Việt Nam Thời Báo

Giải quyết nợ công: tăng thu bù chi (*)

Vừa qua, một loạt các phí và lệ phí đã được Bộ Tài chính ban hành. Theo các chuyên gia kinh tế, sắp tới để bù đắp thâm hụt ngân sách, trả nợ và thiếu hụt về chi đầu tư, sẽ có nhiều khoản phí phải thu thêm…

T.S Lê Đăng Doanh: rất lo ngại mức phí và lệ phí sẽ làm khó thêm cho người dân và doanh nghiệp

Đây là nội dung được các chuyên gia kinh tế Việt Nam cùng các doanh nghiệp (DN) đưa ra tại Hội thảo “Cộng đồng kinh tế ASEAN và Chiến lược cạnh tranh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam” diễn ra sáng 11/4 tại Hà Nội.

Theo T.S Lê Đăng Doanh – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM), thì chính “thói quen” chi tiêu ngân sách như hiện nay là căn nguyên khiến gia tăng các loại phí và lệ phí đối của người dân, DN. Còn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, nếu phí, phụ phí không được kiểm soát, sắp tới rất có thể Việt Nam sẽ mất lợi thế của nền sản xuất chi phí rẻ.

Tăng thu để bù đắp chi?


Theo lý giải của TS Doanh, năm 2015 xuất hiện nhiều hình thức thu phí, lệ phí là nhằm bù đắp thiếu hụt của thu ngân sách Nhà nước. TS Doanh khẳng định: “Vấn đề chi ngân sách năm 2015 không có cải thiện, vẫn là 70% chi thường xuyên và hơn 30% là chi trả nợ – đầu tư, trong khi tổng nợ phải trả năm nay của Việt Nam chiếm khoảng 31,2% thu ngân sách. Như vậy, trả nợ đã ăn hết đầu tư, khiến Nhà nước phải tăng thu các loại để bù đắp thiếu hụt ngân sách”.

Thực tế, ngày 7/4 Bộ Tài Chính đã lên tiếng lo ngại về việc Việt Nam thiếu khoảng 32.000 tỷ đồng (1,5 tỷ USD) để bù đắp bội chi ngân sách, trả nợ năm nay. Theo đó, năm 2015, tổng nợ đến hạn phải trả chiếm 30% thu ngân sách (năm 2014 là 26%). Trong khi đó, chi thường xuyên trong chi ngân sách của Việt Nam hàng năm vẫn giữ ở mức 70%, còn chi đầu tư và trả nợ “chia nhau” 30%.

“Với thu chi ngân sách như năm nay, thì sẽ không có đồng nào ngân sách chi cho đầu tư hết, toàn bộ chi cho đầu tư chúng ta phải đi vay. Việc thiếu hụt, thất thu ngân sách đã dồn áp lực lên vai Bộ Tài chính và chúng ta có thể giải thích tại sao, các cơ quan Nhà nước tăng thu năm nay nhiều đến vậy”, TS Doanh nói thêm.

Ông Doanh dẫn ví dụ cụ thể, mới đây, Bộ Tài chính đã tăng phí môi trường xăng dầu 300%, khiến giá xăng dầu mất đi cơ hội giảm giá, cho dù giá xăng dầu thế giới giảm mạnh. Mấy ngày trước, đoạn đường ngắn cao tốc Pháp Vân – Ninh Bình (dài chỉ 20km) cũng đã được Bộ này ban hành mức thu phí có xe container 400 feet cao nhất lên đến 5 triệu/tháng. Hay ngày 8/4 tại cầu Đồng Nai đã áp dụng mức thu phí 15.000 – 120.000/vé/phương tiện… Đây chỉ là một trong số các ví dụ của việc Nhà nước đang dùng nhiều cách để tăng thu, bù đắp cho thâm hụt ngân sách.

