Thạch Hãn
(VNTB) – Phần lớn người lao động Việt Nam tại Campuchia kéo về Việt Nam đợt này đa số đều không có các giấy tờ hợp pháp theo quy định.
Đến trưa 27/10, số lượng lao động người Việt Nam làm việc tại Campuchia về nước qua Cửa khẩu Mộc Bài tiếp tục tăng mạnh. Theo con số thống kê ban đầu của lực lượng chức năng, chỉ trong 2 ngày 26 và 27/10, đã có khoảng hơn 800 người Việt Nam lao động ở Campuchia về nước qua cửa khẩu này.
Trong số lao động người Việt ở Campuchia về nước lần này, phần lớn người lao động không có các giấy tờ hợp pháp theo quy định. Theo những người hồi hương, nguyên nhân về nước do các cơ quan chức năng Campuchia truy quét các công ty hoạt động cờ bạc bất hợp pháp và những băng nhóm tội phạm buôn người nước ngoài đến Campuchia lao động trái phép.
Tuần lễ trước đó, tại cuộc họp báo chiều 20/10 của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Battambang, Campuchia đã phối hợp với chính quyền các địa phương của các tỉnh, trong đó có tỉnh Oddar Meancheay, Banteay Meanchey, triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ và giải cứu các công dân Việt Nam bị lừa đảo môi giới lao động trái phép tại khu vực biên giới Campuchia – Thái Lan.
“Sau khi đưa được các lao động ra khỏi các cơ sở lao động trái phép, Tổng lãnh sự quán đã cử cán bộ trực tiếp đến gặp và triển khai nhiều biện pháp bảo hộ công dân như hỗ trợ nhu yếu phẩm và hoàn tất các thủ tục để đưa công dân vì nước trong thời gian sớm nhất”, bà Lê Thị Thu Hằng cho hay.
Ở trong nước, Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao cũng đang làm việc với các cơ quan chức năng và các địa phương trong nước để sớm xác minh nhân thân và phối hợp tiếp nhận công dân từ Campuchia.
“Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia, trong đó có tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Battambang sẽ tiếp tục phối hợp và làm việc với các cơ quan chức năng của Campuchia, đề nghị tăng cường việc rà soát, truy quét tại các khu vực trên để tìm kiếm giải cứu thêm công dân Việt Nam nếu có, đồng thời sẽ triển khai các biện pháp bảo hộ công dân đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công dân Việt Nam”, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết.
Ông Nguyễn Gia Liêm – Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, Việt Nam và Campuchia có thỏa thuận hợp tác về lao động, thỏa thuận đảm bảo pháp lý cho người lao động ở vùng biên và những người lao động đã, đang ở lãnh thổ của từng nước.
Trong thời gian gần đây, đơn vị này có nhận được thông tin từ các cơ quan báo chí phản ánh về việc nhiều lao động bị lừa đảo sang Campuchia làm việc với chiêu việc nhẹ, lương cao. Đây là những lao động không phải đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động của các doanh nghiệp được cấp phép trong nước, mà đi đường bộ qua khu vực biên giới.
Theo ông Liêm, trong thời gian qua, cơ quan này cũng đã có những thông tin cảnh báo, khuyến nghị chung đối người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, chưa có cảnh báo riêng với thị trường Campuchia.
Theo quy định của Luật Lao động Vương quốc Campuchia, tất cả người nước ngoài phải có giấy phép lao động và thẻ lao động do Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia cấp.
Chủ sở hữu và giám đốc của các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài và người nước ngoài phải đăng ký xin giấy phép sử dụng và ‘quota’ sử dụng lao động nước ngoài không muộn hơn cuối tháng 11 của mỗi năm tại Cục Việc làm và Lao động Campuchia.
Xem ra nếu công ăn việc làm ở Việt Nam đủ sống, chắc chắn sẽ không có chuyện người ta đang sống ở “thiên đường xã hội chủ nghĩa” lại kéo nhau qua Campuchia để kiếm cơm với tất cả nỗi ê chề của thân phận cu-li (!?).