Dân Luận tổng hợp
Từ trái qua phải: Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long và luật sư Lê Công Định tại phiên tòa sơ thẩm ngày 20/1/2010. Ảnh: Reuteurs/VNA.
Theo tin Dân Luận vừa nhận được, ông Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung và Lê Công Định đã gửi đơn tới Tòa Án Nhân Dân Tối Cao vào ngày 9/1/2015 yêu cầu xem xét lại bản án sơ thẩm (ngày 20/1/2010) và phúc thẩm (ngày 11/5/2010) theo trình tự giám đốc thẩm. Lý do yêu cầu kháng nghị giám đốc thẩm là vì thủ tục tố tụng đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng hình sự liên quan đến việc điều tra, truy tố và xét xử.
Các nạn nhân của vụ án chính trị này, bao gồm Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long và Nguyễn Tiến Trung đã bị Cơ quan an ninh điều tra sử dụng những biện pháp có tính chất nhục hình để bức cung bị nghiêm cấm bởi pháp luật, như:
– Bị gọi lên thẩm vấn liên tục, từ sáng sớm tới tối khuya, khiến tinh thần người bị thẩm vấn mệt mỏi;
– Bị giam trong phòng kín, chỉ có một lỗ nhỏ để thông hơi, vừa thiếu không khí, vừa thiếu nước sạch, khiến người bị giam ngột thở và căng thẳng;
– Bị đe dọa áp dụng mức hình phạt tử hình;
– Bị đe dọa đánh và bêu xấu chuyện riêng tư, và
– Bị gây áp lực về tình trạng gia đình.
Việc xét xử ở cả hai phiên tòa đều chỉ dựa trên hồ sơ do Cơ quan an ninh điều tra lập trong tình trạng sử dụng những biện pháp có tính chất nhục hình nói trên, các luật sư không được phép hỏi các bị cáo cùng một lúc để đối chiếu lời khai và xác minh sự việc, khiến việc điều tra xét hỏi ở phiên tòa phiến diện và không đầy đủ. Tòa chỉ dựa trên các nhận định và kết luận có sẵn trong các bản Kết luận điều tra của Cơ quan an ninh điều tra và Cáo trạng của Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, trong khi đó các nhận định và kết luận này chủ yếu dựa trên suy đoán và áp đặt, nhưng lại suy đoán theo hướng có tội, vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam và nền tảng của tất cả luật hình sự trên thế giới.
Các nạn nhân yêu cầu xem xét lại toàn bộ vụ án, và phải ra quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án sơ thẩm và phúc thẩm cho tới khi có kết quả cuối cùng.
Trước đó, ngày 2/1/2015 ông Trần Văn Huỳnh, phụ thân của Trần Huỳnh Duy Thức cũng đã gửi đơn tới nhiều nơi tố cáo việc Trần Huỳnh Duy Thức bị truy bức và nhục hình trong quá trình điều tra. Được biết ngày 17/10/2014 Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội đã chuyển đơn khiếu nại của ông Trần Huỳnh Duy Thức tới Tòa Án Nhân Dân Tối Cao yêu cầu xem xét lại bản án phúc thẩm theo trình tự giám đốc thẩm, với lý do ông đã thông báo với Hội đồng xét xử tại phiên tòa về việc ông bị bức cung và nhục hình trong quá trình điều tra nhưng không được các cấp Tòa xem xét, do đó kết quả ở các phiên tòa này không khách quan, không đúng pháp luật và làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông. Tuy nhiên, cho đến nay đơn kêu oan và yêu cầu giám đốc thẩm của ông Trần Huỳnh Duy Thức vẫn chìm trong im lặng.
Xin nhắc lại vụ án “Trần Huỳnh Duy Thức và đồng bọn” với cáo buộc “lật đổ chính quyền nhân dân” vào năm 2009 đã làm chấn động dư luận trong nước và quốc tế. Việc chính quyền tuyên án nặng nề cho các bị cáo đã bị các quốc gia phương tây như Anh, Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu lên tiếng phản đối. Bộ ngoại giao Anh ra thông cáo và bày tỏ quan ngại: “Không thể cầm tù bất kỳ ai vì người đó bày tỏ quan điểm của mình một cách hòa bình”, còn đại diện của Hoa Kỳ ra thông cáo: “Chúng tôi cũng quan ngại về việc tiến hành phiên toà rõ ràng đã thiếu trình tự chuẩn mực, các bản án đã đi ngược lại với Tuyên ngôn Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, việc kết tội này cũng đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng đối với cam kết của Việt Nam về nền pháp trị và cải cách”. Các tổ chức nhân quyền quốc tế như Tổ chức Ân Xá Quốc Tế cũng bày tỏ quan ngại: “Những người này đáng ra không bao giờ nên bị bắt chứ đừng nói là bị buộc tội và nhận án tù, phiên tòa rõ ràng là sự nhạo báng công lý”. Tổ chức Civil Rights Defenders cũng đã nhắc đến trường hợp Trần Huỳnh Duy Thức tại buổi lễ trao giải “Người bảo vệ các quyền dân sự của năm 2015” vào đầu tháng 4 năm 2015.