng xứng đáng cho những cán bộ, quan chức tham gia, bảo kê, ủng hộ dự án. Ngân sách, tài nguyên tỉnh Bình Thuận chuyển qua “tỉnh Rạng Đông”, thì mới có để chi phí cho những chuyến du lịch nước ngoài của quan chức và vợ; những biệt thự hàng triệu USD; những phong bì, quà tặng mà đơn vị tính là tỷ đồng.

Chính vì lợi ích vật chất quá lớn mà lãnh đạo tỉnh Bình Thuận huy động cả hệ thống chính trị “chỉ đạo tổ chức tuyên truyền cho nhân dân và đoàn viên, hội viên của đơn vị mình và địa phương biết để hiểu rõ, tạo sự đồng thuận trong xã hội về vấn đề trên” (theo thông báo số 75/TB-UBND ngày 05/3/2014). Rồi từ đó khẳng định là có sự “đồng thuận của nhân dân”. 

Có Cựu chiến binh VMT đã cực lực phản đối ông Phó bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng khi tiếp xúc cử tri: “… Sự đồng thuận của nhân dân là dựa trên cơ sở khoa học nào ? Có biên bản cuộc họp tổ dân phố, thôn chưa ? Có trưng cầu dân ý không ? Chỉ vài 3 người lên sóng truyền hình, báo địa phương rồi nói: chủ trương cho phép Rạng đông chuyển đất ở đô thị là SỰ ĐỒNG THUẬN CỦA NHÂN DÂN… Tôi cho là mị dân ?…

Không “nhân dân” nào đồng ý chuyển 62 ha đất công thành đất tư; và cũng không “nhân dân” nào đồng thuận để nhóm lợi ích chiếm đoạt tài nguyên đất hơn  6.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận không thể xẻ thịt Sân golf Phan Thiết được, nếu không có sự chấp thuận từ người đứng đầu …

III. Chính phủ

Đó là những thủ tục không phải ai cũng chạy được, để có được một khu đô thị 62 ha tại trung tâm một thành phố loại II. Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nói chung và cá nhân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tạo điều kiện cho Nguyễn Văn Đông xẻ thịt một sân golf hơn 62 ha, đẹp nhất Đông Nam Á để phân lô bán nền một cách ngoạn mục.

Hiếm có dự án khu đô thị trung tâm thành phố loại II nào ở Việt Nam với quy mô hơn 62 ha, mà ngày 26/05/2014 còn là quy hoạch của một sân golf theo Quyết định số 795/QĐ-TTg [5.7] với mục đích sử dụng là đất thể dục thể thao; vậy mà hơn 18 tháng sau, đầu năm 2016 đã hoàn thành thủ tục để rao bán nền, người mua “nộp tiền góp vốn dự án Phố biển Rạng Đông”. Rõ ràng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thực hiện đúng lời hứa “nếu sau này có gì cứ ra gặp trực tiếp Thủ tướng” từ cuộc gặp riêng ở khách sạn Sealinks ngày 19/02/2013 với Nguyễn Văn Đông.

Cho nên Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra, xác minh, làm rõ các sai phạm trong quá trình chuyển đổi sân golf thành khu đô thị chỉ ở phạm vỉ tỉnh Bình Thuận thì không thể đưa bản chất gốc rễ của vấn đề để giải quyết triệt để. Mà đồng thời phải làm rõ các sai phạm của Chính phủ và các Bộ của nhiệm kỳ trước, nhiều chủ trương được quyết định rất không bình thường.

1. Các thủ tục đầy nghi vấn của nhóm lợi ích ?

1) Văn bản số 2117/TTg-KTN, ngày 28/10/2014 đồng ý đưa Sân golf Phan Thiết ra khỏi Quy hoạch đã phủ nhận quyết định trước đó 7 tháng là Sân golf Phan Thiết vẫn còn trong quy hoạch ngành, lĩnh vực kinh tế đến năm 2020.

2) Đồng ý điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) tỉnh Bình Thuận, mà Chính phủ ký trước đó không lâu trong Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 04/05/2013 [5.8].

3) Đồng ý cho chuyển mục đích sử dụng đất thể dục thể thao sang đất ở đô thị. Trong khi mới cuối năm 2013, quyết định quy hoạch xây dựng đô thị, đất đai thành phố Phan Thiết: đất thể dục thể thao rấ thấp năm 2010 là 98,41 ha (tỷ lệ 0,48%), nhu cầu phải tăng liên tục đến năm 2020 là 571 ha (tỷ lệ 2,76%) [5.9].

4) Rất nhanh chóng có ý kiến đồng tình Quy hoạch khu đô thị 62 ha và ý kiến chấp thuận đầu tư dự án xây dựng khu đô thị khu đô thị 62 ha do Nguyễn Văn Đông làm chủ đầu tư.

5) Cho phép tỉnh Bình Thuận “nghiên cứu để điều chỉnh lại quy hoạch quỹ đất ở dành cho xây dựng nhà ở xã hội sang vị trí khác phù hợp trong thành phố Phan Thiết, với diện tích tương đương 20% quỹ đất ở trong dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết” tạo điều kiện cho Nguyễn Văn Đông chiếm đoạt thêm hàng ngàn tỷ đồng (xem II.4.3) bằng văn bản số 906/BXD-QLN [5.10].

