Thiên Điểu
(VNTB) – Khi kịch bản xung đột Mỹ – Trung xảy ra, câu chuyện lịch sử “con ngựa thành Troa” sẽ một lần nữa tái hiện tại Việt Nam.
Trong bài viết “Phán quyết PCA: Ván cờ Biển Đông bỏ mặc một Hà Nội hèn nhát” đăng trên VNTB ngày 14/7/2016, tôi đã cho rằng vai trò của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông chỉ còn ở vị trí rất nhỏ bé nếu không nói là chỉ còn tính tượng trưng khi việc làm theo Philipin khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế chỉ mang ý nghĩa như chỉ dấu duy nhất để chính quyền Hà Nội xác nhận có động thái bảo vệ chủ quyền. Mọi kết quả cuối cùng được dàn xếp, phân chia ra sao.. hoàn toàn phụ thuộc vào ý đồ của hai siêu cường Mỹ-Trung. Tất nhiên là các đánh giá và lập luận của người viết không thể đầy đủ, nhưng xin được vẫn tiếp tục bài viết để nói về các khả năng ảnh hưởng lên chính trị, xã hội Việt Nam sau phán quyết của Tòa án quốc tế về vụ kiện của Philipin vừa qua, xem như một chia sẻ để cùng lắng nghe ý kiến của cộng đồng.
Kiện Trung Quốc: Việt Nam để tuột “thời gian vàng”
Điều đầu tiên và ai cũng thấy là phán quyết của Tòa án La Hay đã thổi một luồng không khí hứng khởi lên dư luận chung của cả lề trái lẫn lề phải khi Trung Quốc đã bị xử thua. Dư luận trên cộng đồng mạng của cả lề trái lẫn báo chí lề phải đang cùng xuất hiện mạnh mẽ quan điểm kêu gọi chính quyền Hà Nội làm theo Philipin khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế. Chưa cần vội đặt ra câu hỏi liệu chính quyền Hà Nội có chủ động thực hiện hay thực hiện vì chịu áp lực từ dư luận hay không. Cái rõ nhất có thể thấy là đa số người dân Việt Nam muốn kiện Trung Quốc ra Tòa quốc tế, xem cơ sở phán quyết của Tòa án quốc tế là cứu cánh để Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển đảo trước Trung Quốc trong tình hình đang trở nên ngày càng nóng bỏng ở Biển Đông.
Tuy nhiên, có lẽ ít ai chú ý đánh giá và phân tích Việt Nam có lợi thế gì và bất lợi gì trong trường hợp khởi kiện bây giờ so với trước thời điểm có phán quyết của PCA.
Theo các tài liệu và ý kiến các chuyên gia cả trong nước và quốc tế thì trong vấn đề chúng minh chủ quyền đối với nhiều thực thể trong vùng tranh chấp, chồng lấn thì Việt Nam có nhiều tư liệu lịch sử làm minh chứng hơn nhiều nước liên quan. Nghĩa là cơ hội thắng kiện như Philipin là khá cao – Các nước liên quan ở đây loại trừ Trung Quốc vì phán quyết của PCA đã là minh chứng thực chất việc chiếm giữ các thực thể vùng tranh chấp cũng như toàn bộ đường lưỡi bò mà Trung Quốc đưa ra là hành vi cưỡng chiếm trái luật. Nói cách khác là hành vi xâm lược.
Ngay trước thời điểm Philipin khởi kiện Trung Quốc, nhất là khi Trung Quốc đưa giàn khoan HY 981 ngang nhiên vào hạ đặt rất sâu trong vùng biển của Việt Nam thì không chỉ dư luận trong nước mà cả quốc tế đều ủng hộ và khuyến khích Việt Nam khởi kiện.
Vào thời điểm đó, việc kiện Trung Quốc chắc chắn thuận lợi hơn bây giờ rất nhiều vì Tòa án sẽ căn cứ các tài liệu của Việt Nam để đối chiếu cùng với tài liệu do Philipin cung cấp. Trong đó sẽ làm rõ và loại trừ các cơ sở tranh chấp mà Việt Nam gặp phải không chỉ với Trung Quốc mà cả các nước – bao gồm cả Philipin – cùng tuyên bố chủ quyền ở một số thực thể trong khu vực Hoàng Sa và Trường Sa. Có thể nói đây là khoảng “thời gian vàng” để Việt Nam thực hiện việc này. Thế nhưng, chính quyền Hà Nội đã án binh bất động. Các thông điệp từ truyền thông nhà nước lần lượt đưa ra các lý giải theo kiểu “chờ kết quả của Philipin làm tiền đề để xem xét việc khởi kiện” (!?) Cũng tại thời điểm này, Trung Quốc chưa hoàn thành đầy đủ cơ sở hạ tầng kiên cố ở các đảo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép, đương nhiên Trung Quốc sẽ phải cân nhắc nhiều hơn trong mức độ phản ứng dù có khó chịu tới đâu để tránh khả năng xung đột bùng phát. Gỉa sử như Trung Quốc “cố đấm ăn xôi” vào thời điểm này, chắc chắn khả năng cho phép kịch bản lôi kéo quốc tế – cụ thể là Mỹ và các đồng minh của Mỹ – trên vai trò gìn giữ hòa bình quốc tế ra mặt can thiệp sớm hơn là hoàn toàn khả thi đối với Việt Nam.
