Phiếu không hợp lệ cũng thành hợp lệ.
Hai tháng qua, Luật Khoa đã thu thập được một số tài liệu, lời kể từ các cử tri nhân chứng cùng những người liên quan đến công tác bầu cử tại các đơn vị bầu cử khác nhau ở một số tỉnh, thành, phản ánh vấn đề bầu thay bầu hộ (BTBH) và các vấn đề khác trong quá trình tổ chức bầu cử ở Việt Nam.
Trong chín nhân vật Luật Khoa phỏng vấn, sáu người đã chứng kiến hoặc/ và tham gia bầu thay bầu hộ trong kỳ bầu cử 2021. Trong ba người còn lại, một bị chính cán bộ ở tổ bầu cử khuyến khích BTBH, một thì có người nhà tham gia BTBH và người thứ ba từng BTBH trong đợt bầu cử trước vào năm 2016.
Những người chứng kiến tình trạng BTBH đều có một quan sát chung: một người cầm một xấp thẻ cử tri đưa cho cán bộ ở tổ bầu cử để đổi lại một xấp lá phiếu mà không bị ai quở trách, trừng phạt, hay thậm chí không bị ai thắc mắc, hỏi han.
Hành vi bầu thay bầu hộ vi phạm Điều 69, Luật Bầu cử 2015. [1] Và những quy định này gần như không thay đổi kể từ Luật Bầu cử 1997. [2]
Chúng tôi giấu tên các nhân chứng để bảo đảm an toàn cho họ.
Như chiếc bánh 9 tầng
Sáng 23/5/2021, B. đã dậy sớm xếp hàng đi bầu ở một đơn vị bầu cử ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
“Tôi thấy bác đi trước tôi đưa cả ba thẻ cử tri ra, nhưng [cán bộ bầu cử] không thắc mắc là ‘Bác đi bầu thay bầu hộ à’, mà họ lần lượt phát ba lá phiếu cho mỗi thẻ cử tri, thứ tự lần lượt, xanh đỏ vàng, xanh đỏ vàng…. như một cái bánh chín tầng.”
Bàn gạch tên có bốn chỗ, vách ngăn tuy nhiên không có người điều phối dẫn đến cảnh cử tri chen lấn, đứng túm tụm. B. và nhiều cử tri khác gần như không có chỗ ngồi, đứng chỗ nào gạch chỗ đấy, gạch trên lưng nhau, trên tường, dưới đất, trên đùi, v.v. Nhiều người nếu không cố tình thì cũng vô tình để lộ thông tin trên lá phiếu của mình.
“Người thì hỏi ‘Ơ giờ gạch thế nào’. Người thì bảo chờ người nhà gạch trước rồi gạch theo. Người ta chỉ muốn nhanh nhanh gạch rồi nhét vào hòm phiếu”, B. kể lại.
S., một cử tri nhân chứng ở một đơn vị bầu khác tại Hà Nội, cho biết khi gia đình nhận thẻ cử tri, các thẻ được dập ghim lại theo hộ gia đình. Đến ngày đi bầu, mẹ của S. cầm nguyên xấp thẻ cử tri này và được ban tổ chức phát lại một xấp phiếu. S. lấy đủ số phiếu của mình từ mẹ và tự gạch, trong khi mẹ S. bầu luôn cho chị gái của S., người ở nhà từ chối đi bầu.
S. nói mẹ cô biết rõ không nên bầu thay bầu hộ, nhưng không nhận thức được hành động này là vi phạm Luật Bầu cử.
Trường hợp của K. ở Quảng Ninh cũng tương tự khi mẹ cô bầu thay cho bố và em trai của cô.
“Bố tôi lấy lý do bị xoang và tránh COVID nên nhờ mẹ tôi đi bầu thay. Em trai tôi thì chưa đi bầu bao giờ nên không hiểu tại sao phải đi bầu. Bố mẹ tôi cũng không bắt nó đi bầu.”
Nhận định từ các cử tri nhân chứng cho thấy nhiều người dân không thấy tầm quan trọng hay ý nghĩa trong việc tham gia bầu cử nên sẵn sàng nhờ người bầu hộ. Những người đi bầu hộ thì lại bầu với tâm lý “làm cho xong”.
Phần lớn những người thực hiện BTBH không nhận thức được hành vi của họ là trái luật. Sự hợp tác từ cán bộ tổ chức bầu cử càng củng cố cho quan điểm này.
Ở một số trường hợp, các cử tri nhân chứng cho biết chính các cán bộ tham gia công tác bầu cử lại là người thực hiện hành vi BTBH
Ông tổ trưởng “tốt bụng”
B. ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho Luật Khoa biết đây là lần thứ hai anh tham gia bầu cử. Lần đầu tiên là vào năm 2016, khi đó B. mới bắt đầu quan tâm đến bầu cử, nghe tin đồn về bỏ phiếu hộ nên đặc biệt quan tâm đến tình trạng này.
“Hồi đấy tôi bầu ở khu vực khác, nó còn kinh hơn. Vì khu đấy, rất nhiều người ở thuê ở trọ, họ cứ bảo tổ trưởng tổ dân phố bầu luôn cho. Họ toàn người đi làm, mưu sinh. Họ không quan tâm ông nào đại diện cho mình. Bác tổ trưởng tổ dân phố có tập thẻ cử tri rất dày.”
H. ở Nghĩa Đô, Cầu Giấy (Hà Nội) thì cho biết những năm trước đó, gia đình đưa thẳng xấp thẻ cử tri cho tổ trưởng tổ dân phố bầu hộ. Năm nay, H. tính chuyển địa điểm bỏ phiếu nhưng bị trễ hạn đăng ký.
“Bác tổ trưởng nói nếu hôm bầu cử tôi không ở Nghĩa Đô thì gửi phiếu lại cho bác ấy, gửi cho gia đình để bầu. Tôi nói ‘Không, thẻ cử tri của cháu là cháu phải giữ, chứ không thể đưa cho người khác, cho gia đình bầu thay được’.”
“Bác ấy cứ bảo là ‘Được, làm thế được’ và còn dặn rằng nếu tôi không đi bầu thì đưa thẻ cử tri cho bác ấy […] Bác ấy nói ‘Đó là thẻ của bác. Thẻ phát ra phải khớp thẻ thu về”, H. thuật lại.
H. từ chối đưa thẻ cử tri của mình. Đến ngày bầu cử, anh bỏ phiếu trắng. Tuy nhiên, H. cũng chính là một trong những cử tri nhân chứng tham gia bầu thay bầu hộ. Anh lấy lý do là vì dịch COVID-19 nên không muốn người thân trong gia đình đi bầu, nhưng nếu không đi bầu thì chắc chắn sẽ bị người của phía tổ dân phố làm phiền, thúc giục bỏ phiếu hoặc yêu cầu trả lại thẻ cử tri cho họ.
“Người nhà ốm? Cứ bầu thay, không sao đâu”
N. ở quận Hoàng Mai, Hà Nội thì rơi vào một tình huống khác. Trước ngày bầu cử, khi đến khu vực bỏ phiếu để nhận thẻ cử tri, N. chia sẻ mẹ bị bệnh tim, cộng với thời tiết nắng nóng cùng nguy cơ nhiễm COVID-19 nên có thể mẹ N. sẽ không đi bỏ phiếu.
“Ừ, nếu mẹ bị bệnh tim và thời tiết nắng nóng thì có thể đi bỏ phiếu hộ mẹ cũng được”, người cán bộ phản hồi, theo lời kể của N.
“Việc này là trái quy định pháp luật,” N. nói.
“Ui giời, chuyện thường ấy mà, có ai để ý đâu”, người cán bộ kia đáp lại.
Đến ngày bầu cử, N. vẫn chở mẹ đến đơn vị bầu cử để tự đi bầu.
N. là một trong ba cử tri nhân chứng không tham gia BTBH cũng như chứng kiến BTBH tại khu vực bầu cử. Lý do là khi đi bầu thì khu vực bầu cử không có ai ngoài anh và mẹ. N. nói nhiều người không quan tâm đến bầu cử cũng như các ứng cử viên.
“Lúc lấy xe, tôi có hỏi anh bảo vệ thì anh ấy nói là ‘Bầu bán cái gì, biết ai mà quan tâm’.”
Thiếu thông tin, người trẻ “bầu đại”
L. là một cử tri nhân chứng ở Bình Dương mà chúng tôi phỏng vấn. Đây là lần đầu tiên L. có cơ hội đi bầu nên anh nghiên cứu rất kỹ.
“Em thấy những cuộc tiếp xúc cử tri không được tuyên truyền rộng rãi mà chỉ mời những người lớn tuổi trong khu vực đó. Em phải chủ động gọi cho chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố, em dò số trên niên giám, bác ấy mới chỉ qua cấp phường, em mới biết cuộc tiếp xúc diễn ra ngày nào, ở đâu”, L. kể lại.
“Suốt buổi đó cũng không có gì bất ngờ. Các chương trình hành động khá là chung chung, khó mường tượng được họ đóng góp gì. Buổi đó em thấy có một người là chương trình hành động có cái sự chi tiết, còn những người khác nói những câu rất vô thưởng vô phạt, người trẻ cũng nói được.”
Địa điểm bầu cử được tổ chức ngay trong khu ký túc xá nơi L. sinh sống. L. nhận định điểm bầu cử được tổ chức chỉn chu, tuy nhiên, số người tham gia khá ít.
“Các bạn đa số không hiểu lắm về các ứng viên. Họ chỉ bầu đại thôi chứ không bầu thay. Em không thấy ai quan tâm ngoại trừ hai bạn nữ. Em có chia sẻ thông tin để hai bạn đó ra quyết định, chứ nhiều bạn chọn cách không đi bầu luôn vì họ không nắm thông tin.”
Tuy không tham gia hay chứng kiến BTBH ở điểm bầu cử của mình, nhưng L. không xa lạ gì vì đã chứng kiến người thân mình ở tỉnh nhà BTBH.
“Ở nhà thì ba em bầu thay cho mẹ em. Em cũng biết một số người quen ở tỉnh có đi bầu, nhưng họ cũng nói là ‘Bầu cho vui chứ có biết là ai đâu mà lựa chọn’”, L. nói.
Để hiểu hơn về quá trình tổ chức bầu cử trong những năm qua, Luật Khoa liên hệ được với hai nhân chứng đặc biệt: một người từng trực tiếp tham gia quá trình tổ chức bầu cử và một người có người thân là người trong tổ bầu cử.
Định hướng bầu cử
C. là một cử tri nhân chứng đặc biệt. Tuy không tham gia vào cuộc bầu cử 2021 năm nay nhưng cô vừa là cử tri, vừa là người tham gia vào quá trình tổ chức bầu cử và kiểm phiếu trong kỳ bầu cử năm 2016.
“Mình là đoàn viên thành niên và cháu của bà tổ trưởng tổ dân phố. Nghiễm nhiên mình được gọi đi các buổi tiếp xúc cử tri, các buổi cần sự tham gia của thanh niên. Mình cũng ở trong tổ kiểm phiếu”, C. cho biết.
C. kể lại cô được tham gia một buổi giao lưu gọi là “Cử tri trẻ với bầu cử”, trong đó một đại diện bên Mặt trận Tổ quốc đến chia sẻ với một nhóm thanh niên về các quy trình, quy định về bầu cử.
“Điểm buồn cười nhất là chú ấy khẳng định đây không phải định hướng bầu cử, nhưng sau đó liệt kê ra năm người, rồi bảo ba người này sáng giá rồi hai còn lại thì một là trẻ quá, một là nữ […] Mình cảm nhận được mục tiêu của chú ấy.”
Tình trạng định hướng bầu cử cũng có thể đã xuất hiện qua một hình thức khác. Trong kỳ bầu cử năm 2021, trên Facebook xuất hiện thông tin các học sinh trường THPT Quang Trung, Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ một bài viết có nội dung bất lợi về Lương Thế Huy, một ứng cử viên của quận Hà Đông.
Hình chụp màn hình từ các tin nhắn có một dòng ghi rõ: “Cán bộ lớp triển khai đến lớp chia sẻ nội dung này lên trang cá nhân của từng học sinh sau đó chụp ảnh báo cáo nhà trường.”
Nhiều ảnh chụp màn hình được cho là từ nhiều tài khoản của học sinh kèm theo các dòng tin nhắn báo cáo: “Lớp 10d5 hoàn thành ạ” hoặc “10D4 nộp ạ”.
Điều này đặt nghi vấn về việc các học sinh bị gây áp lực phải phát tán một thông điệp chính trị theo yêu cầu của nhà trường.
Định hướng bầu cử không chỉ xảy ra với các cử tri trẻ tuổi. M. ở Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết ở khu vực bầu cử của anh, mỗi gia đình được phát một tờ A3 gồm danh sách các ứng cử viên.
Mẹ của M. sau đó tham gia cuộc họp ở tổ dân phố và được định hướng gạch tên một số ứng cử viên.
“Mẹ mình gạch vào tờ A3 đó luôn cho đỡ quên khi đi bầu.”
Gia đình M. không BTBH, nhưng có chứng kiến người khác cầm nhiều lá phiếu bỏ vào thùng phiếu.
Phiếu không hợp lệ thành hợp lệ
Vào ngày bầu cử năm 2016, C. nói cô có chứng kiến nhiều người cầm hơn bốn lá phiếu trong tay (dù chỉ có bốn cấp bầu ở đơn vị bầu cử đó). C. không nán lại lâu vì cô không được giao nhiệm vụ hỗ trợ quá trình bỏ phiếu.
“Đến tầm tối, có một cô ở tổ bảo là ‘Tối nay C. qua hỗ trợ các cô nhé.’ Lúc đó mình mới nhận ra là ‘À thì ra mình trong nhóm đi kiểm phiếu’”.
Quy trình phân loại phiếu, theo C. nhận định, là rất hiệu quả và nhanh chóng. Tổ kiểm phiếu khoảng hơn chục người, chia ra làm hai nhóm. Các lá phiếu ban đầu được phân loại theo màu sắc và sau đó đặt vào các rổ riêng biệt.
Những rổ này được phân loại theo cách lá phiếu được gạch. Ví dụ, phiếu với hai cái tên cuối bị gạch thì vào một rổ, phiếu với ba cái tên cuối bị gạch thì vào một rổ khác, phiếu bị gạch hoàn toàn, hoặc để trắng thì vào rổ phiếu không hợp lệ.
C. là người phụ trách rổ phiếu không hợp lệ này.
Sau đó, một người phụ nữ đóng vai trò như giám sát viên đến để thanh tra tổ bầu cử. Đúng lúc đó, một người phụ nữ khác trong tổ kiểm phiếu của C. bốc một nắm phiếu từ rổ của cô, tự gạch thêm rồi bỏ vào các rổ phiếu hợp lệ. Việc này diễn ra ngay trước mặt giám sát viên kia.
C. liền thắc mắc: “Cái này là phiếu không hợp lệ.” Người phụ nữ trong tổ kiểm phiếu không trả lời, tiếp tục gạch tên.
Trong khi ấy, nữ giám sát viên đứng ngay đó và nói với C.: “Không phải chuyện của em”.
“Mình nhớ lúc đó không ai phản đối. Mọi người khá là bận, không ai để ý gì.”
C. cũng cảm nhận thấy có một nhu cầu phải đạt thành tích cao với mục đích để thể hiện sự đồng lòng, thống nhất.
“Tổ nào mà một giờ chiều đã bỏ phiếu xong hết thì sẽ rầm rộ là tổ mình hoàn thành chỉ tiêu. Sự hồ hởi này nó ngộ. Việc đạt chỉ tiêu rất là quan trọng. Bất chấp các lá phiếu có thực sự được bỏ từ cái người đó không hay một người đi bầu hộ hết. Họ có thể không quan tâm chất lượng tờ phiếu lắm, miễn danh sách cử tri từng này thì tôi cần từng này người đi hết. Làm xong sớm thì được về sớm.”
T. là một trường hợp khác không BTBH trong kỳ bầu cử năm 2021, tuy nhiên, anh và gia đình lại BTBH vào năm 2016.
Nhận thức của T. về bầu cử ở Việt Nam cũng tương đối đặc biệt, nhất là sau khi chính bố anh từng tham gia tổ bầu cử ở Thái Nguyên vào kỳ bầu cử năm 2007.
“Bố tôi từng là bí thư ở cơ quan nhà nước, khi đó đã về hưu. Vì từng là bí thư nên thuộc thành phần đáng tin cậy. Bố tôi nói nhận được chỉ đạo miệng từ trên xuống là ‘Không được dưới 95%’ và các tổ bầu cử phải chủ động bằng cách cho thêm phiếu vào”, T. nói.
“Nguyên văn bố tôi nói là ‘Họ phải nhồi thêm phiếu vào cho ông Mạnh”, T. thuật lại. “Mất mấy năm sau đợt bầu cử đó ông ấy mới dám kể lại cho tôi.”
Về những thông tin T. chia sẻ, Luật Khoa chưa có cơ hội kiểm chứng do nhân chứng trực tiếp là bố T. đã qua đời vào năm 2015.
Bầu thay bầu hộ có ở Hà Nội (muộn nhất là) từ năm 1997
Nếu quan sát thông tin trên các kênh truyền thông – báo chí Việt Nam hàng chục năm qua thì các vụ gian lận bầu cử là rất hy hữu. Có lẽ vụ việc một chủ tịch HĐND xã ở Hà Nội bị phát hiện đánh tráo 75 phiếu trong kỳ bầu cử năm 2021 là một trong số ít vụ việc gian lận được phát giác và xử lý công khai. [3]
Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng gian lận bầu cử ở Việt Nam, cụ thể là bầu thay, bầu hộ đã diễn ra từ lâu, được một chuyên gia nước ngoài ghi chép lại từ hơn 20 năm trước.
Nhà nghiên cứu người Singapore David Wee Hock Koh đã có cơ hội quan sát cuộc bầu cử ở Hà Nội vào ngày 20/7/1997 và ghi chép tỉ mẩn trong quyển sách “Wards of Hanoi”. [4] Thời điểm đó, Luật Bầu cử 1997 đã quy định về việc “cử tri phải tự mình đi bầu” và không được nhờ người khác bầu thay, bầu hộ (proxy voting).
Tuy nhiên, ông Koh đã tận mắt chứng kiến nhiều người cầm hai đến ba thẻ cử tri tại một địa điểm bầu cử. Sau khi người này bầu xong (cho chính mình và hai ba người khác), quan chức bầu cử cũng thản nhiên đóng dấu cho tất cả thẻ cử tri mà người này cầm.
Trong một trường hợp cá biệt, ông chứng kiến một người phụ nữ cầm trong tay 8 lá phiếu khi đáng lẽ ra bà ta chỉ nên cầm một phiếu vì lúc đó chỉ có một cấp bầu là đại biểu Quốc hội.
“Bà ta đã được một trong những cán bộ tại bàn đăng ký đưa cho 8 lá phiếu mà không bị đặt một câu hỏi nào, mặc dù vị cán bộ này đã kiểm tra tất các thẻ cử tri [bà ta đưa] và đánh dấu vào danh sách cử tri đi bầu.”
Sau khi truy hỏi thêm, ông nhận thấy đây là “một thực tế phổ biến ở tất các phường ở Hà Nội”. Một người bạn Việt Nam từng theo dõi các cuộc bầu cử vào thập niên 1980 còn thừa nhận với ông Koh rằng ông ta chưa từng tự tay bỏ lá phiếu nào và không hề bị cán bộ phường quở trách hay trừng phạt.
Vào cuộc bầu cử Hội đồng Nhân dân năm 2004, nhiều người bạn Việt Nam của ông Koh cũng nói rằng họ sẽ không đi bầu vì “người nhà sẽ bầu thay họ”.
Còn trong đợt bầu cử năm 1997, ông Koh cũng tự nhẩm tính: Nếu 37% tỷ lệ đi bầu của phường này tương đương 6.500 cử tri (dựa trên thông tin của quan chức quận vào thời điểm ông quan sát) thì sẽ là 2.405 cử tri trong 60 phút, tức khoảng 40 cử tri mỗi phút, tức 10 cử tri mỗi phút ở một trong bốn quầy bỏ phiếu. Tốc độ này có nghĩa quá trình bỏ phiếu của một cử tri chỉ tốn đúng 6 giây! Trừ khi phường này cực kỳ năng suất trong việc đôn thúc cử tri đăng ký lấy phiếu, gạch tên và bỏ phiếu thì khó mà có thể loại bỏ khả năng bầu thay bầu hộ.
Tính sơ qua, ông Koh ước lượng cứ 5 cử tri thì 1 người sẽ BTBH. Nếu như vậy, BTBH chiếm khoảng 20% tỷ lệ cử tri tham gia. Do đó, tỷ lệ tham gia đi bầu thực sự của Việt Nam vào năm 1997 chỉ là 79% – khá tương đồng với tỷ lệ thực ở các kỳ bầu cử của Liên Xô cũ, ông Koh nhận định.
Việc cho phép BTBH là một cách để nhanh chóng đạt tỷ lệ đi bầu cao. Nhiều cử tri chọn cách ở nhà khi “họ tin rằng việc tự đi bầu cũng không tạo ra sự khác biệt vì cho rằng đã có sự chọn lọc từ trước và lựa chọn giới hạn giữa các ứng cử viên”.
Đáng chú ý, ông Koh thậm chí đề cập rằng tình trạng bầu thay bầu hộ đã diễn ra từ trước năm 1989. Ông dẫn nguồn một bài báo trên báo Hà Nội Mới vào năm 1989 có tiêu đề “Cuộc bầu cử có đảm bảo dân chủ hay không, quyết định ở bước Hiệp thương do Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò chính” về cuộc phỏng vấn với Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Hà Nội Bùi Mạnh Trung.
Tiếp tục với số liệu, vào cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1992, tính đến 12 giờ trưa ngày bầu cử, một loạt tỉnh thành đã đạt tỷ lệ đi bầu cao: 75% ở Hà Nội, 75% ở Hải Phòng, 87% ở Thừa Thiên – Huế, 95% ở Khánh Hòa, v.v.
Với số lượng phiếu lớn như thế và từ cách thức tổ chức tại thời điểm đó, ông Koh nhận định chuyện này là “hoàn toàn không thể trừ khi cử tri di chuyển như cá hộp trong dây chuyền sản xuất”. Dựa trên số liệu từ truyền thông nhà nước, nếu tính toán kỹ thì sẽ thấy cử tri chỉ cần hai giây để bỏ phiếu xong trong giờ bỏ phiếu đầu tiên.
Dân số Việt Nam vào năm 1997 là khoảng 77 triệu người và vào năm 2021 là khoảng 98 triệu người. [5] Nhưng tỷ lệ đi bầu tính tới giữa ngày bầu cử sau 24 năm tiếp tục đạt mức cao mới. Theo báo Quân đội Nhân dân, tính đến trưa 23/05/2021, ngày diễn ra kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, Điện Biên đã đạt 85% tỷ lệ bầu, còn Quảng Ninh đạt 84%. [6]
Nếu như quan sát của nhà nghiên cứu David Wee Hock Koh cho một góc nhìn lịch sử về quy trình bầu cử ở Việt Nam từ năm 1997 đến năm 2004, đặc biệt về tình trạng BTBH ở Hà Nội thì lời kể của các cử tri nhân chứng của Luật Khoa tái khẳng định tình trạng BTBH vẫn tiếp diễn một cách có hệ thống và bài bản ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Giải pháp là cần tuyên truyền nhiều hơn?
Bài báo “Một người đi bỏ phiếu thay cả nhà: Vô trách nhiệm với bản thân, đất nước”đăng ngày 20/5/2021 trên VTC gián tiếp thừa nhận tình trạng bầu thay, bầu hộ trên cả nước. [7]
Trong bài báo, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nói: “Nếu xảy ra tình trạng này thì chính tổ bầu cử tạo điều kiện cho cử tri làm sai chứ không phải họ tự nhiên làm sai được”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thì cho rằng lý do chính vẫn là ý thức trách nhiệm của người dân, kèm theo bệnh thành tích và nể nang của đơn vị tổ chức.
Ông khẳng định tình trạng này chỉ xảy ra ở vùng sâu vùng xa, còn tại các thành phố lớn như Hà Nội thì việc tổ chức tốt hơn “do có sự giám sát của các cơ quan cấp trên thường xuyên hơn, ý thức của các đồng chí ở các tổ cũng cao hơn”.
Tuy nhiên, phần lớn vụ việc bầu thay bầu hộ mà Luật Khoa thu thập được đều xảy ra trong khu vực nội thành thủ đô Hà Nội.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường cũng khẳng định nguyên do là người dân không hiểu đúng quyền và nghĩa vụ của mình.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng thì cho rằng hiện nay pháp luật chưa có chế tài để xử lý BTBH, nên biện pháp xử lý khả quan nhất là đẩy mạnh tuyên truyền đến từng cử tri để nâng cao ý thức.
Ông Túc cũng nói thêm rằng ngoài tuyên truyền, cần có sự đôn đốc, giám sát.
Nhưng liệu việc tuyên truyền cho người dân, giám sát tổ chức đã đủ để ngăn chặn tình trạng bầu thay, bầu hộ? Các vấn đề định hướng trước bầu cử, chỉnh sửa lá phiếu hậu bầu cử do chính người của Mặt trận và các đơn vị bầu cử làm thì xử lý như thế nào?
Nếu thực tế tình trạng bầu thay, bầu hộ, bầu mù và thao túng lá phiếu trước và sau bầu cử đã diễn ra từ nhiều năm nay, vậy bao nhiêu trong số những người đang là đại biểu Quốc Hội và Hội đồng Nhân dân thực sự đại diện cho ý chí và nguyện vọng của người dân? Đây là câu hỏi đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.
Luật Khoa đã liên hệ với Hội đồng Bầu cử Quốc gia và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam qua thư điện tử chiều ngày thứ Hai, 19/7/2021 để phỏng vấn nhưng cho đến chiều thứ Ba, 27/7, vẫn chưa nhận được hồi âm, ngoại trừ một thư báo lỗi kỹ thuật từ hộp thư MAILER-DAEMON@smtp.quochoi.vn của Quốc hội đề ngày 24/7, tức năm ngày sau khi chúng tôi gửi email.
Nguồn: https://www.luatkhoa.org/2021/07/chung-toi-phong-van-cu-tri-ve-gian-lan-bau-cu-day-la-nhung-gi-ho-noi/