Việt Nam Thời Báo

VNTB – Hệ lụy tất yếu của kinh tế thị trường định hướng XHCN?

Ngọc Lan

(VNTB) – Kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) liên tục tăng và hiện ở mức cao, gần 90.000 tỷ đồng.

11 Hiệp hội ngành hàng đã gửi Thư kiến nghị tới Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, và đồng kính gửi Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam để đề xuất cuộc họp với các Hiệp hội ngành hàng và kiến nghị các chính sách hỗ trợ của BHXH Việt Nam cho người lao động và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Bảy vấn đề kiến nghị

Trong thư, 11 Hiệp hội gồm Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT), Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS), Hội Lương thực thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh (FFA), Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA), Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ Tp.Hồ Chí Minh (HAWA) và Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) đề nghị:

1. Phó Thủ tướng sắp xếp và chỉ đạo có một cuộc họp trước 18/9/2021 với các Hiệp hội ngành hàng chúng tôi để các Hiệp hội, đại diện các cộng đồng doanh nghiệp, được báo cáo, chia sẻ sự chung tay cùng Chính phủ trong công tác chống dịch mới, cũng như các sáng kiến, đề xuất, kiến nghị để phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn.

2. Phó Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo và BHXH Việt Nam xem xét cho một vấn đề bức thiết như sau:

Một, đối với những lao động tạm ngừng việc do doanh nghiệp ngừng sản xuất hoặc không thể tham gia làm việc “3 tại chỗ” hoặc phải đi cách ly: cho phép hỗ trợ giải quyết chế độ BHXH cho người lao động theo khoản 1 Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội, hưởng chế độ ốm đau bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm trong thời gian thực hiện giãn cách/ hay cách ly để phòng, chống dịch Covid theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Hai, cho phép doanh nghiệp và người lao động được miễn giảm 100% phí BHXH của doanh nghiệp và người lao động trong thời gian đại dịch phải ngừng hoạt động và thực hiện giãn cách xã hội theo yêu cầu Nhà nước, kể cả trường hợp người lao động ngừng việc được doanh nghiệp trả lương tối thiểu.

Ba, cho phép các doanh nghiệp ở các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg hoặc các khu vực, địa phương mà Ban chỉ đạo phòng chống dịch, UBND các Tỉnh yêu cầu doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” được tạm ngừng đóng BHXH ít nhất 3 tháng sau khi được gỡ bỏ giãn cách, bỏ yêu cầu thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”.

Bốn, đối với những lao động đã và đang làm việc “3 tại chỗ”: cho phép doanh nghiệp và người lao động được giảm 50 % mức đóng BHXH trong 6 tháng.

Năm, về xử phạt: Không áp dụng các hình thức xử phạt đối với các doanh nghiệp không có khả năng đóng BHXH trong giai đoạn phong tỏa, do phải ngừng sản xuất hoặc bị giảm quy mô sản xuất do dịch bệnh Covid-19.

Sáu, bảo hiểm y tế chi trả chi phí xét nghiệm Covid-19 cho các doanh nghiệp.

Bảy, có chính sách hỗ trợ khẩn cấp đối với tất cả người lao động đã và đang hoàn thành đầy đủ trách nhiệm đóng BHXH cho đến hiện tại.

Kết dư gần 90.000 tỷ đồng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp: Cần chi hỗ trợ kịp thời cho người lao động

Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện các chế độ, chính sách về BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020 được công khai hôm 17-8-2021, thì tính đến hết năm 2020, tổng số kết dư Quỹ BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ước đạt gần 935,1 ngàn tỷ đồng, trong đó các quỹ kết dư chuyển sang năm 2021 lần lượt là: Quỹ ốm đau, thai sản hơn 12,7 ngàn tỷ đồng; Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hơn 53,7 ngàn tỷ đồng; Quỹ hưu trí, tử tuất hơn 789,1 ngàn tỷ đồng; Quỹ BHTN hơn 89,1 ngàn tỷ đồng.

Theo quy định của Luật BHXH, Quỹ BHXH là quỹ tài chính độc lập với ngân sách nhà nước, được hình thành từ đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động và có sự hỗ trợ của Nhà nước. Quỹ BHXH bao gồm 3 quỹ thành phần: (1). Quỹ ốm đau và thai sản; (2). Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; (3). Quỹ hưu trí và tử tuất. Trong 3 quỹ thành phần thì Quỹ hưu trí và tử tuất là quỹ dài hạn.

Có thắc mắc vì sao không dùng hơn 89.100 tỷ đồng kết dư quỹ BHTN để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh? Và nếu không có gì khuất tất ở đây, cần làm rõ vì sao qua số liệu cho thấy các quỹ ngắn hạn đều “có kết dư lớn”, và trong tình hình dịch giã kéo dài gần hai năm qua, thì như vậy hoàn toàn không bình thường (?!)


Tin bài liên quan:

VNTB – Sài Gòn không còn u ám và đầy tử khí như trước…

Phan Thanh Hung

VNTB – Nhật ký mùa săn Cô Tên Vy

Phan Thanh Hung

VNTB – Các chương trình thi ngoại ngữ văn bằng quốc tế tại Việt Nam hiện tạm dừng

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo