Việt Nam Thời Báo

VNTB – Học thuộc lòng, học tủ, học vẹt: ngu dân dễ trị

Cảnh Chân

 

(VNTB) – Học sinh mất khả năng suy nghĩ độc lập do chỉ biết học tủ, học vẹt

 

Cứ mỗi mùa thi đến là giáo viên, học sinh đua nhau “đoán đề” để học thuộc lòng một số môn xã hội như văn, sử, địa; còn các môn tự nhiên như toán, lý, hóa thì được dạy theo kiểu thuộc lòng công thức, cách giải. Nếu vô phòng thi mà “trúng tủ thì coi như học sinh được điểm cao, không trúng tủ thì coi như “xui”. Những năm gần đây lại có thêm hiện tượng xem bài hát mới ra của các ca sĩ để đoán đề thi môn văn.

Ví dụ năm nay ca sĩ Đen Vâu ra bài hát Frendship có hình ảnh chiếc thuyền, đất, biển, thì nhiều người dự đoán đề thi sẽ liên quan tới tác phẩm “Chiếc Thuyền Ngoài Xa”. Nhưng cuối cùng thì đề văn là bài “Đất Nước”. Nhiều người lại lý giải là trong video của Đen Vâu có hình ảnh một bên là đất, một bên là nước, cũng đúng theo đề văn, nhưng trước đó thì lại không đoán được.

Đây chỉ là một ví dụ vui về việc đoán đề trên mạng xã hội. Nhưng lại cho thấy một thực trạng buồn của nền giáo dục hiện nay. Chuyện thi cử ở Việt Nam, đặc biệt là các kỳ thi quốc gia như kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hay kỳ thi tuyển sinh đại học, luôn đặt ra áp lực lớn đối với học sinh.

Trong khi đó, chương trình học thì bị quá tải, khối lượng kiến thức trong chương trình học quá lớn, đôi khi không phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh. Cho nên học sinh phải học thuộc lòng để đối phó với các kỳ thi thay vì hiểu và nắm vững kiến thức. Và ngay cả giáo viên cũng thường xuyên hướng dẫn cách “học vẹt”, ôn những đề thi mẫu, có nhiều khả năng trúng tủ để học sinh dễ đạt điểm cao.

Học bài tủ và đoán đề thi dẫn đến việc học sinh chỉ nắm được kiến thức một cách hời hợt, không sâu sắc và không có khả năng áp dụng vào thực tế. Dĩ nhiên, khi học vẹt thì học sinh không phát triển được tư duy sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề, làm giảm chất lượng giáo dục toàn diện. Nhiều học sinh chưa được trang bị kỹ năng tự học hiệu quả, không biết cách tìm hiểu và khám phá kiến thức một cách độc lập. Chưa kể, việc học bài tủ và đoán đề thi còn tạo ra sự mất công bằng trong thi cử, khi những học sinh chăm chỉ học hành nhưng không đoán trúng đề có thể bị điểm thấp hơn so với những học sinh chỉ học tủ.

Mục đích của giáo dục là đào tạo ra những con người truyền thụ kiến thức cho con người, những kinh nghiệm lịch sử, xã hội, khoa học từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Giáo dục giúp thế hệ sau có hiểu biết, năng lực, phẩm chất cần thiết cho cuộc sống cá nhân và đóng góp cho cộng đồng. Còn thi cử là để đánh giá năng lực của một cá nhân sau quá trình giáo dục.

Gian lận, hay học vẹt thì dẫn đến đánh giá không đúng năng lực và đặt con người vào sai vị trí mà họ có thể phát huy tốt nhất khả năng của mình. Từ đó dẫn đến những sai lầm mang tính hệ thống, theo hiệu ứng domino khi cái sai này dẫn tới nhiều cái sai kia và xã hội không thể phát triển thịnh vượng nếu đa số người bị đánh giá sai năng lực, đặt sai vị trí.

Tiếp tục lấy môn văn là ví dụ, Lỗ Tấn từng cho rằng học y không cứu được người Trung Hoa nên ông đã chuyển sang học văn. Quan điểm của ông cho thấy môn văn không hề vô ích. Mỗi môn học đều có tầm quan trọng của nó thì xã hội mới đưa nó vào nền giáo dục. Môn văn giúp con người có cái nhìn sâu sắc về xã hội, có khả năng ký luận, phản biện, nói ra quan điểm của mình để ủng hộ cái đúng và phản đối cái sai.

Nhưng ở Việt Nam, môn văn lại dạy theo kiểu văn mẫu tức là học sinh phải viết đúng theo quan điểm, chủ trương chung của nhà trường, Nhà nước. Từng có trường hợp một em học sinh mô tả bà ngoại mập mạp, thích nhậu nhẹt thì bị điểm thấp vì quan điểm của nhà trường thì hình ảnh chung của những bà ngoại là phải già, khuôn mặt nhăn nheo, làm việc khổ sở… Chính vì khuôn mẫu này đã cho các em học sinh không dám viết sự thật, không thể đưa ra quan điểm cá nhân hay viết ra góc nhìn của mình về những sự việc hiện tượng trong xã hội.

Việc nhồi sọ ngay từ nhỏ đã khiến các em mất luôn khả năng phản biện xã hội thì làm sao có thể thúc đẩy đất nước phát triển được?

Tuy nhiên, đây cũng là cách nhà cầm quyền dùng để định hướng con người, bắt buộc toàn dân phải ủng hộ chế độ, không dám lên tiếng phản biện, mất luôn kỹ năng tư duy độc lập. Với sự phát triển thần tốc của thế giới hiện đại, muốn cải thiện chất lượng giáo dục thì không khó, nhưng quan trọng là nhà cầm quyền có muốn hay không. 

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Nói gì với những bài học giáo dục cho con em chúng ta?

Do Van Tien

VNTB – Thầy giả vờ dạy, trò giả vờ học: thời giảng đường không còn lý tưởng.

Phan Thanh Hung

VNTB – Chứng chỉ tiếng anh: đổi tên làm gì cho khổ!

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.