2. Khuất tất

Chính phủ nhiệm kỳ trước điều hành kinh tế vĩ mô theo cơ chế xin cho, chạy chọt; tự phá vỡ quy hoạch; không minh bạch thông tin quy hoạch, dự án; … đã tạo cơ hội cho “anh hùng” Nguyễn Văn Đông ở Bình Thuận nói riêng (và nhiều đại gia khác trên cả nước) chiếm đoạt tài nguyên quốc gia. Tất nhiên, những quan chức tạo cơ hội thực hiện không thể không biết và cũng không để cho các đại gia được hưởng trọn.

Nói về phi vụ xẻ thịt Sân golf Phan Thiết, xin đưa ra một dẫn chứng về sự khuất tất của Chính phủ:

Ngày 26/05/2014, THỦ TƯỚNGQUYẾT ĐỊNH số 795/QĐ-TTg “Điều chỉnh, bổ sung danh mục các sân golf dự kiến phát triển đến năm 2020…”. Theo đó: quy hoạch ngành/lĩnh vực sân golf: Chính phủ vẫn giữ sân golf Phan Thiết trong danh mục phát triển đến năm 2020. Đồng thời quyết định này được công bố công khai [5.7].

Đến ngày 28/10/2014, một PHÓ THỦ TƯỚNGCÔNG VĂN số 2117/TTg-KTN đồng ý đưa sân golf Phan Thiết ra khỏi Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020. Công văn này không công bố công khai (chẳng khác gì đóng dấu “MẬT” như vụ “Vinaphone mua AVG”). Đến khi báo chí vào cuộc thì mới biết là Sân golf Phan Thiết đã âm thầm rút ra khỏi quy hoạch rồi !.

Có hai vấn đề mà một Chính phủ minh bạch cần trả lời:

– Thứ nhất. Công văn của một ông Phó thủ tướng ký dạng trao đổi giải quyết công việc nhưng lại điều chỉnh Quyết định của Thủ tướng ký.

– Thứ hai: một văn bản liên quan tới quy hoạch của một ngành kinh tế, nhưng lại không công bố (chỉ lưu hành nội bộ). Trong khi các văn bản liền kề trước và sau đó có ký hiệu “/TTg-KTN” được Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ký đều công bố lên Cổng thông tin Chính phủ, dẫn chứng cụ thể (hình 5.5):

Văn bản 2111/TTg-KTN ngày 27/10/2014 công bố tại http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&_page=46&mode=detail&document_id=177095

Văn bản 2120/TTg-KTN ngày 28/10/2014 công bố tại http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&_page=46&mode=detail&document_id=182205

Còn văn bản số 2117/TTg-KTN ngày 28/10/2014: không tìm thấy.

 

Sân Golf Phan Thiết

3. Thanh tra ?

Trước sức ép liên tục bằng đơn thư khiếu nại của cán bộ hưu trí, đảng viên, cựu chiến binh tỉnh Bình Thuận, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra và báo cáo Chính phủ kết quả vào tháng 6-2019. Không đồng tình với kết luận của Thanh tra Chính phủ, ông Đinh Trung tiếp tục gửi đơn tố cáo tới lãnh đạo cấp cao của đảng, nhà nước. 

Buộc lần thứ 2, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình phải giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra, xác minh, làm rõ các sai phạm trong quá trình chuyển đổi đất đai xây dựng sân golf thành khu du lịch biển Phan Thiết, báo cáo kết quả trong tháng 6-2020.

Thanh tra lần thứ 2 tại Bình Thuận để làm rõ các sai phạm và có khả năng tham nhũng của lãnh đạo tỉnh ủy, UBND là cần thiết. Tuy nhiên, việc này mới chỉ là hớt phần ngọn, mang tính dân túy xoa dịu bức xúc một phần dư luận.

Bởi vì là Thanh tra Chính phủ không thể độc lập và không đủ thẩm quyền để điều tra toàn bộ dự án và những người cao hơn Tổng thanh tra Chính phủ đã tham gia vào dự án. Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận không thể nào dám sai phạm nếu không được bật đèn xanh từ những cấp thẩm quyền cao hơn.

Tổng Thanh tra Chính phủ không thể kết luận: ai, động cơ, mục đích ? đã chỉ đạo thực hiện các thủ tục đầy nghi vấn và khuất tất mang dấu hiệu của nhóm lợi ích trình bày ở các phần trên.

Cụ thể, Tổng Thanh tra Chính phủ không đủ thẩm quyền để kiến nghị, kết luận: 

– Mặc dù Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm “người tử tế”, nhưng còn ông phó thủ tướng nào ký, chịu trách nhiệm khi phá vỡ quy hoạch chiến lược quốc gia (quy hoạch sân golf, quy hoạch đất đai), bây giờ ông ta làm gì, phải xử lý như thế nào ?