Theo kế hoạch trả nợ, tính đến hết năm 2015, tổng số nợ mà Việt Nam phải trả đã lên đến 150.000 tỷ đồng (7,1 tỷ USD). Đây là số nợ trong nước, nợ phát hành trái phiếu Chính phủ trước đó, nợ của các quỹ tài chính quốc tế mà Việt Nam vay. Các năm, ngân sách thường không đủ trả nợ, Việt Nam thường phải vay đảo nợ, gia hạn thời gian trả nợ bằng phát hành trái phiếu Chính phủ.

Mất lợi thế nền sản xuất giá rẻ

Theo bà Phạm Chi Lan, nguyên chuyên gia tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, vấn đề nợ công, áp lực trả nợ sẽ tác động lớn đến DN. Tăng phí, thuế và phụ phí khiến tăng chi phí sản xuất, về lâu về dài Việt Nam sẽ không còn lợi thế của nước có chi phí giá rẻ như thường thấy nữa.

Bà Lan phân tích cặn kẽ,do thiếu vốn đầu tư nên Chính phủ sẽ tăng cường huy động vốn phát triển qua phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, “bài cũ soạn lại” này có hai vấn đề. Thứ nhất, trái phiếu huy động vốn không đúng chỗ, nhẽ ra phải đến tay các quỹ đầu tư, các tổ chức nước ngoài, kênh huy động vốn thì nó lại đến tay các ngân hàng thương mại (NHTM). Các NHTM tăng mua trái phiếu để hưởng lãi suất và tìm kiếm được sự ổn định. Vì vậy, dòng tiền vẫn chỉ ở một chỗ.

Do ngân hàng tập trung đổ tiền mua trái phiếu theo kiểu như năm 2013 – 2014 nên dẫu có tăng trưởng tín dụng nhưng đây là tăng trưởng ảo, vốn không được đổ vào sản xuất thực tế và DN khó tiếp cận được vốn họ cần. Đây là rủi ro từ vĩ mô đến vi mô đối với DN.

Bà Lan nói thêm, hiện 80% các tỉnh thu ngân sách không đủ chi và đầu tư. Số đầu tư phụ thuộc lớn vào việc tăng thu thuế, phí, phụ phí hay dựa vào đầu tư của Nhà nước. Chỉ còn lại 20% tỉnh có được cân đối thu chi ngân sách và “thu lấy mà chi” chủ động. Trong bối cảnh có 80% tỉnh không cân đối được, bà Lan e ngại họ sẽ thực hiện tăng thu phí ở địa phương sai chính sách, sai thẩm quyền khiến gánh nặng đè lên vai người dân, DN.

Thực tế, hiện nợ đến hạn phải trả tăng nhanh chóng nhưng ngân sách Nhà nước có nguy cơ thất thu cao bởi xuất khẩu dầu thô – ngành hàng thu ngân sách chính lại đang giảm giá, trong khi thuế nhập khẩu rất nhiều mặt hàng vào Việt Nam đang xuống xuống 5 – 0% do cam kết hội nhập của Việt Nam.

Tính đến thời điểm hiện nay, giá dầu thô thế giới mất giá khiến thất thu ngân sách ước tính từ 12.000 – 13.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, với cam kết khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), năm 2015 trở đi khiến rất nhiều hàng hóa của các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ không phải chịu thuế nhập khẩu. Ngân sách Nhà nước sẽ tiếp tục thất thu thuế từ các hàng hóa nhập khẩu chủ yếu từ Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

Một thống kê khác, mới đây hơn 3.000 sản phẩm của Nhật Bản vào Việt Nam đã có mức thuế nhập khẩu bằng 0% theo cam kết trong Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản từ năm 2008. Đây tiếp tục là tin không vui cho ngân sách năm 2015.

Theo Nguyễn Tuyền/ Dân Trí
(*) Tiêu đề do VNTB đặt
(*) Tiêu đề gốc: Tăng thu phí vì áp lực trả nợ công?

Tin bài liên quan:

Gạo, cá đổi iPhone, ôtô: Chơi sòng phẳng quốc tế?

Phan Thanh Hung

Đừng vội mừng với tăng trưởng GDP!

Phan Thanh Hung

Chuyện gửi tiết kiệm ngân hàng: Gửi đi căn hộ thu về mớ rau

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.