Định Tường
(VNTB) – “Thu thử” từ chiều ngày 25-9, đến 7-10 thì “tái thu chính thức”.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có báo cáo Bộ Giao thông vận tải về việc thu phí trở lại dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km1987+500-Km2014 tỉnh Tiền Giang. Theo đó, thời gian dự kiến thu phí BOT Cai Lậy thử là đầu giờ chiều ngày 25-9, thu phí chính thức là ngày 7-10.
Dự án BOT Cai Lậy dài hơn 38 km, tổng mức đầu tư ban đầu tư gần 1.400 tỉ đồng, bao gồm tăng cường mặt Quốc lộ 1 dài hơn 26 km và xây dựng tuyến tránh Cai Lậy dài 12 km. Trạm thu phí đặt trên Quốc lộ 1 để thu phí cho 2 tuyến đường. Đây là 1 trong những dự án BOT gặp nhiều lùm xùm nhất, từ khi trạm đi vào hoạt động ngày 1-8-2017, nhiều tài xế đã dùng tiền lẻ mua vé, tụ tập đông người gây ùn tắc, khiến chủ đầu tư phải liên tục xả trạm. Ngày 14-12-2017, BOT Cai Lậy đã phải tạm dừng thu phí cho đến nay.
Đến ngày 25-02-2019, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Họp báo thông tin về phương án thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại BOT Cai Lậy. Nội dung họp báo là trong quá trình nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý, Bộ Giao thông vận tải đã rà soát, tính toán lại toàn bộ chi phí đầu tư dự án, có cập nhật kết luận của Thanh tra, Kiểm toán.
Sau khi lấy ý kiến các Bộ, địa phương để hoàn chỉnh, Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ 5 phương án xử lý, trong đó ưu tiên phương án 1 là giữ nguyên vị trí trạm thu phí hiện nay, thực hiện giảm giá chung cho tất cả các phương tiện và mở rộng tối đa phạm vi giảm giá dịch vụ cho người dân khu vực lân cận trạm thu phí; phương án 2 là xây dựng thêm 1 trạm thu phí trên tuyến tránh, thu trên cả 2 trạm, phương tiện đi trên tuyến nào, doanh thu sẽ hoàn vốn cho tuyến đó.
Ngày 08-11-2018, Thường trực Chính phủ tổ chức họp xử lý vướng mắc các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và ngày 23-11-2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì họp với địa phương và các Bộ, ngành liên quan để quyết định phương án cụ thể. Ngày 20-12-2018, tại Công văn số 100/TTg-CN, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho triển khai phương án giữ nguyên Trạm thu phí Cai Lậy như hiện nay và thực hiện giảm giá vé.
Tuy nhiên sau đó thì bùng dịch Covid-19 nên mọi hoạch định “tái thu” đình đốn.
Bình luận về việc “tái thu”, một nhà báo đã nghỉ hưu cho rằng về mặt địa lý, cần nhắc lại, thị xã Cai Lậy chỉ là một đô thị nhỏ, vốn chỉ là huyện lỵ, thị trấn, được nâng lên thành thị xã cho oai, nằm ven quốc lộ 1. Chỉ nằm ven thôi, chứ không phải bị Quốc lộ 1 xuyên tâm. Nếu đường sá vốn có từ trước bị cũ kỹ, xuống cấp, hư hỏng thì nhà nước phải chi tiền ngân sách mà dân đã đóng thuế tạo nên để nâng cấp, sửa chữa chứ không phải thực hiện kiểu xã hội hóa rồi dựng trạm thu phí của việc mãi lộ, bán đường như phường thảo khấu thời ly loạn.
BOT là một cách đầu tư. Mà đầu tư thì không ai muốn mình bị thua lỗ. Người ta nói rằng, chỉ cần một lượng vốn nho nhỏ, tìm cách chạy cho được dự án là sẽ có ngân hàng đứng ra cho vay. Chuyện thu phí với mức giá thế nào, thời gian bao nhiêu năm để thu hồi vốn, có tiền trả lãi ngân hàng và đảm bảo có lãi cho doanh nghiệp, dường như đã có Nhà nước đảm bảo, thông qua một bản hợp đồng với ngành giao thông.
Thế nên, chả trách dư luận từng có lúc nghi ngờ về những doanh nghiệp sân sau, doanh nghiệp của anh của ả, của cả chúng ta đua nhau làm dự án BOT, bắt tay lũng đoạn chính sách để trục lợi. Và việc tìm mọi cách cho “tái thu” ở BOT Cai Lậy, bất chấp các ý kiến phản biện được viện dẫn cả luật và lệ, cho thấy quyền lực nhóm đang khuynh đảo cả hệ thống chính trị, bất chấp đó là chính phủ thời kỳ Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Phúc cho tới Phạm Minh Chính.
Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải về tình hình xử lý bất cập tại các dự án BOT do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ký gửi Quốc hội cho hay, có 17 trạm phát sinh những bất cập về vị trí đặt trạm cần xử lý.
Trong đó, 3 trạm đặt ở ngoài phạm vi dự án; 6 trạm đặt trên tuyến chính hoàn vốn cho dự án đầu tư nâng cấp tuyến chính và xây dựng tuyến tránh; 6 trạm thu trên cả tuyến quốc lộ và cao tốc khi đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc và cải tạo quốc lộ song hành; 2 trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn cho Dự án hầm Đèo Cả.
Trạm BOT Cai Lậy là một trong số 17 trạm có bất cập về vị trí đặt trạm cần phải xử lý, và là 1 trong 6 trạm đặt trên tuyến chính hoàn vốn cho dự án đầu tư nâng cấp tuyến chính và xây dựng tuyến tránh.
Biết sai nhưng không biết phải sửa như thế nào, đó là hạn chế trong khả năng quản trị của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trong chuyện BOT đường bộ trên toàn quốc.