– Ông Bộ trưởng Xây dựng chịu trách nhiệm gì khi hoán chuyển 20% đất “nhà ở xã hội sang vị trí khác phù hợpvới lý donếu bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội sẽ có chênh lệch rất lớn, tạo ra phân tầng xã hội trực diện” nhằm cách ly người nghèo ra khỏi khu đô thị cao cấp, để Nguyễn Văn Đông hưởng lợi thêm ngàn tỷ. 

Hiện nay ông lên Phó thủ tướng thì Tổng Thanh tra Chính phủ làm gì được ?

– Và, thậm chí ai là người đủ thẩm quyền buộc báo chí không đưa tin liên quan tới những khuất tất, mờ ám trong tiến trình xẻ thịt Sân golf Phan Thiết 4 năm trời (2015-2018). 

.v.v…

(xem tiếp Bài 6. LÀM SAO CHO CÓ NIỀM TIN?)

________________

Ghi chú:

[5.1] Vụ ‘biến’ sân golf Phan Thiết thành khu đô thị: Phó Thủ tướng chỉ đạo làm rõ hàng loạt nội dung https://vietnammoi.vn/vu-bien-san-golf-phan-thiet-thanh-khu-do-thi-pho-thu-tuong-chi-dao-lam-ro-hang-loat-noi-dung-20200513174421197.htm

[5.2] Bình Thuận nhất trí bỏ sân golf xây đô thị https://nhadat.tuoitre.vn/binh-thuan-nhat-tri-bo-san-golf-xay-do-thi-596457.htm

[5.3] Quốc hội thống nhất chưa quy định xử lý tài sản bất minh vào luật https://zingnews.vn/quoc-hoi-thong-nhat-chua-quy-dinh-xu-ly-tai-san-bat-minh-vao-luat-post893651.html

[5.4] Tra Google từ khóa: tài sản ông Nguyễn Hòa Bình 

(hoặc vào https://thoibao.de/blog/2020/05/08/kiem-ke-tai-san-noi-cua-nguyen-hoa-binh-chanh-an-tand-toi-cao-tdkc/)

Ông Nguyễn Hòa Bình là Đại biểu quốc hội, Bí thư Ban chấp hành Trung ương đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Sau phiên tòa Giám đốc thẩm ngày 6-8/5/2019 tuyên án tử hình Hồ Duy Hải; trên mạng công bố nhiều thông tin nhà đất mang tên gia đình ông Nguyễn Hòa Bình và yêu cầu giải trình (?!). Gia đình ông Nguyễn Hòa Bình cũng là đồng hương Quảng Ngãi và thân thiết với Nguyễn Văn Đông từ nhiều năm nay.

[5.5] Vụ sân golf Phan Thiết: hội viên phản đối, tỉnh chờ chủ trương https://tuoitre.vn/vu-san-golf-phan-thiet-hoi-vien-phan-doi-tinh-cho-chu-truong-598274.htm

[5.6] Bất thường việc chuyển mục đích sử dụng đất sân gôn Phan Thiết – https://www.nhandan.com.vn/nation_news/item/23847502-%C2%A0bat-thuong-viec-chuyen-muc-dich-su-dung-dat-san-gon-phan-thiet.html

[5.7] Quyết định số 795/QĐ-TTg, ngày 26/05/2014, của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký, “Điều chỉnh, bổ sung danh mục các sân golf dự kiến phát triển đến năm 2020, ban hành kèm theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020” vẫn giữ sân golf Phan Thiết trong danh mục dự kiến phát triển đến năm 2020. Nguồn http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&_page=1&mode=detail&document_id=174126

[5.8] Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 04/05/2013 https://thuvienphapluat.vn/van-ban/bat-dong-san/Nghi-quyet-59-NQ-CP-nam-2013-quy-hoach-su-dung-dat-den-nam-2020-ke-hoach-su-dung-184753.aspx

[5.9] Quyết định số 3200/QĐ-UBND, ngày 13/12/2013 của UBND tỉnh Bình Thuận, Về việc xét duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ đầu (2011-2015) của thành phố Phan Thiết: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/bat-dong-san/Quyet-dinh-3200-QD-UBND-2013-Quy-hoach-su-dung-dat-2020-Ke-hoach-2011-2015-Phan-Thiet-Binh-Thuan-222960.aspx

[5.10] Văn bản số 906/BXD-QLN, ngày 24/04/2015 của Bộ Xây dựng, V/v thực hiện nghĩa vụ điều tiết quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư khu đô thị: https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Dau-tu/Cong-van-906-BXD-QLN-2015-dieu-tiet-quy-dat-xay-dung-nha-o-xa-hoi-phat-trien-nha-o-thuong-mai-273168.aspx

(By. Phan Bình Minh – Email: pbmvn20@gmail.com)

 

Tin bài liên quan:

Chuyển đổi Sân Golf Phan Thiết có đúng quy định pháp luật không? (Bài 3, Bài 4)

Phan Thanh Hung

VNTB – Sân Golf Phan Thiết ( Bài 6a)

Phan Thanh Hung

VNTB – Sân golf Phan Thiết: mặt thật người anh hùng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo