VNTB – Chẳng nhớ đã bầu cho ai!

VNTB – Chẳng nhớ đã bầu cho ai!

Phú Nhuận

 

(VNTB) – Có lẽ chả mấy ai để tâm là mình từng gạch tên ai, bầu chọn ai, phần vì 5 năm rồi còn gì, phần nữa có ai tranh cử đâu để mà mình nhớ…

 

Cựu phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Sĩ Dũng đặt câu hỏi khá cắc cớ: “Bạn có nhớ tên đại biểu Quốc hội mình đã bầu cho họ trong lần gần đây nhất không?”.

Ông kể, khi còn làm việc ở Văn phòng Quốc hội, ông thường tổ chức chương trình “Nghị viện trẻ” để giáo dục cho các cử tri trẻ về Quốc hội. Tại nhiều cuộc tiếp xúc, ông hay hỏi các bạn trẻ: “Các bạn có nhớ trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa rồi mình đã bầu cho ai không?”.

“Câu trả lời khá nhất quán, gần như không ai nhớ đã bầu cho đại biểu nào” – ông Nguyễn Sĩ Dũng nói.

Dĩ nhiên về lý thuyết thì một khi không nhớ tên đại biểu, xem ra khó xác lập chế độ trách nhiệm của đại biểu trước cử tri.

Nếu dân chủ là việc các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải chịu trách nhiệm trước cử tri, chúng ta sẽ vận hành nền dân chủ của mình thế nào trong tình cảnh như vậy – đặc biệt là ở hôm chiều ngày 16-5 rồi, báo chí đồng loạt đăng bài viết ký tên Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, ở đoạn gần cuối, tác giả viết:

“…bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân. Nhân dân tiếp nhận, ủng hộ và nhiệt tình tham gia thực hiện đường lối của Đảng vì thấy đường lối đó đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng của mình. Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển”.

Cử tri không nhớ mình đã bầu cho ai, vậy thì làm sao họ biết đường lối của Đảng có đáp ứng yêu cầu dân sinh của mình hay không?

Thật ra thì mỗi khi gặp chuyện oan ức, cử tri cũng nhận được sự tham vấn từ báo chí, luật sư là hãy cậy đến tiếng nói của các vị đại biểu Quốc hội. Thế nhưng có ai thử thống kê là có vụ nào nhờ tiếng nói của vài vị đại biểu Quốc hội X.Y.Z. nào đó mà họ hết oan khuất?

Hai dẫn chứng dễ nhận thấy nhất cho việc các đại biểu Quốc hội của Việt Nam dường như ‘lực bất tòng tâm’: vụ đất đai Thủ Thiêm, và đất đai ‘vườn rau Lộc Hưng’.

Hai vụ việc đơn cử trên phần nào giúp giải thích cho thắc mắc của ông Nguyễn Sĩ Dũng, là nền dân chủ đại diện có hai cấu phần: đại diện và ủy quyền. Phần đại diện do các đại biểu đảm nhiệm; phần ủy quyền do cử tri đảm nhiệm. Vận hành nền dân chủ đại diện chính là vận hành cả hai phần cấu thành này.

“Tuy nhiên, từ trước đến nay, có vẻ như chúng ta chỉ chú ý đến phần đại diện mà ít quan tâm đến phần ủy quyền. Các đại biểu phải hoạt động theo quy chế, phải báo cáo kết quả hoạt động với cử tri, phải chịu sự giám sát của Mặt trận và của truyền thông… Còn các cử tri, sau khi bỏ phiếu xong, gần như hết trách nhiệm, gồm cả việc nhớ tên” – ông Nguyễn Sĩ Dũng ‘trách cứ’ cử tri như vậy.

Giờ tạm giả dụ trách móc của ông Nguyễn Sĩ Dũng là đúng, vậy thì tư cách là một cử tri, người viết bài này yêu cầu ứng cử viên Nguyễn Phú Trọng – một người có thâm niên nhiều khóa liền trong vai trò ‘ông nghị’, hãy chấm dứt ngay cách lập luận luôn mang tính giả định, đổ thừa hoàn cảnh: “Thành công hay thất bại là phụ thuộc trước hết vào sự đúng đắn của đường lối, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng” – trích bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

Bởi thế nào là đúng đắn, là bản lĩnh chính trị của từng nhiệm kỳ Tổng bí thư – vì ngay cả đồng chí Tổng bí thư đương nhiệm vẫn còn loay hoay gọi là “một số vấn đề lý luận và thực tiễn” cho tìm kiếm về con đường ‘đi lên’ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Nói thêm, không rõ ‘động cơ nào’, mà sau chưa đến 24 tiếng, bài viết kể trên của tác giả “Giáo sư, Tiến sĩ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng” được ‘xử lý chìm’, khi đã không còn hiện diện ở trang 1 của các báo điện tử.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)