Kịch bản đen tối
Vấn đề tranh chấp Biển Đông chắc chắn đã không phức tạp hơn nếu so với bây giờ. Khi mà Trung Quốc đã kịp hoàn tất và đặt sức mạnh quân sự lên các đảo nhân tạo xây dụng trái phép. Sự yếu hèn bị trói buộc kèm những thao túng phía sau trên tâm thế của một chính sách đu dây nửa vời. thêm một chút ngây thơ khi tin vào những hứa hẹn của Trung Quốc đã đẩy chính quyền Hà Nội vào thế lảng tránh trách nhiệm. Im lặng thụ động chờ đợi, tìm kiếm một giải pháp “ngã giá” với Trung Quốc chỉ vì còn sót lại trong đầu sự đố kỵ giả tạo bởi danh nghĩa chính trị “cộng sản” và “tư bản”. Đẩy các thực thể thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng thành “việc đã rồi” và Trung Quốc có thêm lợi thế để mập mờ giữa quan điểm “giữ nguyên hiện trạng, tránh xung đột” với việc đặt các thực thể này vào trạng thái “không nằm trong phát quyết của tòa án” tương tự như nội dung phán quyết đã đưa ra trọng vụ việc của Philipin như đã thấy.
Việc bỏ qua quãng “thời gian vàng” của Việt Nam đến bây giờ mới thực hiện, chắc chắn sẽ khiến Việt Nam lãnh nhận thêm cả sự tức giận của Trung Quốc do phán quyết của PCA – Điều này đã được Trung Nam Hải lường tính trước qua chỉ dấu tăng số lượng quân tại các điểm đồn trú dọc biên giới với Việt Nam. Nó không chỉ là động thái đe nẹt mà chính là một dự phòng cho kịch bản “Việt Nam trở cờ” khi cần. Việt Nam đã để tuột mất khoảng thời gian vàng cho mình sang cho Trung Quốc vì đây cũng chính là khoảng thời gian vàng quý báu để Trung Quốc hoàn tất việc xây dụng căn cứ quân sự kiên cố trên vùng biển Trường Sa và Hoàng Sa đã chiếm được bằng vũ lực. Chính thức đưa những thực thể tôn tạo trái phép thành “chuyện đã rồi” mà chắc chắn Trung Quốc sẽ không bao giờ chịu từ bỏ hay thay đổi quyền chiếm hữu dù với bất cứ giá nào như thông điệp của Tập Cận Bình đã đưa ra ngay sau phán quyết của PCA.
Kết quả phán quyết của PCA và thái độ của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông chắc chắn chính quyền Hà Nội cũng đã biết rõ từ lâu. Cách thể hiện của chính quyền Hà Nội trong vấn đề Biển Đông , chỉ dấu không mấy mặn mà với Mỹ cùng với biểu hiện vẫn gia tăng trấn áp những người hoạt động xã hội, bất đồng chính kiến cho thấy Hà Nội sẽ vẫn tiếp tục ưu tiên chính sách thần phục, nghiêng về Trung Quốc hơn là chú trọng bảo vệ chủ quyền. Nói cách khác, chính sách của nhóm lãnh đạo mang xu hướng thân Trung Quốc hiện vẫn đang chi phối chính trường Việt Nam. Mặc dù phát ngôn của lãnh đạo tối cao của Trung Quốc là cú tát thẳng cánh vào mọi tuyên bố chủ quyền cũng như lòng tin mà chính quyền Hà Nội vẫn đang theo đuổi.
Bàn một chút về việc Hà Nội có khởi kiện Trung Quốc hay không. Không khó để nhận ra nó phụ thuộc vào hai yếu tố chính: Mức độ thể hiện của người dân và các bước đi của Mỹ sắp tới có chiếm được ưu thế để mở ra cơ hội rõ rệt cho Việt Nam hay không, trong khi cả hai yếu tố này thì đều quá xa vời và với chính quyền Hà Nội thì hoặc hoàn toàn không mong muốn hoặc không thể tác động vào.
Thái độ và phản ứng của người dân về đa số vẫn là im lặng thụ động, phong trào hoạt động xã hội chưa đủ lớn mạnh để tao ra sức ép lên chính quyền trong ngắn hạn. Trong khi các bước đi chiến lược của Mỹ thực chất lại là ưu tiên mục tiêu nắm giữ lợi ích của Mỹ trên Biển Đông nhiều hơn là kiềm chế Trung Quốc như các thông điệp ngoại giao được đua ra. Mỹ không có lý do để phải quá vội vàng và cũng không còn cần thiết phải lôi kéo Việt Nam bằng mọi giá nếu không nói là đã quá chán ngán với cách xử sự của Hà Nội. Về chiến thuật, kể cả trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự toàn diện, với việc Đài Loan từ bỏ yêu sách “đường 10 đoạn”, dọn đường cho Mỹ mở rộng hành lang từ ngoài khơi vào các căn cứ tại Philipin, cho phép các loại vũ khí chiến lược của Mỹ có thể phát huy súc mạnh đủ khống chế hỏa lực toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc thì rõ ràng vai trò của Việt Nam không còn là chủ đề quan trọng đáng kể đối với những tính toán về mặt chiến thuật của Mỹ . Ngoại trừ kịch bản duy nhất là chính quyền Hà Nội mạo hiểm bắt tay với Trung Quốc để một lần nữa “đánh Mỹ vì Trung Quốc” . Mà như thế, kịch bản mạo hiểm này thì đồng nghĩa chính quyền Hà Nội công khai chấp nhận một mất một còn với nhân dân khi nó rõ ràng là phản bội lại lợi ích dân tộc và trái với mong muốn của đại đa số người người dân trong bối cảnh chính trị, xã hội Việt Nam hiện nay.
Nhìn trên tổng thể, những mâu thuẫn xung đột giữa các mục tiêu lợi ích của Mỹ và Trung Quốc đều không dễ dàng đàm phán để cho phép hai bên lui về một cái ngưỡng mà khả dĩ để một bên có sự hài lòng trọn vẹn trong khi cả hai đều không có đường thoái lui nếu chưa đạt được. Trong tình thế đó, Trung Quốc chắc chắn buộc phải có bước đi theo hướng ra tay sớm hơn, càng nhanh càng tốt để hạn chế thông tin về nội dung phán quyết của PCA lan quá sâu vào nhận thức của mọi tầng lớp ngay trong nội bộ Trung Quốc, làm hạn chế năng lục tập trung sức mạnh chính trị cho cuộc đọ sức có tính sống còn – điều mà Mỹ đang mong muốn.
Khả năng một cuộc xung đột giới hạn Mỹ-Trung để làm cơ sở xác định các mục tiêu lợi ích khi đàm phán có lẽ là giả thuyết đồng thời là giải pháp phù hợp nhất đối với Trung Quốc cho vấn đề Biển Đông . Kịch bản xung đột giới hạn sẽ xuất hiện các yếu tố cần thiết cụ thể để Mỹ-Trung và các siêu cường làm căn cứ đi vào các thỏa thuận cụ thể với nhau, đưa ra phán quyết cuối cùng, Đương nhiên khi đó thì Việt Nam có kiện hay không cũng không còn giá trị gì.
Một dự báo cho tình hình chính trị, xã hội Việt Nam có lẽ sẽ không có gì mới ngoài việc chính quyền sẽ gia tăng đàn áp phong trào đối lập tương ứng với mức độ gia tăng các bất mãn của người dân liên quan nhiều yếu tố chứ không riêng gì yếu tố Trung Quốc.
Một lựa chọn phương án mở đường cho một vài tổ chức ngoài quốc doanh nhưng chỉ hoạt động xã hội thuần túy được công nhận nhằm “trang trí” cho bức tranh nhân quyền nhưng vẫn kiểm soát được. Kết hợp với chiêu bài tha tù lâu nay vẫn dùng, sẽ giúp Hà Nội tiếp tục chính sách mặc cả với phương Tây trong những mục đích cụ thể.
Các tình huống rối loạn về chính trị sẽ tiếp tục hình thành nhiều hơn khi bộ máy chính quyền mới vừa phải củng cố nhân sự, vừa phải đối mặt với phương án xử lý những hệ quả phức tạp do bộ máy trước để lại mà vụ Formosa là một ví dụ điển hình.
Kịch bản xung đột Mỹ – Trung xảy ra, thậm chí chỉ cần là cuộc chiến truyền thông trước một hành động gia tăng áp lực có tính đe nẹt nhau giữa Mỹ-Trung cũng đủ để câu chuyện lịch sử “con ngựa thành Troa” một lần nữa tái hiện tại Việt Nam. Đây chính là tình huống tồi tệ nhất mà không chỉ chính quyền Hà Nội mà cả dân tộc Việt Nam sẽ phải đối mặt không có con đường nào tránh khỏi. Một tình huống không cần kịch bản nhưng lại đương nhiên có trên sân khấu chính trị, xã hội Việt Nam nên chẳng có nhà đạo diễn nào đủ quyền lực loại bỏ nó. Chỉ duy nhất Trung Nam Hải nắm giữ thế chủ động để quyết định khi nào nó xuất hiện mà thôi.